Tư vấn quốc tế cho quá trình điều tra nguyên nhân thảm họa cá chết

Thục Quyên (Save Vietnam´s Nature)

Những báo giấy, báo mạng, lề trái, lề phải, truyền thanh, truyền hình của Việt Nam từ cuối tháng Tư tới nay luôn loan tin nhà cầm quyền Việt Nam mời các tư vấn ngoại quốc đến để cùng với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam điều tra thảm hoạ cá chết, như là một điểm son cho cách làm việc của những người hữu trách, và bảo đảm cho sự minh bạch của cuộc điều tra.

Tại sao từ chối đề nghị của Liên Hiệp Quốc giúp điều tra?

Nhà cầm quyền Việt Nam quyết liệt từ chối đề nghị giúp đỡ điều tra của Hoa Kỳ thì còn có thể nghĩ rằng, vì họ khó ăn nói với Tập đoàn Công ty Luyện Kim MCC Trung Quốc (Metallurgical Corporation of China Ltd.), công ty thầu của Formosa Hà Tĩnh (FHT) và là thủ phạm ngay tại hiện trường mà FHT không quên nhắc tới khi nhận tội.

Nhưng từ chối cả đề nghị giúp đỡ điều tra của LHQ, một sự giúp đỡ bảo đảm vừa về chất lượng lẫn tính trung thực, thì đáng lý rõ ràng đẩy người dân Việt, dù khờ dại tới đâu, cũng phải đi tới kết luận: giới hữu trách không hề có ý muốn khẩn cấp tìm ra sự thật toàn vẹn, hoặc ít ra họ đang sa lầy trong một thế kẹt không còn quyền quyết định những phương thức cần làm.

Khi nhà cầm quyền Việt Nam loan tin chọn lựa các nhà khoa học đến từ các quốc gia Đức, Mỹ, Israel để hoạt động chung với các nhà khoa học trong nước, thì chỉ cho biết tên tuổi vài người, nhưng không cho biết lãnh vực hoạt động của họ có thích hợp không, và cho đến nay cũng không công bố chương trình hoạt động cũng như kết quả việc làm của họ.

Vậy mà bấy lâu cũng chẳng thấy dân chúng thắc mắc nhiều về tiêu chuẩn những nhà tư vấn quốc tế được mời đến điều tra, hoặc họ là ai, ai là người chọn họ? Ngay cả khi FHT trong thư nhận tội có viết sẽ “tìm kiếm chuyên gia quốc tế giúp đỡ để cải thiện hệ thống xử lý chất thải…” cũng không làm ai lưu ý.

Giáo sư Roberto Mayerle (Đại học Kiel/CHLB Đức)

Trong buổi đầu, một trong những nhà khoa học được mời là GS Mayerle chuyên về địa chất ven biển và kỹ thuật. Lãnh vực của ông là phát triển và ứng dụng các mô hình số và các hệ thống thông tin duyên hải để hỗ trợ việc quản lý các khu vực ven biển (thí dụ những năm gần đây GS Mayerle chuyên lo chương trình đặt hệ thống ra đa tần số cao WERA để đo biến đổi về các dòng chảy và sóng tại Yantai, Bohai Sea (Sơn Đài, tỉnh Sơn Đông, biển Bột Hải, Trung Hoa). Cho đến nay không có thêm tin tức gì liên quan đến sự có mặt và nhiệm vụ của ông tại những vùng có hiện tượng cá chết.

Hai nhà tư vấn quốc tế gần đây có lên tiếng về quá trình điều tra

1/ Tiến sĩ Friedhelm Schroeder

Ông là một nhà hóa học Đức, nhân viên 25 năm thâm niên của Trung tâm khoa học Helmholtz, Geesthacht, nhưng đã nghỉ việc và hiện nay là một nhà tư vấn khoa học.

Trong cuộc trao đổi với Quỹ Bảo vệ Biển Đức(1), TS cho biết tuy ông được nhà nước VN mời cộng tác trong quá trình điều tra nhưng lại giới hạn công việc của ông chỉ được bình luận những báo cáo của các khoa học gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong khi phần có mặt, kiểm tra tại chỗ, thì chỉ hời hợt và lướt qua cho có lệ. Ông cũng không được tự lấy mẫu để nghiên cứu.

Đáng ngạc nhiên là TS Schroeder một bên cho thấy không phải là người điều tra trực tiếp nhưng lại đưa ra những lời phê bình sau đây, không thích hợp với cách phát biểu của một nhà khoa học: Ông cho rằng vì chính sách bảo vệ môi trường không thực tế hoạt động tại Việt Nam nên “có thể tưởng tượng rằng hệ miễn dịch của Cá đã quá yếu bởi môi trường độc hại đã kéo dài nhiều năm” nên chỉ cần “một tác nhân” nhỏ là chết hàng loạt như đã thấy. (Nên nhớ cá và hải sản được xuất cảng đi khắp thế giới cho tới khi thảm họa xảy ra và được kiểm tra nghiêm ngặt bởi các nước nhập khẩu).

Để rõ ý hơn nữa, TS Schroeder còn nói là dọc theo toàn bộ vùng bờ biển (bị thảm hoạ) là những nhà máy mà hầu hết đều thải nước ô nhiễm không lọc thẳng xuống biển, và trong qúa trình điều tra, các thủ phạm tiềm năng khác đã được làm ngơ. Trong khi ông lại thấy tận mắt hệ thống lọc nước thải rất hiện đại của Formosa Hà Tĩnh, gồm cả máy đo tự động. Đó là tất cả những gì TS Schroeder quan sát khi “có mặt kiểm tra hời hợt và lướt qua cho có lệ”.

Tóm lại, nhà cầm quyền Việt Nam, hiểu theo TS Schroeder, mời các nhà tư vấn quốc tế đến (không biết tốn bao nhiêu tiền của dân) nhưng không thực sự cho họ trực tiếp điều tra (ít nhất trong trường hợp TS Schroeder) và lỗi gây thảm họa phần lớn là do phía Việt Nam ô nhiễm, Formosa nếu có thì lỗi cũng chỉ là thêm chút ít vào tình trạng sẵn có .

Để cân đối sự công bình khoa học, Qũy Bảo vệ Biển Đức bên cạnh những lời phát biểu của TS Schroeder cũng nhắc tới bài chuyên khảo năm 2012 của ông Michael Zschiesche thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường Độc lập: “Bảo vệ môi trường tại Việt Nam” trong đó nhắc tới tình trạng gian lận rất phổ biến của các nhà máy là có hai ống thải, một đặc biệt dùng khi kiểm tra định kỳ và một để sử dụng hàng ngày khi không sợ bị kiểm tra.

2/ Giáo sư Yasuki Maeda

GS Yasuki Maeda (Trường Đại học Tổng hợp Osaka, Nhật Bản),Biomass Centre, Đại học Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, trong một cuộc phỏng vấn của Vietnam News(2) ngày 11/07/2016 cho biết một cách rất dè dặt: nếu những chất độc gây hỏng hệ sinh thái biển (chỉ) là cyanid và phenol thì ông nghĩ một sự phục hồi có lẽ không tới 30-40 năm nhưng ít ra cũng cần 10 năm. Cũng theo ông, không thể làm gì khác hơn là chờ đợi và chấm dứt không tiếp tục thải những độc tố vào biển cả.

Không tỏ ra biết chi tiết về nguyên nhân thảm họa, có lẽ vì cũng không được mời trực tiếp điều tra, GS Y.Maeda chỉ nhấn mạnh khuyên nhà cầm quyền Việt Nam và dân chúng cần phải cộng tác toàn diện với nhau trong những nỗ lực cải thiện môi trường, không chỉ đuổi theo phát triển kinh tế mà phải lưu ý giữ thăng bằng giữa kinh tế và môi trường.

GS Maeda cũng cho biết Nhật Bản và Âu Châu có rất nhiều kinh nghiệm về cải thiện môi trường tại các khu vực ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất. Chính phủ Việt Nam nên học hỏi từ những kinh nghiệm của người đi trước để tránh lặp lại những sai lầm tương tự.

Con đường thoát duy nhất: gấp rút mời Liên Hiệp Quốc vào giám sát và điều tra

Nhà cầm quyền Việt Nam! Trễ còn hơn không! Chính các ông cũng đã thấy sợi thòng lọng MCC và Formosa càng ngày càng siết lại. Đổ tội “vấn đề cá chết bị chính trị hoá” là một lời nói vô liêm sỉ! Hãy thả những người dân đi biểu tình vì quan tâm đến vận mệnh dân tộc! Hãy để mọi người tự do ra cứu trợ những vùng trực tiếp bị thảm hoạ. Mọi người Việt tại hải ngoại và những dân tộc bạn đang sẵn sàng đóng góp trong cơn nguy biến.

Không còn thì giờ nữa, hãy cộng tác toàn diện với dân để thoát nạn diệt vong!

T.Q.

__________

(1) http://stiftung-meeresschutz.org/themen/verschmutzung-muell/103-fischsterben-vietnamesische-kueste-grossflaechig-verseucht )

(2) http://vietnamnews.vn/opinion/in-the-spotlight/299338/stop-polluting-the-water-for-the-sea-to-recover.html#xdKlkcUs62aL4JuR.97

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn