Pháp quyền hay pháp trị?

Trương Nhân Tuấn

Thuật ngữ “Etat de droit” trong tiếng Pháp nguyên thủy bắt nguồn từ khái niệm  “Rechtsstaat”, xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20 ở Đức, có ý nghĩa là một “hệ thống định chế (thiết lập quốc gia) mà trong đó mọi quyền lực đều phải tuân theo pháp luật”. Ta có một khái niệm tương đương (xuất hiện từ thế kỷ 17) “Rule of law” trong xã hội Anh-Mỹ.

Việt Nam trước sau có đến hai cụm từ “pháp quyền” và “pháp trị”, là từ Hán-Việt,  “nhà nước pháp quyền” hay “nhà nước pháp trị”, để dịch thuật ngữ này.

Tại miền Nam trước 1975, cả hai (cụm) thuật ngữ “pháp quyền” và “nhà nước pháp trị” đã được sử dụng với hai ý nghĩa luật học rất khác nhau. Các sách Luật, do các giáo sư thuộc Đại học Luật phiên dịch ra tiếng Việt, đều dịch “Etat de droit” là “nhà nước pháp trị”. Còn “juridiction” các từ điển Pháp-Việt dịch “pháp quyền”, tức quyền xét xử. (Các từ điển Pháp-Hoa trong cùng thời kỳ cũng đều dịch như vậy: juridiction - pháp quyền).

(Trường Luật ở miền Nam trước 75 nguyên thủy là trường “Cao đẳng Luật học” ở Hà Nội (do Pháp lập vào đầu thế kỷ 20). Trường này phụ thuộc vào trường Luật Paris. Sau 1954, Việt Nam chia đôi đất nước, trường “di cư” vào nam, độc lập với Paris, trở thành “Luật khoa đại học đường” trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn, với ba phân khoa chính là tư pháp, công pháp và kinh tế.)

Các từ điển Pháp Việt xuất bản sau 1975 thì dịch “juridiction” là “quyền tài phán”.

Điều ghi nhận: chữ “quyền” ở các trường hợp trên là “droit, right”, như “nhân quyền”, “phụ nữ quyền”… chứ không phải là “quyền” của “quyền lực” (pouvoir, power). Cũng không phải là “luật” (loi, law) trong “hệ thống luật” (ở các định nghĩa về “pháp quyền” của các từ điển Việt Nam sau năm 1992).

Thuật ngữ “pháp trị” (Etat de Droit - Rule of Law) đã trở thành quen thuộc với giới luật gia và học giả miền Nam cho tới năm 1975. Một số tác giả hậu duệ, (kế thừa), hay xuất thân từ Việt Nam Cộng hòa cũ vẫn còn thói quen sử dụng từ “nhà nước pháp trị” cho đến hôm nay.

Trong cùng thời gian, ở miền Bắc, phân khoa Luật bị “khai tử” trong danh sách các phân khoa đại học. Trường “Cao đẳng Luật học” đổi tên thành trường Chính trị xã hội. Nhưng một thời gian sau thì trường này cũng bị xóa sổ.

Không có một tài liệu nào cho thấy miền Bắc, trước 1975, sử dụng từ “pháp quyền”, hay một từ tương đương, để dịch khái niệm về nhà nước gọi là “Etat de droit” hay “Rule of law”. Khái niệm “Etat de Droit - Rule of Law” không hề có ở miền bắc Việt Nam. Điều này cũng đúng cho tất cả các nước thuộc khối cộng sản cũ.

Chỉ đến thập niên 90 từ ngữ “nhà nước pháp quyền” mới xuất hiện trong các bài viết chính trị (do Đỗ Mười khởi xướng). Nó chính thức được đưa vào bản Hiến pháp (sửa đổi) năm 2001. 

Câu hỏi đặt ra, dịch cách nào là đúng, “Etat de Droit - Rule of Law”, nhà nước “pháp trị” hay nhà nước “pháp quyền”?

Nhắc lại một số trường hợp khác biệt về nhận thức và diễn đạt của hai bên Nam và Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh: khi miền Nam gọi là lính “thủy quân lục chiến” thì miền Bắc gọi là “lính thủy đánh bộ”, miền Nam gọi máy bay “trực thăng” thì miền Bắc “máy bay lên thẳng”, miền Nam viết “phản ảnh” thì miền Bắc viết “phản ánh”, miền Nam gọi là “nhà hộ sinh” thì miền Bắc gọi là “xưởng đẻ”, v.v.

Ta thấy cách nói nào cũng đúng.

Nhưng ở trường hợp cách dịch “pháp quyền” hay “pháp trị”, vấn đề hoàn toàn khác. Có hai lãnh vực cần xem xét.

1/ Vấn đề ngôn từ

1.1 Cách dịch tương đương

Nền văn minh Trung Hoa, (mà Việt Nam ảnh hưởng một cách sâu sắc), không hề có khái niệm về quyền lực quốc gia như là “hệ thống định chế mà trong đó mọi quyền lực quốc gia đều phải tuân theo pháp luật”, theo như định nghĩa của “Rule of law  – Etat de droit”. Các dân tộc Trung Hoa và Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm sống trong một xã hội dân chủ tự do (démocratie libérale) mà chỉ trong thể chế chính trị này “Etat de droit - Rule of law” mới có thể xây dựng.

Dầu vậy người ta tìm được một thuật từ có khái niệm gần giống, đó là “pháp trị”, một lý thuyết “dựa theo pháp luật để trị nước” của Hàn Phi Tử.

Vì vậy cách dịch “tương đương”, dùng một khái niệm để dịch một khái niệm”, của các quốc gia Đài Loan, Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc (và Việt Nam cho đến 1975), là chấp nhận được.

(Ta có trong ngôn ngữ Việt Nam những từ ngữ tương đương để dịch một số từ đặc biệt tiếng Pháp. Thí dụ “L’Académie française” thì dịch là “Pháp quốc Hàn lâm viện”, còn gọi là “viện Hàn lâm Pháp”. “Hàn lâm” nghĩa nguyên tiếng Hán là “rừng bút”, là tên một định chế học thuật Việt Nam thời xưa. Tương ứng với một định chế học thuật Pháp, có tên là (khu vườn Akadêmos). “Académie” là một danh từ riêng, làm sao dịch nghĩa được? Trung Quốc dịch là “Pháp quốc Học thuật viện”).

1.2 Dịch theo ngữ nghĩa

Về thuật ngữ “Rule of law - Etat de droit”, từ điển tiếng Hoa dịch là “pháp quy 法規” và “pháp trị 法治”. Ta thấy tương tự ở các từ điển Đài Loan, Hàn và Nhật.

Việt Nam hiện nay dịch “Rule of law - Etat de droit” là “pháp quyền”. Cả hai từ “pháp” và “quyền” đều có gốc Hán.

Mạnh Tử có nói: “Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã, tẩu nịch viên chi dĩ thủ, quyền dã 男女授受不親, 禮也; 嫂溺援之以手,權也”. Nam nữ trao và nhận không được trực tiếp gần gũi với nhau, đó là “lễ”; chị dâu bị đắm chìm đưa tay ra vớt, đó là “quyền”.

Chữ  “quyền” bắt nguồn từ “lễ” của Khổng giáo.

Chữ “quyền 權” trong tiếng Hán chỉ có một cách viết duy nhất, vừa chỉ cho quyền (droit, right) trong quyền lợi, hay quyền (pouvoir, power) trong quyền lực, hay luật (loi, law) trong “hệ thống luật”. Các chữ “quyền” trong quyền lực, chính quyền, nhân quyền, tam quyền phân lập… đều có cùng một cách viết.

Chữ “quyền” trong  “pháp quyền” có nghĩa là gì? Là quyền lực (power, pouvoir) hay là quyền lợi (right, droit)? Chưa thấy học giả Việt Nam nào xác định được ý nghĩa chữ “quyền” một cách ổn thỏa và xác đáng.

Khi chưa xác định được ý nghĩa của chữ “quyền”, thì dựa lên căn bản nào để lấy từ này để dịch một khái niệm luật học, là Etat de Droit trong tiếng Pháp hay Rule of Law trong tiếng Anh? 

Mặt khác, dùng chữ “quyền” với đặc tính nội tại là “lễ” (nhân trị hay đức trị), để dịch một thuật ngữ liên quan đến “pháp lý” (pháp trị), “Rule of law - Etat de droit”, là không chính xác.

Như thế, chính xác theo ngữ nghĩa thì “Rule of law - Etat de droit” phải dịch là nhà nước “pháp trị”. Bởi vì nhà nước nào cũng cai trị dân bằng pháp luật.

Cũng có giải thích cho rằng dùng từ “pháp quyền” vì Trung Hoa thời thuợng cổ đã có quan niệm về “pháp trị”.

Phái “Pháp gia” phản biện chủ trương “nhân trị” của Khổng, đưa ra thuyết “pháp trị”, lấy luật pháp để cai trị. Các học giả Việt Nam biện luận rằng đây là hình thức “rule by law”.

Vấn đề là quí vị này phản biện bằng cách chỉ ra một “sơ hở” của “pháp trị” để khỏa lấp những sơ hở lớn hơn ở cách dịch của mình.

Thực ra “rule by law” được dịch ra là “dụng pháp trị” chớ không phải “pháp trị”. “Pháp trị” là một “khái niệm luật học”, muốn hiểu nội dung của thuật từ này không thể đơn giản tìm hiểu trong, hay trên mặt câu chữ.

2/ Nguồn gốc từ “pháp quyền”

Như đã viết trên, các quốc gia xây dựng nhà nước trên nền tảng lý thuyết Mác-Lê không hề có khái niệm về một nhà nước pháp trị. Chỉ sau khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các nước như Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu bàn về một “Rule of law - Etat de droit”. Điều này cần thiết vì lãnh đạo tại đây thấy cần thiết phải gia nhập “sân chơi” WTO để phát triển đất nước. Mà điều kiện tiên quyết để gia nhập WTO là quốc gia phải có một hệ thống pháp lý minh bạch, tức phải có một “nhà nước pháp trị”.

Bắt đầu tại Trung Quốc. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1997 quyết định xây dựng một “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa” do Giang Trạch Dân chủ xướng. Ông này chủ trương “dĩ pháp trị quốc 以法治国”, “kiến thiết xã hội chủ nghĩa pháp trị quốc gia 建设社会主义法治国家” (hiểu theo tiếng Việt là xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa).  Ta cũng thấy các thuật ngữ khác như “pháp trị văn học”, “pháp trị hóa”… Đến thời Hồ Cẩm Đào, ông này chủ trương “Xã hội hài hòa”, nhưng không đi ra ngoài tư tưởng “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa”:  “hài hòa xã hội tựu thị pháp trị xã hội  社会就是社会法治”, tức là “xã hội hài hòa tức là xã hội pháp trị”.

Điều 5 Hiến pháp Trung Quốc (tháng 3-1999) qui định “nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cố gắng lèo lái đất nước phù hợp với pháp luật đồng thời xây dựng một nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa”.

Từ những hứa hẹn này Trung Quốc được chấp thuận gia nhập vào WTO 11-12-2001.

Còn Việt Nam, từ lâu lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nhất cử nhất động đều “nhái” theo đàn anh Trung Quốc. Khi Trung Quốc ra khái niệm “kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường” hoặc chủ trương “xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Quốc” thì Việt Nam cũng bắt chước y như vậy. Có điều Việt Nam đổi chữ một chút để trở thành “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vần đề là nội hàm hai khái niệm này giống nhau như đúc.

Vì thế, khi Trung Quốc đưa ra khái niệm “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa“ thì Việt Nam không thể không nhái theo.

Thay đổi một chút, Việt Nam chính thức sử dụng cụm từ “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, theo điều 2 Hiến pháp (sửa chữa) 2001.

Vấn đề là ý nghĩa từ “pháp quyền”, trong tiếng Việt từ (thời Pháp thuộc) đã được sử dụng để dịch cho từ “juridicton”, tức là “quyền xét xử”. Từ này không hề mang khái niệm “Etat de Droit” hay “Rule of Law”.

Ông Hồ Chí Minh có lần sử dụng từ “pháp quyền”, trong bài vè lục bát tựa đề “Việt Nam yêu cầu ca”:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

Ý nghĩa của từ “pháp quyền” ở hai câu trên đây là gì? Muốn biết ta cần tìm hiểu căn nguyên của bài vè.

Nguyên thủy bài vè là bản “phóng tác” của bản yêu sách 8 điểm viết bằng tiếng Pháp “Revendications du peuple Annamite – Yêu sách của nhân dân An Nam”, viết năm 1919 nhân dịp Hội nghị các đại cường thắng trận Đệ Nhất thế chiến tổ chức tại Versaille. Gọi là “phóng tác” vì bài dịch này không phù hợp với ý nghĩa tiếng Pháp của văn bản.

Nguyên văn yêu sách số 7, bản tiếng Pháp:

7/ Remplacement du régime des décrets par les régimes des lois.

(Nguồn: Les décolonisations au XXe siècle: La fin des empires européens et japonais, Par Pierre Brocheux, Annexe 1.)

Tạm dịch ra tiếng Việt là: thay thế chế độ pháp lệnh (hay nghị quyết) bằng chế độ luật lệ.

So sánh lại ta thấy ý nghĩa tiếng Việt và tiếng Pháp của văn bản là không hoàn toàn chính xác. Trong bản tiếng Việt nói đến “hiến pháp” mà điều này không thấy trong bản chính tiếng Pháp. Nhưng đại cương về ý tứ thì có thể chấp nhận.

Ý nghĩa của điều 7 (tiếng Việt) là gì? “Xin” ở đây là “xin ai”, ai xin? Hiến pháp này là hiến pháp nào? Ai ban bố?

Bản “yêu sách” gởi Hội nghị Versaille, nơi các cường quốc thắng trận đang hội họp. Dĩ nhiên là “xin” lãnh đạo các đại cường thắng trận, trong đó có Pháp quốc. Người xin dĩ nhiên là tác giả của văn bản (các sử gia Việt Nam thì cho là của ông Hồ mà điều này không có gì chứng minh).

Hiến pháp này là hiến pháp nào? Việt Nam lúc đó vẫn còn là “thuộc địa” của Pháp, được Pháp cai trị dưới “chế độ pháp lệnh” (của Bộ Thuộc địa và quan Toàn quyền), chứ không theo luật lệ (Hiến pháp) của mẫu quốc. Hiến pháp ở đây phải là hiến pháp của mẫu quốc.

Điều này sẽ rõ rệt nếu ta xét lại điều 2 của bản Yêu sách:

“2/ Réforme de la justice indochinoise par l’octroi aux Indigènes des mêmes garanties judiciaires qu’aux Européens, et la suppression complète et définitive des Tribunaux d’exception qui sont des instruments de terrorisation et d’oppression contre la partie la plus honnête du peuple Annamite.”

(Nguồn: Les décolonisations au XXe siècle: La fin des empires européens et japonais, Par Pierre Brocheux, Annexe 1.)

Tạm dịch: Cải cách lại pháp lý Đông Dương bằng cách ban bố cho người bản địa được bảo đảm về tư pháp (tài phán) như là người Châu Âu đồng thời bãi bỏ vĩnh viễn tất cả những loại Tòa án đặc biệt mà thực chất chỉ là những công cụ khủng bố và đàn áp thành phần những người An Nam lương thiện nhất.

Chữ “l’octroi” trong tiếng Pháp có nghĩa là “ban bố, ban phát”.

“Xin” để được “ban phát”: quyền được bình đẳng về tài phán như người Châu Âu.

“Bảy xin hiến pháp ban hành - trăm điều phải có thần linh pháp quyền” ở đây có nghĩa là xin hiến pháp của mẫu quốc ban hành những điều “luật” để bảo đảm “quyền” của người “bản địa”.

Việt Nam lúc đó chưa lấy lại “độc lập – souveraineté” thì không thể nói “hiến pháp” trong câu này là “hiến pháp” của nước Việt Nam được.

Như vậy, ý nghĩa của câu vè của ông Hồ, “pháp quyền” là “quyền được bình đẳng về tài phán”. Đó là gì nếu không phải là ý nghĩa của “juridiction”?

Việt Nam hiện nay sử dụng từ “nhà nước pháp quyền”, gán nó nội hàm của “Etat de Droit - Rule of Law”. Việc làm này hết sức cưỡng ép,  trước hết là dịch sai cả hai cách tương đương và ngữ nghĩa, sau đó là hiểu sai ý của ông Hồ. 

3/ Kết luận

Thực ra dịch thế nào không quan hệ, cái bình nếu có tròn hay méo thế nào thì đâu đáng quan tâm? Điều quan trọng là rượu đựng trong đó ngon hay dở? “Lính thủy đánh bộ” thì có khác gì “thủy quân lục chiến”?

Cách dịch của các học giả xã hội chủ nghĩa về “nhà nước pháp quyền” thay vì “nhà nước pháp trị” chỉ là thói quen bắt chước Trung Quốc, nhưng cố làm làm cho khác người.

Các từ ngữ “xưởng đẻ”, “lính thủy đánh bộ”, v.v. lần hồi được thay thế bằng những từ hoa mỹ hơn. Thì mình cũng hy vọng nay mai “pháp quyền” cũng sẽ đổi thành “pháp trị”. Vấn đề là các học giả Việt Nam có nhận thức được hay không?

Trong khi chờ đợi một sự thống nhất về cách dùng từ, thiển nghĩ nên thêm “dân chủ” ở phía trước “pháp trị”, thí dụ: “ở các nước dân chủ pháp trị…” để tránh những ngộ nhận có thể.

Ghi chú: Các từ Hán Việt trong bài được kiểm chứng, cũng như chữ "quyền" thì lấy nguồn từ đây: http://hanviet.org/

T. N. T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn