Đừng để các thế hệ tương lai phải trả nợ!

Sinh viên Dược

Tác giả gửi tới Dân Luận

Theo thống kê của The Economist, vào năm 2010 đồng hồ nợ công điểm Việt Nam ở mức 45 tỉ USD (bằng 50% GDP), chia bình quân là đầu người 521 USD/người. Đến năm 2012 nợ công tăng lên 62,5 tỉ USD, bình quân 704 USD/người. Và đến những ngày đầu năm 2017, số nợ công của mỗi người dân Việt Nam đã đạt 94,85 USD (đạt mức trần an toàn 65%), chia bình quân đầu người 1.039 USD/người, mức gia tăng nợ là 9,3% /năm, gấp đôi trữ lượng vàng của Việt Nam. Mức tăng trung bình 5 năm qua của nợ công là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

clip_image002

Nợ công của Việt Nam đã đạt mức báo động đỏ.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2016 dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính Phủ khoảng 53,62%. Hai con số này đều đã tiến đến sát ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.

Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2016: tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng; bao gồm thu nội địa 785.000 tỷ đồng, thu từ dầu thô 54.500 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 172.000 tỷ đồng, thu viện trợ 3.000 tỷ đồng.

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng, trong đó số tiền dùng để “chi trả nợ và viện trợ” là 155.100 tỷ đồng (viện trợ chỉ chiếm 3.000 tỷ). Bội chi ngân sách đạt 254.000 tỷ đồng, đạt 4,95% GDP.

1. Quá nhiều ngân sách cho các đoàn, hội

Theo The Economist, muốn giảm nợ công thì Chính phủ phải chi tiêu có hiệu quả, chuyển giao các lĩnh vực không cần nắm giữ mà tư nhân có thể làm được. Tình trạng nước ta hiện nay, chi tiêu ngân sách quá nhiều, vô ích và nhảm nhí cho bộ máy chính trị, đặc biệt là các đoàn, hội. Theo thống kê tính đến tháng 12-2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương).

Năm 2015, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cùng với Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nghiên cứu “Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam. Thực hiện nghiên cứu, hệ thống hóa toàn cảnh sử dụng ngân sách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội, còn gọi là đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn) cùng 28 hội đặc thù theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Trong đó tổng số người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công (có biên chế và không có biên chế), ước tính vào khoảng 338.000 người. Tổng chi phí kinh tế của xã hội cho các tổ chức quần chúng công dao động trong khoảng 45.670 tỷ đồng đến 52.700 tỷ đồng, ước tính bằng 1,7% GDP của cả nước (năm 2014): trong đó ngân sách nhà nước trợ cấp khoảng 14.023 tỷ đồng, phần còn lại là đóng góp của hội viên. Riêng nguồn ngân sách Trung ương dự toán dành cho Trung ương hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và năm tổ chức chính trị - xã hội đã là 1.261 tỷ đồng.

clip_image004

Biểu đồ ngân sách nhà nước cho Trung ương hội các tổ chức chính trị (VERP)

Tại hội thảo của Liên hiệp Các tổ chức khoa học kỹ thuật Việt Nam liên quan Luật về hội tháng 10/2016, TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho biết, mỗi năm tổng chi phí cho các hội lên tới 68.000 tỉ đồng (chi phí kinh tế - xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn).

Chi ngân sách tốn kém nhất là chi cho bộ máy, biên chế với khoảng 338.000 người (2014) các cấp từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương. Ngân sách nhà nước chi cho các đoàn thể chính trị - xã hội thì lớn, tuy nhiên các hội quần chúng thì lại không.

clip_image006

Biểu đồ hỗ trợ ngân sách cho các tổ chức đặc thù (VERP)

Ngay trong trợ cấp cho các hội đặc thù lại có những nguồn chi khá kì lạ: Hội Nhà văn, Hội Luật gia, Hội Điện ảnh, Hội Nhạc sĩ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Phòng Thương mại và Phát triển Công thương… Những hội này đều có thể tự túc kinh phí, thậm chí ngoại trừ Hội Nhà văn, các hội khác có thể kiếm rất nhiều tiền; nhưng ngân sách nhà nước chi kinh phí nhiều cả hơn những hội mang tính chất từ thiện như Hội nạn nhân chất độc màu da cam.

Ở nước Mỹ, chính phủ dứt khoát không dùng tiền ngân sách tài trợ cho Khoa học, Văn hóa, Thể thao. Ở Việt Nam ta chưa có điều kiện kinh tế như Mỹ, lại còn suốt ngày trợ cấp linh tinh cho Liên đoàn Bóng đá, Hội Nhạc sĩ… tính ra trợ cấp đó còn nhiều hơn trợ cấp cho dân ở một huyện trong “thảm họa Formosa”.

Sự thiếu hụt ngân sách trong những năm gần đây, nhà nước buộc phải tăng các khoản thu, khoản phạt đặc biệt như phạt vấn đề giao thông; đặt ra nhiều loại thuế phí mới, gánh nặng đổ lên đầu người dân. Nợ nần chồng chất. Vậy tại sao phải tốn ngần nấy tiền để nuôi những tổ chức đoàn hội?

2. Khi không ai chịu trách nhiệm

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra phương án trong giai đoạn 2016 - 2020: thường xuyên theo dõi đánh giá mức an toàn nợ công, nợ Chính phủ; tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh cũng như nợ của chính quyền địa phương; cơ cấu lại nợ trong nước, đa dạng hóa nguồn nợ nước ngoài... Tuy nhiên nếu chỉ ra phương án, nghị quyết mà không thực hiện thì chẳng có tác dụng gì; các bộ, ngành, địa phương không nghiêm túc, kỷ luật lỏng lẻo, đặc biệt là tham nhũng làm hụt tất cả các nguồn vốn đầu tư.

Tham nhũng và sự quản lý kinh tế yếu kém làm cho nền kinh tế suy thoái, điển hình như vụ việc Trịnh Xuân Thanh làm thua lỗ 3.300 tỷ đồng tại PVC vừa qua. Hoặc nhiều vụ án khác như vụ Vinashin nổi tiếng với khoản nợ trên 4 tỷ USD và là biểu tượng của chính sách “tập đoàn kinh tế” thua lỗ, cùng nhiều dự án đầu tư thua lỗ khác. Hầu hết các đại dự án trong năm 2015 – 2016 đều gây thua lỗ nặng nề, làm mất nhiều nghìn tỷ đồng của nhà nước.

Hoặc “Dự án khai thác Bô xít tại Tây Nguyên”, mỗi năm lỗ nặng nề hàng chục triệu USD lại gây ô nhiễm môi trường trước mắt và lâu dài. Theo ước tính của một số chuyên gia, giá bán alumin tại cổng nhà máy khoảng 340 USD/tấn, giá thành sản xuất 1 tấn alumin là 375 USD. Giá xuất khẩu alumin của Vinacomin ở cảng biển ước tính tối đa khoảng 345 USD/tấn. Tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu 20%, mỗi tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD, tổng số lỗ năm 2013 sẽ là 74,4 triệu USD. Nếu Vinacomin được miễn cả thuế xuất khẩu thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ ít nhất 55 USD, mỗi năm tổng lỗ ít nhất 33 triệu USD. Điều này chưa tính đến sức khỏe của người dân các tỉnh Tây Nguyên và môi trường sinh thái. Trung bình lượng bùn đỏ thải ra là khoảng 10 tấn/năm, gây ô nhiễm cho vùng thượng lưu đồng bằng Nam bộ và Nam Trung Bộ. “Thảm họa Formosa” vừa qua cũng gây thiệt hại về tài sản lẫn sức khỏe người dân. Dù ngay trên VTV1 cũng đã đề cập đến vấn đề này, nhưng ai là người chịu trách nhiệm?

12 đại dự án thua lỗ vừa qua như dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất và Nhà máy đạm Ninh Bình... ai chịu trách nhiệm? Sai phạm nhiều thế nhưng hầu như không có ai chịu trách nhiệm hoặc xin từ chức, từ TW đến địa phương. Kỷ luật lỏng lẻo, khoa học lạc hậu, nợ nần chồng chất. Tất cả các công trình nói trên là tiền ngân sách, thực chất là tiền thuế của dân, nhưng không ai sử dụng thận trọng, suy tính cho hiệu quả, để rồi con cháu đời sau oằn lưng gánh nợ.

Đầu năm 2014, báo chí Nhật Bản đưa tin Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 80 triệu Yen (782.640 USD) cho các cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội. Hoặc như vụ công ty y tế của Mỹ Bio-Rad thừa nhận hối lộ quan chức Việt Nam để mua sản phẩm của họ. Thế nhưng lãnh đạo Việt Nam hầu như không ai lãnh trách nhiệm, hoặc nếu có thì họ sẽ được cơ quan pháp luật Việt Nam bảo vệ bằng cách thay đổi tội khởi tố. Thay vì khởi tố với tội danh “nhận hối lộ”, họ sẽ được khởi tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…

Một năm ngoại hối của Việt kiều gửi về vào khoảng 13 – 14 tỷ USD, thế nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn làm cho dân nợ ngập đầu. “Cha nợ thì con phải trả”, đó là điều tất yếu. Nhưng nợ ra sao, nợ như thế nào là điều quan trọng. Pháp luật Việt Nam không có điều nào quy định việc những người đang sử dụng những đồng tiền thuế nhân dân phải có trách nhiệm thông tin minh bạch, báo cáo kết quả công việc với nhân dân cả. Càng không có điều nào quy định việc thế hệ trước không được để lại nợ cho thế hệ sau cả. Chúng tôi – thế hệ sau – thì cứ chuẩn bị tư tưởng “Oằn lưng gánh nợ”, để đến lúc đó khỏi bị “Shock”.

Sinh viên Dược

__________

Tham khảo:

1. TS.Nguyễn Đức Thành, ThS. Nguyễn Khắc Giang, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam, nhà xuất bản Hồng Đức, 2015.

2. Bộ Tài chính, Bản tin nợ công – số 4 (30/6/2016)

3. http://www.economist.com/content/global_debt_clock

Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20170116/dung-de-cac-the-he-tuong-lai-phai-tra-no

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn