Việt Nam ‘đổi mới nhưng không đổi màu’?

BBC Tiếng Việt

clip_image002

TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ban Thường vụ QH Trương Đức Giang ở Bắc Kinh hôm 13/01/2017. ảnh Xinhua

Tiếp tục chỉ trích ‘diễn biến hòa bình’, một cựu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng “Đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lớn”, trong bài trên tờ Quân đội Nhân dân trước Tết Đinh Dậu.

Ông Hà Đăng viết hôm 16/01/2017 về sự kiện khối cộng sản Đông Âu tan rã đầu thập niên 1990 như ‘cơn động đất chính trị’ của thế kỷ trước.

Nhưng ông nêu lập luận rằng Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam “không đi theo vết xe đổ của cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu”.

Theo ông, quá trình Đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản ở Việt Nam thực hiện đã có thành tựu to lớn và “làm cho Việt Nam càng vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

“Đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu là một sai lầm có dụng ý”.

Theo ông, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, “đổi mới nhưng không đổi màu”, là nguyên tắc đầu tiên.

Ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cũng nhân đây đã thách thức giới chỉ trích:

“Tôi muốn đặt ra câu hỏi đối với các tác giả đòi chúng ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, ý đồ thực sự của các vị phía sau đòi hỏi này là gì?”

Phản ứng lại lập luận của ông Hà Đăng, thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị hiện sống tại TPHCM lên tiếng trên Facebook cá nhân:

“Tôi rất sẵn lòng lên đài truyền hình quốc gia VTV1 trao đổi và tranh luận với ông Hà Đăng. Nếu thật sự ông tự tin vào các lập luận và chính nghĩa của ông thì ông nên thúc giục VTV1 tổ chức ngay buổi đối thoại này”.

Câu hỏi về chủ nghĩa xã hội

clip_image004

Bộ máy văn hóa tư tưởng ở Việt Nam thường nhấn mạnh đến ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. ảnh Dan Tri

Từ nhiều thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tự nêu câu hỏi thế nào là ‘Định hướng xã hội chủ nghĩa’, nhất là khi Việt Nam đã vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chấp nhận kinh tế thị trường.

Hơn 10 năm qua, hai kỳ đại hội Đảng Cộng sản cũng có vẻ chưa giải quyết được vấn đề này.

Hồi giữa năm 2006, TS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM có bài trên báo Tuổi Trẻ, phân biệt ra con đường XHCN như là mục tiêu, hay là mô hình.

Ông cho rằng “chọn định hướng XHCN là mục tiêu phát triển xã hội” (phát triển, phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ) là sự lựa chọn đúng…”

“Còn XHCN là mô hình tổ chức xã hội thì trên thực tế đã và đang không còn tồn tại với sự lựa chọn trong xu thế phát triển chung của thời đại, cũng như trong tiến trình đổi mới ở nước ta”.

“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp…”

Thượng Đế và đấu tranh gia cấp mới

clip_image006

Có quan điểm tại Trung Quốc coi Marx là ‘Thượng Đế’ trong lĩnh vực niềm tin chứ không trong thực tiễn. ảnh Xinhua

Việt Nam không phải là nước duy nhất phải suy tính về di sản nhập ngoại là chủ nghĩa Marx-Lenin.

Ngay từ năm 2009, tại Trung Quốc đã có các ý kiến phải làm gì với chủ nghĩa Marxist và một quan điểm nói cần đặt Marx vào phạm trù niềm tin hơn là nghị trình chính trị.

Từ Khuông Địch, cựu bí thư Thượng Hải, Phó Chủ tịch Chính Hiệp khi đó đã nói với nhà báo Daniel Gross (Newsweek 25/11/2009) rằng đường lối của Karl Marx, chỉ còn “đóng vai trò đạo đức ở Trung Quốc, tựa như Thượng Đế với người Thiên Chúa Giáo ở Âu Mỹ”.

Ông Từ Khuông Địch cũng nói tuy vậy, mô hình dân chủ với bầu cử tự do như Tây Phương là chưa thể áp dụng ở Trung Quốc vì dân số quá đông, sự khác biệt vùng miền, và nhất là thu nhập quá lớn.

Ông thẳng thắn nói nếu để bầu cử tự do, một ai đó hô lên khẩu hiệu ‘lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo’ sẽ được bầu chọn ngay và Trung Quốc sẽ rơi vào cuộc đấu tranh giai cấp mới (class warfare).

‘Tốt hơn cả các nước tư bản cùng mức’

Hồi năm 2012, khi sang thăm Cuba, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đọc diễn văn nói về thành tựu 25 năm Đổi mới ở Việt Nam và cho rằng:

“Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”.

Ông Nguyễn Phú Trọng không nêu tên các nước ‘tư bản chủ nghĩa’ đó là gì nhưng khẳng định đây là bằng chứng cho “sự ưu việt, là sức sống thực tiễn của chủ nghĩa xã hội”.

Đến tháng 10/2016, sau khi đã tái đắc cử, TBT Nguyễn Phú Trọng lại nhấn mạnh đến công tác lý luận về định hướng xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam.

Ông cũng thừa nhận đây là công tác còn cần tiếp tục xây dựng, triển khai:

“Chúng ta cần tập trung đi sâu nghiên cứu và tổng kết nhằm tiếp tục phát triển và hoàn thiện lý luận về đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,,,”, theo tờ Quân đội Nhân dân 20/10/2016.

‘Từ chức là thắng lợi’

clip_image008

Hướng về Quảng trường Đỏ ngày Năm Mới: ông Gorbachev nói ông đã đem lại tự do cho người dân Nga. ảnh Xinhua

Gần đây, trả lời phỏng vấn BBC nhân dịp kỷ niệm Liên Xô tan rã, ông Mikhail Gorbachev đã nhắc lại quan điểm rằng ông phải từ chức ngày 25/12/1991 vì đe dọa nội chiến:

“Chúng tôi tiến tới nội chiến và tôi muốn tránh nó”.

“Tôi không thể để điều đó xảy ra chỉ để bám níu quyền lực. Từ chức là thắng lợi của tôi”.

Trong diễn văn từ chức, Gorbachev nói nhờ chương trình cải tổ của ông, xã hội ở các nước Liên Xô cũ “đã có tự do”.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38650446

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn