LS. Trần Vũ Hải & Nguyen Thuy: NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM SAU KHI CHÍNH PHỦ CÔNG BỐ THỦ PHẠM THẢM HOẠ CÁ CHẾT

LS. Trần Vũ Hải

Có quá nhiều việc phải làm sau khi Chính phủ công bố thủ phạm thảm hoạ cá chết:

1. Việc đầu tiên cần làm, (mà lẽ ra làm từ trước), áp dụng khoản 10 điều 28 Luật tổ chức chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo điều tra và khắc phục thảm hoạ cá chết do 1 phó Thủ tướng đứng đầu, để giải quyết một việc loạt việc và vấn đề liên quan vụ thảm hoạ này.

2. Tuyên bố tiếp tục lệnh cấm đánh, bắt, nuôi, trồng và khai thác thuỷ sản trong vùng biển cách bờ 20 hải lý tiếp tục tại khu vực thảm hoạ ít nhất 6 tháng và các biện pháp để giúp các ngư dân và các hộ kinh doanh liên quan trong thời gian duy trì lệnh cấm này.

3. Xác định tổng thiệt hại do thảm hoạ gây ra và buộc thủ phạm phải bồi thường. Một hội đồng chuyên gia độc lập cùng một công ty giám định thiệt hại có uy tín được trưng cầu để xác định thiệt hại. Khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư và xã hội dân sự hướng dẫn ngư dân và các hộ kinh doanh khác (kể cơ sở du lịch) xác định thiệt hại và gửi đơn từ, làm các thủ tục pháp lý.

4. Huy động các chuyên gia, công ty hàng đầu Việt nam và quốc tế nghiên cứu các phương án làm sạch biển và phục hồi thuỷ sản, sinh thái khu vực thảm hoạ. Toàn bộ chi phí cho các công việc này do thủ phạm trả.

5. Yêu cầu kẻ gây ra thảm hoạ môi trường cam kết áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường ở mức cao nhất và giám sát chặt chẽ việc thực thi.

6. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dân chúng, chuyên gia, nhà khoa học, xã hội dân sự giám sát việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, minh bạch thông tin khi các cơ quan chức năng giải quyết liên quan đến thảm hoạ này. Mọi khiếu nại, thắc mắc liên quan phải được giải quyết nhanh chóng và công khai. Có 1 trang web riêng của Ban chỉ đạo để thông tin về việc điều tra và khắc phục thảm hoạ.

7. Đối với những người có biểu hiện bị nhiễm, bị bệnh và chết do nghi nhiễm độc từ việc xả thải hoặc ảnh hưởng từ hoạt động của các nhà máy, cơ sở kinh doanh tại khu công nghiệp Vũng Ánh, ưu tiên chữa chạy và xác định nguyên nhân, nếu xác định do nguồn từ Formosa, buộc tập đoàn này chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu những hiện tượng trên diễn ra trên diện rộng, cần kiểm tra sức khoẻ cho toàn dân khu vực sát khu công nghiệp Vũng Áng, và các ngư dân khu thảm hoạ.

8. Những người có trách nhiệm liên quan đến thảm hoạ cá chết, kể cả quá trình khắc phục thảm hoạ, nếu thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm pháp luật phải được xử lý công khai và nghiêm minh.

9. Tạm đình chỉ việc xả nước thải ra biển cho đến khi Formosa cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện trên và trên thực tế đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường (đã được nâng cấp), kể cả các điều kiện về thải khí, thải chất rắn.

Trên đây là ý kiến của tôi. Xin các bạn cho ý kiến thêm.

T.V.H.

Nguồn: https://www.facebook.com/vuhai.tran/posts/1479460255413213

***

Nguyen Thuy

Trong bài Có quá nhiều việc phải làm sau khi Chính phủ công bố thủ phạm thảm hoạ cá chết, LS Trần Vũ Hải kêu gọi mọi người góp thêm ý kiến cho bài của ông, thành ra tôi xin mạo muội để đề nghị là LS Hải nên lập một nhóm đứng ra đại diện phía bị hại để kiện Formosa, như vậy thì tiền bồi thường mới đến thẳng tay nhân dân mà không bị qua trung gian của nhà nước thối nát tham nhũng CSVN, để rồi bị ăn chặn đầu chặn đuôi.

Nhân tiện cũng xin góp ý về số tiền bồi thường 500 triệu đô của Formosa, phải nói là quá ít vì không nói đâu xa chỉ cần nhìn vào vụ bồi thường vừa rồi của Volkswagen cho phía Mỹ để làm so sánh là thấy ngay.

Thật vậy Volkswagen chỉ là đã bán vào Mỹ cả thảy là 475.000 chiếc xe hơi với phần mềm trong thiết bị điện tử có khả năng đánh lừa hệ thống đo đạt kiểm soát khí thải ra môi trường, làm hệ thống này cho ra số lượng đo thấp hơn thực tế xe thải ra thật sự, vậy mà đã bị phạt gần 15 tỷ mỹ kim (trích bài Volkswagen đồng ý bồi thường 14,7 tỉ đôla trong vụ gian lận khí thải): "bao gồm hơn 10 tỉ đôla để mua lại khoảng 475.000 xe hơi gây ô nhiễm từ những chủ sở hữu. Việc dàn xếp cũng bao gồm 2,7 tỉ đôla cho việc khắc phục những tổn hại về môi trường và 2 tỉ đôla cho nghiên cứu về công nghệ không khí thải. Những chủ sở hữu xe hơi động cơ diesel 2 lít ở Mỹ được lựa chọn hoặc là bán lại xe của họ cho Volkswagen hoặc là đem xe đi sửa chữa. Dù họ chọn thế nào thì họ cũng sẽ nhận được một khoản bồi thường từ 5.100 cho tới 10.000 đôla". Phải nói ở đây là 475.000 người chủ các chiếc xe hơi không hề bị thiệt hại về tài chánh gì cả mà cũng được bồi thường thiệt hại từ 5800 USD đến 10000 USD (tùy đời xe), chưa kể được quyền bán lại xe của mình (lẽ dĩ nhiên với giá thị trường của một chiếc xe với đời nào đó chẳng hạn như đời 2012 hoặc 2013...) để những người sở hữu xe cũ "khó bán", có thể giao lại xe cũ của mình cho Volkswagen đổi lấy một số tiền nào đó rồi lấy số tiền đó cộng với tiền bồi thường từ 5800 USD đến 10000 USD để mua xe mới (khỏe ru cười ngất).

Trong khi ở VN mình là vấn đề sinh kế cả triệu người bị ảnh hưởng, thành tôi nghĩ đòi mười tỷ USD không thôi để bồi thường thiệt hại tài chánh cho một triệu ngư dân ở miền Trung thì cũng không phải là lớn. Trong vụ thảm họa môi trường ở vịnh Mexico vào năm 2010: do một giàn khoan dầu của công ty Transocean thuê bởi BP (British Petroleum) bị nổ làm đổ ra biển hàng triệu tấn dầu thô thì để khỏi bị truy tố về hình sự vì có mười một công nhân bị chết và mười bảy người khác bị thương, BP đã phải bồi thường 4,525 tỷ mỹ kim trả cho bộ tư pháp Hoa Kỳ còn Transocean thì bị phải trả 1,4 tỷ mỹ kim. Ngoài ra BP còn phải trả thêm 18,7 tỷ mỹ kim để bồi thường về dân sự cũng như phải chịu tất cả các phí tổn để tẩy rửa môi trường. Theo BP thì họ đã phải chi trả cả thẩy là 54,4 tỷ mỹ kim cho các vấn đề về pháp lý, kinh tế, cũng như khắc phục môi trường nêu trên v.v.  Trong vụ này thì chỉ là dầu hôi bị thải vào môi trường biển, do có trọng lượng nhẹ nên nổi trên mặt nước, do đó không khó để thâu hồi lại, lại thêm kỹ thuật để thu lại thì cũng đã có cả rồi, trong khi trong trường hợp của Formosa là do thải chất độc chứa kim loại nặng chìm sâu dưới đáy biển, muốn thu lại thì sẽ khó hơn muôn phần và kỹ thuật để thu lại thì cũng gần như chưa hề có, cho nên còn phải tính thêm cả chi phí về nghiên cứu để phát triển kỹ thuật trong địa hạt này, v.v.

Tóm lại trong vụ Formosa thì chánh phủ phải truy tố về hình sự vì đã có người thợ lặn chết và những người ăn đồ biển bị trúng độc chết, cũng như lo đòi bồi thường về các vấn đề liên quan đến việc xử lý và khôi phục môi trường, còn về khía cạnh dân sự thì các luật sư và các tổ chức XHDS ở VN nên vào cuộc một cách độc lập để đòi bồi thường cho những người bị liên lụy, trong đó có ngư dân ở bốn tỉnh miền Trung. Tôi nghĩ nếu có đòi 20 tỷ USD riêng cho chuyện này không thôi cũng không phải là quá đáng.

Kính,

T.N.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn