Đầu tư thương mại, đầu tư chính trị

Ls Nguyễn Văn Thân

Chỉ vài ngày sau khi Tổng trưởng Ngân khố Scott Morrison chính thức ban hành quyết định ngăn cấm không cho Công ty Trung Quốc đầu tư vào mạng lưới điện AusGrid, ký giả của Đài ABC đã có bài tường thuật là trong hai năm tài khóa từ 2013 tới 2015, một số doanh nhân và công ty có quan hệ mật thiết với Trung Quốc đã hiến tặng hơn 5.5 triệu Úc kim cho hai chính đảng của Úc. Đảng Lao động nhận nhiều nhất với khoảng 3.5 triệu và Đảng Tự do khoảng 2 triệu.

Danh sách mà ABC đưa ra cho thấy có 37 công ty và doanh nhân người Hoa là những nhà mạnh thường quân hào phóng cho hai đảng lớn của Úc. Thật ra đây không phải là thông tin mới. Từ năm ngoái, báo Sydney Morning Herald của Công ty Fairfax đã có một loạt bài tường thuật về hiện tượng một số công ty và doanh nhân Trung Quốc hiến tặng những khoản tiền rất lớn cho cả hai đảng. Nhưng ABC đã thu thập số liệu từ Ủy hội Bầu cử - Australian Electoral Commission (AEC) rồi biên soạn và liệt kê từng nhà mạnh thường quân theo thứ tự số tiền đóng góp. Nổi bật nhất trong số này là Wang Zichun. Wang đã tặng cho Đảng Lao động $850,000 Úc kim trước Cuộc bầu cử Liên bang năm 2013. Đây là một số tiền khá lớn đối với một người ngoại quốc tặng cho một đảng phái chính trị tại Úc trước ngày bầu cử. Theo đơn kê khai nộp với AEC, địa chi của Wang dẫn đến số 112 Yuhua Xilu, Khu Qiaoxi ở Shijiazhuang - thành phố lớn nhất tại Hà Bắc và cũng là tỉnh sản xuất thép lớn nhất ở Trung Quốc. Nơi này cũng là địa chỉ của Viện Nghiên cứu Phát triển và Cải cách của tỉnh Hà Bắc và của Văn phòng Chính phủ quản lý các vấn đề liên quan tới Đảng viên Cộng sản Trung Quốc đã về hưu.

Người thứ hai là Chau Chak Wing. Chau là một nhà tỷ phú kinh doanh địa ốc và là ông chủ tập đoàn Kingfold ở Quảng Châu. Chau và gia đình đã có quốc tịch Úc. Vợ ông và các con sinh sống tại Sydney nhưng Chau ở lại Quảng Châu để điều hành công ty. Cũng như những doanh nhân tỷ phú gốc người Tiều khác như Lý Gia Thành (Li Ka-shing) và Huỳnh Quang Dụ (Huang Guangyu), Chau rất chú trọng vào việc gầy dựng quan hệ gần gũi với chính trị gia. Trong năm 2013-2014, Chau tặng tổng cộng $715,000 cho Đảng Lao động, $540,000 cho Đảng Tự do và $100,00 cho Đảng Quốc Gia. Vào năm 2010, Chau tặng 20 triệu cho Đại học UTS để xây cất một tòa building mang tên Chau Chak Wing. Chau cũng tặng 15 triệu cho một viện bảo tàng và học bổng trị giá 5 triệu cho sinh viên gốc Hoa. Trước đó vào năm 2006-2007 và 2007-2008, Chau tặng tổng cộng $980,000 cho Đảng Tự do và $402,000 cho Đảng Lao động. Trong năm tài khoá 2004-2005, Chau tài trợ cho các chuyến viếng thăm Trung Quốc của một số dân biểu Lao động gồm có Kevin Rudd, Wayne Swan, Stephen Smith và Tony Burke. Khi được hỏi về Chau, cựu Thủ Tướng John Howard trả lời rằng: “Tôi biết ông ấy và thích ông ấy. Ông ta đóng góp rất nhiều cho những công trình hữu ích của chúng ta”. Trước đó vài tháng, Chau đã mua lại biệt thự ven biển của tỷ phú Packer với giá 70 triệu.

Ngoài ra, Chau cũng có quan hệ mật thiết với cựu Thủ hiến và Ngoại trưởng Bob Carr. Carr là Chủ tịch danh dự của Hội thân hữu Úc-Trung của Trần Gia (Chan’s Association of Australia China Friendship and Exchange). Vào năm 2004, Carr trong cương vị Thủ hiến NSW đã đề cử Winky Chau (con gái của Chau Chak Wing) làm cố vấn và cuối năm đó ra mắt tờ báo Hoa ngữ của Winky có tên là Australia New Express Daily. Winky sau đó cũng có làm việc cho Thủ hiến Morris Iemma, người kế nhiệm Bob Carr.

Đứng thứ ba là Tập đoàn Yuhu. Yuhu là công ty con của một công ty quốc doanh của Trung Quốc chuyên đầu tư vào bất động sản và nông nghiệp tại Úc. Trong tài khóa 2013-2104, Yuhu và những nhân vật có quan hệ với công ty này hiến tặng tổng cộng $700,000 cho Đảng Lao động và $675,000 cho Đảng Tự do. Eric Roozendaal, cựu Tổng trưởng Ngân khố NSW đã gia nhập tập đoàn này vào năm 2014. Huang Xiangmo là Chủ tịch của Tập đoàn Yuhu và cũng là Chủ tịch của Hội đồng Yểm trợ Trung Quốc Thống nhất Hòa bình tại Úc mà sinh hoạt gồm có chống lại các phong trào độc lập cho Đài Loan, Hồng Kong và Tây Tạng. Vào năm 2015, Huang đứng ra trả tiền án phí cho Thượng nghị sĩ Sam Dastyari khi ông bị một công ty quảng cáo tranh cử kiện đòi bồi thường. Bên Tự do cũng được chiếu cố tận tình. Có nguồn tin cho rằng cựu Bộ trưởng Thương mại Andrew Robb được mời tham dự đám cưới con gái của Huang là Carina Huang vào tháng Giêng năm nay tại Sydney.

Không chỉ bỏ tiền ra mua ảnh hưởng với cả hai đảng và những nhân vật lãnh đạo, một số nhà tài phiệt và công ty Trung Quốc cũng đang mua đứt các cơ quan truyền thông Hoa ngữ và các hội đoàn trong cộng đồng người Hoa tại Úc. Ví dụ như vào năm 2008, tờ báo do Bắc Kinh hậu thuẫn là Australia New Express Daily giúp nhập cảng khẩn cấp 1,000 lá cờ và phát cho sinh viên Trung Quốc sử dụng để áp đảo tiếng nói phản đối của một vài người Tây Tạng khi ngọn đuốc Olympics Bắc Kinh 2008 chạy ngang Thủ đô Canberra. Gần đây hơn vào ngày 23/7/2016, cộng đồng người Hoa tại Melbourne tổ chức một cuộc biểu tình với khoảng 1,500 người tham dự phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về vụ kiện “Đường lưỡi bò” của Phi Luật Tân. Vào ngày 6/8/2016, Liên hội người Hoa tại ACT đã gửi một lá thư ngỏ cho Thủ tướng Malcolm Turnbull, Ngoại trưởng Julie Bishop, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Steve Ciobo, Lãnh tụ Đối lập Bill Shorten, Ngoại trưởng Đối lập Penny Wong, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Đối lập Jason Clare và Lãnh tụ Đảng Xanh Thượng nghị sĩ Richard Di Natale phản đối quan điểm của Chính phủ Úc là tất cả các bên gồm có Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài. Lá thư lập lại luận điệu của Bắc Kinh là Trung Quốc có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông và Tòa Trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này.

Ngay cả các cơ quan truyền thông chính mạch của Úc cũng không thoát khỏi bàn tay nối dài của Bắc Kinh. Vào năm 2014, Đài ABC công bố là đã đạt thỏa thuận chia sẻ chương trình với một cơ quan truyền thông của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải. Có nghĩa là ABC sẽ đưa chương trình (thường phải tự kiểm duyệt trước) cho Trung Quốc và đón nhận chương trình từ Trung Quốc đã được ban Tuyên giáo kiểm duyệt. Vào tháng 6 năm 2016, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kỳ Bảo (Liu Qibao) bay đến Sydney để dự lễ ký kết thoả thuận giữa Trung Quốc và báo Sydney Morning Herald và Đài Truyền hình Sky News. Dưới thoả thuận này, Sydney Morning Herald, The AgeThe Australian Financial Review đồng ý nhét phụ bản “China Daily” của Trung Quốc trước khi phân phối báo. Ngoài ra, Trung Quốc cũng dựng ra tổ chức Global China Australia Media Group (CAMG) và mướn ký giả phương Tây hiện diện trong các buổi họp báo và đặt những câu hỏi “Dorothy Dixer” (câu hỏi do Trung Quốc soạn trước) tạo điều kiện cho Bắc Kinh có thể tuyên truyền. Tất cả những việc này đều nằm trong chiến lược thí triển quyền lực mềm mà Trung Quốc chi 10 tỷ hàng năm để thực hiện.

Trở lại với những đóng góp to lớn của doanh nghiệp Trung Quốc cho cả hai đảng Lao động và Tự do, câu hỏi đặt ra là những nhà mạnh thường quân này kỳ vọng được gì và hiện tượng này có ảnh hưởng thế nào tới chính trường Úc? Ông Wayne Swan cựu Tổng trưởng Ngân khố đã lên tiếng cho rằng đồng tiền ngoại quốc có thể làm “sai lệch” (skew) những quyết định chính trị quan trọng của Úc và kêu gọi cải tổ. Đã có 114/180 quốc gia ban hành luật cấm cá nhân và công ty ngoại quốc hiến tặng tiền cho các tổ chức hoặc đảng phái trong các cuộc vận động tranh cử. Thượng nghị sĩ Xenophone muốn Úc trở thành nước thứ 115. Thật ra, việc bỏ tiền để mua chuộc chính khách không phải là kế sách gì mới mẻ nhưng rất có hiệu quả và cùng với mỹ nhân kế thường được Trung Quốc sử dụng để đạt được mục đích. Trong mấy ngày qua, truyền thông Úc đua nhau loan tin là sau khi Thượng Nghị sĩ Lao động Sam Dastyari nhận tài trợ chi phí cho một chuyến công du từ một công ty Trung Quốc, ông đã bày tỏ quan điểm trái ngược với chính sách của Đảng Lao động và ủng hộ lập trường của Trung Quốc là mọi tranh chấp tại Biển Đông nên được giải quyết theo hướng song phương. Ít ra thì tại Úc cũng còn có tự do ngôn luận và tự do truyền thông nên tất cả mọi việc này đều được đưa lên công luận. Không biết hiện tượng này có xảy ra ở Việt Nam hay không và nếu có thì Ban Tuyên giáo có cho truyền thông nhà nước đưa lên để nhân dân cùng thảo luận và góp ý hay không?

N.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn