Vì sao Hướng Đạo hấp dẫn giới trẻ?

Trọng Thành

clip_image002

Một cuộc Họp Bạn của Hướng Đạo Ảnh : scout.org

Phong trào Hướng Đạo trong những năm gần đây đang có xu hướng được thừa nhận nhiều hơn tại nhiều quốc gia, khu vực. Lần đầu tiên kể từ gần 60 năm nay, nước Pháp đón tiếp trọng thể cuộc Họp Bạn Hướng Đạo quốc tế (Roverway) trong hai tuần lễ đầu tháng 8/2016, với sự tham gia của 5.000 hướng đạo sinh đến từ 56 nước (1). Họp Bạn Hướng Đạo ASEAN lần thứ 5 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 20/09/2016 tại Malaysia. Vì sao phong trào giáo dục có tuổi đời hơn một thế kỷ này vẫn tiếp tục có đông đảo người theo? Tạp chí Xã hội của RFI tuần này tìm cách trả lời câu hỏi này.

Nhiều thống kê về phong trào Hướng Đạo cho thấy, trong hiện tại hơn 40 triệu thanh thiếu niên, nhi đồng nam nữ tại hơn 200 quốc gia và khu vực là thành viên của phong trào. Khoảng 500 triệu người đã từng là hướng đạo sinh trong cuộc đời mình. Kể từ cuộc Họp Bạn thế giới (World Scout Jamboree [2]) đầu tiên vào năm 1920 đến nay, 22 lần như vậy đã liên tục được tổ chức gần như bốn năm một lần, tại nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới (Họp Bạn Hướng Đạo thế giới chỉ duy nhất bị ngắt quãng giữa 1937 – 1947 do Thế chiến Hai).

Theo nhiều nhà quan sát, nhờ ở một phương thức giáo dục hết sức độc đáo gắn liền với vui chơi, với thiên nhiên, với phiêu lưu mạo hiểm, hướng đến các giá trị phổ quát của nhân loại, trên cơ sở thức tỉnh ý thức tâm linh, mà phong trào Hướng Đạo không ngừng đổi mới và thích nghi với một thế giới liên tục thay đổi, đáp ứng các nhu cầu của giới trẻ toàn cầu. Hướng Đạo gây cảm hứng lớn lao cho những người trẻ tuổi muốn trở thành các công dân tích cực, đóng góp cho xã hội từ địa phương cho đến quy mô toàn cầu, với khát vọng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Phong trào xã hội độc lập, hướng đến tâm linh

Trước hết mời quý vị nghe tiếng nói của nhà báo Võ Thành Nhân (từ Washington), một người rất nhiều năm đóng góp cho phong trào Hướng Đạo của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

« Mục đích của phong trào Hướng Đạo, do ông tổ sáng lập Baden-Powell đề ra từ năm 1907, là một phương pháp giáo dục bên cạnh học đường, nhằm giúp đứa nhỏ trưởng thành hoàn chỉnh, trở thành một người hiểu biết, có một đạo đức, một thể chất cường tráng, có một tinh thần minh mẫn, trở thành một công dân hữu ích cho xã hội, hay cho đất nước nơi các em sinh sống. Phong trào này dành cho tất cả mọi người. Không phân biệt chủng tộc, văn hóa, đất nước, không phân biệt thu nhập của mỗi gia đình.

Phong trào Hướng Đạo được gìn giữ từ năm 1907 đến nay là nhờ họ nắm rất vững những nguyên tắc căn bản như sau. Đây là một tổ chức không chính trị, hoàn toàn là giáo dục. Đây là một tổ chức hoàn toàn độc lập. Tính độc lập rất quan trọng trong sinh hoạt hướng đạo. Một đơn vị hướng đạo, từ một đội, cho đến đoàn, liên đoàn hay của một miền, một quốc gia, phải độc lập. Nhờ độc lập nên phát triển rất trọn vẹn, không bị ảnh hưởng bởi các thế lực đối nghịch, hay không phù hợp với Hướng Đạo.

· Đọc thêm : Hướng đạo Việt Nam cần được chính thức phục hồi hoạt động trên toàn quốc (http://vi.rfi.fr/viet-nam/20110516-huong-dao-viet-nam-can-duoc-chinh-thuc-phuc-hoi-hoat-dong-tren-toan-quoc)

Nguyên tắc thứ ba là phục vụ cho những người xung quanh chúng ta. Nên Hướng Đạo mới rèn luyện cho các con em, các trẻ em khắp nơi trên thế giới hiểu được mình có bổn phận đối với tín ngưỡng, tâm linh. Hiểu được bổn phận với những người xung quanh mình, và phải biết mình là ai, phục vụ cho chính mình. Các em biết mình là ai, các em muốn giúp những người xung quanh thì các em phải có nhiều kỹ năng. Kỹ năng đó nó sẽ giúp cho các em trưởng thành, có kỹ năng các em mới giúp được cho người khác. Giúp được người khác thì các em mới thực hiện được cái đạo đức lương tâm của các em. Khi nắm được những điều căn bản như vậy thì chúng ta có Hướng Đạo».

Học kỹ năng qua trò chơi, gắn bó với thiên nhiên, «hàng đội» tự trị…

Nhà báo Võ Thành Nhân chia sẻ một số phương thức đặc biệt đã làm nên sức sống, sức hấp dẫn của phong trào Hướng Đạo:

«Hướng Đạo dùng trò chơi để dạy cho các em học. Khi tham gia Hướng Đạo, qua các trò chơi các em học được rất nhiều. Thứ hai là dùng luật và lời hứa của Hướng Đạo để dạy các em. Lời hứa mà Hướng Đạo Việt Nam hải ngoại dạy các em... đó là hứa cố gắng hết sức làm bổn phận với tín ngưỡng, tâm linh và tổ quốc, quốc gia tôi, giúp ích mọi người bất cứ lúc nào… Tổ quốc của các em là Việt Nam (3), và quốc gia là nơi các em sinh sống.

Hướng Đạo là vừa học, vừa làm. Các em học để biết cách định hướng sao trên trời, biết được dấu trong rừng… Khả năng nhận thức, óc quan sát của các em mỗi ngày một phong phú, sẽ giúp cho các em có được các kỹ năng nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các em.

Anh em Hướng Đạo Việt Nam dùng chữ tín ngưỡng, tâm linh ở đây là xuất phát từ tâm hồn của đứa nhỏ, kể cả các em không tôn giáo, tín ngưỡng không sao. Vấn đề là các em có một hiểu biết, thương xót, thương người này, thích giúp đỡ người khác, có sự chia sẻ những đau buồn của những người xung quanh mình, biến thành những hành động giúp ích cho những người đó. Chính cái đó làm cho các em trưởng thành, có một đời sống đạo đức, giúp đỡ tha nhân. Nghĩ đến tha nhân là đạo đức của Hướng Đạo, gắn liền với tâm linh.

Hướng Đạo dùng đến phương pháp thiên nhiên… Muốn sống với thiên nhiên là phải thích ứng với nó. Cho các em ra ngoài thiên nhiên nhiều, các em sẽ thấy thương quả địa cầu này, các em sẽ muốn gìn giữ màu xanh của trái đất, không muốn xảy ra hiện tượng ozon và các khí thải nguy hiểm khác.

Và còn nhiều phương pháp khác, nhưng cuối cùng cái này là quan trọng nhất, Hướng Đạo dạy các em theo phương pháp gọi là ‘‘hàng đội’’ tự trị. Cụ thể là, các em sống theo nhóm nhỏ 5, 7 người để sinh hoạt chung với nhau. Em có kỹ năng nấu ăn sẽ phụ trách nấu ăn, em có kỹ năng la bàn, bản đồ sẽ phụ trách việc này. Có những em có kỹ năng về tài chánh sẽ làm thủ quỹ, em có kỹ năng viết thuyết trình… Trong đội sẽ phân chia để các em giúp đỡ nhau, sống với nhau, thi đua với những đội khác, nhờ các kỹ năng mà các em chia sẻ với nhau trong đội.

Trong phương pháp giáo dục Hướng Đạo, mỗi lần các trưởng hay các anh chị chỉ dạy cho các em mới từng người một, chỉ cho từng cá nhân, từng hoàn cảnh. Có những em ba mẹ khó khăn, hoàn cảnh tài chánh không giống những người khác, có những gia đình có các tôn giáo khác nhau. Thấy một phong trào lớn như vậy nhưng khi họ chỉ bảo cho nhau là chỉ bảo từng cá nhân một. Sự hữu hiệu của Hướng Đạo là ở đó».

Hòa bình : Mục đích tối hậu

Một trong những giá trị lớn lao nhất mà Hướng Đạo vun trồng từ một thế kỷ nay là sự hòa hợp. Nhà báo Võ Thành Nhân tâm sự:

«Những hướng đạo sinh khi họ gặp nhau, không có sự phân biệt nào về màu sắc tôn giáo, mà là một sự hòa nhập. Mỗi lần các em đi trại, hay họp bạn lớn, các em đều có cơ hội tham dự những buổi lễ tinh thần có tính cách quốc tế, có những buổi lễ tinh thần chung cho các tôn giáo để các em có sự hiểu biết hơn về tôn giáo của mình, tôn giáo của bạn mình. Do đó, vô hình chung Hướng Đạo tạo nên các môi trường lành mạnh để cho mọi người ngồi lại với nhau, (vượt) qua các tôn giáo khác biệt nhau, các văn hóa khác nhau, những dân tộc khác nhau.

Nếu phong trào Hướng Đạo phát triển mỗi ngày một tốt đẹp hơn, thì chúng ta thấy rằng, các em thanh sinh, thiếu sinh đó, qua những trại họp bạn đó, sau này họ sẽ là bè bạn với nhau, họ sẽ giải quyết những vấn đề quốc tế, những vấn đề thế giới một cách hợp lý hơn, có tính toán suy nghĩ hơn, kỹ càng hơn, chín chắn hơn, và ít thấy những sự kỳ thị vô lý, hoặc thiển kiến, thiên kiến, thiên vị».

Khác với quan niệm sai ở khá nhiều người, Hướng Đạo không gắn liền với một tôn giáo. Phong trào Hướng Đạo mở cửa với mọi truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa. Có thể nói giá trị cao cả nhất mà Hướng Đạo hướng tới là một nền hòa bình cho nhân loại.

Tạp chí tuần này xin khép lại với nhận định của ông Benoît Vandeputte, người phụ trách một phong trào Hướng Đạo Pháp (Scouts et Guides de France) (4) (chương trình "Các tôn giáo thế giới" của RFI):

«Thành công của Hướng Đạo xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, trong một xã hội mang nhiều hoài bão. Cùng với sự ra đời của Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc), của Thế Vận Hội, phong trào Hướng Đạo Sinh đã phát triển như một giấc mơ về một thế giới hòa bình, một thế giới của tình bác ái. Giấc mơ đó đã bị chà đạp trong Thế chiến thứ nhất.

Trong giai đoạn hậu chiến, người sáng lập Hướng Đạo đã có một phát triển đột biến về tư duy và về phương pháp. Baden-Powell nhận ra là trong chiến tranh, người ta đã sử dụng trẻ em làm lính, chứ không chỉ là trinh sát như trước. Điều này làm ông hết sức đau đớn. Sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, Baden-Powell đã đặt ra một mục tiêu tối cao cho Hướng Đạo. Đó là đào luyện những người kiến thiết nền Hòa bình.

Tôi muốn đặt Baden-Powell trên cùng một tượng đài với Mahatma Gandhi, cho dù đó là hai con người rất khác nhau. Nhưng cả hai cùng là nhà sư phạm, cùng hướng đến mục tiêu đào tạo ra những con người kiến thiết nền Hòa bình. Đây là điều mà thế giới chúng ta ngày nay rất cần » (5).

----

(1) Cuộc Họp Bạn Hướng Đạo toàn thế giới lần thứ 6 được tổ chức tại Pháp năm 1947, hai năm sau Thế Chiến Hai, còn được gọi là « Họp Bạn Hòa Bình ».

(2) Jamboree (hay « Họp Bạn ») là từ tiếng Anh, gốc Ấn Độ, được nhà sáng lập Hướng Đạo sử dụng từ năm 1910, để nói về các cuộc tập hợp hướng đạo sinh. Theo nhiều nhà quan sát, Ngày Thanh niên Công Giáo Thế giới – khởi sự từ năm 1984 – học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các hoạt động Jamboree của Hướng Đạo.

(3) « Hướng Đạo Việt Nam ở hải ngoại hình thành với một tôn chỉ rất đặc biệt, nhằm để gìn giữ bản sắc, phát triển văn hóa Việt Nam, qua phương pháp Hướng Đạo. Do đó chúng ta thấy có Hướng Đạo ở Pháp, ở Úc, Hướng Đạo ở Canada, Hoa Kỳ là vì những người Việt còn nghĩ tới vận mệnh của đất nước của mình, nghĩ tới văn hóa của mình. Ngày nào người Việt Nam sống khắp nơi trên thế giới còn có cái văn hóa Việt Nam, thì chúng ta có con người Việt Nam, có những người luôn hướng về tổ quốc của mình, để gìn giữ một di sản mà tổ tiên để lại là tổ quốc Việt Nam. Đó là một sứ mạng chủ yếu của phong trào Hướng Đạo Việt Nam. … (giúp cho) các em từ ''chim non'', ''sói con'', ''thiếu sinh'', ''thanh sinh'' cho đến ''kha sinh'', ''tráng sinh'' tùy theo tuổi, hiểu được cái văn hóa (Việt Nam) và lấy đó làm niềm hãnh diện … » (nhà báo Võ Thành Nhân).

4) Benoît Vandeputte là tác giả cuốn « Hiểu biết cơ bản về Hướng Đạo/ Mon ABC du scoutisme » (Nxb Cerf). Hiệp hội công giáo "Scouts et Guides de France", mở ra cho đại chúng tham gia không phân biệt tôn giáo, được bộ Y Tế, Thanh Niên và Thể Thao Pháp công nhận là một "phong trào giáo dục (vì) nhân dân". Tại Pháp, ngoài các nhóm Hướng Đạo Công Giáo, còn các hiệp hội Hướng Đạo không tôn giáo, Hồi Giáo hay Phật Giáo.

(5) Ông Benoit Vandeputte mô tả giai đoạn đầu tiên của phong trào Hướng Đạo : « Trong giai đoạn chiến tranh tại Mafking (Nam Phi) (1899-1890), Baden-Powell đã sử dụng nhiều thiếu niên để làm nhiệm vụ trinh sát (thật là kinh khủng, nhưng dù sao họ cũng không bị bắt phải ra trận !). ‘‘Scouting’’ trong tiếng Anh có nghĩa là trinh sát. Robert Baden-Powell đã sử dụng kinh nghiệm này để chế ra một phương pháp giáo dục hết sức mới mẻ, không liên quan gì đến quân sự. Nền tảng của phương pháp này là hoàn toàn tin tưởng vào trẻ em và giáo dục tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau, tình huynh đệ. Baden-Powell dần dà phát triển phương pháp của ông. Bản thân người sáng lập Hướng Đạo không phải là nhà lý thuyết, ông là người rất thực tế theo kiểu Anh, hoạt động trên tinh thần vừa làm, vừa sửa sai… Kinh nghiệm cho thấy, càng tin tưởng vào trẻ, thì kết quả càng tốt ».

T.T.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160817-vi-sao-huong-dao-hap-dan-gioi-tre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn