Khủng khiếp! Trộn phân u-rê vào rơm cho bò ăn!

Phạm Gia Thắng

Cuối thập niên 1990, tôi giúp gia đình nuôi bò tại thôn Tân Khánh, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh (DK), tỉnh Khánh Hòa (KH). Khi về thăm nhà, em rể tôi nói: Cán bộ nông nghiệp huyện DK hướng dẫn nên trộn phân u-rê vào rơm cho bò ăn. Nghe nói tôi giật mình: Bò ăn phân u-rê, rồi con người lại ăn thịt bò, cán bộ nào mà lại dạy bậy bạ vậy!

Giữa thập niên 2000 tôi lại về thăm nhà, cứ ngỡ chuyện cũ sai, chắc người ta sửa rồi. Một hôm tình cờ nhắc lại, em rể tôi nói: Chuyện trộn phân u-rê vào rơm cho bò ăn, không phải là ý tưởng của cán bộ huyện DK, mà là do cán bộ nông nghiệp tỉnh phát biểu trên Đài truyền hình Nha Trang (NT). Nghe xong tôi sửng sốt! Không lẽ Ủy ban tỉnh và Đài truyền hình NT không hiểu đây là điều phản khoa học hay sao mà lại cho phát như thế? Cán bộ nông nghiệp tỉnh lên truyền hình phát biểu như thế, chắc chắn ông ta phải là kỹ sư nông nghiệp. Trường nào dạy ông ta trộn phân u-rê vào rơm cho bò ăn?

Về Nhật tôi nghĩ mãi không ra, cuối cùng tôi suy đoán như thế này:

Sau năm 1975, báo chí cho biết nông dân Việt Nam thường dùng 3 loại hóa chất bón lúa và thường gọi 3 chất này là: u-rê, lân và cali. Nông dân gọi phân u-rê là đạm. Nhưng đạm đây là đạm cho cây trồng, còn đạm cho con người là đạm động vật (animal protein) và đạm thực vật (vegetable protein, hoặc plant protein).

Đạm động vật lấy từ thịt, cá hoặc trứng; Đạm thực vật lấy từ rau, củ hoặc các loại đậu. Kiến thức phổ thông này khi bước chân vào trung học thầy dạy rồi, hầu như ai cũng biết. Có lẽ ông kỹ sư này thuộc loại bằng giả hoặc học nông nghiệp ở nước... lèo, nên nghe nói cơ thể con người cần đạm, mà nông dân lại gọi phân u-rê là đạm, thôi thì đạm nào cũng là đạm, cứ bỏ vào cho bò ăn... Sai thì sửa!

Không hiểu tại sao trong mấy mươi năm qua nhiều nơi trong nước mình sử dụng phân u-rê để ướp thực phẩm. Trước đây báo Tuổi trẻ có đăng bài chả cá Phú Yên có trộn phân u-rê.

Một bài phóng sự trên báo nào đó viết rằng: Thông thường ngư dân câu mực mỗi lần ra biển chở theo 100 cây nước đá để ướp, bây giờ không cần nước đá, cứ mang u-rê theo, mỗi tấn mực ướp 1 ký u-rê (hoặc hóa chất nào đó của Trung Quốc), vừa rẻ vừa tiện lợi.

Tại Nhật Bản, đài truyền hình vệ tinh NHK hàng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, khoảng 4 giờ rưỡi sáng, có chiếu khoảng 5 phút, tin thời sự VN do VTV phát. Cách đây 2-3 năm tôi có xem một đoạn phim, chiếu cảnh phóng viên nói về ngư dân Quảng Ngãi được mùa. Phóng viên nói nghe rất khí thế! Là người Việt xa xứ, nghe tin quê hương mình được như vậy thì vui lắm! Nhưng sau lưng phóng viên là cảnh 2 thiếu niên ngồi 2 bên miệng hầm của chiếc thuyền, mỗi em cầm một gói bột màu trắng, cá trút xuống đến đâu, các em thả bột theo đến đấy, hòa chung với cá để ướp. Bột gì đây? Phải u-rê không? Có lẽ VTV còn giữ cuốn băng này.

Rồi một bài báo khác nói về việc đi săn ở Lâm Đồng. Do dân số gia tăng, nên ở gần không còn thú, phải đi xa mới có. Vì thế thợ săn phải mang theo phân u-rê, bắn được con thú nào thì bỏ xương, lấy thịt ướp phân u-rê rồi đi săn tiếp, cả tuần mới về nhà.

Những chuyện như thế này báo chí trong nước đăng rất nhiều. Điều quan trọng là người ta không lường được hậu quả cực kỳ tai hại của những phát ngôn bậy bạ không dựa trên cơ sở khoa học (cơ sở khoa học là anh phải chứng minh được điều anh nói).

À! Em rể tôi còn cho biết: Nghe nói ông kỹ sư nông nghiệp này được kéo về trung ương. Chuyện ông ta có về trung ương hay không, tôi không biết, vì em tôi cũng chỉ nghe nói thế. Nhưng nếu chẳng may ông ta về trung ương và giữ chức vụ quan trọng, ví dụ như Bộ trưởng Nông nghiệp, thì cả nước mình sẽ ăn phân u-rê hết!

Đề nghị các anh chị phóng viên phối hợp với Đài truyền hình và công an NT điều tra xem ông kỹ sư này là ai và tại sao ông lại hướng dẫn nông dân bỏ phân u-rê vào rơm cho bò ăn? Không biết Đài truyền hình NT có còn giữ cuốn băng này không? Nhưng chuyện phát hình công khai như thế thì nhiều người biết, chứ không chỉ riêng em tôi. Nếu đúng như vậy phải tuyệt đối ngăn chặn và nhờ chuyên gia dinh dưỡng nói rõ độc hại của phân u-rê, để bà con không dùng phân này trộn vào thức ăn nữa. Cứ để mãi tình trạng này thì nguy hiểm vô cùng!

Tôi xin góp ý nhỏ để ngăn chặn tệ nạn này. Tại các điểm ghe thuyền ra khơi đánh cá, nhà nước nên đặt trạm kiểm tra: nếu ghe không chở theo nước đá thì hỏi họ lấy gì ướp cá? Những ghe như thế tôi tin là có mang theo phân u-rê hoặc hóa chất khác để ướp cá.

Nhà nước nên có biện pháp triệt để và cứng rắn để bảo vệ sức khỏe người dân, vì báo chí cho biết dân mình hiện nay có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Tôi sinh năm 1948, nay đã 68 tuổi. Từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ thấy nước mình có tỷ lệ trẻ sơ sinh dị dạng nhiều như hiện nay. Chuyện dân mình sống chung với hóa chất xảy ra mấy mươi năm rồi, nhưng không ai chịu trách nhiệm và cũng không ai lên đài giải thích hoặc đề ra biện pháp giải quyết.

Những gì tôi kể ra đây là sự thật và tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung bài viết. Tôi xin ghi địa chỉ e-mail và điện thoại để vị nào cần hỏi tôi sẽ trả lời.

pgthangs@yahoo.com Di động, gọi từ nước ngoài: 81-80-35980978

Tôi cũng có lỗi trong chuyện này, vì biết lâu rồi mà không lên tiếng (từ khoảng cuối thập niên 1990), cứ ngỡ những chuyện thường như thế ai cũng biết. Mãi đến khi thấy dân mình sử dụng phân u-rê tràn lan và bệnh ung thư nhiều quá nên thấy sự vô tâm của mình là sai. Thành thật xin lỗi.

Tokyo, tháng 3-2016.

P.G.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn