Khẩu hiệu mới của Đảng?

Phạm Chí Dũng

“Tác giả” là ai?

Quá khó để tìm ra một cái gì đó mới mẻ về “cải cách thể chế” sau Đại hội XII. Trong bầu không khí tư tưởng nội bộ vẫn còn cô đặc ấy, “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” có lẽ mang danh nghĩa như một “đổi mới” ghê gớm nhất.

Ngày 22 tháng 4, 2016, khẩu ngữ trên đã lần đầu tiên được giới quan chức cao cấp của chế độ sử dụng. Nhân vật “phát minh” ra khẩu ngữ “Báo chí phải phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...” và được chính một tờ báo nổi tiếng chuyên chính là Công an Nhân dân rút tít - lại là Ủy viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, trong ngữ cảnh một hội nghị tổng kết của Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngày 9 tháng 5, 2016, khẩu ngữ “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” một lần nữa được lặp lại vào, khi ứng cử viên đại biểu Quốc hội - Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc với cử tri Quận 1, Sài Gòn.

Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu từ “phụng sự” là rất mới mẻ trong hệ thống danh - động tự chính trị của chính thể một đảng ở Việt Nam. Bởi nhìn ngược lại dĩ vãng, từ ngữ này lại được sử dụng thường xuyên trong chế độ Việt Nam Cộng hòa và trong “phụng sự Thiên Chúa” biểu trưng cho không chỉ niềm tin mà còn cả đức tin.

Còn đáng quan tâm hơn, cụm từ “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” được cả hai ông Võ Văn Thưởng và Trần Đại Quang phát ra đều không kèm thêm bổ từ “Đảng” hay “chế độ,” cũng không nhắc tới cụm danh từ “Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa” như cách nói hoặc viết truyền thống trong phát biểu hoặc Đảng văn trước đây.

Không quá sớm để có thể cho rằng, “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” đã trở thành một khẩu ngữ được lặp lại và mang tính hệ thống, nếu không phải trong não bộ thì ít nhất đã trên phương diện phát ngôn quan chức. Thậm chí còn có thể hình dung rằng ngay tại thời điểm này, khẩu ngữ trên đã âm thầm trở thành một khẩu hiệu chính trị tạm thời chưa công bố của Đảng.

Vì sao và nhằm mục đích gì? Còn có thể hoài nghi rằng Trần Đại Quang và Võ Văn Thưởng - những người tốt nghiệp từ triết học Mác xít, khó có khả năng là tác giả của khẩu ngữ trên. Hoặc một ai khác - người khuất rèm ẩn mặt - đã sáng tác ra khẩu ngữ trên như một “chủ trương” mới của Đảng cầm quyền ở Việt Nam nhằm làm vơi bớt thất vọng của người dân và trí thức về “không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không”, cũng như giảm bớt liều lượng của các từ “Đảng” và “chế độ” để dân tình đỡ chán ngán thói giáo điều và cũng để “khách quan” hơn trong con mắt quần chúng.

Nhưng dù vì nguyên do gì, khó có thể chối bỏ một thực tế: hiện tượng hai nhân vật cao cấp Chủ tịch nước và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát ngôn về “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” có thể phản ánh một xu hướng ngày càng nhiều cán bộ chính trị cao cấp dần âm thầm hoặc né tránh hoặc tìm cách thoát khỏi ý thức hệ giáo điều trong Đảng Cộng sản.

Cũng có ý kiến cho rằng sau Đại hội XII vào đầu năm 2016, hiện thời trong nội bộ Đảng đang khởi phát vài dấu hiệu cải cách theo tinh thần “thay đổi hay là chết!” Tất nhiên nhiều nhân vật cao cấp thừa hiểu sẽ không thể lái đoàn tàu kinh tế Việt Nam tránh khỏi quỹ đạo lao xuống vực thẳm, không thể làm dịu tâm trạng phẫn nộ chực chờ bùng nổ của người dân nếu không “cải cách thể chế,” mà thực chất là phải thay đổi một số giáo điều chính trị.

Tất nhiên, từ lời nói đến hành động là cả chân trời thăm thẳm. Ở Việt Nam và hầu như bao giờ cũng thế, thay đổi phải đến từ cửa miệng, dù chỉ trên đầu môi chót lưỡi.

Đã quá muộn?

Thực ra, sự thay đổi về mặt ngôn từ của hai ông Võ Văn Thưởng và Trần Đại Quang chỉ là kết quả của một quá trình “biện chứng lịch sử”.

Vào giữa năm 2015, một Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng Bộ Kế koạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi ông Vinh thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bùi Quang Vinh đáp rất thành thật: “chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.

Ít lâu sau, vào ngày 1 tháng 7, 2015, tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX và trùng với sự kiện Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh bị xem là “mất tích” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bất ngờ nêu ra khái niệm quân đội “trung thành với dân tộc và Hiến pháp” mặc dù có thêm bổ đề Quân đội Nhân dân Việt Nam cần “nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”.

Đến đầu tháng 8, 2015, Thủ tướng Dũng lại nêu ra một quan niệm rất đáng chú ý: “Lực lượng công an nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và Nhà nước” trong bối cảnh Đại hội thi đua vì an ninh Tổ quốc lần VII do Bộ Công an tổ chức.

Với phát biểu này, Thủ tướng Dũng đặt Tổ quốc lên vị trí đầu tiên, khác với ưu tiên “phải trung với Đảng” luôn được đặt ở hàng đầu trong các bài diễn văn, nghị quyết và trong hệ thống tuyên truyền của khối Đảng lẫn giới tuyên giáo.

Những thay đổi trên là đáng chú ý và phân tích, trong bối cảnh một nền chính trị vừa xung đột ghê gớm vừa chẳng biết đi về đâu và làm sao để có hậu.

“Hậu sự” của Đảng Cộng sản là trong những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều dư luận trong trí thức, nhân dân, thậm chí cả quan chức cho rằng đã đến lúc lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, phải thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, thay vì bị chi phối quá nhiều bởi ý thức hệ chính trị độc đảng; không để bị biến thành công cụ cưỡng chế chiếm đất của nông dân thay cho việc ra mặt trận đối đầu với kẻ thù.

Cũng trong nhiều năm qua và đặc biệt từ đầu năm 2013 khi xuất hiện phong trào “Kiến nghị 72” cho đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều trí thức và người dân phản bác về tình trạng quá ư bảo thủ khi Đảng khăng khăng giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng lại chẳng biết phải định hình và tiến tới nó như thế nào, còn chế độ thì ngày càng tham nhũng ghê gớm, đời sống người dân ngày càng bất an, cơ cực.

Trong bối cảnh mang nhiều chỉ dấu bế tắc đó, rất thường là những cải cách không thể từ chối sẽ được bắt đầu một cách đầy khiên cưỡng, hay nói cách khác là mang màu sắc “cải cách thời thượng”. Một số quan chức bắt đầu nói về những từ ngữ lạ tai và thậm chí có vẻ “phản nghịch” như một cách khiến người dân và báo chí tiếp tục được ru ngủ. Vấn đề là sau những lời lẽ hoa mỹ đó, chế độ có làm gì tiếp và việc làm của họ có mang tính thực chất hay không.

Bởi nếu không thực chất, cho dù có phải nhờ vả đến đức tin “phụng sự” của Kitô Giáo, chế độ cầm quyền ở Việt Nam vẫn không thể thoát khỏi chủ đích mị dân và hậu quả hộc rỗng.

Tuy nhiên, “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” cùng những “khẩu hiệu” khác được phát minh trong những tháng năm tới - cứ cho là một cải cách nào đó - lại rất ít hy vọng để nhận được sự ủng hộ “muộn còn hơn không” mà đang trở nên quá trễ với Đảng. Quá nhiều hứa hẹn trong “đổi mới” lần đầu vào năm 1986, “đổi mới” trong những kỳ đại hội Đảng sau đó đã chẳng đi đến đâu và dìm nỗi thất vọng của dân xuống tận đáy, đang khiến hứa hẹn mới nhất về “đổi mới lần hai” sau Đại hội XII của đảng cầm quyền rất đậm đà hương vị bánh vẽ.

P.C.D.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=229509&zoneid=97

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn