Doanh nghiệp được lợi gì từ việc xóa Quy hoạch xuất khẩu gạo?

clip_image002

Các quy định theo Nghị định 109 khiến nhiều doanh nghiệp không hội đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp. STR/AFP/GETTY IMAGES

Bộ Công Thương hôm 4/1/2017 vừa bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân Kinh doanh và xuất khẩu gạo.

Nay, các quy định giới hạn số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, cùng các hạn chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo được hủy bỏ.

Bộ Công thương được cho là đang nỗ lực tháo bỏ những quy định gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bước đi mới nhất này chưa hẳn đã thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam như mong đợi, theo nhận xét của một trong những doanh nghiệp tư nhân chuyên xuất khẩu gạo.

Ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Cỏ May, nói với BBC Việt Ngữ là các doanh nghiệp vẫn bị ràng buộc bởi một văn bản pháp quy khác có hiệu lực cao hơn, Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo Quy hoạch, chỉ có 150 doanh nghiệp được Bộ Công Thương chọn và được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, trong đó chủ yếu là các công ty quốc doanh và các công ty trong hệ thống hiệp hội của nhà nước, ông Tâm giải thích.

Nay quyết định của Bộ Công Thương hủy bỏ Quy hoạch là nhằm mục đích để thị trường tự điều tiết, cho phép mọi thương nhân có đủ tiềm lực tài chính, tiềm lực xây dựng thương hiệu, được tham gia xuất khẩu.

'Còn các quy định ràng buộc'

clip_image004

Thu hoạch lúa gạo tại Việt Nam ở nhiều nơi vẫn còn được thực hiện theo phương pháp thủ công, nhỏ lẻ. HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Theo Nghị định 109, chỉ các doanh nghiệp đạt những điều kiện nhất định mới được cấp giấy phép xuất khẩu, cho nên việc loại bỏ các nội dung trong Quy hoạch trên thực tế vẫn không tạo điều kiện gì thuận lợi hơn cho các giới kinh doanh, ông Tâm nói.

Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo vẫn phải hội đủ các điều kiện nêu trong Nghị định, như nhà kho phải có sức chứa từ 5000 tấn trở lên, phải có hệ thống xay xát với công suất 10 tấn/giờ, v.v... Việc gia hạn giấy phép xuất khẩu hàng năm cũng phải đáp ứng định mức xuất khẩu tối thiểu là hàng ngàn tấn.

Những điều kiện nay khiến phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đều không thể đáp ứng được.

"Vào giai đoạn 2008-09, giá gạo trên thị trường thế giới đang sốt. Lúc đó giá gạo xuất khẩu rất cao. Các doanh nghiệp thấy lợi nhuận xuất khẩu gạo tốt nên chen nhau làm. Lúc đó nhà nước buộc lòng phải có chính sách sàng lọc, chọn lựa các doanh nghiệp lớn có điều kiện xuất khẩu và cũng để tránh trường hợp bán phá giá. Ở thời điểm đó Nghị định 109 có thể đúng," ông Tâm giải thích.

Nhưng theo ông Tâm, giai đoạn tiếp sau đó, xuất khẩu lương thực đi xuống, chỉ còn những doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và xây dựng được các sản phẩm cao cấp hơn để xuất khẩu mới tạo được giá trị gia tăng, do đó trước tình hình này việc bỏ Quy hoạch này là cần thiết.

Mong muốn của doanh nghiệp

clip_image006

Bãi bỏ Quy hoạch về xuất khẩu gạo chưa hẳn đã tạo điều kiện hơn cho người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp. HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Được biết chính Doanh nghiệp Tư nhân Cỏ May đã từng mất hợp đồng xuất khẩu gạo trực tiếp sang thị trường Singapore hồi năm 2014 vì không đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 109/2010/ NĐ-CP của Chính phủ về kho chứa.

Doanh nghiệp này đã phải thành lập một Công ty lấy tên là Cỏ May Singapore đặt tại đảo quốc này để nhập gạo của chính mình từ Việt Nam qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu, khiến doanh nghiệp tốn thời gian soạn thảo hợp đồng ký kết với đối tác xuất khẩu gạo và tốn thêm chi phí 2 USD Sing cho mỗi tấn gạo xuất đi.

Cạnh đó, cách hoạt động này có tạo thêm các khoản chi phí cho doanh nghiệp, gồm chi phí hành chính, vận hành của Công ty Cỏ May tại Singapore, báo chí trong nước trích dẫn ông Phạm Hải Bằng, Giám đốc Cỏ May Singapore, cho biết.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam khác đã phải đầu tư ở các nước lân cận để xuất khẩu gạo vì những quy định về kho chứa hay nhà máy xay xát nêu trong Nghị đinh.

Do đó, nguyện vọng của các thương nhân xuất khẩu gạo hiện nay là "nên bãi bỏ hoặc bổ sung một số điều đã lạc hậu trong Nghị định thì mới có cơ hội cho các doanh nhân xuất khẩu gạo tham gia thị trường," ông Đinh Minh Tâm nói.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38521883

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn