Tổng thống đắc cử Donald Trump, TPP và Việt Nam

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

clip_image001

Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu mừng chiến thắng rạng sáng ngày 9/11/2016 tại New York. AFP

Tổng thống đắc cử Donald Trump từng khẳng định sẽ bác bỏ TPP nếu ông lên cầm quyền. Điều này gây bất lợi rất lớn cho Việt Nam trong vấn đề giao dịch thương mại với Hoa Kỳ cũng như xuất khẩu sẽ bị áp thuế qua các biện pháp kỹ thuật của Mỹ. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Thành viên UB chính sách phát triển LHQ, để biết thêm ý kiến của một chuyên gia về vấn đề này.

Không dễ hủy Hiệp định TPP?

Mặc Lâm: Thưa TS Lê Đăng Doanh, Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố sẽ không chấp nhận TPP vì hiệp ước này làm cho Hoa Kỳ bất lợi. Điều này gây ra một phản ứng kinh tế tiêu cực nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo ông thì tuyên bố này của ông Trump được thực hiện như thế nào và có phần trăm nào ông ta sẽ đổi ý hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Trước nhất việc ông Donald Trump được bầu lên làm Tổng thống chắc chắn sẽ gây nên nhiều xáo động kể cả tại Hoa Kỳ cũng như trong quan hệ quốc tế về nhiều mặt. Nhưng cũng phải nói rằng ông Trump đã nói một đằng và lại thay đổi hành động của mình một cách rất nhanh chóng. Thí dụ như trong website của ông ấy thì cái đoạn chống người Hồi giáo đã bị cắt đi. Rồi việc ông ấy nói chuyện với nữ Tổng thống Hàn Quốc ông ấy đã thay đổi hẳn 180 độ về việc ông ấy dọa là sẽ rút quân, không thực hiện các cam kết và đòi bất cứ nước nào cũng phải tự bảo vệ mình. Tất cả những việc ấy đã thay đổi lập tức sau khi hai bên nói chuyện trong 10 phút.

Việc ông Trump hủy Hiệp định Xuyên Thái bình dương (TPP) sẽ không phải dễ dàng bởi vì Hạ Nghị viện Nhật Bản vừa thông qua và sắp tới đây Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe cũng sẽ sang thăm Hoa Kỳ.

-TS Lê Đăng Doanh

Vì vậy nên tôi có hy vọng mong manh rằng những tuyên bố của ông Trump sẽ không được thực hiện hoàn toàn và trong đó tôi cũng hy vọng rằng việc ông Trump hủy Hiệp định Xuyên Thái bình dương (TPP) sẽ không phải dễ dàng bởi vì Hạ Nghị viện Nhật Bản vừa thông qua và sắp tới đây Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe cũng sẽ sang thăm Hoa Kỳ và như vậy hai bên sẽ trao đổi với nhau.

Tôi hy vọng những người bên Thượng viện cũng như Hạ viện sẽ có những người có uy tín quan tâm về những điều mà ông ấy định làm và làm cho chính sách của ông ta nó không quá đến nỗi bị thay đổi một cách đột ngột như những lời ông từng tuyên bố, thí dụ như xây bức tường với Mexico đấy là điều mà tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ khó thực hiện được.

Mặc Lâm: Vâng thưa TS đối với ông Trump thì quan điểm của ông ấy là bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ mà không đem nó ra ngoại quốc bằng cách sẽ áp dụng việc phòng vệ thương mại cho nước Mỹ. Nếu ông Trump vẫn quyết định theo đuổi quan điểm chống TPP thì theo TS Việt Nam phải đối phó như thế nào để sống còn trong giai đoạn khó khăn này?

TS Lê Đăng Doanh: Dĩ nhiên nếu ông Trump áp dụng một loạt các biện pháp không ủng hộ tự do hóa thương mại thì ông ấy cũng sẽ phản đối các biện pháp mà vừa rồi Tổ chức Thương Mại Thế giới đã có thống nhất và Hoa Kỳ cũng nhất trí tức là hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại tôi cũng không hiểu rằng lúc đó ông Trump sẽ làm gì.

clip_image002

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. File photo

Dĩ nhiên xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn và phải nói rằng là hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đang có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Nếu yếu tố đó mất đi hay chí ít là giảm đi thì đấy là khó khăn đối với Việt Nam trong thời gian tới đây.

Mặc Lâm: Vâng trong trường hợp Hoa Kỳ quay lưng và từ chối cho Việt Nam có cơ hội như TS vừa phân tích thì Việt Nam phải tìm một con đường khác để sống còn chẳng hạn như quay lại với Trung Quốc hay với EU hay ngay cả Nhật Bản? Theo TS thì trong hai con đường ấy con đường nào có lợi cho Việt Nam trong giai đọan sắp tới?

TS Lê Đăng Doanh: Nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Hoa Kỳ bổ sung cho nhau tức là những cái Việt Nam sản xuất mà Hoa Kỳ nhập khẩu có lợi cho Hoa Kỳ rất nhiều, có lợi cho người tiêu dùng Hoa Kỳ và Hoa Kỳ có thể sử dụng lao động của họ để làm các công việc có giá trị gia tăng cao hơn. Nếu như Việt Nam và Hoa Kỳ không tiếp tục có được quan hệ thương mại thuận lợi thì tôi nghĩ Việt Nam sẽ tăng cường thương mại với Nhật Bản bởi vì kinh tế Nhật Bản và kinh tế Việt Nam cũng bổ sung cho nhau và Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh mối quan hệ với Liên minh Châu Âu bởi vì kinh tế Việt Nam và kinh tế Liên Minh Châu Âu cũng bổ sung cho nhau.

Còn kinh tế Việt Nam và kinh tế Trung Quốc thì hiện nay đang có yếu tố cạnh tranh thí dụ như Trung Quốc hiện nay đang quá thừa thép và xi măng cho nên họ sẽ tìm cách xuất khẩu thép và xi măng sang các nước khác. Vừa rồi Trung Quốc đã có đụng độ về thép đối với Hoa Kỳ và EU.

Quan hệ kinh tế và quan hệ cơ cấu giữa Việt Nam và Trung Quốc có phần bổ xung cho nhau nhưng cũng có phần cạnh tranh với nhau bởi vì hai nước có trình độ phát triển kinh tế có những nét tương đồng với nhau. Trung Quốc có điều kiện cho nên họ có thể cho Việt Nam vay để rồi sau khi vay Việt nam phải mua thép mua xi măng của Trung Quốc và thậm chí thuê cả nhân công của Trung Quốc mà đấy là điều mà người ta phải suy nghĩ. Cho đến nay Việt Nam đã học được bài học vay vốn của Trung Quốc trên giấy tờ thì rẻ nhưng thực tế lại rất đắt.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS.

M. L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trump-tpp-and-vietnam-ml-11112016102108.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn