Chế độ ‘xây dựng nông thôn mới’ hay trùm gôm cùm thuế má lên đầu nông dân?

Thạch Sanh

Xây dựng nông thôn mới những tưởng rằng thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, thế nhưng qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, bức tranh nông thôn lại trở nên xám xịt, người dân điêu đứng, dẫn đến những nguy cơ bất ổn xã hội từ kinh tế, văn hóa đến môi trường.

clip_image002

Theo quy định, để được công nhận “chuẩn nông thôn mới”, các xã phải đạt “19 tiêu chí”, thực hiện 11 “nội dung”, trong đó thôn, xã phải xây những công trình hạ tầng như đường giao thông nông thôn, trụ sở xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu học tập cộng đồng, khu thể thao, cổng xã, cổng thôn, cổng làng... Người dân cũng phải xây tường rào cổng ngõ nhà mình.

Hệ lụy xây dựng các công trình đó đã để lại một đống nợ khổng lồ đáng báo động. Lạ thay, ở đâu xây dựng nông thôn mới, ở đó chồng chất nợ nần. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối trung ương và báo cáo của 37/44 tỉnh thành đã có báo cáo, tổng số nợ xây dựng cơ bản hiện nay trên 9.400 tỷ đồng. Cả nước có hơn 9000 xã, vậy nếu tính bình quân, mỗi xã nợ trên 1 tỷ đồng, chưa kể các xã chưa báo cáo. Địa phương nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì địa phương đó có nguy cơ càng nghèo, số nợ tồn đọng càng lớn. Điển hình như tỉnh Hòa Bình có 30 xã xây dựng nông thôn mới, nợ 217 tỷ đồng; Thanh Hóa, hầu hết các xã đều nợ, bình quân mỗi xã nợ 6 tỷ đồng, có 106 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đã gánh khoản nợ 253 tỷ đồng; Nam Định con số nợ tăng lên mức báo động, mỗi xã ít nhất nợ 300-400 tỷ đồng, xã nào cũng có nợ. Ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, sau 2 sau năm xây dựng “thành công” nông thôn mới, xã nợ dân hàng chục tỷ đồng giải phóng mặt bằng để mở đường liên thôn.

Nợ xây dựng nông thôn mới do đâu? Trước hết do chính sách “tiền hậu bất nhất” của Chính phủ. Năm 2010, Chính phủ ban hành Quyết định 800/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020”, trong có có quy định hỗ trợ 100% vốn từ ngân sách trung ương cho một số công trình hạ tầng nông thôn, trụ sở xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... Căn cứ vào đó, các địa phương huy động các nguồn vốn tạm thời để các đơn vị thi công triển khai xây dựng các hạng mục công trình trên, chờ ngân sách trung ương cấp trả nợ sau. Nhưng 2 năm sau, do Trung ương không cân đối được nguồn ngân sách nên Chính phủ lại ra Quyết định số 695/QĐ-TTg về “Sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”. Quy định này chỉ hỗ trợ 100% cho trụ sở xã, các hạng mục hạ tầng khác không được hỗ trợ 100% nữa, trong khi các địa phương đã ứng vốn triển khai xây dựng nên rơi vào tình trạng nợ đọng, không biết lấy nguồn nào giải quyết.

Cần nói thêm, Quyết định 800/QĐ-TTg cho phép các tỉnh trích lại ít nhất 70% nguồn thu từ khai thác quỹ đất cho các xã để phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới nhưng thực tế các xã chỉ được trích lại 30%. Trong khi đó, giá đất nông thôn thấp, các công trình thì đã xây dựng rồi.

Ngoài nguyên nhân từ chính sách, chính lối “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm” của quan chức địa phương đã đẩy mục tiêu xây dựng nông thôn mới đi vào ngõ cụt. Quan chức nào cũng tham vọng qua nhiệm kỳ mình để lại tiếng tăm với những “diện mạo” cơ sở hạ tầng. Địa phương nào cũng ham thành tích, muốn “cán đích” nông thôn mới sớm, vượt lên tốp đầu. Nhiều địa phương không đủ khả năng, điều kiện nhưng quan xã vẫn “xông xáo” đăng ký xây dựng nông thôn mới để trục lợi, hưởng phần trăm, “lại quả”, để bớt xén, xà xẻo nguồn ngân sách đầu tư. Không ít cuộc họp gọi là “lấy ý kiến dân” nhưng chỉ mang hình thức, lãnh đạo địa phương cứ “theo chủ trương mà làm”, ý kiến của người dân đâu được tôn trọng, quyền dân chủ của dân bị xâm phạm. Người dân không hề biết chính quyền làm gì, nói gì đến kiểm tra, giám sát hay trở thành “chủ thể” xây dựng nông thôn mới như Nghị quyết của Đảng.

Nhiều quan xã ở Bắc Bộ, Bắc miền Trung đẻ ra những loại thuế, phí, quỹ vô lý và ráo riết tận thu, thu không sót một ai, từ người già đến đứa trẻ mới sinh ra, từ gia đình bình thường đến hộ nghèo, gia đình liệt sỹ cũng không tha. Ai không hoàn thành các khoản “nghĩa vụ” này sẽ bị chính quyền từ chối làm thủ tục hành chính, chứng nhận giấy tờ... Ai lên tiếng thắc mắc thì bị quy chụp là thành phần chống đối chính quyền, bị phân biệt đối xử “lên bờ xuống ruộng”. Nhiều khoản tiền của nhà nước hỗ trợ cho dân như chống hạn, chống mặn, hỗ trợ sau thảm họa môi trường Formosa... cũng bị thôn, xã cắt xén để trừ vào khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới. Nhiều chuyện tưởng như đùa nhưng hoàn toàn có thật, như ở thôn Thành Liên, xã Trường Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa), trẻ mới lọt lòng phải đóng tiền xây nghĩa trang, một gia đình liệt sĩ bị cắt hộ nghèo vì không còn tiền để đóng quỹ làng, một gia đình khác không xoay nổi tiền đóng góp bị cán bộ làng, xã tịch thu mất chiếc giường. Ban lãnh đạo xã còn ra điều kiện muốn công nhận hộ nghèo phải nộp đủ tiền theo quy định thì mới được xét. Tại thôn Chùa, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có hộ vì nợ chính quyền thôn 1,7 triệu đồng nên không được cấp giấy chứng tử, phát loa truyền thanh thông báo “tin buồn” và không cho mượn xe tang, kèn trống… để tổ chức đám tang. Trang Lao động Thủ đô xót xa giật cái tít: “Không được chết, vì ‘nợ’ thôn 1,7 triệu đồng”. Có thể nói, nông dân có nguy cơ kiệt quệ bởi các khoản thu của bọn “cường hào mới” ở nông thôn trong xây dựng “nông thôn mới”.

Xây dựng nông thôn mới thực chất sơn tuốt vẻ bề ngoài của thôn xã. Nhiều công trình mọc lên để rồi bị bỏ hoang, “đắp chiếu”, trong khi người dân vẫn nghèo, nợ vẫn phải gánh. Ở nhiều nơi, nhà văn hóa được xây dựng rất bề thế ngốn cả tỷ đồng nhưng chỉ để “trang trí”. Trung tâm học tập cộng đồng xây xong rồi khóa cửa im ỉm, nhiều sân vận động được “quy hoạch” từ đất dân để rồi làm nơi chăn thả trâu bò, nhiều chợ xây xong bỏ không để dân chất rơm rạ (dân nghèo chỉ cần chợ chồm hổm). Chính quyền bắt dân xây cổng nhà cho đẹp nhưng không ít ngôi nhà lụp xụp, dột nát, gạo không đủ ăn, con cái nheo nhóc không được học hết bậc THCS, lại nợ nần vì “góp phần” “xây dựng” nông thôn mới.

Bức tranh nông thôn mới rất nham nhở, chắp vá. Các cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường trạm chủ yếu chỉ phô trương ở khu vực trung tâm xã và gần đó, đi sâu vào trong sẽ gặp đường đất, ổ voi, ổ gà; cầu khỉ hoặc đường lội qua khe, suối. Nhiều đơn vị tư vấn chưa đủ năng lực nhưng cũng nhảy vào xây dựng đề án quy hoạch cho xã, thậm chí lấy quy hoạch của một xã áp dụng cho nhiều xã khác dẫn đến hiện trạng cơ sở hạ tầng nông thôn mới các địa phương na ná nhau. Tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới không hề có, nếu không muốn nói là rỗng tuếch.

Nông thôn mới không thấy đâu, chỉ thấy các khoản nợ mới, các khoản đóng góp ngày càng phình to. Xây dựng nông thôn mới nhưng không nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn. Kết cấu văn hóa nông thôn bị phá vỡ, phố không ra phố, quê không ra quê. Khi văn hóa làng xã bị phá vỡ, văn minh đô thị không theo kịp hoặc không được định hình sẽ sinh ra nhiều tệ nạn xã hội, trộm cướp, cờ bạc, mại dâm, ma túy... đã thâm nhập từng ngõ ngách của nông thôn. Đến đâu cũng thấy bảng hiệu xã văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, xóm văn hóa nhưng rác rưởi đầy đường, cống rãnh nặc mùi hôi, thanh niên chạy xe như ăn cướp, giờ làm việc vẫn nhiều người la cà quán xá.

Nhiều địa phương cố cán đích nông thôn mới bằng mọi giá, chạy theo thành tích nên chỉ tiêu “đạt chuẩn” về thu nhập, cơ cấu lao động, giáo dục, y tế, môi trường... đều ảo cả. Đặc biệt, chỉ tiêu giảm hộ nghèo rất lộ liễu: tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện, huyện giao cho xã, xã giao cho thôn, thế là hằng năm có một số hộ nghèo bị “cưỡng chế” thoát nghèo, chẳng biết kêu ai, trong khi họ vẫn “nghèo bền vững”.

Nông dân thời nào cũng chịu thiệt, hết nạn đói năm 1945 đến cải cách ruộng đất 1953-1956, tập thể hóa nông nghiệp 1958-1965, hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc (1958-1975), miền Nam (1978-1986). Năm 1988, khoán 10 “cởi trói” cho nông dân, nhưng 15 năm trở lại đây nông thôn bị “đô thị hóa” vô lối, một bộ phận bị thu mất đất, nhận đền bù với giá rẻ mạt. Từ chỗ làm chủ ruộng vườn, nay họ thiếu hoặc không có tư liệu sản xuất, phải đi làm thuê, lao động phổ thông, không nghề, thu nhập bấp bênh. Cách mạng có thực sự “giải phóng giai cấp”, trong đó có nông dân? Xây dựng nông thôn mới, chạy theo cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa để làm gì? Vấn đề xây dựng con người văn hóa, mà Đảng đánh đồng với xây dựng con người mới XHCN hơn 70 năm qua, đã đến đâu rồi? Giai cấp cầm quyền ngày càng độc tài, lũ xu nịnh hoặc im lặng ăn lương, hưởng lộc nhà nước ngày càng nhiều, quyền dân chủ bị bóp nghẹt, mà nông dân là người “thấp cổ bé họng” nhất, bị chèn ép nhất, khả năng tự vệ yếu nhất.

Xây dựng nông thôn mới nhưng chạy theo lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, đi ngược lợi ích của dân, trái lòng dân, khai thác sức dân vô tội vạ, vi phạm dân chủ, tất yếu sẽ thất bại và trả giá.

T.S.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/09/vntb-che-o-xay-dung-nong-thon-moi-hay.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn