CÁC SỰ KIỆN PHỐI HỢP VỚI NHAU TẠO THỜI CƠ THUẬN LỢI CHƯA TỪNG CÓ!

Trần Quí Cao

15-11-15

Các biến chuyển trên thế giới có liên quan tới Việt Nam ngày càng dồn dập, lôi cuốn, thúc đẩy nước này tiến lên con đường văn minh và phát triển bền vững.

Quan sát các biến chuyển ấy trong những ngày gần đây, người viết nhận thấy thời cơ ngày càng thuận lợi, có tác động thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước, tự chủ hoá nền kinh tế để, trên cơ sở đó, phát triển mạnh mẽ.

Các sự kiện ấy độc lập với nhau, được vạch ra và tiến hành bởi các tổ chức, chính quyền độc lập với nhau. Vậy mà, thú vị thay, may mắn thay, và cũng đúng thời thế thay, tất cả tạo nên hợp lực khó cưỡng lại lôi cuốn nước Việt Nam vào khúc quanh lịch sử. Khúc quanh lịch sử đó là thoát độc tài và thoát toàn trị.

CÁC SỰ KIỆN GÌ?

Chúng tôi chỉ xin nói đến những sự kiện xuất phát từ ba quốc gia, xảy ra trong vòng vài tháng nay.

1) Trung Hoa: Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam

a) Trước chuyến thăm:

Đại đa số dân Việt Nam căm ghét Trung Cộng. Những trận chiến Trung Cộng đánh vào đất liền và biển đảo của Việt Nam còn tươi màu máu trong ký ức dân Việt. Khoảng một trăm ngàn quân và dân Việt Nam bị tàn sát thảm khốc, và Trung Cộng hiện vẫn còn đang chiếm giữ biển đảo quan trọng của Việt Nam. Họ đã xây trên đó những hạ tầng vững chắc có thể dùng cho mục đích quân sự uy hiếp toàn bộ Biển Đông và đất liền của Việt Nam. Họ cướp đoạt ngư trường truyền thống, đánh đuổi và giết hại ngư dân Việt. Do đó dân chúng Việt Nam không muốn thấy ông Tập trên đất nước mình. Đối với họ, ông Tập là bạn của đảng CSVN nhưng là kẻ thù của dân tộc.

b) Trong chuyến thăm:

Dân chúng biểu thị hòa bình ý muốn phản đối ông Tập và Trung Cộng. Chính quyền dùng bạo lực của công an và xã hội đen cấm đoán, đàn áp dân chúng trong khi dùng nghi lễ 21 phát đại bác với hoa hồng rải đường đón ông Tập.

Sự kiện Trung Cộng chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam và chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa không được đề cập tới trong các buổi hội kiến và trong phát biểu của ông Tập trước Quốc hội Việt Nam. Chỉ có tung hô tình hữu nghị và thề thốt cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội độc đảng, độc tài và toàn trị tại Việt Nam, điều mà dân Việt cực kỳ chán ghét và căm hận.

c) Sau chuyến thăm:

Sự chia rẽ giữa dân chúng và đảng CSVN càng rõ nét, sâu sắc.

Dân chúng đã nhìn thấy đảng CSVN (thực chất là thế lực đang khuynh đảo đảng CSVN và nhờ Trung Quốc bảo vệ sự thống trị của mình) đã hoàn toàn quay lưng với dân tộc, với tổ quốc. Họ bỏ mặc dân chúng bị Trung Quốc giết hại và bỏ mặc những phần lãnh thổ bị Trung Quốc chiếm cướp. Họ cười rạng rỡ và xun xoe chào đón ông Tập trong niềm hi vọng hân hoan rằng ngôi vị thống trị của họ sẽ còn tồn tại dù lòng dân đã phế bỏ.

Dân chúng đã hiểu rằng, đối với thế lực này, nước Việt cần có thái độ và hành động dứt khoát chống lại nếu muốn bảo vệ nền tự chủ và giàu mạnh của tổ quốc. Đại đa số dân chúng và đa số đảng viên đã có sự đồng cảm và đồng lòng với nhau về điều này.

2) Hoa Kỳ: Các động thái về Biển Đông và hiệp định TPP

a) Các nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Hoa Kỳ trong chính quyền cũng như trong hệ thống quân sự phê phán những việc làm chà đạp luật pháp quốc tế của Trung Quốc như hung hăng áp đặt đường lưỡi bò, thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng cách bồi đắp bãi chìm thành đảo nổi, áp đặt các đòi hỏi chủ quyền và lãnh hải vô lý…

b) Hoa Kỳ đã quyết định tuần tra Biển Đông trong vùng 12 hải lý mà Trung Quốc cho rằng thuộc về lãnh hải của họ. Đặc biệt, trong khi ông Tập có mặt tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã mời người đồng cấp Mã Lai cùng thị sát Biển Đông trên chiến hạm Mỹ. Đây là những động thái quyết đoán của Hoa Kỳ phủ nhận các đòi hỏi vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

c) TPP đã được ký kết. Ai cũng biết độ lớn kinh tế và diện tích lãnh thổ TPP bao phủ. Hơn nữa, TPP không chỉ có giá trị kinh tế, mà còn có các ý nghĩa chính trị tiếp theo. Riêng đối với Việt Nam, nếu biết tận dụng, lợi ích kinh tế mà hiệp định này sẽ mang lại thực vô cùng to lớn: gia tăng độ lớn nền kinh tế, và, rất quan trọng, tạo cơ hội để Việt Nam tự chủ về kinh tế thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc. Hoa Kỳ đã rất nỗ lực để TPP được ký kết trong năm 2015.

3) Myanmar: Cuộc bầu cử đa đảng và dân chủ thành công

Cuộc bầu cử tự do dân chủ đầu trên trên đất nước này sau 50 năm dưới chế độ độc tài quân đội đã được tiến hành. Đảng đối lập đã thắng lợi với tỉ lệ áp đảo. Đảng cầm quyền tuyên bố thua, chúc mừng đảng đối lập, và hứa sẽ cộng tác để bàn giao chính quyền.

Những cuộc bầu cử được tổ chức một cách công bằng và dân chủ, được người dân và các đảng phái chính trị chấp nhận trong tinh thần công bằng và dân chủ như thế này đã là thông lệ tại các nước dân chủ truyền thống như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Úc… Tuy nhiên, đối với Myanmar, cuộc bầu cử được tổ chức bởi nhà cầm quyền mới hôm qua còn độc tài lại kết thúc êm đẹp, minh bạch và chan hòa tinh thần dân chủ như vậy thực là một thành công vang dội. Cả thế giới chúc mừng và khâm phục. Dân chúng Myanmar hạnh phúc cùng hướng về tương lai tươi sáng trong tinh thần hòa hợp, hòa giải.

KHÚC QUANH LỊCH SỬ CỦA VIỆT NAM

Rất đáng tiếc cho Việt Nam là sau khi giành độc lập từ Pháp lại tự phá hủy sinh lực của mình bằng cuộc nội chiến tàn khốc. Xã hội Việt Nam dần đánh mất các điều hay của nhân loại mà Việt Nam tiếp thu từ phương Tây như cách tổ chức xã hội, tinh thần khoa học, các giá trị sống mới mẻ và văn minh (tự do, dân chủ, bình đẳng, khoa học khách quan)… Chế độ độc đảng và toàn trị bao trùm đất nước khiến nguồn lực dồi dào của Việt Nam bị phung phí và lập trường kiên định chủ nghĩa xã hội khiến Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng.

Bốn mươi năm đất nước thống nhất dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN đem lại một nước Việt Nam thụt lùi mọi mặt và nền tự chủ bị xâm phạm và uy hiếp nặng nề bởi Trung Cộng. Không lập tức và tích cực thoát khỏi tình trạng bế tắc này, tương lai của Việt Nam sẽ rất tối tăm và bi thảm. Người dân Việt Nam, qua lịch sử ngàn năm, đã biết lệ thuộc vào Trung Quốc bành trướng thì cuộc sống tối tăm và bi thảm dường nào!

Việt Nam cần dứt khoát bước vào khúc quanh lịch sử thoát độc tài và thoát toàn trị. Thoát độc tài và thoát toàn trị, Việt Nam sẽ thoát khỏi bầu không khí u ám, nặng nề, ngu tối của chế độ cộng sản, của đói nghèo, của lệ thuộc Trung Cộng. Thoát độc tài toàn trị là khúc quanh quan trọng nhất, quyết định tất cả.

Đại đa số dân chúng mong muốn và sẵn sàng góp sức vào sự nghiệp này. Chưa bao giờ lòng dân đồng thuận cao tới vậy, nếu xét trên số phần trăm ủng hộ hướng đi này thì con số tối thiểu chắc cũng phải trên 80%, theo như vài khảo sát gián tiếp.

LẬP LUẬN CỦA ĐẢNG CSVN và CÁC SỰ KIỆN NÓI TRÊN PHẢN BÁC RA SAO?

Trái lại, các thế lực muốn duy trì nền thống trị độc đảng cho đảng CSVN lập luận thế nào? Họ cho rằng có 3 lý do chính khiến Việt Nam không nên và không thể bước vào khúc quanh lịch sử nói trên được:

1) Lý do thứ nhất: Vì chủ nghĩa xã hội là con đường tốt đẹp nhất mà Việt Nam không được rời xa và phải nỗ lực xây dựng. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, phải giữ đại cục liên minh với Trung Cộng, với đảng Cộng Sản Trung Quốc.

2) Lý do thứ hai: Vì điều này có nguy cơ kéo theo các hệ quả đối đầu và có thể có xung đột với Trung Quốc. Trung Quốc có thể chiếm các đảo mà Việt Nam còn giữ trên Biển Đông. Trung Cộng có thể áp lực kinh tế gây khủng hoảng cho Việt Nam vốn đang rất lệ thuộc họ.

3) Lý do thứ ba: Vì trình độ dân trí Việt Nam còn thấp, chưa biết cách sử dụng các quyền tự do và chưa biết cách hành xử dân chủ, và do đó đa đảng và tự do sẽ gây hỗn loạn xã hội…

Ngoài những nhân vật có hiểu biết nhưng vì quyền lợi và tiền của cho cá nhân mà nấp sau lập luận nêu trên, thì vẫn còn một số đảng viên và dân chúng còn tin tưởng vào lập luận đó. Thực ra, với đại đa số những người Việt Nam quan tâm tới thời sự chính trị và tương lai tổ quốc, ba lý do nói trên chỉ là lập luận càn của kẻ cùng đường cạn lý. Các sự kiện trong đời sống thực phản bác dứt khoát lập luận đó.

Tính cùng đường cạn lý của lý do thứ nhất

Liên kết giữa 2 nước và hai đảng Việt-Trung chỉ là liên kết giữa hai đảng cầm quyền rất phản động, phản động theo ý nghĩa là ngoan cố đi ngược chiều tiến của toàn nhân loại về hướng tự do, dân chủ, đi ngược ước vọng của đại đa số dân chúng trong mỗi nước. Liên kết này dựa trên chủ nghĩa xã hội, một chủ nghĩa mà đại đa số các nước từng đi theo đã vứt bỏ vì sự tai hại cuả nó.

Sự kiện ông Tập thăm Việt Nam với các tuyên bố không thật lòng về truyền thống láng giềng tốt đẹp, với các khuyến dụ hai nước hỗ trợ nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội, chấp nhận giữ nguyên hiện trạng về việc Trung Quốc cướp biển đảo Việt Nam đã càng khiến dân Việt thấy rõ lý do thứ nhất chỉ là trò phỉnh dụ, là trò hề. Không hề có chủ nghĩa xã hội tốt đẹp, chỉ có chiêu bài của Trung Cộng giữ Việt Nam trong vòng chư hầu lệ thuộc, giữ êm thấm nước Việt Nam trong khi Trung Cộng củng cố pháp lý và công trình quân sự trên các đảo đó, và chiêu bài của giới cầm quyền cộng sản Việt Nam muốn “buông” biển đảo cho Trung Cộng để giữ nền thống trị bóc lột của đảng trên nước Việt Nam.

Tính cùng đường cạn lý của lý do thứ hai

Nhiều nhà quan sát quốc tế và Việt Nam cho rằng Trung Cộng rất sợ xảy ra chiến tranh chính thức với Việt Nam.

Nếu Trung Cộng gây ra cuộc chiến này: a) Trung Cộng không có đồng minh, cũng không có người ủng hộ trên thế giới, b) Nền kinh tế Trung Cộng bị ảnh hưởng rất tai hại: con đường vận chuyển nhiên liệu, nguyên liệu và hàng hóa bị cắt đứt. Đó là chưa kể các lệnh cấm vận vì hành vi gây cuộc chiến phi nghĩa, c) Kinh tế quốc gia khủng hoảng vì cuộc chiến phi nghĩa, Trung Cộng sẽ đại loạn do các đại bất mãn tích tụ quá lâu dài trong dân chúng thừa cơ bùng phát. Loạn sắc tộc, loạn chính trị, loạn xã hội…

Tác hại của cuộc chiến đối với Trung Cộng sẽ to lớn và khó sửa chữa hơn là tác hại đối với Việt Nam. Trung Cộng sợ cuộc chiến nổ ra hơn Việt Nam. Nói vậy không có nghĩa là người viết ủng hộ chiến tranh, chỉ là muốn nêu một cái nhìn toàn cục về thế mạnh và yếu giữa hai bên để chính quyền Việt Nam không vì ươn hèn và ích kỷ mà thêm một lần nữa uốn gối Thành Đô di hại quá lớn về sau.

Hơn nữa, Việt Nam không tấn công ai, chỉ thay đổi nền chính trị của riêng mình. Sẽ không có một Trung Cộng nào đủ lý lẽ để dám gây chiến!

Trung Cộng không có lợi khi gây chiến, nhưng sẽ có lợi nếu trong khi Việt Nam đồng ý giữ “đại cục bang giao Việt-Trung” và chấp nhận hiện trạng đã bị mất một số đảo, Trung Cộng lại lấn chiếm thêm các đảo khác của Việt Nam. Dân chúng Việt Nam đã biết rõ điều này, rằng khi chấp nhận “đại cục bang giao Việt –Trung”, đảng CSVN đã câu giờ trước dân tộc để nhượng thêm lãnh thổ cho kẻ xâm lăng truyền kiếp.

Sự kiện hải quân Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông 8 lần/năm là một răn đe có hiệu quả mà Trung Cộng không thể không e dè. Việt Nam, cùng với quyết tâm không để mất một tấc lãnh thổ nào nữa, có thể dùng thời cơ thuận lợi do sự kiện này mang lại để bảo vệ lãnh thổ mà vẫn bảo vệ được hòa bình. Ngoài ra, cùng với việc Phi Luật Tân kiện Trung Cộng, Indonesia đã thách thức Trung Cộng về đường lưỡi bò phi lý. Hợp lực của các sự kiện thế giới và khu vực không cho phép Trung Cộng lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam hơn nữa. Việt Nam cần tận dụng thời cơ này để dân chủ hóa đất nước, phục hưng và nâng cao nội lực dân tộc. Chỉ cần hai thập niên năm năm cả nước đồng lòng, không một thế lực hiếu chiến và bành trướng nào dám coi thường Việt Nam. Chúng ta sẽ là một thế lực rất đáng nể để bảo vệ hòa bình và sự phát triển của chúng ta.

Quả thật là sau 40 năm toàn trị Việt Nam, đảng CSVN đã khiến nền kinh tế đất nước phụ thuộc nặng nề vào Trung Cộng về nhiều mặt. Sự kiện TPP đã được ký kết và sẽ được thực thi chính là cơ hội quá tốt để nền kinh tế Việt Nam dần tự chủ hơn. Chỉ cần hai thập niên quyết tâm tìm sự tự chủ đó, Việt Nam có thể tự tin ở mức độ thoát Trung về kinh tế để không còn phải sợ Trung Cộng dùng kinh tế uy hiếp nữa.

Vậy nên, lý do thứ hai đảng CSVN nêu ra để không cho Việt Nam rời bỏ độc tài và toàn trị chỉ là sự thổi phồng các nguy cơ hoàn toàn có thể ngăn cản được. Lý do này có mục đích thuyết phục dân Việt chấp nhận kéo dài chính thể độc tài của đảng CSVN, chấp nhận mất biển đảo cho Trung Cộng. Thay vì có đối sách kêu gọi hùng tâm dũng khí, phát huy truyền thống tự chủ của dân tộc để bảo vệ và phát triển đất nước, và sau đó đòi lại biển đảo đã bị cướp mất, đảng CSVN lại dùng con ngáo ộp Trung Cộng vuốt ve lòng sợ hãi ươn hèn của dân chúng để dìm đất nước trong vòng lệ thuộc Trung Cộng và vòng trị độc tài của đảng!

Tính cùng đường cạn lý của lý do thứ ba

Đã biết bao túi khôn chính trị nhân loại, đã biết bao bài học thực tiễn trên thế giới từ mấy trăm năm qua, dạy rằng: chính thể tự do mới phát huy được sức mạnh dân chúng, xây dựng cuộc sống ấm no và nền tự chủ đất nước, chính thể độc tài thì ngày càng làm xã hội suy thoái và quốc gia mất tự chủ.

Dân chúng Việt Nam, trước năm 1945, dù dưới chế độ thực dân Pháp, so sánh với các nước trong vùng, đã có trình độ tự do dân chủ tương đối cao. Hãy nhớ lại các quyền tự do báo chí, tự do lập hội, các cuộc biểu tình vài chục, vài trăm ngàn người gần trăm năm trước chống chính quyền thuộc địa, bênh vực Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… để biết mức độ dân chủ thực sự của Việt Nam lúc đó so với bây giờ. Sau năm 1956, miền Nam xây dựng chế độ dân chủ tiến bộ hơn, thực chất là một nền dân chủ hiện đại bảo đảm tất cả các quyền tự do căn bản của người dân dù đang bị miền Bắc tiến công tàn khốc…

Ngoài ra cần nhớ rằng, trước 1975, nền dân chủ của miền Nam tương đương của Hàn Quốc. Đảng CSVN đã đánh phá và lật đổ nền dân chủ của miền Nam, chiếm quyền cai trị đất nước 40 năm, mỗi ngày mỗi tàn phá thêm các nền tảng dân chủ đó, để tới hôm nay Việt Nam được thế giới xếp hạng là một trong những nước thiếu dân chủ nhất! Đảng CSVN có thể dễ dàng phủi tay với trách nhiệm này sao? Dân chúng Việt có thể mong đợi gì ở đảng CSVN để nâng cao trình độ dân trí cho tới lúc, theo ý đảng, đủ sức hưởng tự do?

Sự kiện cuộc bầu cử đa đảng và dân chủ thành công ở Myanmar là lập luận thực tiễn bác bỏ lý do thứ ba này. Lập luận rằng đa đảng và tự do sẽ gây hỗn loạn xã hội trở nên lố bịch. Lập luận rằng trình độ dân trí Việt Nam còn thấp trở nên khôi hài. Sự kiện cuộc bầu cử đa đảng và dân chủ thành công ở Myanmar càng chứng tỏ rõ tính cùng đường của lập luận này và lật tung tính lấp liếm, giả dối của người lập luận.

KẾT LUẬN

Các điều vạch ra trên đây thật ra không mới mẻ gì, người viết chỉ tổng hợp lại mà thôi. Còn bao nhiêu phần trăm dân chúng và bao nhiêu phần trăm đảng viên chưa thấy các điều này?

Người viết tin rằng số phần trăm đó rất nhỏ. Do vậy, xác suất để Việt Nam tiến vào khúc quanh lịch sử thoát độc tài, thoát toàn trị là rất lớn. Khi đã thoát độc tài, toàn trị thì thoát Cộng, thoát Trung sẽ là các hệ quả tất nhiên.

Thời cơ trước mắt cho dân tộc lớn lắm, phần thưởng cũng lớn lắm. Cái đỉnh độc tài toàn trị đã rất nghiêng rồi, cố gắng thêm, kiên nhẫn thêm, những người đấu tranh cho tự do dân chủ sẽ lật được nó.

Cùng nhau nhìn lên cao, cùng nhau nhìn rộng ra thế giới. Đoàn kết, kiên nhẫn, quyết tâm, khiêm tốn, bao dung, xây dựng nhu cầu phát triển tổ quốc trong mỗi người dân và tổ chức liên kết với các người cùng nhu cầu đó. Mục tiêu quá tốt đẹp, lành mạnh, thời cơ quá thuận lợi, bằng tình đồng bào chúng ta sẽ thuyết phục được mọi người cho dù có khuynh hướng chính trị nào. Bởi vì không có tình tự nào quyến rũ hơn tình tự dân tộc và lập luận nào thuyết phục hơn lập luận của tổ quốc.

Tôi tin rằng rồi đảng CSVN cũng sẽ phải thay đổi. Một ngày không xa!

T.Q.C

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn