Lan man đêm mất ngủ (Mênh mông thế sự 86)

Tương Lai

Người trí thức ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội” - Jean-Paul Sartre

clip_image002

Chị tôi gọi: “Biết là em không bay ra được nhưng chị cứ báo cho em, thứ bảy này Chị đã bàn với chị T, chị Tr và các cháu sẽ làm “hiệp kỵ” trên chùa cho chị L.., anh Kh...và cháu QA… vì các ngày 23, 25, 28 tháng Tám và dồn sang ngày mồng một tháng Chín (âm lịch) giỗ anh Lang gần sát nhau. Chị cũng đã rước Bà từ chùa Huyền Quang về đây từ dạo Tết năm rồi. Chắc em cũng nhất trí chứ”? Thì còn gì nữa mà không nhất trí! Tôi hồ hởi đáp lời.

Để rồi, trong đầu thoáng gợn lên hình nét về ngôi chùa cổ mà cám cảnh về chùa hiện đại, nơi ghi dấu ấn rõ nét về sự băng hoại của văn hóa và đạo lý ở chiều cạnh khó chữa nhất. Thôi thì hãy tạm dép bớt đi những giằng xé, cố tưởng tượng ra một vang âm rì rầm của buổi ngày xưa vọng nói về vậy:

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng (Chu Mạnh Trinh)

Thì hãy cứ “giật mình” thử xem sao!

Nhưng làm sao ép được những tiếng đời đang thao thức. Dù sao thì chuyện gọi dậy những hoài niệm về những người thân yêu trong hương trầm thoang thoảng của một ngôi chùa, cho dù sự vẩn đục của cõi tục vẫn quẩn quanh ám ảnh mà những tiếng mõ gõ đều đều, chán nản một cách trễ nải kia, đương nhiên là theo cách nghĩ lếu láo của tôi, cũng vẫn không xóa hết được nét tâm thành của những tấm lòng đang nhớ về những người đã khuất.

Vì thế mà dòng lan man trong suy tưởng đêm nay hướng ngòi bút của tôi về người anh thương yêu mà mỗi lần nhớ đến tôi không sao kìm được nước mắt. Và thật không ngờ lịch sử lại sải những bước nhanh đến vậy khi tôi cầm trên tay tập Chuyên san về “Lạc Viên tiểu sử”, hồi ký của Cha tôi mà thổn thức nhớ đến anh tôi. Và hôm nay, 1 tháng Chín năm Bính Thân là ngày anh tôi mất cách đây 16 năm. Rồi, nếu tính lùi lại thời điểm hai anh em chúng tôi trao đổi với nhau về chuyện bản lĩnh và lương tâm người thầy thuốc dạo ấy, thì cũng đã hơn 20 năm.

Hai thập kỷ của một đời người không là quá ngắn nhưng cũng chẳng đủ dài để khảo nghiệm bài học đường đời. Còn với lịch sử thì chỉ là một khoảnh khắc. Thoáng trong đầu một liên tưởng về “Sấm Trạng Trình” với mệnh đề “lục thất nguyệt gian” để thấy cái khoảnh khắc đó lại càng ngắn ngủi hơn nữa trong vòng quay của sinh, vong, tận mà lởn vởn trong đầu về cái triết lý luân hồi!

Duyên do là vì anh tôi là một bác sĩ giỏi, một trợ thủ tin cậy của Giáo sư Tùng, được cử đi thực tập nâng cao trình độ y học ở Bungari, nhưng dứt khoát không được làm luận án tiến sĩ. Chuyện ấy thì chẳng có gì lạ với chúng tôi, nhưng với người thầy Bungari, người trực tiếp hướng dẫn anh tôi thì là một điều khó lý giải. Mãi về sau này, trong một dịp đến Sofia dự một hội thảo khoa học, theo yêu cầu của anh tôi, tôi có đến thăm ông. Trong buổi nói chuyện thân mật tại nhà riêng của ông, Giáo sư N. Vasiliaevski (?), chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức cứ nhắc đi nhắc lại một câu hỏi, cũng là một thắc mắc lớn của ông về người học trò giỏi của ông mà tôi cố tránh không trả lời. Vì, cũng không biết nên nói thế nào cho thỏa đáng:

Cớ sao anh ta vẫn khăng khăng không chịu theo lời khuyên của tôi đăng ký bảo vệ luận án tiến sĩ khi mà toàn bộ những báo cáo về kết quả học tập và nghiên cứu của anh ta đã được cả Hội đồng hoa học đánh giá rất cao. Bản thân anh ta không chịu đăng ký, cũng không nói lý do, thì về nguyên tắc, tôi bó tay”. Vị giáo sư già tốt bụng rất tiếc cho người học trò của mình vì theo tin ông có được, thì sau đó không lâu, những ý tưởng và kết quả nghiên cứu của người học trò của ông đã được một đồng nghiệp người Mỹ phát triển lên, và nếu mọi việc suôn sẻ thì chưa chừng ông ta có thể là ứng viên xem xét giải Nobel Y học.

Ông giáo sư làm sao biết được rằng, cũng do sự nhiệt tình và tốt bụng ấy mà ông đã đến gặp Đại sứ Bùi Lâm ở Sofia để yêu cầu cho người học trò giỏi và giàu triển vọng của ông được bảo vệ học vị tiến sĩ y học. Ông đâu biết rằng vì chuyện đó mà anh tôi đã bị “lên bờ xuống ruộng” điêu đứng cho mãi về sau! Bùi đại sứ vốn là một “khai quốc công thần” của chế độ xã hội chủ nghĩa, rất ân cần lịch sự tiếp ông đại sứ nước “xã hội chủ nghĩa anh em”, tuyệt đối không hé nửa lời về lý do “chính trị” và cố lờ tịt chuyện anh tôi không được làm luận án tiến sĩ y học. Nhưng rồi sau buổi tiếp đó là những buổi kiểm điểm liên miên về tội anh tôi do “hám danh” đã “lộ bí mật quốc gia” cho dù chỉ cần một chút thiện ý thì đã có thể qua lời của của ông giáo sư thắc mắc vì sao người học trò của ông khăng khăng không chịu theo lời yêu cầu của ông đăng ký làm luận án tiến sĩ để hiểu được phần nào nhân cách của một trí thức mà với cái nhãn quan cố hữu, họ không sao hiểu được!

Tôi làm sao nói với ông giáo sư câu chuyện đắng cay này? Và nói để làm gì về sự thật nhục nhã về “chủ nghĩa lý lịch” đã làm điêu đứng, gây oan trái cho biết bao người, nên đành im lặng lái sang chuyện khác. Nhưng cuộc đời thì lại đi theo quy luật nghiệt ngã của nó, dù có muốn “lái” ngang, “lái” dọc rồi cũng không cưỡng lại tính nhân quả rất sòng phẳng. Chỉ có điều, sự sòng phẳng ấy lại thường được phủ lên trên một lớp sương huyền bí mà người ta hay nói một cách dân dã là “quả đất tròn”, tuy vẫn cứ phải chấp nhận cái bấp bênh vô thường của số phận con người “Cái quay búng sẵn trên trời. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”!

Thế rồi Đại sứ Bùi Lâm bị ung thư phải vào Bệnh viện Việt Đức. Giáo sư Tùng quyết định mổ với một điều kiện là bác sĩ gây mê phải là anh tôi. Hai anh em chúng tôi ngồi tư lự trong một buổi chiều Hà Nội mưa, bầu trời xám ngoét. Anh tôi cho biết là Giáo sư Bạch Quốc Tuyên bạn anh, vốn biết câu chuyện đắng cay ở Sofia dạo nào, đã chân tình khuyên anh tôi nên cẩn trọng trong chuyện chấp hành quyết định của Giáo sư Tùng. Ca mổ thành công thì chả sao, vạn nhất không may có chuyện gì thì rồi gay go đấy.

Tôi nghĩ cũng quả có thế thật. Người ta sẽ sẵn sàng đặt ra những nghi vấn. Vì nghi vấn vốn như là khí trời cần để thở của họ, không có cái đó thì họ sống bằng gì, họ được trả lương để làm việc đó. Và rồi cái đám bất tài vô tướng chuyên nghề đơm đặt kiếm chác sẽ nhào vô. Một vài trải nghiệm bản thân dạy cho tôi điều đó. Nghĩ, nhưng không dám nói ra, vì qua thái độ, tôi biết anh tôi đã có quyết định riêng của mình.

Lương tâm người thầy thuốc cũng như bản lĩnh của người trí thức không cho phép anh từ chối tham gia ca mổ cho dù cũng biết những gì có thể đang rình rập mình. Thế rồi ca mổ thành công. Với thái độ chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu và cách ứng xử thường nhật của anh tôi đối với mọi người bệnh, không phân biệt họ là ai, từ đâu đến đang nằm tại phòng hậu phẫu của Khoa Gây mê hồi sức này hình như có tác động đến ông đại sứ và thân nhân của ông ta túc trực bên giường bệnh… Rồi biết đâu đấy, là tôi nghĩ vậy, cũng có thể câu chuyện tệ hại dạo nào đang gợn lên trong họ những ám ảnh băn khoăn.

Nghe đâu ông đại sứ hay người nào đó trong những thân nhân đã có mặt tại phòng bệnh đã gợi ý là anh tôi nên làm đơn khiếu nại về án kỷ luật Đảng do có sự hiểu nhầm, ông đại sứ sẽ can thiệp để giải quyết. Lần này thì hai anh em tôi dễ dàng nhất trí với nhau ngay: chẳng đơn từ khiếu nại gì sất. Nếu ai đó làm sai thì lương tâm họ buộc họ phải sửa, đơn giản thế thôi cho dù chúng tôi biết sẽ không thể có chuyện “đơn giản” ấy trong một bối cảnh mà cơ chế có sức mạnh trùm lấp lương tâm của con người!

Ấy vậy mà, chẳng lẽ tác giả của Cung oán ngâm khúc vì cám cảnh cái nghịch lý tồi tệ ấy nên đã an ủi cuộc đời bằng triết lý nhà Phật “Kìa thế cục như in giấc mộng / Máy huyền vi mở đóng khôn lường” để hóa giải nghịch lý ‎ấy cũng bằng triết lý đó: “Hẳn túc trái làm sao đây tá / Hay tiền nhân hậu quả xưa kia” được vận dụng vào trường hợp hi hữu lạ lùng này: một lần nữa Khoa Hậu phẫu Bệnh viện Việt Đức dạo ấy lại phải đón một bệnh nhân ung thư hiểm nghèo vừa được Giáo sư Tùng mổ và kịch bản lần trước đã lặp lại. Bệnh nhân ấy chính là ông Bí thư Đảng ủy của đại sứ quán dạo nào, người theo lệnh Đại sứ đã k‎ý quyết định kỷ luật anh tôi vì “lộ bí mật quốc gia”. Một đồng nghiệp lại đã chân tình góp với anh tôi: “Lịch sử không quá dễ dãi lặp lại như lần trước đâu, cậu đề nghị Thầy chọn người khác đi. Thầy đâu biết ông này lại mới chính là người ký kỷ luật cậu, liệu rồi ông ta có được cái may mắn của Bùi Lâm trong ca mổ của thầy Tùng dạo ấy không?”.

Đúng vậy, lịch sử không lặp lại một cách dễ dãi, nhưng lạ thay, có những ngẫu nhiên cứ lừng lững xuất hiện khá bất ngờ. Chắc là không phải “túc trái tiền oan” chứ?

Bản lĩnh của người trí thức, lương tâm của người thầy thuốc lại một lần nữa góp phần cứu mệnh cho một con người. Dù ông bí thư này không là một “khai quốc công thần” như ngài đại sứ kia mà chỉ là một bệnh nhân ung thư cần phải kịp thời phẫu thuật, anh tôi vẫn chấp hành quyết định của Giáo sư Tùng. Và rồi ca mổ đã thành công, và rồi hai chữ lương tâm lại rón rén xuất hiện!

Cái ông Bí thư Đảng ủy kia sau khi được cứu sống đã lặp lại những lời của ngài đại sứ họ Bùi nọ với một tông cao hơn trong chất giọng khuyên nhủ: “Xin được hết sức giúp để xóa án kỷ luật khi nhận được đơn đề nghị của đương sự”! Lần này thì câu trả lời đã có sẵn trong đầu chúng tôi qua sự trải nghiệm với ngài Bùi đại sứ: “Chúng tôi nghĩ điều này thế là quả đủ, sẽ không có đơn từ gì cả, nếu anh thấy việc làm ấy là sai trái đáng ân hận thì xin anh hãy hành động bởi chính trách nhiệm và lương tâm của mình. Chúng tôi xin cám ơn, những gì cần làm chúng tôi đã làm”.

Câu chuyện rơi vào quên lãng đúng như quy trình vốn có. Sẽ là quá xa xỉ cho liều lượng của lương tâm được pha loãng với những công thức chính trị đã mất tính nhân bản. Đối diện với một bản lĩnh của người thầy thuốc chân chính, bên cạnh một nhân cách trí thức đích thực, thì cái liều lượng được pha loãng của lương tâm kia thế cũng là đáng khích lệ rồi, làm sao hơn được.

Đúng là lịch sử không dễ dãi, và tính nghiêm khắc của lịch sử thì lại cũng không dễ dãi cho sự buông tuồng của người đời vốn quá hiếm những những nhân cách lớn, bản lĩnh lớn như Tư Mã Thiên hay anh em thái sử người nước Tề mà ông miêu tả trong Sử ký của câu chuyện “Thôi Trữ giết vua” để làm cho tính công minh của lịch sử không bị che mờ bởi những đám mây đen bẩn thỉu những mưu toan và định kiến chính trị.

Tính công minh của lịch sử sớm muộn cũng sẽ được thực hiện. Chính vì thế, tôi càng thương nhớ anh tôi khi cầm trên tay số chuyên san của Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của Huế trang trọng in tập hồi ký của Cha tôi nói trên. Số chuyên san ấy, với lòng tri ân sâu sắc tôi đã trân trọng gửi đến nhạc sĩ Hồng Đăng, bạn quý của tôi, và thật là một tình cờ lạ lùng Hồng Đăng gọi điện cho tôi là đã kịp đặt cuốn chuyên san đó trên bàn thờ đúng ngày giỗ cụ thân sinh của anh, cụ Phan Đăng Tài, người đã dành tâm sức dịch tập Hồi ký của cha tôi.

Lý do mà cụ dành thì giờ quý báu của mình, nhất là khi đôi mắt đã mờ, sức đã yếu, thì như vị nho học đáng kính ấy viết: “…đứng trước một bản nháp khó đọc như vậy, tôi cũng không hào hứng cho lắm, nhưng càng đọc càng thấy thú vị. Nhất là đối với một ông quan mà lâu nay đồng bào Nghệ Tĩnh chúng ta phê phán gay gắt… Ngờ đâu, càng đọc càng thấy ông là một con người có bản lãnh. Tất nhiên cách nhìn về chính trị của một nhà Nho cách đây một thế kỷ thì làm sao cho khỏi bị hạn chế bởi tư tưởng Khổng Mạnh…”(1). Sẽ không thừa nếu biết thêm người viết những dòng này là em ruột của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.

Nhận định của vị nho học đáng kính ấy được bổ sung bởi những kiến giải của Tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển “…xuyên suốt hành trạng của Lạc Viên, người đọc thấy rõ ông luôn lấy tư tưởng “trên vì vua, dưới vì dân” làm phương châm xử thế. Ông sẵn sàng phản kháng quyết liệt những ai đi ngược lại tinh thần ấy, kể cả người đó là người thân hoặc thượng cấp của mình. Ngay cả đối với người Pháp, từ Công sứ đến Khâm sứ, Toàn quyền, thậm chí cả với những yếu nhân trong chính phủ Pháp như Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, ông cũng sẵn sàng tranh luận tới cùng để bảo vệ lý lẽ của mình (2).

Thế rồi, đêm nay tôi lặng đi trước di ảnh của anh tôi trên khung thờ với nén hương vừa đốt lên. Trong đêm tĩnh lặng tôi thầm nói với anh: “Em tiếc là Anh không được cầm cuốn Hồi ký này đã được in ra để vơi bớt đi trong tâm hồn trĩu nặng nỗi buồn nhân thế”. Tiếp thêm một nén tâm hương nữa, rồi nén nữa, tôi nghĩ đến lời trách móc của Anh: “Em làm trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, xã hội, có điều kiện dõi sâu vào lịch sử, sao không dồn một phần thời gian cho chuyện làm sang tỏ cuộc đời của Cha mình. Theo anh, Cha mình không như chuyện người ta viết đâu”. Tôi chỉ đành nhìn anh im lặng và rồi chỉ nói được một câu: “Vâng, em sẽ cố”. Nói vậy để Anh đỡ giận, chứ tôi biết là chưa thể làm gì được vào lúc ấy. Lúc mà những người trí thức tỉnh táo nhất, uyên bác như họ đang có, cũng chưa thể vượt lên mình để nói về một sự thật lịch sử. Họ vẫn phải uốn cong ngòi bút để viết ra những điều có thể họ không muốn viết, nhưng để tồn tại thì họ cứ phải viết.

Tôi nhớ đến câu nói của anh Trần Quốc Vượng trên bậc thềm trụ sở Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam tại 27 Trần Xuân Soạn Hà Nội dạo ấy, khi tôi trân trọng đưa tặng anh, nhà sử học bản lĩnh mà tôi hết sức kính trọng và yêu mến, cuốn sách nhỏ của tôi vừa in: “Mình rất hiểu và thông cảm với ông. Nói ông đừng giận nhé, là tôi nhắc câu nói dân gian thôi: “Ông là đảng viên, nhưng mà tốt”. Với cuốn sách này, ông nên nhớ lời ông Phạm Huy Thông lưu ý ông mà tôi có biết. Thôi, nói ít hiểu nhiều”. Giáo sư Phạm Huy Thông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam lúc ấy (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã ký quyết định bổ nhiệm tôi làm Phó Viện trưởng Viện Triết học; ông lưu ý tôi điều gì khi tôi tặng ông cuốn sách nhỏ nói trên là cả câu chuyện dài. Có lẽ phải một dịp khác với một “mênh mông thế sự” ngẫu hứng bất chợt may ra mới viết được chăng!

Nhắc đến câu nói của người bạn quá cố đáng kính Trần Quốc Vượng ở đây chỉ là để nhớ đến bộ óc sắc sảo đầy tính nhân văn và tầm nhìn sâu thẳm của một bản lĩnh khoa học vượt hẳn lên những người mà tôi biết. Ông hơn tôi hai tuổi, câu của ông nói thấm đến tận tim can tôi, tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi đã kể cho anh tôi nghe chuyện này, anh tôi trầm ngâm không nói gì.

Hồi ấy, chưa có Di cảo của Chế Lan Viên để tôi đọc cho anh tôi nghe nhằm vơi bớt trong Anh nỗi buồn như chất axit gặm nhấm tâm hồn người thầy thuốc hết mình với sự nghiệp y học mà cứ mỗi lần nhẩm đọc những câu thơ giằng xé, quằn quại của Chế tôi lại nghĩ đến anh tôi:

Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!

Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,

Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,

Tôi giết cái cánh sắp bay... trước khi tôi viết

Tôi giết bão táp ngoài khơi

cho được yên ổn trên bờ

Và giết luôn mặt trời trên biển,

Giết mưa và giết luôn cả cỏ mọc trong mưa luôn thể

Tôi những chỉ muốn nói với anh tôi lời tự phản tỉnh của nhà thơ lớn ấy để làm vơi bớt đi những gì đang trĩu nặng trong miên man suy ngẫm về nỗi buồn của anh buổi ấy:

Nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi!

Ðã giết đi bao nhiêu cái

Có khi không có tội như mình!

Mọi tai ương, khổ nạn thì rồi cũng trôi đi trong dòng đời trong đục. Lẩn thẩn nghĩ đến hai chữ luân hồi trong triết lý Phật mà tôi lõm bõm đọc được thì luân hồi, tái sinh là cách thế phản ứng nghịch lại, là một sự báo ứng tự nhiên của mọi hành động. Mỗi hành động đều có những phản ứng dội lại cho hành động gây ra. Mà phải chăng nhân quả báo ứng là quy luật bất biến của vũ trụ, không bỏ sót một lĩnh vực nào, không miễn trừ cho bất cứ một ai. Vả chăng, nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên cũng đừng oán trách nó. Mà đã là đọc và học lõm bõm thì chắc gì đã đúng, nhưng trong đầu đang dồn bức những ý ấy thì cứ viết ra xem sao. Nếu được những bậc cao minh chỉ giáo đúng sai hay vạch ra cái dốt của mình thì cũng là điều may vậy. Dù sao thì:

Cuộc sống là tiếng vọng

Điều bạn gửi đi quay trở về

Điều bạn gieo trồng bạn sẽ gặt hái

Điều bạn cho đi bạn sẽ nhận lại

Ước mong sao chúng tôi nhận lại được từ cha chúng tôi cái bản lĩnh mà Người tự giải thích khi có ai đó nhắc đến là “tôi chỉ khéo nuôi dưỡng chí khí hạo nhiên của tôi mà thôi2. Hạo nhiên hàm nghĩa mênh mông, như nước tràn bờ. Chắc là cha tôi muốn nhăc đến ý của Mạnh Tử, người quân tử sở dĩ hơn người thường là vì biết cách “thiện dưỡng hạo nhiên khí”, khéo nuôi cái khí hạo nhiên. “Kỳ vi khí dã, chí đại chí cương, dĩ trực dưỡng nhi vô hại, tắc tắc hồ thiên địa chi gian” (Công Tôn Sửu, thượng). Học giả Nguyễn Hiến Lê dịch là: “Cái khí ấy rộng lớn mênh mông, rất cứng cỏi. Nếu mình dùng sự cương trực để bồi dưỡng nó mà dùng thì nó lan ra khắp trời đất”.

Mong vậy, nhưng trong đầu tôi vẫn luẩn quẩn ý nghĩ về những bậc đại trí thức như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Chu Văn An lại hay lấy cái triết lý Lão Trang để di dưỡng phẩm tính làm người: “Ôi nhân sinh là thế ấy / Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”. Phải chăng vì từ xưa tới nay thì “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn / Pha lão tằng vân ngã diệc vân(3) như Nguyễn Trãi từng chiêm nghiệm. Mà đâu chỉ chiêm nghiệm! Ông phải trả bằng số phận thảm khốc của chính ông, người trí thức số một của nước nhà. Nhưng liệu có phải chỉ đa ưu hoạn những Nguyễn Trãi, Tô Đông Pha của xa xưa, còn “những ngày ta sống đây là ngày đẹp nhất” như Chế Lan Viên đã tự giày vò mình khi nhớ lại câu thơ mình viết không nhỉ?

clip_image003

Ngày mồng một tháng Chín năm Bính Thân

1.10.2016

T. L.

__________

(1) Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. ISSN 1859-0152. Chuyên đề về sử liệu Việt Nam. Số 5 (103). 2013, tr. 10.

(2) Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. ISSN 1859-0152. Chuyên đề về sử liệu Việt Nam. Số 5 (103). 2013, tr .4

(3) Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. ISSN 1859-0152. Chuyên đề về sử liệu Việt Nam. Số 5 (103). 2013. tr. 76.

(4) Có bản viết là “Cổ kim thức tự…”.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn