Độc giả BVN thảo luận về vụ Hồ sơ Panama

Bauxite Việt Nam nhận được các ý kiến thảo luận về vụ Hồ sơ Panama. Xin chọn giới thiệu với độc giả hai ý kiến trái chiều nhau sau đây.

1. VẤN ĐỀ NGƯỜI VIỆT NAM CÓ TÊN TRONG HỒ SƠ PANAMA

Thành Nam

Từ khi hồ sơ Panama được bung ra trên mạng  truyền thông Internet, đồng thời có 184 người Việt có tên trong hồ sơ PANAMA. Dư luận xã hội có rất nhiều bình luận trái chiều nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan truyền thông chính thống lúng túng, đưa ra những quan điểm hết sức chung chung, người dân thì không hiểu ra làm sao, không biết những người đó có tội, hay không có tội.

Theo quan điểm của doanh nghiệp, chúng tôi bình luận về việc này như sau:

1- Chúng ta có thể khẳng định: Tất cả các công dân của mọi quốc gia, khi có tài khoản tại ngân hàng nước ngoài, có vi phạm pháp luật hay không - Điều này còn tùy thuộc vào quy định pháp luật của mỗi quốc gia.

2- Những người Việt Nam, nếu mới chỉ có tên trong hồ sơ PANAMA, thì chưa khẳng định người ta có tội được, vì pháp luật Việt Nam không cấm những điều này.

3- Chúng ta cần phải lưu ý: Ngân hàng nhà nước Việt Nam có nhiều những văn bản quy định hết sức chặt chẽ về vấn đề quản lý ngoại hối, thí dụ như: Các công dân được mang tiền mặt qua các cửa khẩu là bao nhiêu; các doanh nghiệp, khi mua hàng hóa, hoặc đầu tư vào một dự án nước ngoài thì phải có hợp đồng, rồi những hàng hóa và danh mục đầu tư, có nằm trong sự quản lý của nhà nước hay không, rồi số ngoại tệ đó có mua tại ngân hàng hay không, hàng hóa mua đã về đến cảng chưa, đã được hải quan xác nhận chưa… v.v. (Các doanh nghiệp của VN không thể lý luận rằng: Tôi có một đống tiền ở VN tôi thích chuyển sang TK của tôi ở nước ngoài là được).

4- Vậy trong 184 người trên, người nào có tội và người nào không có tội? Đối với cơ quan điều tra, để xác minh điều đó là việc khá đơn giản. Bóc lại tất cả các cú chuyển tiền từ Việt Nam đi, tại ngân hàng trong thời gian gần đây của họ. Nếu tìm ra được những cú chuyển tiền bất hợp pháp thì không những cá nhân và doanh nghiệp đó có tội, mà cả ngân hàng Việt Nam chuyển tiền cho họ ra nước ngoài cũng có tội. (Các bạn cần lưu ý: Trên tài khoản của họ ở tại ngân hàng nước ngoài, nếu những nguồn tiền đó là từ một quốc gia ngoài VN chuyển đến thì họ không có tội gì cả).

Trên đây chỉ là quan điểm riêng của người viết.

T.N.

Tác giả gửi BVN

*******************

2. HỒ SƠ PANAMA – KHÔNG AI CHỌN ĐƯỜNG ĐI BỜ, ĐI BỤI CẢ…

Mai Tú Ân

Vụ thế giới phanh phui thiên đường thuế ở Panama, đưa một quả bom nổ tung 200.000 tên tuổi và 13 triệu tài khoản, địa chỉ công ty ma ra trước ánh sáng đã làm rúng động cả thế giới. Cùng với nhiều đảo quốc, nhiều xứ sở nhỏ bé xinh đẹp nhưng luôn mờ ám tiền bạc như hai quần đảo Trinh Nữ (British Virgin Islands) và Cá Sấu (Cayman Islands) là các lãnh thổ hải ngoại của Anh quốc. Rồi Bahamas - một “thiên đường” có những ngân hàng luôn giấu thông tin khách hàng thì vụ việc có tên gọi là Hồ Sơ Panama đã dần dần sáng tỏ. Những nghi vấn của thế  giới rằng đó là Thiên Đường trốn thuế, rửa tiền, cất giấu tiền tham nhũng, buôn bán ma túy, cùng với những ma trận những đường đi zích zắc của tiền bạc mà giới nhà giàu, mafia, các chế độ độc tài, đại gia thế giới… đổ vào đó đã chẳng sai chút nào.

Các cái tên to tướng như Tập Cận Bình, Ôn Gia Bảo, V. Putin, thủ tướng Anh Đ. Cameroon, Thủ tướng Island, Tây Ban Nha… cùng hàng ngàn các đại gia của mọi ngành nghề trên thế giới đều dính dáng đến Hồ Sơ này. Với hàng triệu tài liệu đã, đang và sẽ giải mật sẽ còn cho ra nhiều thông tin hơn nữa trước sự run rẩy của giới đại gia nhà giàu. Thủ tướng Island, Bộ trưởng Tây Ban Nha… đã từ chức vì dính dáng đến Hồ Sơ này. Mọi việc đang mới ở thời gian bắt đầu, cùng với công cuộc điều tra quốc tế đang tiến hành song song với việc giải mật sẽ còn tìm ra nhiều điều nữa ở cái gọi là Thiên Đường thuế này.

Việt Nam ta có 189 người cùng hàng trăm công ty ma cũng đã vinh dự được phát giác ra với đầy đủ tên tuổi thật cùng địa chỉ công ty thật khi Hồ Sơ Panama được công bố. Có rất nhiều những cái tên Việt Nam (các bạn có thể tham khảo trên internet) đã hiện ra rõ ràng.

Sẽ có câu hỏi cắc cớ rằng, tại sao lại lấy tên tuổi địa chỉ thật để làm cái việc mờ ám bên xứ đó? Xin thưa rằng đó là Tiền, chính tiền đã quyết định việc lấy tên tuổi thật, địa chỉ thật. Họ có thể lấy tên giả, địa chỉ giả hay nhờ người khác đứng tên nhưng như thế sẽ phiêu lưu lắm với số tiền của họ. Đồng tiền liền khúc ruột. Cho dù nhiều tiền đến đâu đi nữa.

Thành phần tham gia thì đa dạng, khác nhau lắm, đàn ông, đàn bà, già, trẻ, lớn, bé... Có đủ Việt Kiều, Việt Cộng, Việt Gian… Điểm giống nhau duy nhất giữa họ đó đều là những đại gia giàu sụ. Có nhiều tiền và rất nhiều tiền thì mới dính phần vào Hồ Sơ Panama được.

Hãy xem xét vài tên tuổi đại gia, và chỉ xét trên cơ sở những gì mà ta biết, chứ không xét gì về việc ở Panama cả.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ Hãng Hàng Không Vietjet Air, người vừa mới đây ký một hợp đồng đáng nể trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, trị giá hơn 13 tỷ đô la để mua 100 máy bay Boeing. Khi được hỏi thì bà bảo đó là chuyện bình thường trong giới làm ăn.

Bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc Ngân hàng ANZ cũng nói rằng đó là chuyện bình thường và bà vui lắm nếu có ai hỏi để bà nói.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch tập đoàn IPP, ông trùm của hệ thống siêu thị bán hàng hiệu cao cấp và hàng loạt các thị phần trải dài đủ mọi lĩnh vực và là người mới đây đã dẫn mối cho TP HCM một hợp đồng hơn 4 tỷ đô la xây dựng BĐS bên Thủ Thiêm là người vui tính nhất. Ông bảo ông vui lắm vì tên ông có trong HS Panama sẽ khiến cho ông được quảng cáo tên tuổi…

Đó mới là 3/189 người có tên trong Hồ Sơ Panama, và họ đều đã trả lời tỉnh bơ giống nhau. Và chắc hẳn giờ này có hỏi ai trong số các tên tuổi Panama thì người ấy cũng nói là việc bình thường. Trong công cuộc kinh doanh thì ai mà chả dính dáng đến ngân hàng, ngân hàng Tây ngân hàng Ta đủ cả, nên việc có tên ở Hồ Sơ Bên Nớ thì có sai cái chi mô. Nhưng Chuông Đã Nguyện Hồn Ai rồi. Ngành thuế đang vào cuộc để làm việc. Lúc này ai có tên trong Hồ Sơ Panama đều chưa có tội. Cần phải điều tra mới biết họ vô tội hay có dính đến một trong các tội danh như trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng, đầu tư ma, đứng tên cho người khác rửa tiền, thu nhập bất chính (không khai báo), tham gia vào việc quay vòng vốn, huy động vốn trái phép, tẩu tán tài sản... Hiện chỉ biết rằng họ đã tham gia vào Điểm Chết Panama và họ đầu tư vào đó số tiền rất lớn.

Trong khi chờ đợi điều tra thì ta có thể thấy nhiều điều. Nhưng sẽ chỉ xem trên cơ sở những gì ta biết, tức là không xét đến việc có phạm tội ở Panama, mà chỉ xét trên cơ sở ở Việt Nam thôi. Người đang đi đường rộng thì không ai chọn đường bờ đường bụi để đi cả. Nên cho dù điều tra họ không phạm tội gì trong hàng chục tội trên thì họ cũng phạm tội ở Việt Nam. Với việc đem tiền ra nước ngoài không khai báo, gửi tiền ra nước ngoài không khai báo là những tội thuộc hàng trốn thuế, né thuế…

Điều nữa là họ vẫn phạm tội không khai báo tài sản, che dấu tài sản khi kinh doanh. Phạm tội với nhà nước Việt Nam nếu họ là công dân VN. Và nếu họ không phải là công dân VN thì họ vẫn phạm tội đó với nước sở tại nào mà họ là công dân. Chuyển tiền không khai báo ra nước ngoài, thì cũng vẫn là có tội, cho dù ở nước nào đi nữa…

Cuối cùng và cao hơn cả là họ đã phạm tội về đạo đức kinh doanh khi không khai báo tài sản, che dấu tài sản để khỏi nộp thuế cho đến khi bị phát giác. Trong khi ở Việt Nam mở một công ty nhỏ bé cũng phải đóng tiền thuế thì những người giàu có như họ lại không phải đóng, hay đóng ít thì có công bằng không?

Một nhà văn nước ngoài đã nói: “Trên một con đường mà mọi người đang đi thì bỗng có người  phải chui vào bờ bụi để đi, cũng như đang ở ngoài sáng mà phải chui vào bóng tối thì hẳn ta đã biết người đó là ai rồi”.

M.T.Â.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn