Tại sao Quốc hội cũ bầu Chính phủ mới?

Kính Hòa

phóng viên RFA

clip_image001

Tổng Bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng (giữa) chào đón các đại biểu đã về hưu trước cuộc họp cuối cùng của Quốc hội tại Hà Nội hôm 12 tháng tư năm 2016.

Ngày 9 tháng 4 tân Chính phủ Việt Nam ra mắt. Đây là lần đầu tiên một Chính phủ mới lại được một Quốc hội cũ bầu nên.

Củng cố bộ máy mới

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu một người bất đồng chính kiến hiện sống tại Đà Lạt đặt câu hỏi:

Cộng sản thì là chế độ Đảng trị, thực tế ra là đảng quyết định hết. Còn thì Chính phủ, Quốc hội, mọi thứ chẳng qua là công cụ của cái Đảng này hết. Đã là cộng sản thì đương nhiên nó phải như vậy, thực sự Đảng chỉ đạo cả. Đảng đứng trong hậu trường còn Chính phủ hay Quốc hội diễn tuồng ngoài sân khấu. Thế nhưng mà rất lạ là đến kỳ này đảng xông thẳng ra, chỉ huy mọi thứ. Quốc hội thì còn lâu mới bầu cơ mà. Thực chất đứng ra làm mọi việc. Thế tại sao lại vậy.”

Ông có nêu ra một lý do có thể là do những quan hệ đối ngoại quan trọng sắp tới đây không thể chờ kỳ bầu Quốc hội vào tháng Năm, Đảng muốn rằng những nhân vật được Đảng chọn lựa phải đứng ra cán đáng những công việc đó. Ông Hà Sĩ Phu nói tiếp:

Đảng đã chỉ định những nhân vật khác làm lãnh đạo, thì họ muốn rằng họ trực tiếp đón ông Obama. Chứ còn ông Dũng không còn trong Bộ Chính trị nữa, thì đương nhiên không có vai trò gì.”

Nhận định này được Tiến Sĩ Vũ Hồng Lâm, hiện làm việc tại Trung tâm chiến lược châu Á Thái Bình Dương tại Hawaii đồng ý một phần:

“Nguyên nhân chủ yếu là để lấp khoảng trống quyền lực sau Đại hội 12. Sau Đại hội 12, một số thành viên Chính phủ đã nhận công tác mới, trong khi một số lớn lãnh đạo cấp cao trong bộ máy Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội đang cho thôi chức. Nếu cứ chờ đến khi Quốc hội mới bầu ra thi mất đi nhiều thời gian trong khi công việc không chờ đợi. Một ly do phụ có thể là để khi Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam vào tháng 5 tới thì lãnh đạo mới sẽ có danh chính ngôn thuận để nói chuyện”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội thì không đồng ý chuyện khoảng trống quyền lực, vì theo ông những người nắm quyền thực chất vẫn có ở đó, chỉ có vấn đề là hợp thức hóa thôi.

Ông Nguyễn Quang A cho rằng sự kình chống nhau giữa các nhóm trong Đảng cộng sản, cũng như bất cứ tổ chức nào, luôn luôn tồn tại, nhưng trước đây không rõ như bây giờ. Ông tiếp lời:

“Bây giờ thì những cái đó nó được thể hiện ra trước bàn dân thiên hạ. Và cái việc phải nhanh chóng củng cố một bộ máy cho nó hoạt động ngay theo một nhân sự mới, thì lý do tôi nghĩ chỉ đơn giản là thế thôi.”

Vi hiến hay không?

Ngay khi có thông tin về việc các vị trí quyền lực của Nhà nước Việt Nam sắp tới đây sẽ được kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 bầu lên, một cựu tù nhân chính trị là Luật sư Lê Quốc Quân trả lời Gia Minh của đài Á Châu Tự Do rằng:

Rõ ràng đây là một sự hết sức bất thường nhưng mà nó cũng đúng với kiểu của Việt Nam mà Đảng Cộng sản lãnh đạo thôi. Người ta chỉ đạo nên có thể làm rất là ngang nhiên. Tuy nhiên, các hoạt động này càng xảy ra thì chúng ta càng thấy rõ sự can thiệp phải nói là ngang ngược, thô bạo lên Hiến pháp. Nếu mà xét về góc độ pháp lý, tôi nhận định như vậy.

Nhưng ông Nguyễn Quang A lại có một nhìn nhận khác, ông nói:

Họ làm một cách rất bài bản, hợp pháp hợp hiến. Chứ không phải là họ làm bậy bạ đâu. Tất cả các vị, từ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, họ vừa bầu vừa rồi là các chức vụ của khóa 13. Và nếu các vị ấy trúng cử vào ngày 22 tháng 5 này, thì họ có khả năng tiếp tục tại vị, và lúc đó về mặt pháp lý lại phải tiến hành bầu lại tất cả các chức vụ đó, và bốn năm vị lại tuyên thệ một lần nữa.”

Đảng và Quốc hội

Ngày 11 tháng Tư, ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội khóa 13 cũng trả lời báo chí Việt Nam nội dung giống như nhận định của ông Nguyễn Quang A. Ông Uông Chu Lưu nói thêm rằng để Thực hiện chủ trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng thì phải kiện toàn lại bộ máy Nhà nước để đảm bảo đồng bộ giữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Nói về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị Việt nam hiện nay, ông Hà Sĩ Phu cho rằng ở Việt Nam cách cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam kín đáo hơn so với Đảng Cộng sản Trung quốc, nhưng đôi khi cũng ra mặt một cách lấn át mọi định chế khác.

Khi được hỏi rằng phải chăng sự việc sắp xếp của Đảng Cộng sản lần này chứng tỏ vai trò của Quốc hội trong quan hệ với Đảng đang thụt lùi hay không. Ông Vũ Hồng Lâm nói rằng mặc dù có vẻ như việc này đặt Quốc hội khóa 14 trước một việc đã rồi, nhưng điều đó cũng không làm nên thay đổi gì trong chính trị Việt Nam hiện nay.

Tiến sĩ Vũ Tường, dạy Khoa Chính trị học tại Đại học Oregon cũng đồng ý là quan hệ Đảng-Quốc hội ấy không tiến mà cũng chẳng lùi, và ông cũng không quan tâm lắm đến hoạt động của Quốc hội Việt Nam vì hoạt động đó không có thực chất.

K.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-old-assembly-elect-new-cabinet-kh-04122016094629.html

Tham khảo 1:

Tháng 7 Quốc hội bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng

Hoàng Thủy - Võ Hải

Vnexpress

Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá 14 dự kiến vào tháng 7, đại biểu sẽ bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng nhiều chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.

Trả lời trong họp báo bế mạc kỳ họp 11, Quốc hội khóa 13 sáng 12/4, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ kiện toàn lãnh đạo Nhà nước tại kỳ họp thứ nhất khoá 14.

Bốn chức danh cao nhất sẽ được bầu lại và tiếp tục tuyên thệ nếu trúng cử. “Lời tuyên thệ được ấn định trong Hiến pháp trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp, còn lại tuỳ vị trí có tuyên thệ riêng, ngắn gọn trong 1-2 phút”, ông Phúc nói.

clip_image003

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng các Phó tổng thư ký. Ảnh: Giang Huy.

Trả lời câu hỏi về việc một số người được miễn nhiệm vừa qua “thấy bị động vì thông báo muộn, ảnh hưởng đến kế hoạch công tác”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, kỳ họp này Quốc hội dành khá nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự. Việc này không phải bị động mà có chuẩn bị, có thông báo cho những người được miễn nhiệm từ trước.

“Chúng ta thực hiện đúng theo quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ. Quốc hội vừa qua thực hiện đúng quy trình”, ông Phúc khẳng định và nói thêm, lịch sử Quốc hội đã có nhiệm kỳ kiện toàn nhân sự tương tự, như khoá 11 kiện toàn khoảng 9 chức danh khác nhau. Kỳ này kiện toàn 37 chức danh Quốc hội và phê chuẩn chức danh của Chính phủ.

Việc Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và chức vụ Phó thủ tướng với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu nhiệm vụ mới, được ông Hạnh Phúc lý giải, “Quốc hội đã bầu bà Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, thì không có chuyện lại kiêm Phó chủ tịch, nên không cần miễn nhiệm nữa. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng thì không thể kiêm nhiệm Phó thủ tướng”.

Lý lịch các chức danh được bầu, phê chuẩn đều có dòng nhận xét “đã hoàn thành công việc” mà không có đánh giá về đạo đức, nhân cách, các phiên thảo luận lại là kín nên cử tri băn khoăn không biết về năng lực nhân sự, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, quá trình thảo luận tại đoàn, các đại biểu quốc hội - đại diện cho dân đã có quá trình nghiên cứu hồ sơ, đánh giá, cho ý kiến, sau đó có sự cân nhắc, thể hiện quan điểm bằng lá phiếu. Khi công bố kết quả, có ứng viên đạt phiếu cao, có người phiếu thấp, đó là sự đánh giá công bằng của đại biểu.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, do nhu cầu công việc, sắp xếp bộ máy của Đảng theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, Quốc hội khoá 13 kiện toàn 37 chức danh chủ chốt để đảm bảo sự đồng bộ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

“Nhân sự vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là của Khoá 13, nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi bầu cử Quốc hội Khoá 14 (ngày 22/5), chúng ta lại kiện toàn nhân sự của các cơ quan nhà nước”, ông Lưu cho hay.

Luật Tổ chức Quốc hội quy định các chức danh trong bộ máy nhà nước bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Như vậy, nếu các chức danh mới trúng cử sắp tới được bầu là đại biểu Quốc hội thì sẽ tiếp tục được giới thiệu đảm nhiệm chức vụ, còn người nào không trúng cử thì sẽ kết thúc nhiệm kỳ, được Đảng, Nhà nước bố trí công việc khác mà không bắt buộc phải là đại biểu.

Kỳ họp 11 Quốc hội khóa 13 từ 20/3 đến 12/4 dành phần lớn thời gian kiện toàn nhân sự nhà nước.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được miễn nhiệm. Những người được bầu kế nhiệm là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Hàng loạt nhân sự trong bộ máy cũng được bầu mới gồm bà Đặng Thị Ngọc Thịnh thay bà Nguyễn Thị Doan giữ chức Phó chủ tịch nước. Ông Nguyễn Hòa Bình (nguyên Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao) trúng cử làm Chánh án tòa án nhân dân tối cao thay ông Trương Hoà Bình. Ông Lê Minh Trí (Phó trưởng ban Nội chính Trung ương) được bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thay ông Nguyễn Hoà Bình.

Chính phủ cũng có 21 thành viên mới, trong đó có ba tân Phó thủ tướng và 18 Bộ trưởng, trưởng ngành.

7 dự án luật được thông qua là Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Điều 3 của Luật tổ chức Chính phủ quy định:

Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.

Điều 10 Luật tổ chức Quốc hội quy định:

1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.

2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

H.T & V.H.

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thang-7-quoc-hoi-bau-lai-chu-tich-nuoc-thu-tuong-3385434.html

Tham khảo 2:

Không thể có chuyện Thủ tướng kiêm phó Thủ tướng

Lê Kiên (lược ghi)

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói như vậy khi trả lời câu hỏi của Tuổi trẻ: tại sao Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ phó Thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu ông làm Thủ tướng?

clip_image005
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại cuộc họp báo sáng 12-4 - Ảnh: Việt Dũng

Cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả kỳ họp thứ 11 của Quốc hội vừa kết thúc trưa 12-4. Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời.

* Pháp luật TP.HCM: phản ánh từ một số chức danh bị miễn nhiệm cho thấy cũng có băn khoăn, bị động do không được thông báo sớm, bởi người đứng đầu các cơ quan nhà nước đã chuẩn bị kế hoạch hành động đến cuối nhiệm kỳ, nay bị miễn nhiệm sớm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch công việc của người đó. Xin hỏi ông Nguyễn Hạnh Phúc là qua lần này có những kinh nghiệm nào cần rút ra, có gì cần điều chỉnh không?

- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: kỳ họp này dành khá nhiều thời gian cho công tác kiện toàn nhân sự. Đây không phải là việc bị động, mà đều có chuẩn bị, cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ đã thông báo cho các đồng chí có liên quan. Chúng ta thực hiện theo đúng quy trình về quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Đây cũng không phải là việc mới, mà chúng ta đã từng kiện toàn các chức danh lãnh đạo ở Khóa XI, tôi nhớ là lúc đó Quốc hội đã kiện toàn 9 chức danh.

- Ông Lê Minh Thông (Phó Tổng thư ký): đợt kiện toàn vừa rồi đúng chủ trương, đúng pháp luật, vì vậy đã diễn ra suôn sẻ. Còn việc có cần hoàn thiện quy định pháp luật không, tôi nghĩ rằng việc nghiên cứu, sửa đổi để từng bước hoàn thiện các quy định của pháp luật, đảm bảo đáp ứng nhu cầu bố trí cán bộ sau Đại hội Đảng là cần thiết, các cơ quan của Quốc hội sẽ có nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật trong thời gian tới.

* Tuổi Trẻ: Thưa Tổng thư ký, phó chủ tịch Quốc hội là chức danh do Quốc hội bầu, Phó thủ tướng Chính phủ là chức danh do Quốc hội phê chuẩn, những người được bầu hoặc phê chuẩn muốn thôi nhiệm vụ phải được sự đồng ý của Quốc hội (miễn nhiệm); xin ông cho biết tại sao Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và chức vụ Phó thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu họ giữ chức vụ mới?

- Trong trường hợp này, đương nhiên chúng ta đã bầu đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội rồi thì không có miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch của đồng chí nữa, vì Phó chủ tịch giúp việc cho Chủ tịch nên không có chuyện Chủ tịch kiêm Phó chủ tịch.

Với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy, khi được bầu thì không thể có chuyện Thủ tướng kiêm Phó thủ tướng.

Điều này khác với trường hợp Phó chủ tịch hoặc Phó thủ tướng khác, ví dụ Quốc hội phải miễn nhiệm Phó chủ tịch đối với ông Huỳnh Ngọc Sơn sau đó mới bầu ông Đỗ Bá Tỵ làm Phó chủ tịch. 

* Tuổi Trẻ: Đầu giờ sáng 5-4, Quốc hội nghe công bố kết quả bầu một số Phó chủ tịch và thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, liền ngay sau đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội. Đề nghị ông giải thích: Ủy ban thường vụ Quốc hội mới được bầu xong thì làm sao có được danh sách đề cử ngay lập tức?

- Đúng là sau khi bầu thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Chủ tịch Quốc hội đã trình đề cử Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội.

Trong thời gian này, chúng ta vẫn có Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoạt động nên vẫn làm việc bình thường. Nên việc trình như vậy cũng theo đúng quy định của pháp luật.

* Vneconomy: Lễ tuyên thệ rất trang nghiêm, trang trọng, nhưng trong lúc đang diễn ra tuyên thệ thì có những đại biểu giơ máy ảnh, máy điện thoại để chụp hình, điều này khiến nhiều bạn đọc, cử tri không hài lòng. Xin hỏi ông như vậy có đảm bảo trang nghiêm không?

- Tuyên thệ cũng không phải là việc mới. Năm 1945 Bác Hồ cũng đã tuyên thệ tại đình Tân Trào, Tuyên Quang. Có người hỏi là tại sao lúc tuyên thệ thì đại biểu không đứng lên? Tôi thấy ở quốc tế cũng có nơi đứng, nơi ngồi, không có quy định nào cụ thể mà tùy điều kiện, hoàn cảnh.

Việc các đại biểu chụp ảnh là cũng muốn lưu giữ lại kỷ niệm trong lễ tuyên thệ này. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải nghiên cứu để hoàn thiện dần nghi lễ tuyên thệ cho phù hợp hơn.

* Thanh Niên: Vừa qua có thông tin có một số tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử, sau đó có nhiều đề nghị phải làm rõ thông tin này, đề nghị ông cho biết đến nay thông tin này đã được làm rõ như thế nào, có khởi tố hay không?

- Vừa rồi chúng tôi có nhận được đơn của ông Nguyễn Quang A về vấn đề này, và chúng tôi đã trả lời đây không phải là quan điểm của Hội đồng bầu cử, không phải ý kiến của Tiểu ban An ninh, chỉ là ý kiến của một cá nhân nào đó, cho nên chúng tôi không khẳng định việc này.

* Thanh Niên: Có thông tin cho rằng tại một số hội nghị cử tri đối với người ứng cử có xảy ra chuyện “đấu tố”, thậm chí “đấu tố” như thời cải cách ruộng đất đối với người ứng cử, ông có nắm được thông tin này không ?

- Việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú là theo quy định của pháp luật. Tôi nghĩ rằng không ai hiểu người tự ứng cử bằng bà con cử tri ngay tại nơi người ứng cử sinh sống. Người ta hiểu rõ người ứng cử đó thế nào, gia đình ra sao, lối sống, đạo đức… vì vậy cử tri nơi cư trú đánh giá, có ý kiến, biểu quyết rất rõ ràng, sòng phẳng.

L.K.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160412/khong-the-co-chuyen-thu-tuong-kiem-pho-thu-tuong/1083028.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn