Đối thoại với Nguyễn Hữu Liêm

Tạ Dzu

Triết học là môn học nghiên cứu những vấn đề chung, mang tính căn bản của con người về vũ trụ quan, thế giới quan và vị trí, vai trò con người trong đại thể vũ trụ.

Người ta cho rằng vấn đề căn bản của triết học là mối tương quan giữa tồn tại và tư duy, giữa vật chất và ý thức. Giải quyết được vấn đề căn bản đó sẽ có cơ sở để giải quyết những vấn đề khác.

Trong bài viết “Tự do và đạo lý: Hegel, Marx, Trần đức Thảo và Việt Nam”, tác giả Nguyễn Hữu Liêm đã lược qua hai nền triết học lớn của Tây phương đã ảnh hưởng đến Việt Nam trong thời gian qua: Duy Tâm và Duy Vật.

Tác giả tìm cách lý giải tự do và đạo lý, khởi đi từ Hegel, tới Marx, đến Trần Đức Thảo rồi sau đó đưa ra giải pháp cho vấn nạn đạo lý lịch sử Việt Nam.

Là giáo sư môn Triết, Nguyễn Hữu Liêm “triết lý hoá’’ văn phong và lập luận, khiến một độc giả bình thường khó có thể nắm bắt những lý giải được trình bầy hoặc mơ hồ nhận ra những gì được trình bầy.

Việc lược giải để tìm ra giá trị đích thực của hai nền triết học Duy Tâm và Duy Vật là cần thiết, bởi chúng đã ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại trong vài thế kỷ vừa qua, và hiện vẫn còn ảnh hưởng mạnh đến chính trường Việt Nam và một số quốc gia khác.

Tây phương có nhiều học thuyết triết học (Duy Tâm, Duy Vật, Duy Danh, Duy Lý, Hiện Thực, Kinh Nghiệm, Hoài Nghi, Lý Tưởng, Hiện Tượng Học, Thực Dụng, Hiện Sinh, Phân Tích, Lục Địa…), nhưng chỉ có hai triết thuyết Duy Tâm và Duy Vật xứng đáng được coi là chủ nghĩa, theo tiêu chuẩn, bao gồm phần quy nạp (cơ bản lý luận, công cụ lý luận), phần diễn dịch (thuần tuý lý luận, thực tiễn lý luận) và phần hiệu ứng (lịch sử luận, vận mệnh luận, văn minh luận).

Nói chung, triết học Tây phương thuần lý, thiên về phân tích và thường trừu tượng hóa các khái niệm, nói khác đi, trừu tượng hóa thực tại. Triết học Đông phương thường được rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống, thiên về tổng hợp.

Duy Tâm và Duy Vật cũng không thoát ra khỏi việc trừu tượng hóa thực tại.

Về phương diện bản thể luận, Duy Tâm khẳng định rằng mọi thứ đều tồn tại bên trong tâm thức và thuộc về tâm thức (hay ý niệm tuyệt đối), cho rằng ý thức và tinh thần là thuộc tính thứ nhất (có trước), vật chất là thuộc tính thứ hai (có sau) và cơ sở tồn tại của thực tại là một tâm thức nào đó ở bên ngoài thế giới này. Ý niệm tuyệt đối dễ dàng được thần linh hoá qua hình ảnh một vị thượng đế toàn năng, sáng tạo ra tất cả.

Duy Vật ngược lại, quan niệm rằng thứ duy nhất có thể tồn tại là vật chất, và một cách căn bản thì mọi sự vật đều có cấu tạo từ vật chất, mọi hiện tượng đều là kết quả của các tương tác vật chất.

Cả hai quan điểm trên đều vì “trừu tượng hóa thực tại” mà ra, hay nói khác đi, hai quan điểm trên chỉ phản ảnh được một phần của thực tại, hoặc tâm hoặc vật, không khớp với thực tại đời sống. Thực tế cuộc sống minh chứng rằng chỉ “duy” yếu tố vô hình (tâm thức) hay hữu hình (vật chất) đều không thể sản sinh ra “hiện tượng sống”. Một người mất trí nhớ, không còn khả năng nhận biết (thuộc phạm trù tinh thần, tâm thức vô hình) thì người đó chỉ có đời sống thực vật, không còn được coi là con người bình thường nữa. 

Cả hai, từ chỗ trừu tượng hóa thực tại, đưa ra hai Biện chứng Duy Tâm và Duy Vật, tìm cách áp đặt cho đời sống con người.

Lịch sử Việt Nam có chu kỳ 500 năm: 500 năm thịnh, 500 năm suy. Năm trăm năm thịnh thời Lý-Trần, cha ông ta đã tổng hợp hai nền văn hóa Ấn-Hoa (Phật, Lão, Khổng) có thể coi là văn minh của cả nhân loại trong vùng lúc đó. Tiếp nối là giai đoạn 500 năm suy tàn cho tới nay. Tất cả các tư tưởng lớn, các chủ nghĩa, các tôn giáo lớn đều đã đến Việt Nam, nhu cầu cấp thiết là phải tổng hợp lại tri thức của nhân loại từ cổ chí kim, từ đông sang tây như cha ông đã thực hiện, một cách biện chứng cho một nước Việt mới. 

Ngày nay, nhân loại đã ghê tởm chiến tranh qua hai cuộc Thế chiến và Chiến tranh Lạnh vừa qua, đồng thời ngờ vực các ý thức hệ phiến diện đã gây ra bao khổ đau và nước mắt, loài người mong muốn hợp tác và phát triển. Nhưng phát triển trên căn bản nào? Phải trên căn bản nhân loại toàn tính, nhân loại nhất nguyên, dù trắng đen hay vàng đỏ đều phải được sống và bình đẳng. Tuy nhiên, mỗi dân tộc có lối sống riêng, phải được tôn trọng. Muốn vậy, nhân loại cần một triết thuyết mới.

May mắn thay, một thiên tài tư tưởng Việt đã sáng tạo, đề xuất nền triết học tập đại thành kim cổ đông tây đó – tiên sinh Lý Đông A (1920-1946?). Ông gọi là triết học Thắng Nghĩa - vượt thắng các chủ nghĩa, nhưng không với nghĩa thắng thua, mà là bổ khuyết cho những thiếu sót của cả Duy Vật lẫn Duy Tâm.

Một con-người-sống không chỉ do thuần tâm hay thuần vật, mà là tổng hợp của cả ba phương diện: tâm - vật - sinh (thực ra, chủ nghĩa Duy Sinh của Tôn Dật Tiên vẫn còn thiếu sót, chưa hoàn thiện thành một chủ nghĩa hoàn hảo).

Song song với tổng hợp duy tâm - duy vật - duy sinh quan thống nhất (Căn bản Quan), theo Lý Đông A, mỗi một hiện tượng sống đều là sự vận động và kết hợp của cả ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội (ông gọi là Căn Bản Nghĩa). Thiếu một trong ba đều không phải là hiện tượng sống.

Hãy lấy một ví dụ: cái bàn. Bàn làm bằng gỗ, thuộc phạm trù tự nhiên; nhờ có tư tưởng mà người thợ mộc biết vẽ kiểu, cưa cắt gỗ để đóng bàn; danh từ ''cái bàn'' thuộc phạm trù xã hội (xã hội đặt tên cho vật có 4 chân đứng, có thể để đồ vật bên trên là cái bàn; cũng vật 4 chân mà để ngồi là cái ghế v.v...).

Một ví dụ khác có vẻ thuần vật chất nhưng vẫn phải có cả ba phạm trù nói trên mới thành hiện tượng sống: trái đất chẳng hạn. Quả đất thuộc phạm trù tự nhiên; nhờ có tư tưởng mà con người biết đến sự hiện hữu của quả đất; “trái đất” là tên đặt, thuộc phạm trù xã hội.

Fritjof Capra, tác giả nhiều cuốn sách, vừa là nhà giáo dục, nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội, cũng mới nhận ra sự thống nhất của ba phạm trù này (… intergrating the biological, cognitive, and social dimensions of life into one unified vision).

Nếu không có con người, mọi vật hiện hữu đều vô nghĩa. Chỉ khi con người xuất hiện thì mọi sự mới có ý nghĩa. Chính con người đã “lập tâm cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh”, nói theo Lý Đông A. Do đó, chính con người, chỉ con người mới làm cho bánh xe lịch sử chuyển động, nhưng chuyển động theo đời sống, cách sống của loài người, đi từ hoang dã đến văn minh. Điều gì phù hợp với con người thì được giữ lại, cải biến để cuộc sống thăng hoa, tiến hoá; điều gì không phù hợp, dần dần bị loại bỏ.

Khi tư tưởng phản ánh đúng thực tại cuộc sống, khi đó tư tưởng sẽ là đại biểu của sinh mệnh.

Lý Đông A không trừu tượng hóa thực tại, tách rời tư tưởng ra khỏi sinh mệnh và tự nhiên như triết học phương Tây nói chung, mà nâng nhận thức về thực tại lên tầm triết học, rồi triết học lại phải phản ánh đúng thực tại, ‘lắp khớp’ được vào với thực tại.

Trong bài viết nói trên, khi đề ra giải pháp, Nguyễn Hữu Liêm viết, “Chúng ta phải tìm về những nguyên tắc trừu tượng qua thế giới khái niệm nhằm thông hiểu được cái quy tắc ngầm dung ẩn chân lý mà không hề được thể hiện một cách hiển nhiên”. Như vậy, tác giả vẫn bị những nguyên tắc trừu tượng bủa vây, vô tình hay hữu ý, chưa đi sát với thực tại đời sống.

Nguyễn Hữu Liêm nhắc đến chuyển hoá tâm thức, con người phải hành động trong ý thức đạo lý. Nhưng thế nào là đạo lý, đạo lý đặt trên căn bản nào? Tôn giáo? Ý hệ? Tất cả đều đã trói buộc con người trong mê hồn trận. Ở châu Âu thời trung cổ, giáo hội Công giáo có quyền lực rất lớn về mặt tinh thần đối với các vương quyền, nhà vua phải được giáo hội xức dầu. Giáo hội cũng đã kết án Galileo Galilei vì ông cho rằng mặt trời là trung tâm (của Hệ Mặt Trời thay vì trái đất), trái ngược với giảng giải trong Kinh Thánh. Người Mỹ khôn ngoan đã tách giáo hội khỏi nhà nước (separation of church and state). Cuộc Chiến tranh Lạnh thế kỷ vừa qua là sự tranh chấp ý hệ Tư bản và Cộng sản, đặt căn bản trên sự khác biệt giữa Duy Tâm và Duy Vật, mà Việt Nam bất hạnh đã là lò lửa nóng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh đó. 

Vậy đạo lý ở đây phải là đạo lý của nhân đạo (đời sống người), nhân chủ, xiển dương nhân tính thay cho thú tính - do người và cho người, không phải tôn giáo hay ý hệ.

Một nét độc đáo khác nữa của Lý Đông A là ông thấy các thứ “duy” nói trên đều phiến diện, nhưng ông lại đề xuất ba tầng “duy” khác nhau: Duy Nhiên, Duy Nhân và Duy Dân.

Sự đề xuất nói trên là để nhận chân được chân lý của mỗi tầng “duy”.

Ở tầng Duy Nhiên, chân lý là vô nguyên tương đối. Tự nhiên vô nguyên vì không do một nguyên nhân tiền định nào cả. Tự nhiên là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Khoa học khám phá tới đâu, con người hiểu thêm về vũ trụ tới đó. Tự nhiên mang tính tương đối vì vật chất có thể thay đổi (nước có lúc ở thể lỏng, thể hơi hay thể đặc).

Vì không nhận ra tính vô nguyên của vũ trụ quan, các lãnh tụ quá khích vùng Trung Đông luôn muốn tiêu diệt nền văn minh Thiên Chúa Giáo Tây phương nhằm thiết lập các đế chế mang mầu sắc Hồi Giáo. Đó cũng là nguyên nhân gây ra các cuộc khủng bố khắp nơi mà nhân loại phải đối diện và giải quyết. Vấn đề di dân mang mầu sắc tôn giáo hiện đang là đề tài nóng hổi trong các cuộc tranh cử từ Mỹ sang châu Âu, dấy lên mối lo ngại người da trắng là giống dân siêu đẳng (white supremacy).

Chân lý ở tầng Duy Nhân là nhất nguyên tuyệt đối. Con người dù trắng, đen hay vàng, đỏ cũng chỉ là một, cần được sống và được tôn trọng, bình đẳng như nhau. Phải loại bỏ ý tưởng cực đoan cho rằng da trắng là thượng đẳng hay nòi Hán là văn minh, các nòi giống chung quanh là man di mọi rợ.

Chân lý ở tầng Duy Dân là đa nguyên tương đối. Mỗi dân tộc đều có lối sống riêng biệt, phải tôn trọng tính đa nguyên đó, không thể đại đồng theo kiểu quốc tế hoá của cộng sản, phá bỏ biên giới dân tộc được. Để có thể đại đồng nhân loại, cần phải thực hiện theo đường hướng mới mà triết học Lý Đông A đề xuất để cả nhân loại được sống trong hoà bình, hợp tác và tiến bộ, sẽ được trình bầy trong một dịp khác.

Mục đích chia ba tầng ra ba loại “duy” là để nhận rõ chân lý ở mỗi tầng, không thể lẫn lộn ba chân lý đó. Trong thực tế cuộc sống, nhiên – nhân – dân liên hệ nhất quán với nhau.

Con người sống nương tựa vào thiên nhiên, khai thác thiên nhiên để cuộc sống ngày càng thuận tiện tốt đẹp hơn. Nhưng nếu khai thác quá độ để phục vụ nhu cầu kinh tế mà không biết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống thì chính con người cũng sẽ bị tận diệt. Trong ba thập niên qua, Trung Quốc tìm mọi cách để phát triển kinh tế bất chấp thiên nhiên bị huỷ hoại ra sao. Tại các thành phố kỹ nghệ lớn, người dân sống trong làn khói bụi mịt mù, nguồn nước và thực phẩm ô nhiễm, nguy cơ bị ung thư rất cao. Tây phương phát triển sớm nên thức tỉnh sớm, hô hào bảo vệ thiên nhiên trong vài thập niên gần đây. Nhưng khi thức tỉnh thì tầng ozone ngăn cản bức xạ mặt trời đã đã lủng, dễ gây ung thư da, đục thuỷ tinh thể mắt, đồng thời còn làm giảm sản lượng lương thực và biến đổi hệ sinh thái biển. Lý Đông A đề cập đến vấn đề này từ thập niên 1940 qua phương pháp tán dục (tham tán hoá dục), gìn giữ môi trường sống trong lành.

Ngày nay, nhân loại đang sống trong giai đoạn toàn cầu hoá, sự di chuyển, sinh sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau ngày càng phổ biến. Luật pháp, do đó, cần phải được điều chỉnh để vừa đáp ứng tính dân tộc đa nguyên, vừa đáp ứng tính nhân loại nhất nguyên nói trên. Tại các nước độc tài, chỉ những người hay nhà báo nước ngoài là có thể đến những địa phương, hay tiếp cận những thông tin ‘nhậy cảm’, mang tính đe doạ quyền lực của nhà cầm quyền. Như vậy, luật pháp đã tạo ra ‘tiêu chuẩn kép’, không đáp ứng chân lý nhân loại nhất nguyên nói trên, phá vỡ sự liên hệ nhất quán giữa nhiên, nhân và dân.

Trên đây chỉ là vài nét tiêu biểu của tư tưởng Lý Đông A mà giới hạn một bài viết không thể trình bầy nhiều. Ông không chỉ nói đến triết học mà còn đề cập đến hiến pháp, văn hoá, giáo dục, kinh tế, xã hội, chính trị, dân chủ, quốc phòng… một kế sách đầy đủ xây dựng đất nước để chuẩn bị cho 500 năm hưng thịnh sắp tới của nước Việt thời đại 2000 (Lý-Trần 1000) mà mỗi người Việt, đặc biệt là thanh niên và giới trí thức ưu tư đến vận mệnh dân tộc cần tìm hiểu (xem thêm ở www.thangnghia.org).

T.D.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn