BIỂN ĐÔNG LÀ TRỌNG TÂM CỦA BẠCH THƯ QUỐC PHÒNG ÚC 2016

LS Nguyễn Văn Thân

Thứ năm tuần trước, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Bộ Trưởng Quốc phòng Marise Payne công bố Bạch thư Quốc Phòng Úc 2016. Bạch thư là một văn kiện phân tích những thách thức quốc phòng quan trọng mà Úc phải đối phó và phác họa kế hoạch và giải pháp trong hai thập niên tới.

Một số điểm chính của Bạch thư là Úc sẽ đầu tư 195 tỷ Úc kim trong một thập niên vào các lực lượng không quân, lục quân, hải quân và tình báo điện tử và không gian. Không quân sẽ được chi viện thêm 34 tỷ mua sắm 72 chiến cơ F-35A JSF và 12 chiến cơ điện tử E/A-18 Growlers. 35 tỷ được chi cho lục quân gồm có máy bay không người lái (drones) bảo vệ binh sĩ, trực thăng chiến đấu và xe tăng M1 Abrams. Tình báo điện tử và không gian có thêm 18 tỷ để sắm các loại máy bay trinh thám và nâng cấp hệ thống radar. Hải quân được tăng nhiều nhất với con số là 49 tỷ để sắm 12 chiếc tàu ngầm thay thế tàu ngầm Collins, 7 chiếc máy bay dọ thám PA-8 Poseidon và 12 chiếc tàu tuần dương ngoài khơi. Ngân sách quốc phòng sẽ tăng lên mức 2% GDP và lực lượng quân nhân hiện dịch sẽ tăng từ 58.000 hiện nay lên 62.400 trong một thập niên tới.

Về hình thức thì Bạch thư dài 190 trang và chia thành có 9 chương gồm có chính sách quốc phòng của nhà nước, viễn cảnh chiến lược, chiến lược quốc phòng, tương lai quân đội Úc, định vị quốc phòng để đối phó với những thách thức, lực lượng quân nhân hiện dịch và trừ bị, cải cách cơ cấu và văn hóa của Bộ Quốc phòng, kinh phí và thực thi Bạch thư. Đây là một văn bản toàn diện, đầy đủ và lần đầu tiên ước lượng kinh phí được các chuyên gia tư nhân, độc lập ngoài Bộ Quốc phòng xác nhận. Bạch thư 2016 cũng mang tính lịch sử vì nó được ban hành dưới quyền lãnh đạo của Thượng Nghị Sĩ Marise Payne - nữ Bộ Trưởng Quốc phòng đầu tiên của Úc. 

So với các Bạch thư trước, Bạch thư 2016 rõ ràng định vị chiến lược quốc phòng của Úc tại khu vực châu Á - Thái bình dương. Các Bạch thư trước đây như Bạch thư 2000, 2009 và 2013 đều bị chi phối bởi các biến cố ở Trung Đông. Bạch thư 2016 xác định 3 mục tiêu chiến lược quan trọng gồm có xây dựng khả năng ngăn chận hoặc đánh bại mọi sự tấn công hoặc đe dọa của kè thù, giữ trật tự an ninh trong vùng biển Đông Nam Á và Thái Bình dương và góp phần gìn giữ hòa bình trong khu vực Ấn độ trong khuôn khổ trật tự toàn cầu dựa trên luật quốc tế. Trong 3 mục tiêu này, mục tiêu thứ hai là quan trọng nhất và sẽ dẫn dắt quyết định quốc phòng đó là gìn giữ trật tự an ninh trong vùng biển Đông Nam Á hoặc Biển Đông. Tuy Úc không có nhiều nguy cơ bị một quốc gia khác tấn công trực tiếp trong vòng một thập niên tới nhưng có 6 yếu tố có thể ảnh hưởng quan trọng đền tình hình anh ninh và hòa bình của Úc. Quan trọng nhất là mối quan hệ giữa Hoa kỳ và Trung Quốc. Chiều hướng là hai bên sẽ vừa hợp tác và vừa đấu tranh dẫn đến mối quan hệ và mâu thuẫn phức tạp. Thứ hai là một số cường quốc như Nga hoặc Trung Quốc sẽ thách thức một trật tự thế giới dựa trên luật quốc tế mà họ cho rằng do Hoa kỳ và châu Âu đặt ra để bảo vệ quyền lợi của thế giới tự do. Thật ra, chính Trung Quốc là nước hưởng lợi khá nhiều từ hệ thống luật lệ này trong hai thập niên qua. Các yếu tố còn lại gồm có vấn nạn khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tấn công mạng làm tê liệt hệ thống truyền tin và biến đổi khí hậu trong khu vực Thái bình dương có thể gây ra thiên tai và hỗn loạn.

Bạch thư nhấn mạnh kế hoạch, chiến lược và nền tảng quốc phòng của Úc dựa trên quan hệ đồng minh với Hoa kỳ và các loại vũ khí mà Úc đầu tư phải có khả năng tương tác với Mỹ. Quyền lợi của Úc lệ thuộc vào một trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc mọi quốc gia tôn trọng điều lệ và luật pháp quốc tế. Tuy không nói rõ nhưng Bạch thư ám chỉ sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức rất lớn đối với nguyên tắc này.

Bạch thư xác nhận sự hiện diện của Hoa kỳ sẽ đóng vai trò tích cực trong viện duy trì ổn định hòa bình trong khu vực. Tuy nhiên, vai trò này ngày càng bị Trung Quốc thách thức. Hiện nay, Trung Quốc có lực lượng hải quân và không quân lớn nhất tại châu Á. Tới năm 2020, Trung Quốc sẽ cớ tới 70 tàu ngầm. Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ thách thức trật tự thế giới dựa trên luật pháp và quyền tiếp cận tài sản chung của nhân loại gồm có biển cả, hệ thống mạng và không gian vũ trụ. Trong năm 2015, Giám đốc Hệ thống Tín hiệu Úc (Australian Signals Directorate) phát hiện hơn 1,200 lượt tấn công mạng nhắm vào cơ quan nhà nước cũng như các công ty tư nhân của Úc.

Đông Nam Á là một khu vực tối quan trọng đối với Úc. Thương mại hai chiều giữa Úc và các quốc gia ASEAN có giá trị trên 100 tỷ Mỹ kim hàng năm. Gần 2/3 xuất cảng khoáng sản, than đá và gas của Úc tới các thị trường ở 3 nước Trung Quốc, Nhật bản và Đại Hàn đi qua Biển Đông. Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đe dọa thông thương hàng hải và quyền lợi của Úc. Lập trường của Úc là không bênh vực bên nào nhưng kêu gọi tất cả mọi bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật quốc tế. Úc phản đối việc tôn tạo đảo và sử dụng đảo nhân tạo cho mục đích quân sự. Úc cũng phản đối mọi yêu sách chủ quyền không theo luật quốc tế và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Úc cũng bày tỏ mối lo ngại về vận tốc và tầm vóc chưa từng có các công tác tôn tạo đảo của Trung Quốc. Úc kêu gọi Trung Quốc và ASEAN hoàn tất Nguyên Tắc Ứng Xử càng sớm càng tốt để làm giảm tình trạng căng thẳng tại Biển Đông.

Tuy không nói thẳng nhưng nếu đọc kỹ thì có thể nhận ra Bạch thư xác nhận Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đến quyền lợi của Úc trong một thập niên tới với yêu sách chủ quyền không phù hợp với luật quốc tế và chiến lược quân sự hóa tại Biển Đông. Ngay sau khi Bạch thư được công bố, cựu Thủ tướng Tony Abbott trong một bài phát biểu tại Nhật cũng tố cáo Trung Quốc đang tạo ra tình trạng bất ổn tại Biển Đông và tuy Úc có quan hệ kinh tế nhưng không chia sẻ các giá trị cốt lõi với Trung Quốc. Quan trọng hơn là đối sách của Úc có sự đồng thuận giữa Chính quyền và Đối lập. Cựu Bộ Trường Quốc phòng Kevin Andrews của Tự Do và TNS Stephen Conroy Bộ Trưởng Quốc phòng Đối lập đồng thanh kêu gọi chính quyền ra lệnh cho hải quân Úc tiến hành chiến dịch tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông như Hoa Kỳ đã làm để thách thức yêu sách chủ quyền trái ngược với UNCLOS của Trung Quốc.

Do đó, không có gì phải ngạc nhiên khi Trung Quốc đã giận dữ lên tiếng phản đối Bạch thư. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh bày tỏ là Trung Quốc “quan ngại sâu sắc và không hài lòng về những nhận định tiêu cực của Bạch thư liên quan đến Biển Đông’’. Thậm chí, một viên chức đại diện cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn cho là Úc vẫn mang tâm lý ''chiến tranh lạnh'' khi đặt nền tảng quốc phòng dựa trên quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Bộ Trưởng Marise Payne đáp trả là Úc muốn xây dựng quan hệ tốt với Quân đội Nhân dân Trung Quốc "nhưng chúng tôi bất đồng quan điểm với Trung Quốc về Biển Đông và chúng tôi sẽ không lùi bước trong việc bày tỏ quan điểm của mình".

Chính sách chi 2% GDP cho quốc phòng của Úc tương đương với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Với GDP hiện nay khoảng 1.500 tỷ Mỹ kim, chi phí quốc phòng Úc chiểm khoảng 30 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó, GDP của Mỹ khoảng 18.000 tỷ và ngân sách quốc phòng chiếm khoảng 600 tỷ tức khoảng 3,3%. Trong năm 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng lên tới khoảng 150 tỷ so với  GDP khoảng 10.000 (1,5%) nhưng con số thật sự có thể cao hơn nhiều vì có nhiều chi phí liên quan tới quốc phòng nhưng không được tính vào. Cũng trong năm 2015, Việt Nam chi khoảng 5 tỷ cho quốc phòng tức khoảng 2,5% của GDP 200 tỷ. Đây là một con số rất thấp so với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Dân số Việt Nam ít hơn Trung Quốc gấp 13 lần. Về lâu dài, Việt Nam phải hơn Trung Quốc về GDP mỗi đầu người 13 lần mới hy vọng có ngân sách quốc phòng tương đương với Trung Quốc. Có nghĩa là Việt Nam phải trở thành một nước phát triển cấp cao. GDP bình quân mỗi đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 1/4 của Trung Quốc và 1/25 của Úc. Giải pháp duy nhất là Việt Nam phải thay đổi hệ thống chính trị, hủy bỏ điều 4 Hiến pháp chấp nhận cạnh tranh đa đảng, xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập, tạo điều kiện cho một hệ thống truyền thông độc lập, tư nhân hoạt động và phát triển, cởi trói sử gia để họ viết và dạy lịch sử trung thực và đầy đủ về các trận hải chiến chống Trung Quốc xâm lược tại Hoàng Sa, Trường Sa và biên giới phía Bắc, tha hết tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, trả quyền làm người căn bản cho người dân Việt nam để mọi người Việt trong và ngoài nước có cơ hội tham gia xây dựng và đóng góp cho đất nước. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai bài học lịch sử ngay trước mắt. Khi chuyển đổi từ chế độ độc tài, quân phiệt sang thể chế dân chủ, nhà nước pháp quyền và kinh thế thị trường, GDP có nhiều cơ hội tăng trưởng vượt bực. Nhưng với kết quả Đại Hội 12 vừa qua khi ông Nguyễn Phú Trọng - một người cộng sản có tư duy bảo thủ, lạc hậu đi sau thế giới văn minh, tiến bộ cả hàng trăm năm, tái đắc cử và tuyên bố tiếp tục kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, độc đảng, độc quyền thì Việt Nam đã chọn một tương lai “không chịu phát triển”. Và thế là Việt Nam sẽ không có cơ hội thoát Trung và nguy cơ đánh mất chủ quyền biển đảo trước tham vọng to lớn của Trung Quốc tại Biển Đông thật khó có thể tránh khỏi.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn