Chuyện đổi tiền

Nguyễn Thông

Kỳ 1

Mấy hôm nay, đầu tháng 12, tháng cuối cùng của năm 2016, thiên hạ rộ lên tin đồn đổi tiền. Chính ngài thủ tướng, rồi lãnh đạo ngân hàng nhà nước đã chính thức đứng ra bác bỏ. Bản thân tôi cũng cho rằng chả có lý do gì phải đổi tiền. Trong bối cảnh kinh tế và nhất là xã hội như thế này, chỉ có điên mới đổi tiền. Làm như thế không khác gì tự sát.

Nhưng nhân sự lộn xộn vớ vẩn, lại sực nhớ những chuyện liên quan đến đổi tiền mà đời mình đã trải qua. Nó như cuốn phim quay chậm lại, có cả thời trẻ thơ, cả khi bước vào đời, cả những lúc lăn lộn với cuộc mưu sinh vất vả.

Mà cũng phải “bố cáo” ngay, chuyện đổi tiền tôi kể ra đây không phải vụ nào cũng do nhà nước cầm càng, kẻo ai đó lại quy rằng “thế lực thù địch” xúi bẩy.

Đám trẻ con lớn lên ở nông thôn miền Bắc những năm 60-70 thế kỷ trước (nói thế kỷ có vẻ cổ điển xa xôi quá, chứ thực ra cũng chỉ mới trôi qua hơn 50 năm) chả đứa nào có tiền riêng bao giờ. Thày bu làm ruộng vất vả, bán được hột thóc, củ khoai, con gà con lợn... được chút tiền thì cả trăm khoản cần chi trông vào, hầu như không có chuyện cho con cái tiền. Bọn tôi chỉ được cầm tiền trong tay khi nhà trường thúc học phí, 3 đồng 6 hào cho một năm học. Nhà nào có 3 đứa đi học trở lên thì chỉ phải đóng 2 đứa, đứa còn lại được miễn. Thế mà cũng chạy vạy khổ sở, cũng nợ xấu nợ đọng, cũng năn nỉ xin xỏ nhà trường đến khổ, kiểu như “thầy đợi nhà em bán con lợn rồi em đóng sau”, mà lợn còn bé tí. Sướng nhất là nhà ông Trác anh họ tôi, anh chị sinh những 10 đứa con, đám quân thường trực đi học lúc nào cũng 4-5 đứa, chỉ đóng học phí diện bắt buộc 2 đứa, còn lại miễn tất. Cũng may cả thôn chỉ vài nhà như thế, chứ nhà nào cũng vậy thì trường sập, nhà nước hết tiền tan chứ chả chơi.

Nguồn thu của trẻ nông thôn chỉ trông chờ vào 2 kênh tài chính-xã hội: được mừng tuổi dịp Tết, và chơi đánh đáo-bật tường ăn tiền. Tôi chả dại gì chơi đánh đáo hoặc bật tường bởi đám mấy đứa bằng tuổi, cùng lớp cùng trường chúng nó chọi giỏi lắm, trăm phát trăm trúng. Có nhẽ phải nói sơ qua, đánh đáo là kẻ 2 cái vạch, khoét 1 cái lỗ, khi gieo hòn cái đứa nào trúng lỗ hoặc gần lỗ nhất là đứa đó được đi. Đứng cách khoảng 2 mét tung mấy đồng xu lên, xu rơi dưới hoặc trên vạch thì hỏng, trong vạch hoặc đè lên vạch thì được. Lấy đồng xu cái nặng (thường đổ bằng chì, bằng vỏ ống thuốc đánh răng), nếu kiếm đâu xu bằng sắt tròn càng tốt, chọi vào xu con. Chọi trúng, xu con nằm trong vạch phải nằm nguyên trong đó, còn nếu trúng xu con đè lên vạch thì nó phải bật lên phía trên, thế thì mới ăn. Có những đứa giỏi, rải xu có nghề, cả đám xu con chất thành một đống phía trên (trường hợp duy nhất cho phép xu trên vạch được hợp lệ), nó nhắm kỹ, chọi một phát cả đám xu tung tóe ra không còn xu nào dính xu nào, thế là nó ăn tất. Dạng cao thủ như thế, mình chơi với nó chỉ sạt nghiệp.

Còn chơi bật tường đơn giản hơn. Kiếm một bức tường đá hoặc gạch, lấy gạch son hoặc phấn kẻ cái vạch dưới sân. Bật đồng xu (thường là 5 xu) hoặc đồng kẽm vào tường, đứa nào gần vạch nhất thì đứa ấy được chọi. Có thằng căn bật cực giỏi, xu của nó thường sát vạch, vậy nên đứa sau thấy khó mà hơn nó, bèn bật thật kẽ hoặc thật mạnh để đồng xu của mình cách xa xu nó nhất, nó chọi sẽ khó trúng. Nói chung cờ bạc hồi ấy chỉ đơn giản thế, nhưng vui phết.

Tôi có tí tiền mừng tuổi, dành dụm mãi, một hôm bị mấy “lão” Dinh, Hiển, Gơ, Cước, Tiến... cùng thôn rủ chơi. Mình nhẹ dạ, tay nghề lại quá kém, chỉ nửa buổi chiều mất sạch, khóc hết nước mắt.

https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374/posts/1266559840033699

Kỳ 2

Lại nói chuyện nguồn ngân thu ngân sách của trẻ con. Dẫu có chơi đánh đáo, bật tường hoặc đánh tam cúc mấy chăng nữa thì cũng chỉ quanh đi quẩn lại vài đồng xu teng, đứa này “bóc lột” của đứa kia chứ có bao nhiêu đâu. Khoản thu ngân sách riêng ra tấm ra món nhất chính là tiền mừng tuổi (miền Nam gọi theo cách của người Hoa là lì xì) dịp Tết Nguyên đán. Ngoài chuyện được ăn ngon (lần ăn duy nhất trong năm có giò lụa) thì một trong những lý do khiến tụi trẻ con nông thôn miền Bắc những năm 60-70 mong đến Tết là được mừng tuổi. Mấy ngày Tết, có người nhớn đến nhà chúc Tết, hoặc theo thày bu đi chúc Tết nhà ai, thế nào cũng được mừng tuổi. Cuối năm, tôi để ý thấy thày bu tôi thường giữ lại những đồng tiền mệnh giá nhỏ, loại 1 hào, 2 hào, sau này là 5 hào, còn mới, để dịp Tết mừng tuổi cho con cái, tiền lớn hơn một chút thì mừng tuổi chúc Tết ông bà. Ông bà nội tôi mất sớm, tôi không biết mặt, nhưng khi còn nhỏ năm nào cũng theo bu tôi lên chúc Tết ông bà ngoại trên xóm núi (thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Đi bộ mỏi chân một chút nhưng thế nào cũng được ông bà ngoại mừng tuổi lại cho mấy hào.

Người nhà quê không có nhiều tiền nên tiền mừng tuổi cũng phải chăng, nếu không nói là ít. Đến khoảng mùng 4 Tết, bọn trẻ đã hăm hở tính đếm, cộng lại coi mình được bao nhiêu. Những tờ tiền mới tinh sột soạt sao mà đáng yêu thế. Đếm mãi không chán, cứ giở ra giở vào suốt. Có Tết, tính cả tiền 5 xu cộng lại, tôi được gần 3 đồng, một số tiền kha khá lúc bấy giờ (như đã nói, học phí học cấp 1 chỉ có 3 đồng 6 hào/năm). Lấy mảnh giấy báo cũ gói ghém kỹ lưỡng, khi đi ngủ cũng ôm “cục tiền”, chập chờn nghĩ đến những thứ mình sẽ mua, chẳng hạn đôi dép nhựa tái sinh, chiếc xanh tuya (thắt lưng) xanh, cái mấy ngòi bút, quyển truyện Buổi sáng trong rừng dịch của Liên Xô... Bao nhiêu là thứ, thứ nào cũng cần nên phải cân nhắc kỹ. Tiền mừng tuổi thường để dùng cho cả năm, không thể hoang phí được. Ôm tiền vào giấc ngủ sao mà ấm áp thế, quên cả rét mướt mưa phùn.

Không đủ tiền lên chợ huyện mua con lợn đất, tôi có sáng kiến lấy chiếc bình tích sứt vòi mà thày tôi bỏ, để giấu tiền. Bao nhiêu tiền xu, tiền hào tôi đếm thật kỹ, cẩn thận bỏ hết vào trong ấy. Còn đậy trên bằng mảnh giấy báo nữa. Để kín vào góc tủ, ngụy trang phủ lên vài thứ vớ vẩn. Thế nhưng vẫn không yên tâm, lén lúc nào không người lại lấy ra đếm. Không suy suyển gì mới thở phào.

Ấy thế mà vẫn hỏng. Một hôm, cô em gái tôi, cái Ngọt (Người Làng Trà), mới học lớp 1, rất ngoan nhưng “tinh quái”, nó nói vẩn vơ biết chỗ cất tiền trong nhà. Tôi lờ đi. Nó lại dấn sâu hơn, bảo có cái bình tích sứt vòi. Tôi giật mình, có nhẽ nó biết. Nếu chạy ra kho bạc ấy ngay bây giờ thì lộ quá, nhỡ nó chưa biết thì sao. Đang rối ruột rối gan lo cho số tiền, nó cười em biết anh giấu tiền trong bình tích rồi. “Chị ta” còn khai có bao nhiêu tiền cả thảy, mấy tờ 1 hào, 2 hào, 5 hào, nhưng rồi khẩn khoản đề nghị cho gửi nhờ tiền mừng tuổi vào đó với. Hóa ra nó cũng không có lợn đất, chưa biết cất tiền vào đâu. Tôi như trút được gánh nặng. Ngay hôm sau mở kho bạc, kiểm đếm lại, còn gần 4 đồng, đưa hết cho bu tôi, xin bu tôi đổi cho mấy đồng tiền chẵn. Tiền chẵn 1 đồng, 2 đồng cất giữ gọn hơn, dễ hơn. Tôi sang tên cái bình tích kho bạc cho em gái.

Đó là lần đổi tiền đầu tiên trong đời.

https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374/posts/1267410529948630

Kỳ 3

Sau khi ăn Tết Đinh Tỵ 1977, tháng 3 tôi lên Hà Nội nhận quyết định phân công công tác. Sau bao phen vất vả nhờ cậy, đã được ông Kim Toàn tổng biên tập báo Hải Phòng đồng ý nhận về, ai ngờ miền Nam đang thiếu giáo viên, tôi tới trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trên đường Đại Cồ Việt thì Vụ Tổ chức phát cho tờ quyết định vào Nam dạy học, tại Trường dự bị đại học TP.HCM (lúc ấy còn mang tên Trường dự bị đại học Tiền Giang, bởi tiếp quản từ Viện đại học cộng đồng Tiền Giang, gần TP. Mỹ Tho). Thế là tắt hy vọng được về Phòng gần gũi thày bu và gia đình. Vị cán bộ của Bộ dặn đi dặn lại rằng cần thu xếp đi ngay, nếu chống lệnh sẽ không bao giờ được phân công lại. Thấy tôi buồn bã thần mặt ra, bác ấy thương tình, động viên, thôi ráng vào vài ba năm rồi xin chuyển chắc được. Tôi ra đến cửa, bác còn dặn với nhớ coi kỹ tờ hướng dẫn, nhớ đổi tiền thì vào đó mới có tiền mà tiêu.

Theo quy định lúc bấy giờ, những ai nhận công việc trong Nam sẽ được đổi 100 đồng tiền Bắc lấy 90 đồng tiền Nam. Thì ra sau ngày đất nước thống nhất, miền Nam đã 1 lần đổi tiền, bỏ tiền Việt Nam cộng hòa, đang lưu hành tiền mới của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Tiền miền Nam giá trị cao hơn tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa, đại loại 1 đồng tiền Bắc chỉ ăn 9 hào tiền Nam. Thày bu tôi cho hơn 100 đồng, các anh chị, họ hàng người mươi đồng, người dăm bảy đồng, tôi gom lại được gần hai trăm. Số tiền này có thể mua được chiếc xe đạp Phượng Hoàng chưa cũ lắm. Tôi ra bến tàu thủy Chùa Vẽ xếp hàng từ 2 giờ sáng tới 2 giờ chiều mới mua được cái vé hạng nhì hết 90 đồng (rất khó mua vé hạng bét 60 đồng rẻ nhất bởi phòng vé tuồn cho con phe hết, còn vé hạng nhất những 120 đồng thì dân buôn đường dài Bắc Nam chiếm cả, dù tuy đắt một tí nhưng có phòng để đồ, chứa hàng hóa). Số còn lại đem đi đổi ra tiền miền Nam.

Lần đầu tiên trong đời tôi vào nhà ngân hàng. Nhớ láng máng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng nằm trên con phố chạy ra bến Bính, trông ra sông Tam Bạc. Tòa nhà xây ghép bằng đá xanh từ thời Pháp, nghe nói cuối thế kỷ 19, cao to sừng sững, tuyệt đẹp. Ông Giá anh họ tôi bảo nhà băng này tuổi còn hơn cả nhà hát thành phố. Thằng Pháp nó làm cái gì cũng đẹp cũng bền, chắc chắn, gần trăm năm vẫn còn y nguyên, ông anh tôi nhận xét. Mà công nhận đẹp thật, đá xanh chắc khừ, chả rêu riếc gì. Nền gạch bông mát rượi. Nhưng chẳng hiểu sao đứng trước nó cứ thấy sờ sợ.

Tôi rụt rè vào quầy đổi tiền. Hai nữ nhân viên đang trò chuyện, thấy tôi liền gặng làm gì. Tôi nói chị cho em đổi tiền, móc túi lấy trăm bạc ra. Đủ loại mệnh giá, cả 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, hình như chỉ có vài tờ 10 đồng. Hồi ấy 10 đồng là đồng bạc to tiền nhất, màu đỏ gạch, có hình bác Hồ trán cao tóc vuốt ngược ra phía sau nên dân chúng vỉa hè gọi thông tục là tờ cụ mượt. Cứ nói tờ cụ mượt là người ta hiểu ngay 10 đồng. Thấy tôi lúng túng, một chị xem chừng đã quá quen với những trường hợp kiểu này, bảo đưa cả đây. Chị kia hỏi giấy tờ, công lệnh đâu. Đúng là mình ngu, hãi quá, sợ cái nhà ngân hàng quá nên quên béng việc lấy quyết định “đi đày” ra trình. Coi kỹ lưỡng, hai chị đóng con dấu nhỏ vào tờ quyết định “đã đổi tiền”, đếm đưa tôi 90 đồng. Vội lui ra bởi đằng sau còn cả đám đang đứng chờ đổi. Họ có vẻ thông thạo, cười nói oang oang. Tôi thấy họ đưa ra cả xấp tiền, dễ đến mấy trăm, chả cần giấy tờ gì, đổi cái ào, không thèm đếm. Lạ nhỉ, sao mình chỉ được đổi có 100 mà lại phải trình giấy. Đem thắc mắc về hỏi ông anh, anh Giá bảo, đám đó là con buôn, nó móc với ngân hàng rồi, đổi bao nhiêu chẳng được, đem tiền ấy vào Nam mua hàng, ra bán xong lại đổi, lời chia nhau, có thế người của ngân hàng mới có ăn chứ. Đổi như chú có mà họ chết đói.

Thì ra “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, nghề nào cũng tìm ra màu mỡ, cũng xé rào được. Chỉ mấy người chân chỉ hạt bột, lương thiện là chết.

Đó là lần đổi tiền thứ 2, và là lần thứ nhất "có yếu tố nhà nước". Nhưng hai lần đổi tiền về sau mà tôi trải qua thì ghê gớm hơn nhiều.

https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374/posts/1268873456469004

Kỳ 4

Tháng 4.1978. Tôi vào Sài Gòn đã tròn 1 năm. Một năm ròng với biết bao đổi thay khi chính thức bước vào đời. Hồi còn sinh viên, mọi thứ thật đơn giản, trong trẻo, ngay cả sự vất vả, đói khổ, thiếu thốn cũng được nhìn nhận rất nhẹ nhõm. Giờ thì thay đổi tận gốc. Chả khác gì cuộc vật lộn, bãi bể nương dâu. Lúc này sống được đã khó, chống chọi lại đủ thứ tai ách bủa vây lại càng khó hơn.

Đến khi tôi gõ những chữ này, thời gian đã trôi qua gần 40 năm rồi, nên trí nhớ về ngày tháng cứ chập chờn, nhớ nhớ quên quên. Người ta bảo “cái gì không biết thì tra gu gồ”, nhưng tôi nhớ được đến đâu kể đến đấy, kệ gu gồ. Láng máng là cuối tháng 4.1978, một buổi tối, chú Dương Cao Thăng, Chủ tịch Công đoàn Trường dự bị đại học Tiền Giang (91 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, TP. HCM) gọi đám anh em giáo viên trẻ miền Bắc chúng tôi lại, bảo rằng sáng mai có mặt để theo sự phân công của nhà trường. Cũng đoán được phần nào cái gì rồi bởi tin đồn đổi tiền đã rộ lên từ mấy hôm. Phường tôi ở là trọng điểm người Hoa tại Sài Gòn, họ đang chộn rộn, hoang mang lắm. Suốt mấy tối liền, tivi ra rả lên tiếng tin đổi tiền là đồn nhảm, là bọn phản động chống phá cách mạng, là bọn bành trướng Bắc Kinh xúi giục, là đừng có tin... Hết lãnh đạo phường đến quận đến thành phố lên tivi trấn an người dân, hãy tin chính quyền, đừng mắc mưu kẻ địch. Đám công chức, giáo viên chúng tôi thực ra chả quan tâm lắm bởi làm gì có tiền mà đổi. Lương 64 đồng, tính theo tỷ giá tiền Bắc tiền Nam 10 đồng ăn 8 đồng nên chỉ còn hơn 51 đồng/tháng. Đúng thời điểm đói, ăn độn, thiếu thực phẩm, đói vàng cả mắt nên có đồng nào chén sạch đồng ấy, lấy đâu tiền dành dụm mà đổi. Tuy vậy, cả đêm khó ngủ, chờ đến sáng hôm sau.

Mới sáng sớm, loa phường đã oang oang thông báo lệnh đổi tiền. Đổi ở đâu, mỗi người được đổi bao nhiêu, tiền quy đổi như thế nào... Số cán bộ giáo viên trường tôi được đổi tại trụ sở ủy ban phường trên đường Nguyễn Tri Phương, đối diện trường cấp 3 Trần Khai Nguyên. Chú Thăng dặn dò, mỗi người được đổi 100 đồng, một hộ gia đình được đổi tối đa 500 đồng, nếu có nhiều hơn phải làm bản khai cụ thể, khai tiền đó ở đâu ra, sẽ được gửi vào ngân hàng nhà nước, sau này xác minh nếu là tiền chính đáng thì được rút ra dần, còn không rõ ràng thì bị tịch thu.

Tôi vét voi mãi chỉ còn chưa đầy 2 chục đồng, chả vội vàng gì. Lão Vy (Nguyễn Văn Vy đồng nghiệp, đồng hương, đồng môn của tôi) cùng chẳng khá hơn, hình như có 21 hay 22 đồng. Tay học sinh bộ đội đi học chơi thân với chúng tôi, Đào Gia Thiệp, người Thủy Nguyên, có những hơn 4 chục. Cả đám cười như nghé. Đang dập dờn định kéo nhau ra ủy ban phường, thì chị em cái Thu người Hoa bán tạp hóa-cà phê ở dưới phố hớt hơ hớt hải chạy lên kiếm. Tôi hay trò chuyện với cái Thu nên nó cũng mến tôi, nó bảo anh ơi, nếu các anh chưa đủ suất thì đổi giúp em với. Ba đứa chúng tôi nhận lời, cái Thu đếm tiền đưa 200 đồng, cứ cảm ơn rối rít, rồi chạy vụt về, có lẽ đi tìm người khác nhờ đổi. Nhà nó buôn bán nên có tiền.

Ngoài ủy ban phường như đám chợ vỡ. Mặc cho công an phường vòng trong vòng ngoài, dân chúng cứ rên rỉ, la hét, than thở, chửi bới, năn nỉ, thôi thì đủ kiểu. Có một ông sồn sồn nhìn là biết ngay người Hoa, lớn tiếng, chúng mày là quân lừa đảo, cướp không mồ hôi nước mắt của chúng tao. Cậu thanh niên cờ đỏ đến nói gì đó, ông nhổ phì một nhát, bỏ đi không thèm nói thêm một lời.

Thực ra chỉ có bọn người nhà nước chúng tôi và dân lương thiện là ngây thơ tin vào nhà nước thôi, chứ đám dân có tiền họ đã ngóng đón trước rồi. Tôi nghe kể hôm qua có gia đình người Hoa ở chợ An Đông còn mua cả cần xé vé số để nếu hôm sau xổ số mà trúng sẽ có tiền hợp pháp. Chú Thăng bảo rằng đổi tiền thế này chỉ nhằm đánh vào bọn tư sản thôi, chứ công nhân viên chức ba cọc ba đồng đâu có ảnh hưởng gì. Ông nói nhỏ, cũng là một dạng ăn cướp, ăn cướp hợp pháp. Còn tôi thì hiểu rằng từ sau vụ này khó mà tin được người nhà nước, tin vào mấy ông lãnh đạo, tin vào đài báo, tivi nữa. Mới hôm trước khăng khăng rằng không đổi tiền, hôm sau tráo trở nuốt lời làm ngược lại.

Xã hội như trải qua cơn bão, đầy bi kịch. Mấy hôm sau, nghe người ta kể lại có những người bị mất của, sạt nghiệp do đổi tiền đã thắt cổ hoặc nhảy cầu tự tử. Cộng đồng người Hoa bị đánh đòn kinh tế nốc ao này càng thêm chán ngán, họ rục rịch chuẩn bị kéo nhau về Hồng Kông hoặc Trung Quốc. Số người vượt biên ngày càng tăng nhanh. Trường tôi cũng có mấy thầy cô ra đi, trong đó có thầy Đái Phụng Thời, dạy toán, Phó bí thư Đoàn trường, bạn tôi. Số tiền mà chị em Thu nhờ đổi, chúng tôi lĩnh xong đưa trả lại không thiếu đồng nào. Một thời gian sau chị em Thu cũng vượt biên. Cả đứa học trò tôi là Trịnh Hảo Tố Như, người Hoa, nhà ở số 41 Nguyễn Chí Thanh, ngay sát ký túc xá 43 Nguyễn Chí Thanh tôi ở, cũng cùng gia đình lặng lẽ đi trong đêm, sáng hôm sau khi tôi xuống phố mới biết.

Cuộc đổi tiền năm 1978 đã gây ra bao nhiêu bi kịch, tang thương. Kinh tế chẳng những không khá hơn mà ngày càng lụn bại. Và càng bi kịch hơn nữa, sau đổi tiền có vài tháng, đồng tiền lại mất giá nhanh vùn vụt, gần như chả còn bao nhiêu giá trị.

https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374/posts/1271153702907646

Kỳ cuối

Như đã kể, với 3 lần đổi tiền trong đời, 2 lần tự đổi, 1 lần bị cuốn theo nhà nước, tôi đã biết sức mạnh của tiền và sự cay đắng mà đồng tiền đem lại. Nhưng phải nói, đến lần đổi tiền thứ 4 và cũng là lần cuối cho đến tận bây giờ, tôi mới thực hiểu con người bị khốn khổ bởi đồng tiền như thế nào. Và cần làm rõ thêm, bản thân tiền bạc chả có tội gì, nó chỉ gây nên đau khổ khi nó được điều hành, chi phối bởi những thế lực cầm quyền ghê gớm, tàn bạo.

Ai đã trải sống qua những năm sau 1980 bây giờ nhớ lại chuyện cũ có lẽ vẫn rùng mình. Nhiều khi mấy anh em bạn cũ ngồi lại với nhau giở chuyện xưa ra làm quà, kể xong đứa nào cũng lắc đầu. Mấy thầy giáo dạy cùng Trường DBĐH TP. HCM với tôi thời gian ấy lắc đầu lè lưỡi bảo kể cũng lạ, làm sao mà chúng mình còn ngồi đây, còn sống đến bây giờ. Thế mới biết cái sức chịu đựng của dân mình ghê thật, “khó khăn nào cũng vượt qua”, chỉ riêng việc vượt qua giai đoạn nửa đầu thập niên 80 là đủ phong anh hùng rồi.

Suốt mấy năm trời, sự nghèo đói mò đến tận chân giường. Những nhà trước kia khá giả một chút giờ cũng bắt đầu lôi đồ đạc, vật dụng sinh hoạt ra bán dần. Sau cuộc chạy loạn “nạn kiều” của người Hoa năm 1978-1979 thì có lẽ cuộc chạy ăn của dân chúng, công chức, nhân viên nhà nước trước năm 1985 gây sôi động Sài Gòn nhất. Mặt mũi ai cũng vêu vao, má hóp lại, da nhăn nheo đen sạm. Thương nhất mấy cô giáo, gầy còm, xanh xao vẫn phải đứng lớp ròng rã. Xung quanh chợ An Đông (Q.5) gần trường tôi hình thành mấy lề đường chợ trời, người ta đem đủ thứ ra đó bán, từ cái tủ lạnh, tivi vốn rất hiếm lúc bấy giờ, đến cái thìa chiếc muỗng bằng inox, thậm chí cả cái dây kéo fermeture cũ đã dùng cũng tháo khỏi quần áo cũ bày ra bán. Miễn thứ chi có người mua là bán thì mới có tiền mua gạo mua cá cho khỏi chết đói. Hồi người Hoa chạy, tôi còn lang thang lề đường kiếm tìm những thứ đồ rẻ, mấy con dao ăn, bức tranh khắc gỗ (giờ vẫn còn) nhưng đến kỳ này thì tiền cũng chả có để mua.

Đồng lương vẫn thế nhưng tiền mất giá kinh khủng, vừa lĩnh ở phòng tài vụ xong, ra đến cửa là đã có thể vơi đi cả nửa do trả nợ. Bóp mồm bóp miệng lắm cũng chỉ kéo được hơn hai chục ngày với số tiền còm ấy. Vài năm trước, lương còn đủ mua được chục ký gạo, hằng ngày nhặt nhạnh mớ rau, con cá vụn…, còn giờ tan trường là cúi mặt vội về, không dám la cà ngoài chợ nữa.

Mà lạ, đến năm 1984-1985 đồng tiền không những mất giá khủng khiếp mà cũng rất hiếm. Trường tôi tháng nào cũng nợ lương giáo viên, nghe đâu phòng tài vụ của anh Trần Văn Thông (trùng tên với tôi, khác họ) bảo rằng nhà nước không có tiền. Mấy đứa em họ làm công nhân cũng than không có tiền. Mà sao người ta xì xào nhà nước in tiền liên tục, nhờ Tiệp Khắc in nhiều lắm, vậy thì tiền nó chạy đi đâu. Hàng hóa khan hiếm, tiền mất giá và thiếu hụt, cuộc sống đi xuống từng ngày, tất cả in khắc vào gương mặt. Vợ tôi đang thất nghiệp, ở nhà chăm cu con đầu lòng, mỗi lần thấy chồng thất thểu từ trường về, chán chả hỏi gì nữa, bởi có hỏi cũng vẫn những câu trả lời cũ kỹ vô hồn. Thầy Võ Thanh Long dạy lý cười “thày giáo tháo giày, chưa bao giờ cái câu nói đùa ấy đúng như lúc này”. Quả thật, mình đang sống mà có cảm giác tất cả đều rất cũ, như sống thời xửa thời xưa kiếp trước chứ không phải bây giờ.

Nhìn những khuôn mặt xanh xao, xám xịt, quắt queo, gò má nhô ra của người thân, của đồng nghiệp, bạn bè, tôi tự hỏi chả biết dòng đời còn trôi chảy đến đâu nữa. Đành liều mà sống thôi.

Từ nửa cuối tháng 8.1985 đã râm ran tin đồn đổi tiền. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy, người huyện Thủy Nguyên, học trước tôi 1 khóa, vào Sài Gòn dạy trước tôi 1 năm, là người vốn rất hiền lành chuẩn mực, vậy mà chua chát “đổi đéo gì mà đổi lắm thế”, cứ như thể cuộc đổi tiền ghê rợn lần trước, năm 1978, mới vừa xảy ra vậy. Có nhẽ sự ám ảnh ấy nó đeo đẳng, kéo dài, đau đớn quá, khó có thể quên. Cứ qua mỗi ngày, tin đồn lại càng rộ càng đậm. Đám đàn ông cởi trần hoặc áo may ô 3 lỗ người Hoa tuổi sồn sồn sáng nào cũng ngồi cà phê chỗ góc vườn hoa ven đường An Dương Vương gần nhà thờ Thánh Jeanne D’Arc, quận 5 bàn gì bí mật lắm. Thầy Cung Bỉnh Duyệt bảo đó là những xì thẩu, họ quyết định về kinh tế lên hay xuống của Sài Gòn. Cứ xong cữ cà phê sáng của họ thì lại có “đường lối” kinh tế cụ thể cho ngày ấy. Giá vàng, giá trị đồng tiền, gạo nước, vải vóc, tôm cá lên xuống ra sao đều được quyết định từ cái góc xộc xệch nhếch nhác này. Thầy Duyệt cười, đổi tiền hay không, cứ ra đó là có thể biết. Đám ấy không quyết định việc đổi tiền nhưng nó biết chắc chắn có đổi tiền hay không. Nó không bị mắc mưu như hồi năm 78 nữa.

Mỗi lần nhà nước đổi tiền là mỗi lần đồn đoán, lo sợ, giải thích, phân trần, trấn an. Lần này cũng vậy. Truyền thông nhà nước đưa một số vị lãnh đạo có tên tuổi lên tivi, lên đài phát thanh khuyên nhân dân hãy tin tưởng vào đảng và nhà nước, đừng mắc mưu bọn bóc lột, bọn chống phá cách mạng, bọn bành trướng Bắc Kinh. Nhưng dân thì đã rút ra được kinh nghiệm xương máu, cứ bao giờ có ông to bà nhớn nào lên kêu gọi dụ dỗ thì chỉ vài ba ngày sau là đổi tiền. Đến giữa tháng 9, tôi nhớ láng máng ngày 13.9, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm khi họp ban giám hiệu với các tổ trưởng bộ môn đã xì ra thông tin có đổi tiền, thầy bảo nghe thì biết vậy, đừng nói lung tung. Tôi chỉ về hé với thầy Vy bạn tôi bởi tôi cũng chẳng biết liệu có đổi hay không, thầy Vy nói có mấy đồng bạc ranh, đổi hay không đổi tao cũng chả sợ.

Ngày 14.9, ông anh trai tôi đang là trưởng phòng ngoài Sở Tư pháp Đà Nẵng vào công tác. Anh có nhiệm vụ giữ tiền ăn, tiền sinh hoạt cho cả đoàn cán bộ của sở. Tôi kể chuyện có tin đồn đổi tiền, anh Uy tôi bảo nếu đổi thì đổi chứ có sao. Đến chiều cùng ngày, lại ông em họ bên vợ tôi từ An Giang lên Sài Gòn, ôm một đống tiền lên mua đinh, mua sắt thép, nhà nó có sạp hàng ở chợ Mỹ Luông, thị trấn huyện Chợ Mới. Người thứ ba nghe tôi bật mí chuyện đổi tiền là nó. Nó, cậu Tư Trung lo lắng bảo chỉ mong sao mai em mua hàng, trả hết tiền hàng xong, về đến quê thì hãy đổi. Cả nhà tôi, cả ký túc xá 43-45 Nguyễn Chí Thanh nơi tôi ở, sống trong tâm trạng hồi hộp, phấp phỏng lo sợ, cứ như chuẩn bị đón cơn bão lớn.

Cũng như lần trước, nhà nước đánh úp dân. Đổi tiền chỉ có dân chết bởi dân luôn sẵn lòng tin vào nhà nước. Đám xì thẩu người Hoa lần này bình chân như vại. Sáng sớm 15.9, loa phát lệnh, giống như thiết quân luật, ai ở đâu ở yên đó để nghe nhà chức trách thông báo. Việc đổi tiền sẽ chính thức tiến hành từ 6 giờ sáng 15.9. Loa nói rằng nhà nước đang tiến hành cải cách kinh tế để đưa nền kinh tế đất nước tiến lên vững chắc theo con đường xã hội chủ nghĩa, cụ thể sẽ làm cuộc cách mạng về giá – lương – tiền. Đổi tiền để đảm bảo giá trị của đồng tiền ngân hàng nhà nước, giá cả sinh hoạt, giá trị đồng lương. Lần này đảng và nhà nước sẽ kéo đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, đẩy lùi những khó khăn, thiếu thốn. Đồng bào hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng và nhà nước. Hãy thực hiện đổi tiền trong trật tự, theo đúng quy định…

Theo đúng quy định, nghĩa là kỳ này 1 đồng tiền mới ăn 10 đồng tiền cũ, mỗi cá nhân chỉ được đổi 100 đồng mới (tôi nhớ đồng tiền này màu nâu). Hộ có 3 người như gia đình tôi được đổi tối đa 250 đồng, hộ đông người như nhà chú Thăng được đổi tối đa 500 đồng. Để có được 250 đồng mới, tức là nhà tôi phải có 2.500 đồng, gớm, có mà ăn cướp ngân hàng cũng chả kiếm đâu ra số tiền lớn như thế. Chỉ có điều, lần này chị em cái Thu dưới phố cũng không thấy lên nhờ, mà có nhờ tôi cũng chẳng dám nhận bởi còn bọc tiền quỹ mà ông anh đang giữ, lỡ có bề nào anh ấy nhờ thì mình phải giúp. Và nhất là tiền mua đinh mua sắt của cậu Tư Trung, phải giúp nó, chứ không thì gay.

Ngoài điểm đổi tiền, cũng vẫn chỗ cũ, trụ sở UBND phường 9, quận 5 trên đường Nguyễn Tri Phương, tiếng loa ra rả thông báo cuộc đổi tiền bắt đầu từ 6 giờ sáng, kê khai đến 12 giờ trưa, lượng tiền được đổi… Ghê nhất là 1 ăn 10, và chỉ được đổi tối đa lấy 100 đồng tiền mới, có bao nhiêu cũng mặc lòng. 100 đồng ấy cho nhận ngay. Số còn lại, sẽ căn theo bản kê khai, nếu xét thấy hợp lý thì về sau sẽ trả tiếp, còn không thì tịch thu. Phải nói, đó là cuộc ăn cướp có bài bản, được nhà nước và pháp luật bảo trợ. Đang có 10 đồng, tự dưng chỉ còn 1 đồng, mất tiêu 9 đồng, dù nhà nước khuyến cáo rằng 1 đồng mới có giá trị bằng 10 đồng cũ nhưng thị trường đâu có chấp nhận sự duy ý chí ấy. Thực tế cho thấy chỉ khoảng vài tháng sau (tôi nói vài tháng là hơi nhiều), đồng tiền mất giá xuống nhanh như tên bắn, lại gần trở về mốc lạm phát cũ. Vài tháng đầu sau đổi tiền còn có hiện tượng hiếm tiền lẻ, đi ăn bát phở bình dân, đi cúp cái tóc, đưa tờ 50 màu xanh hoặc tờ 100 màu nâu ra, người ta lắc đầu quầy quậy bởi không có tiền thối (trả lại), có khi phải nhịn đói mà về. Hồi đó người ta ưu tiên cho 2 đối tượng “tiền lẻ, thẻ thương binh”. Tuy nhiên, chỉ vài tháng, đồng tiền mệnh giá 100 đồng còn giá trị phân nửa, và cứ xuống đến tận đáy trong một nền kinh tế èo uột, khan hiếm hàng hóa, vốn là thứ để bảo đảm giá trị đồng tiền.

Ông anh tôi đeo cái túi đựng tiền của cơ quan ra điểm đổi tiền, xếp hàng giữa muôn trùng người chen lấn, mồ hôi đầm đìa. Cậu Tư Trung em vợ tôi cũng vậy. Tôi đứng ngoài nhìn vào mà chịu, chả làm sao giúp được. Hai vị ấy đến gần 12 giờ mới kê khai xong, nhà chức việc hẹn ngày mai ra giải quyết tiếp. Về đến nhà, ông nào ông nấy khướt như cò bợ, chán nản mệt mỏi chả muốn ăn uống gì. Ông Uy còn phát hiện chiếc túi xà cột đựng tiền đem từ Liên Xô về bị rạch một đường rõ dài, sắc lẻm. May mà nó có nhiều lớp, tiền để phía trong nên không mất đồng nào.

Đổi tiền, về nguyên lý, là để cứu nền kinh tế khi đồng tiền bị mất giá, lạm phát quá cao (ngoài trường hợp thay đổi chế độ thì dĩ nhiên đồng tiền phải đổi) nhưng thực chất chỉ đánh vào người dân, người làm ăn chân chính. Nó là cuộc cướp bóc trắng trợn, nhưng cũng đầy thủ đoạn, không cần biết gì đến thiệt hại của dân chúng. Nhiều người, nhất là người về hưu, người già, dành dụm hoặc được con cháu cho ít tiền, đem gửi tiết kiệm lấy tiền lãi sống qua ngày, đến khi đổi tiền bị mất gần hết, 10 đồng chỉ còn 1, rồi tiền mất giá thì coi như mất hết. Sau cuộc đổi tiền 1985, hàng triệu người bị rơi vào bi kịch tán gia bại sản ấy. Người ta hay kể với nhau chuyện ai đó bán con bò, đem tiền gửi tiết kiệm, tiền mất giá, sau đổi tiền chỉ còn mua được vài ký thịt. Cười ra nước mắt.

Sau này, người ta cứ đổ qua đổ lại thất bại của chính sách giá – lương – tiền, của cuộc đổi tiền năm 1985 tối tăm trời đất cho ông Tố Hữu, nhà thơ làm kinh tế. Đành là ông Tố Hữu cũng có trách nhiệm bởi ông ấy làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng (tức Phó thủ tướng thứ nhất) chuyên trách về kinh tế, nhưng trút hết rác rưởi vào ông nhà thơ là hành vi tầm thường, tiểu nhân. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thủ tướng) khi đó là ông Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư là ông Lê Duẩn, rồi còn đám ông Đỗ Mười, Phạm Hùng, Trường Chinh, bao nhiêu ông thét ra lửa, cuối cùng chạy tội, né tránh cả. Đến đại hội 6 vào tháng 12.1986, ông Tố Hữu bị văng ra, và người ta xoa tay coi như đã làm hả hê lòng dân chúng khi trị tội một kẻ đã đẩy nền kinh tế của đất nước, cuộc sống của mấy chục triệu người đến bờ vực thẳm. Cũng chỉ là trò Tào Tháo mượn đầu quan coi lương Vương Hậu để yên lòng quân sĩ thời Tam Quốc mà thôi.

Những kẻ tham quyền cố vị, dốt nát, chỉ cốt bảo toàn đường lối chính trị, khi chúng làm kinh tế, ắt chúng sẽ phá nát nền kinh tế. Một xã hội mà cứ đổi tiền xoành xoạch, đủ biết tài cán làm kinh tế của những kẻ cai trị đến mức nào. Đồng tiền thấm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt con người, in dấu số phận con người, trong tay những kẻ ấy, cũng chả khác chi tờ giấy lộn. Cho nên, cứ nhớ đến chuyện đổi tiền lại rùng mình khiếp đảm.

N. T.

Nguồn: https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374/posts/1288756251147391

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn