Lý Tiến Dũng - một nhà báo chính trực

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh

LÝ TIẾN DŨNG

Huy Đức

"Tôi có nhận được văn bản số 46-BC/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó ban Hồng Vinh ký. Văn bản này đóng dấu 'Mật', nêu một số vấn đề về báo Đại Đoàn Kết, và nhận xét về Ban biên tập báo. Một văn bản với những lời lẽ ngây ngô về chính trị, lại rất hách dịch chụp mũ (kiểu thường thấy ở những người có kiến thức rất hạn chế, nhưng lại thích thể hiện quyền lực) che giấu một động cơ thiếu minh bạch".

Thật khó để tin người có những lời lẽ đanh thép trên đây là Tổng Biên tập của một tờ "lề phải": báo Đại Đoàn Kết. Làng báo từng ghi danh những TBT cương trực như Tô Hòa, Võ Như Lanh, Vu Kim Hanh, Nguyễn Thế Thanh, Tam Chanh, Nguyễn Công Khế... những người luôn đối diện với những vấn đề nóng bỏng của đất nước và sẵn sàng tranh luận với các Ban Tuyên giáo, từ Trung ương tới Thành ủy, nhưng vỗ vào mặt một phó ban tuyên giáo đương nhiệm như vậy thì chỉ có Lý Tiến Dũng.

Vậy mà anh đã ra đi chiều qua, 17:42, ngày 4-12 (1959 - 2016).

Biết bệnh từ 26 Tết năm ngoái mà Dũng và gia đình giấu. Vợ anh, Nong Thanh Van nói, "Anh ấy luôn sợ phiền bạn bè". Anh trai Dũng, nhà báo Lý Chánh Dũng cho biết, khi phát hiện Dũng bị ung thư thận, bác sỹ khuyên anh, nếu mổ cắt một quả thận thì có khả năng sẽ sống thêm được 20 năm nhưng Dũng không cho Tây y can thiệp.

Lý Tiến Dũng đúng là người luôn tự mình quyết định cuộc đời mình, ghế cũng thế mà chết cũng thế.

Năm 2007, nếu TBT Lý Tiến Dũng không có bức thư phản pháo ban Tuyên Giáo có thể Dũng đã không mất chức. Năm 1992, nếu đại úy Lý Tiến Dũng không có những lời vỗ mặt khi một đại tướng xúc phạm đến gia đình anh (anh là con trai cụ Lý Chánh Trung) có thể anh đã lên tướng...

Dũng làm báo sau tôi nhưng chúng tôi, tuy có nhiều điểm khác nhau, nhanh chóng trở thành đồng nghiệp cùng "xông pha lửa đạn" với nhau. Cái cách Dũng vung bút cũng tới tận cùng như cái cách anh ôm cây đàn ghi-ta để hát Trần Trụi 87; Chiếc Vòng Cầu Hôn hay Giấc Mơ Chapi...

58 tuổi là già hay trẻ. 58 năm là ngắn hay dài. Cuộc đời của của một con người chưa hẳn kết thúc khi họ ra đi bởi có những người sẽ còn sống rất lâu trong lòng bạn bè, đồng nghiệp.

Tâm có. Trí có. Dũng có. Lý Tiến Dũng sẽ là một tên tuổi còn được nhắc nhiều trong làng báo. Thanh thản mà đi nhé, Dũng ơi.

clip_image001

Ảnh: Mai Thanh Hải

TTO - Bây giờ, khi anh nằm yên lặng trong cỗ quan tài vô tri kia, có rất nhiều lời tiễn biệt anh chen giữa những vòng hoa viếng: “Vĩnh biệt nhà báo tài hoa Lý Tiến Dũng”, “Vô vàn thương tiếc Lý Tiến Dũng, một nhà báo cương trực”.

clip_image002

Nhà báo Lý Tiến Dũng - Ảnh: GĐCC

Bây giờ, khi sự nghiệp báo chí của anh đã buộc phải khép lại vì căn bệnh ung thư quái ác, bạn bè đồng nghiệp đã khẳng định anh trong những dòng viết chân thành: “một ngòi bút ngay thẳng”, “một nhân cách làm báo đáng kính trọng”.

Bây giờ, chứ không phải lúc nào nữa, bỗng nhớ lại 26 năm trước, khi anh từ giã quân ngũ với quân hàm đại úy và những di chứng sốt rét chưa dứt của những năm tháng lăn lộn ở chiến trường Campuchia để về báo Phụ Nữ làm chân phóng viên tập sự ở ban công tác bạn đọc.

Chàng thanh niên độ tuổi 30 ngày ấy, cựu học sinh trung học Pétrus Ký, đã bắt đầu sự nghiệp làm báo từ con số không.

Từng tốt nghiệp Học viện Chính trị quân đội, từng làm trưởng ban tuyên huấn của Trường sĩ quan Vinhem Pich sau những năm chiến đấu ở chiến trường K, anh chấp nhận học nghề rất nghiêm túc từ những người vào nghề trước ở ban anh làm việc, dù những người ấy chỉ lớn hơn anh một vài tuổi và tay nghề chưa chắc đã ngang bằng với tuổi nghề.

Anh chấp nhận hình thức tuyển dụng lao động hợp đồng thay vì biên chế (kéo dài gần hai năm).

Vì mê nghề báo, Lý Tiến Dũng rất nhanh chóng hòa vào dòng chảy nhọc nhằn của nghề báo và nổi bật thành cây viết sắc sảo trong lĩnh vực chính trị - xã hội.

Ngay cả khi anh được giao làm trưởng ban chính trị - kinh tế - xã hội của báo Phụ Nữ TP.HCM, các bài viết điều tra và chính luận giàu sức hấp dẫn của anh vẫn không thưa vắng trên mặt báo. Nhận đề tài từ ban biên tập, dù hóc búa và “nguy hiểm” đến đâu Lý Tiến Dũng cũng sẵn sàng chấp nhận với tất cả sự cẩn trọng.

Điều duy nhất anh đòi hỏi trở lại, đòi hỏi rất quyết liệt, từ người lãnh đạo tờ báo của mình là tri thức và tinh thần dám dấn thân trong cương vị “đồng tác giả, đồng trách nhiệm” đối với mỗi bài báo.

Các loạt bài phanh phui chính xác những tiêu cực và bất công trong tổng công ty hàng hải, trong lĩnh vực hàng không, trong hoạt động đầu tư non trẻ của kiều bào từ nước ngoài về đăng liên tiếp trên báo Phụ Nữ giai đoạn những năm cuối 1980 đầu 1990 mà anh tham gia với vai trò quan trọng chính là kết quả của thái độ làm nghề đàng hoàng đó.

Có lần, sau loạt bài mà anh phát hiện đề tài và được giao thực hiện vạch trần những khuất tất, tư lợi trong quản lý ở một công ty quốc doanh lớn thuộc ngành in gây thất thoát nghiêm trọng cho tài sản nhà nước, biết tờ báo của mình (đang in ở chính cơ sở của công ty ấy) rơi vào tình thế nguy cấp “có thể không ra báo được vì lý do kỹ thuật”, đang đêm anh đã tức tốc chạy đến gặp tổng biên tập với một câu hỏi có chút rưng rưng trong đó: “Sếp có tính rút lại bài báo đã chuyển nhà in không? Vì sự an toàn của tờ báo, dù rất buồn nhưng em chấp nhận nếu phải như vậy”.

Ngày hôm sau, thấy bài viết của mình còn nguyên vẹn trên tờ báo mới phát hành còn thơm mùi mực in, anh cười sảng khoái và “ban tặng” các sếp của mình chỉ một lời: “Vậy mới là đồng đội chớ”.

Sau này, khi trở thành tổng biên tập ở một tờ báo cấp trung ương, anh vẫn cứ giữ nguyên lối hành xử mà anh đã lựa chọn từ khi bước vào nghề báo với lưng vốn bằng không và được nhận lại từ quá trình làm nghề gian nan ấy niềm tự hào của một nhà báo chính trực: dám đối diện với những vấn đề nóng bỏng của đất nước, dám tranh luận để cùng với nhiều con người chân chính khác từng bước phá bỏ những cản trở trên con đường đem lại ấm no và dân chủ cho nhân dân.

Những lần gặp lại đồng nghiệp cũ sau khi không còn tiếp tục được làm việc ở cơ quan báo chí nữa vì sự can trường và cương trực một cách cực đoan vốn dĩ, anh dường như không muốn nhắc nhiều đến những kỷ niệm không vui mà chỉ thường thích nhắc lại một câu viết có ý nghĩa lâu dài của cha anh - giáo sư Lý Chánh Trung: “Báo chí, tự nó không bao giờ là một sức mạnh. Sức mạnh báo chí là sức mạnh của nhân dân, khi báo chí dám nói sự thật của đất nước và ý nguyện của nhân dân”.

Hôm nay, ở một nơi không còn sự chờ đợi tin tức hằng ngày nữa, không biết cha con anh có còn tiếp tục đàm đạo về cái nghề “cha truyền con nối” khởi đầu là bất đắc dĩ ấy không. Chỉ có điều này thì tôi có thể chắc chắn: anh xứng đáng với người cha đáng kính trọng của mình và anh đích thực là một nhà báo chính trực xứng đáng được đồng nghiệp của mình nhớ tới rất lâu.

Ông Lý Tiến Dũng sinh ngày 4-6-1959 tại TP.HCM.

Ông là phó trưởng ban công tác phía Nam - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; nguyên tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của MTTQ Việt Nam; đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên phóng viên chính trị - xã hội báo Phụ Nữ TP.HCM; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, đã từ trần lúc 17g42 ngày 4-12-2016 (nhằm mùng 6 tháng 11 năm Bính Thân).

N. T. T.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20161206/ly-tien-dung-mot-nha-bao-chinh-truc/1231033.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn