Từ thiện vì ai?

Mặc Lâm

biên tập viên RFA

clip_image001

Bà Tạ Bích Loan trong chương trình ‘Người ta làm từ thiện vì ai’? (Ảnh chụp màn hình chương trình)

Liên tiếp hai chương trình mới nhất của VTV do bà Tạ Bích Loan làm người dẫn chương trình đang bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội vì nội dung, tính cách và mục đích mà nó nhắm tới.

Trình độ và tâm địa

Chương trình thứ nhất có tên: “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” nhắm tới MC Phan Anh khi người MC này có một status trên trang Facebook của anh, chia sẻ những suy nghĩ về hiện tượng cá chết tại miền Trung. Bà Loan và khách mời là đại tá công an, TBT tờ Đại đoàn kết Hồng Thanh Quang đấu tố anh không khác gì hình ảnh của những ngày cải cách ruộng đất.

Nếu “Chia sẻ để làm gì?” mang màu sắc đấu tố một người thì chương trình thứ hai có tên “Người ta làm từ thiện vì ai?” lại có mục đích tấn công hàng ngàn người trong và ngoài nước khi họ dấn thân vào công việc từ thiện. Trong vai trò người dẫn chuyện, bà Tạ Bích Loan đưa ra gợi ý rằng việc làm từ thiện đang dẫn tới hậu quả nào đó hay không, bà Loan nói:

“Và để cho lương tâm chúng ta không áy náy, ăn ngon ngủ ngon thì liệu mình có đang làm cái gì đó không có lợi, thậm chí có khi còn gây hại cho người được nhận món quà của mình?”

Sau gợi ý có tính định hướng ấy, câu trả lời của khách mời là TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển (CECODES) đã làm người xem căm phẫn tột độ và hàng chục ngàn ý kiến xuất hiện trên mạng xã hội phản ứng dữ dội về phát biểu của ông ta sau khi được bà Loan mớm lời:

“Tôi nghĩ là chúng ta với tất cả cái tâm và lòng tốt của mình cũng nên có ý thức về những mối nguy như thế. Lấy ví dụ nếu chúng ta đem những quần áo ở dưới xuôi hay quần áo có design của nước ngoài đến và đưa cho người dân tộc ở, xin lỗi, người ta mặc chẳng hạn, thì về mặt lâu dài nó sẽ có tác động sẽ đánh mất bản sắc văn hóa của họ. Thay vì họ mặc đồ thổ cẩm của họ thì họ sẽ mặc quần áo dưới xuôi. Đấy là tiềm năng gây hại mà chúng ta cần ý thức rất rõ về những điều ấy thay vì chúng ta cứ làm một cách vô tư. Tôi không nói là có hại lập tức hay mức độ thế nào nhưng đấy là ví dụ của việc tai hại.”

Hai chương trình 60 phút mở này được TS Nguyễn Xuân Diện nhìn dưới góc nhìn văn hóa như sau:

“Chương trình 60 phút mở của Đài Truyền hình Việt Nam do bà Tạ Bích Loan là chủ của chương trình đó tính đến nay đã là số thứ 2. Số thứ nhất có chủ đề: “Chia sẻ để làm gì?” đã làm cho dư luận căm phẫn và cho rằng đây là màn đấu tố trắng trợn đối với MC Phan Anh. Chương trình thứ hai mang tên: “Làm từ thiện để làm gì?” Đấy là một câu hỏi mà bản thân của nó đã mang sự không thành thật, đã mang một ác ý và mang một tâm địa độc ác.

Từ thiện để làm gì? Hỏi một câu như thế là đã đánh vào người làm từ thiện. Mặc dù chương trình này thẳng thắn đặt ra những vấn đề từ thiện như những người những cơ quan, cơ quan công quyền ở các tỉnh biên giới phía Bắc đã cản trở ngăn cấm và không chấp nhận người dân làm từ thiện mà tôi là một nạn nhân trong những ví dụ đó.

Chương trình cũng đặt vấn đề có những người làm từ thiện để kiếm chác hay lấy danh tiếng… thế nhưng cách đặt vấn đề từ câu hỏi đầu tiên “làm từ thiện để làm gì?” cho thấy một tâm địa ác độc của người đặt câu hỏi đó. Qua đó người ta đặt vấn đề Tạ Bích Loan đã làm chương trình này để làm gì? Những câu hỏi thể hiện việc cả vú lấp miệng em, không dẫn dắt mà là áp đặt. Không để cho khách nói mà mình tranh nói. Không để diễn giải những điều tốt đẹp của những người làm thiện nguyện, chọc vào bên ngoài của sự từ thiện bằng những tâm địa không tốt.

Người ta đặc biệt phản ứng với ông TS Đặng Hoàng Giang, một ông TS học ở Áo về tưởng rằng ông thấm nhuần tư tưởng mới mẻ phóng khoáng, nhân ái của châu Âu mà ông đã học. Thế nhưng khi về đến Việt Nam ông lại phát biểu những câu như thế thì tôi cho rằng ông không hiểu gì về văn hóa càng không hiểu gì về từ thiện và ông không có tư cách gì phát biểu những vấn đề này.

clip_image003

MC Phan Anh trong chương trình ‘Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì’? (Ảnh chụp màn hình chương trình).

Chương trình đã bị phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, nói tóm lại chương trình 60 phút mở có thể ban đầu nó được triển khai từ format của nước ngoài thì tốt nhưng khi thực hiện thì nó phơi bày trình độ của người làm chương trình này là bà Tạ Bích Loan, và đồng thời nó cũng phơi bày tâm địa của bà ấy và phơi trần tâm địa của vị khách được mời đến, là những người có vấn đề về mặt nhân cách.”

Câu phát biểu của ông Đặng Hoàng Giang xét về khía cạnh văn hóa hay nhân văn đều có vấn đề. Bản sắc văn hóa không được gìn giữ dưới tâm thức cứng ngắt và gò bó, bất kể sự cần thiết cao hơn đó là lòng nhân đạo cần phải ưu tiên trước bất cứ giá trị dựa dẫm nào. Bản sắc văn hóa được hình thành từ hành vi vô nhân đạo chỉ là một thứ bản sắc nhằm trình diễn chứ không có giá trị nhân văn, là cái gốc của mọi thực hành và kế tục văn hóa.

Nhà văn Nguyễn Viện nhận xét về việc bảo tồn bản sắc mà ông Giang phát biểu:

“Tôi có nhiều dịp đi lên những vùng cao, có dịp tiếp xúc với nhiều người làm văn hóa, viết văn, làm báo tôi thấy có một sự sai lầm rất lớn trong việc mà người ta gọi là bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc, hay là những người làm du lịch cũng vậy họ quan niệm rất đơn giản là cần phải giữ nguyên trạng để làm du lịch hoặc bảo tồn bản sắc.

Thực ra trong vấn đề này việc bảo tồn như thế làm tôi có cảm giác người ta muốn biến cái vùng đó hay những con người ở đó thành những thứ đồ chơi, giải trí cho khách du lịch, giống như người ta tham quan sở thú vậy. Cái thứ hai tôi thấy nó hoàn toàn thiếu tính nhân văn ở chỗ là con người ai cũng muốn sướng, cũng muốn có nhà cao cửa rộng, có mọi phương tiện tốt đẹp thì tại sao những người ở vùng cao lại không cho người ta có cái quyền ước ao đó?

Con người trước thượng đế, hay một công dân trước pháp luật tất cả đều bình đẳng như nhau. Người H’mông, người Mèo người Thái hay người Nùng người ta đều có cái quyền, trách nhiệm cũng như quyền lợi, hưởng thụ tất cả những thành tựu của xã hội. Không lý do gì mà chúng ta duy trì tình trạng lạc hậu đó để làm du lịch hay để bảo tồn văn hóa một cách vô nhân đạo.

Nếu nói về bản sắc văn hóa thì tôi tự hỏi rằng liệu mấy ông mấy bà làm chương trình đó họ có đóng khố hay cưỡi truồng, theo truyển thống như ông Chữ Đồng Tử hay họ cũng mặc vest, cũng caravate, dùng tất cả những thứ hàng hiệu của Tây phương hiện nay trong khi bắt người ta phải mặc thổ cẩm?”

Nhà báo Sương Quỳnh tuy khá trầm tĩnh trước cơn sóng dư luận đang ập tới với chương trình “60 phút mở” của VTV, cũng không dấu sự ngạc nhiên vì cái nhìn lệch lạc của người trách nhiệm chương trình này, bà nói:

“Mình cũng rất khó nói, bởi vì nhiều khi cảm nhận của họ những gì mà người ta không thực tâm, họ không diễn đạt được hay hiểu hết được những tấm lòng của những người làm từ thiện. Bởi vì những người thực tâm làm từ thiện thì họ âm thầm lắm, họ không muốn đưa tên tuổi ra và họ không dám dùng hai chữ từ thiện nữa mà họ dùng từ “chia sẻ”. Chỉ có những người nào chia sẻ bằng cả tấm lòng thì họ mới thông cảm, mới thấu hiểu được những nỗi niềm. Người ta thực sự làm từ thiện thì không vì danh tiếng mà họ chỉ muốn chia sẻ nỗi niềm, nỗi đau của người khác, người ta cảm nhận được, thông cảm được.

Còn những người không chia sẻ được những điều đó, họ làm chỉ vì danh tiếng, họ muốn phải có một cái gì mang lợi lại thì họ sẽ phát huy cái kiểu như thế.”

Khác biệt giữa người và những động vật khác

Bất cứ quốc gia nào cũng từng nhiều lần nhận và chia sẻ từ thiện tới các quốc gia khác. Trong những chương trình xóa đỏi giảm nghèo hay trợ giúp y tế, Việt Nam đã nhận không ít tài trợ từ ngoại quốc và không ai đặt ra câu hỏi mục đích việc trợ giúp của họ là gì.

Thế nhưng đối với những tổ chức NGO hay cá nhân, việc làm từ thiện tại Việt Nam là hành động vượt lề không được chấp nhận. Có không ít đoàn thể làm từ thiện bị ngăn cản, từ chối, thậm chí bị tịch thu khi không muốn giao quà cho chính quyền địa phương phân phối cho người nhận.

Hầu hết trong các trường hợp việc giao quà cho địa phương là phương thức bất khả kháng mặc dù biết rằng những phần quà ấy sẽ rất khó đến đúng tay người nhận, đó là chưa nói tới việc ăn chặn công khai của chính quyền địa phương mà ngôn ngữ báo chí gọi là “xà xẻo”.

Lý giải hành vi cấm cản này nhà văn Nguyễn Viện cho biết nhận xét của ông:

“Thông qua những gì mà tôi thấy thì tôi có thể nói, thứ nhất không phải đến bây giờ mà từ rất lâu rồi, tôi nhớ từ sau năm 1975 tới giờ thì tôi thấy tất cả những hoạt động mang tính từ thiện tự phát gần như luôn luôn không được nhà nước chấp nhận. Tôi có cảm giác ở đây có hai vấn đề, thứ nhất nhà nước muốn độc quyền chuyện làm từ thiện và sự độc quyền ấy mang ẩn ý nhà nước không muốn dân chúng mang ơn ai ngoài đảng. Ý thứ hai hơi tồi tệ, mà báo chí trong nước cũng đã đưa tin và ngay cả những chuyện như vậy, bi thảm như thế mà người ta vẫn cứ xà xẻo.”

Ý nghĩa quan trọng của việc làm từ thiện đối với từng cá nhân đó là làm cho lương tâm mình bớt dằn vặt trước bất công, thiếu thốn, đau khổ của người khác. Mỗi lần cho người cơ nhỡ một ít tiền, người lương thiện cảm nhận mình đã vứt đi một ít cắn xé trong lòng trước bất hạnh của người khác. Thượng đế cho con người tính thiện và đó là khác biệt rất lớn giữa người và những động vật khác.

Những đứa trẻ vùng cao thiếu thốn quanh năm và cái đói, cái lạnh luôn là nỗi ám ảnh của chúng. Chưa giúp được đói thì việc mang lại manh áo ấm cho chúng là cần thiết. Cần thiết hơn tất cả mọi luận điểm xem ra cao quý nhưng hoàn toàn xa xỉ nếu không muốn nói là đi ngược lại với lòng nhân ái mà loài người vốn có.

Bản sắc văn hóa nếu cần được gìn giữ như quan điểm của ông Đặng Hoàng Giang thì ngay cả nếu giữ được cũng không giúp ích gì cho các cộng đồng thiểu số mà còn có tác dụng ngược lại. Nó sẽ hằn sâu vào lòng người dân vùng cao vì họ bị xem như những con rối bằng rơm, không biết ăn, không biết rét mà chỉ biết trình diễn qua manh áo thổ cẩm được ca tụng là bản sắc văn hóa.

Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số được người làm văn hóa trong phòng lạnh định nghĩa theo công thức cho và nhận vì vậy người nhận phải nằm trong một khung sườn nào đó phù hợp với toan tính của người cho, mà bản sắc văn hóa là một trong những chiếc khuôn mang nặng quán tính cộng sản.

Ông Đặng Hoàng Giang được cộng đồng mạng xã hội chú ý bởi vì ông là một Việt kiều Áo và đang giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển. Trong vai trò này ông chưa làm được gì cho các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và trách nhiệm nghiên cứu phát triển của ông nếu đặt nền tảng trên những gì ông phát biểu trong chương trình VTV khiến người ta đặt câu hỏi: Làm sao phát triển trong cái khuôn lạnh lẽo và chủ quan như vậy?

M.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/charities-for-whom-ml-06102016222039.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn