Cạnh tranh chiến lược trong tiến trình hình thành RCEP

LS. Nguyễn Văn Thân

Theo lời hứa tranh cử, Tổng Thống Trump đã chính thức công bố rút Hoa kỳ khỏi TPP. Tuy Úc và Tân Tây Lan vẫn muốn cứu sống TPP, nhưng TPP thật sự đã bị khai tử và chôn sống. Điều này không có nghĩa là chính sách tự do thương mại và tranh giành vị trí chiến lược và an ninh tại Châu Á chấm dứt mà chỉ có nghĩa là Hoa Kỳ đã chọn bước ra khỏi sân chơi. Bây giờ là lúc các quốc gia Châu Á xem xét chi tiết Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (Regional Comprehensive Economic Partnership hoặc RCEP). Như mọi người đều biết, TPP không có Trung Quốc và RCEP không có Hoa Kỳ.

Ý tưởng thành lập RCEP bắt đầu từ năm 1990 sau thất bại của các cuộc đàm phán WTO tại Uruguay. Khởi đầu, Thủ Tướng Mã Lai Mahathir Mohamed đề nghị thành lập một khu vực tự do thương mại trong khu vực Châu Á gồm có các quốc gia thành viên Khối ASEAN với Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc có tên gọi là Nhóm Kinh Tế Đông Á (East Asian Economic Group). Mục đích là để đối trọng với thị trường chung Châu Âu và khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ. Nhưng đề nghị này của Mahathir bị Mỹ phản đối và Nhật dưới áp lực của Mỹ cũng không ủng hộ vì lo ngại là các nước ASEAN sẽ bị lôi cuốn vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Cũng từ đầu năm 1990, các quốc gia trong Khối ASEAN đã tiến hành cải thiện hệ thống tài chánh và đầu tư ngoại quốc. Cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á vào năm 1997 tác động mạnh đến các quốc gia trong khu vực và thúc đẩy ASEAN tìm một giải pháp đối trọng với cơ chế tài chánh quốc tế chẳng hạn như IMF do Mỹ lãnh đạo. Câu trả lời là Trung Quốc. Một trong những lợi thế của Trung Quốc là đa số doanh nghiệp lớn cũng như các nhà tài phiệt trong khu vực là người gốc Hoa có sẵn quan hệ mật thiết với Trung Quốc. ASEAN cũng lo ngại là nếu họ không chủ động hội nhập tự do thương mại và liên kết thị trường thì sẽ bị thiệt thòi khi buộc phải gia nhập vào hệ thống do các siêu cường quốc thiết kế. Mặt khác, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có nhu cầu mở rộng thị trường để phát triển kinh tế và theo đuổi mục tiêu chiến lược trong khu vực Châu Á.

Khái niệm Cộng Đồng Đông Á (East Asian Community) được đề ra vào năm 2001 nhằm gia tăng sự hợp tác kinh tế, an ninh và chiến lược của các quốc gia trong khu vực. Đề nghị này được chấp thuận vào tháng 11 năm 2004 dẫn đến Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á lần đầu tiên đưọc tổ chức vào ngày 14/12/2005 tại Kualar Lumpur Mã Lai. Đúng một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á thì lại có cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới vào năm 2007. Vai trò của Trung Quốc được nâng cao vì họ không bị ảnh hưởng nhiều mà kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên 10%. Trong phiên họp thường niên giữa ASEAN và Trung Quốc diễn ra tại Thái Lan vào tháng 10 năm 2009, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đưa ra 4 điểm gồm có thúc đẩy thành lập hiệp định tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc, hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác về mặt văn hóa và xã hội và thúc đẩy hợp tác toàn diện nhằm bảo vệ an ninh, hòa bình và sự thịnh vượng trong khu vực.

Một số quốc gia ASEAN cho rằng các cơ chế Liên Hiệp Quốc truyền thống như WTO, IMF và Ngân Hàng Thế Giới đều do Mỹ và các nước phương tây chủ đạo và không hẳn là có lợi cho các quốc gia kém phát triển trong Khối ASEAN. Con đường tiến đến hội nhập kinh tế tại Châu Á trải qua nhiều bước gập ghềnh vì sự mâu thuẫn và cạnh tranh giữa hai cường quốc Hoa Nhật. Sau cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á vào năm 1997, Nhật đưa ra đề nghị thành lập Quỹ Tiền tệ Châu Á (Asia Monetary Fund) để giảm bớt ảnh hưởng của IMF nhưng bị cả Mỹ lần Trung Quốc phản đối. IMF là do Mỹ kiểm soát còn Trung Quốc lo ngại về ý đồ chiến lược của Nhật. Về giao thương, Trung Quốc đề nghị tiến hành đàm phán Hiệp Định Thương Mại Tự Do ASEAN - Trung Quốc vào năm 2000. Tại Hội Nghị Thưọng Đỉnh ASEAN - Trung Quốc vào tháng 11 năm 2001, đề nghị này được chấp thuận và hai bên cam kết sẽ hoàn tất đàm phán trước năm 2010. Nhật cũng phản ứng nhanh chóng. Thủ Tướng Koizumi lập tức thi hành các chuyến công du Châu Á vào tháng Giêng năm 2002 và đưa ra đề nghị thành lập Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện giữa các quốc gia ASEAN và Nhật. Có sự khác biệt giữa hai đề nghị. Đề nghị của Trung Quốc chỉ chú trọng vào hàng hóa. Trong khi đó, đề nghị của Nhật toàn diện hơn và bao gồm hàng hóa cùng với dịch vụ và đầu tư.

Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật nằm ở hai mặt: thành viên và nghị trình. Vào năm 2004, Trung Quốc đề nghị tiến hành nghiên cứu Hiệp Định Tự Do Thương Mại Đông Á (East Asia Free Trade Agreement hoặc EAFTA). Cùng lúc, Nhật tiến hành nghiên cứu Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Đông Á (Comprehensive Economic Partnership in East Asia hoặc CEPEA). Cả hai bản nghiên cứu được hoàn tất cùng lúc và công bố vào tháng 8 năm 2009. EAFTA của Trung Quốc giới hạn số thành viên là ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc) và tập trung vào thị trường hàng hóa. Như vậy thì Trung Quốc sẽ nắm quyền lãnh đạo dựa vào tầm vóc và nền kinh tế sản xuất đồ tiêu dùng. Còn CEPEA của Nhật thì nới rộng số thành viên là ASEAN + 6 bao gồm cả Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan. Mục đích là phân tán vai trò lãnh đạo của Trung Quốc và gia tăng ảnh hưởng của Nhật. Thứ hai, CEPEA nhấn mạnh vào thị trường dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ là những lãnh vực mà Nhật có thể đóng vai trò chủ động.

ASEAN như một cô thiếu nữ mới lớn nhận lời cầu hôn từ hai phía mà không biết chọn bên nào. Sau nhiều cuộc thảo luận trong hai năm không đi tới đâu, vào tháng 8 năm 2011, Trung Quốc và Nhật đạt đồng thuận tiến hành thành lập một nhóm nghiên cứu chung xem xét cả hai đề nghị và chú trọng tới 3 lãnh vực: hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Thành viên sẽ là ASEAN và các quốc gia trong khu vực có Hiệp Định Tự Do Thương Mại với ASEAN gồm có Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan. ASEAN sẽ chủ tọa các cuộc đàm phán. Đề nghị này cũng như nguyên tắc lấy ASEAN làm trọng tâm được chấp thuận tại Hội Nghị ASEAN lần thứ 19 tại Bali vào ngày 17/11/2011. Từ đó, cái tên RCEP chính thức ra đời.

Nếu không có thỏa thuận của Trung Quốc và Nhật vào tháng 8 năm 2011 thì không có RCEP. Tại sao hai bên lại đạt được đồng thuận này? Năm 2009 đánh dấu một sự kiện quan trọng. Tổng Thống Obama quyết định gia nhập đàm phán TPP và muốn sử dụng TPP như là một trụ cột chiến lược chính yếu trong chính sách xoay trục về Châu Á. Có thể là do điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc là phải đối phó với TPP và tìm cách loại Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á cũng như Trung Quốc có đủ tự tin là sự tham gia của 3 đối tác kinh tế khác của ASEAN là Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan sẽ không ảnh hưởng sức mạnh của họ nên Trung Quốc nên sẵn sàng nhân nhượng và thỏa hiệp với Nhật. Còn Nhật thì muốn dùng RCEP như là một lá bài trong việc thương thuyết TPP với Mỹ. Hơn nữa, khác với TPP khi Mỹ hầu như viết hết toàn bộ điều lệ thì Nhật đã chủ động và kiểm soát nghị trình với RCEP. Chẳng hạn như vào tháng Giêng năm 2014, RCEP đã đồng ý nghiên cứu các đề tài cạnh tranh công bằng, sở hữu trí tuệ, hợp tác kỹ thuật và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Các quốc gia thành viên RCEP mong muốn hoàn tất đàm phán RCEP trong năm 2015 nhưng không thành. Vòng đàm phán thứ 16 vừa được tổ chức tại Nam Dương từ ngày 2-10 tháng 12 năm 2016. Vòng đàm phán thứ 17 sắp tới sẽ được tổ chức tại Kobe Nhật từ ngày 27 tháng 2 tới 3 tháng 3 năm nay. Sau khi Tổng Thống Trump chính thức rút Mỹ khỏi TPP, Trung Quốc liền lên tiếng là sẽ hợp tác tối đa với Phi Luật Tân là nước chủ tọa luân phiên ASEAN để hoàn tất RCEP hình thành một khu vực thương mại tự do tại Châu Á trong năm nay. Nếu đạt được thì sẽ là một thành công lớn. Tuy không có tầm vóc 40% GDP thế giới như TPP nhưng RCEP chiếm chiếm gần 30% GDP thế giới và bao gồm thị trường với 3.4 tỷ người, tức gần phân nửa dân số thế giới. RCEP cùng với Một Vành Đai, Một Con Đường là hai mũi tên chiến lược hỗ tương và song hành của Trung Quốc nhằm xây dựng vị trí lãnh đạo tại Châu Á. Trong thời buổi này, mang quân đi chinh phục không còn thích hợp nữa. Quốc gia nào kiểm soát được kinh tế sẽ chiếm ưu thế an ninh và chiến lược. Khác với TPP, RCEP không đặt tiêu chuẩn về quyền lao động, bảo vệ môi trường và tính minh bạch. Do đó, các quốc gia thành viên sẽ không bị trở ngại vì những vấn đề liên quan tới chính trị nội địa. Thành viên ASEAN cũng đang chờ khoảng trống do Trump để lại được lấp vào. Chỉ có Ấn Độ là còn do dự vì lo sợ thị trường nội địa bị tràn ngập với hàng hóa rẻ tiền của Trung Quốc và Nhật vẫn luôn dè dặt với ý đồ chiến lược của Trung Quốc. Nếu RECP hoàn tất trong năm nay thì Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội cất cao tiếng gáy về mặt kinh tế và chiến lược tại Châu Á.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn