“BA SÀM” NGUYỄN HỮU VINH VÀ ĐINH NGỌC THU – CUỘC CHIẾN ĐẤU CÒN TIẾP DIỄN

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Ba Sàm đình bản không chỉ là một mất mát lớn đối với bạn đọc trong ngoài nước mà còn là một tổn thất không nhỏ đối với tiếng nói truyền thông Dân Tộc-Dân Chủ-Nhân Quyền của Việt Nam. Là một trong những bạn bè đồng nghiệp cùng chung chí hướng, Bauxite Việt Nam đã có niềm vui sát cánh với Ba Sàm kể từ tháng Tư 2009 khi Bauxite Việt Nam bắt đầu ra mắt.

Trong ngót mười năm ấy, các thế hệ điều hành nối tiếp của cả hai bên đều đã có những mối giao lưu bè bạn thân thiết, chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm buồn vui, hoạn nạn, trong đời riêng cũng như trong cuộc đấu tranh chung – những phen xuống đường chống Trung Quốc xâm lược bị công an dồn đuổi trên các ngả phố Hà Nội, hay những dịp bùng nổ “sự kiện nóng” phải thâu đêm viết kiến nghị, ra tuyên bố, và nhận chữ ký gửi về từ mọi người mọi giới và từ khắp nơi trên các châu lục đến mức quá tải... Khi người điều hành thế hệ I của trang Bauxite Việt Nam bất ngờ bị cơ quan điều tra Bộ Công an thẩm vấn, biết ý, chủ nhân trang Ba Sàm cũng tìm phương lánh ẩn một thời gian.

Hoạt động của hai trang mạng xã hội dân sự, thông qua mối tương giao đó, cũng trở nên hô ứng nhịp nhàng, phối hợp ngày một ăn ý, từ bài vở lai cảo cần san sẻ kịp thời, cho đến việc định hướng trong đường đi nước bước cần có sự thống nhất cách nhìn, cách ứng phó, sự phân vai phản biện đối với từng vụ việc, từng hành vi của từng con người cụ thể... Tuy không phải là thường xuyên nhưng những sự hỗ trợ tinh thần đúng lúc giữa hai bên, đôi khi chỉ gói trong mấy lời đề dẫn kín đáo, đôi khi trang này đăng trang kia cũng lập tức đăng theo, cũng đủ làm cho bên này trở thành nửa phần không thiếu được của bên kia.

Trước khi chủ nhân Ba Sàm vướng vòng lao lý, anh đã có những góp ý chân tình cho tình thế “xuất xử” của Bauxite Việt Nam. Không may chính người góp ý lại không dự tính được hết mọi phương kế thoát hiểm cho mình. Tuy vậy, Ba Sàm bị bịt miệng không làm bạn bè mất hết niềm vui, bởi lẽ trang Ba Sàm – linh hồn của anh – vẫn nghiễm nhiên hiện diện, và hiện diện gần như lập tức, ngồn ngộn bài vở, đều đặn từng ngày, nhờ sự tiếp tay kiên cường của một người đồng sự chung thủy: Đinh Ngọc Thu. Một sự hiện diện có thể nói là vững vàng, đĩnh đạc, tưởng chừng còn hàm ý thách thức giùm cho người đang ở sau song sắt nhà tù: “Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu / Chạy mỏi chân thì hãy ở tù” (Phan Bội Châu). Và dĩ nhiên, Ba Sàm ở chặng đường sau với Bauxite Việt Nam chặng đường sau vẫn là chỗ bạn bè thân hữu.

Nay trang Ba Sàm lại ở vào hoàn cảnh khó khăn phải dừng bước, một hoàn cảnh bất khả kháng, song tuyệt nhiên không phải sự cúi đầu. Bởi thế, dù đau đớn trong lòng, Bauxite Việt Nam không cho phép mình nói lời chia tay khách khí. Xin mượn bài viết của Cù Huy Hà Vũ, người từng là cố vấn tin cậy của chúng tôi về mặt luật pháp trong nhiều năm, cũng là bạn của cả hai vị chủ nhân tiền và hậu Ba Sàm, để gián tiếp chuyển đạt nỗi lòng của Ban biên tập chúng tôi đến bạn đọc.

Bauxite Việt Nam

Ảnh chụp màn hình trang Ba Sàm ngày 1/11/2010, sau hơn 3 năm có mặt trên mạng

Khỏi phải nói, “Ba Sàm – Cơ quan ngôn luận của Thông tấn xã vỉa hè”, với tiêu chí “khai dân trí” và “phá vòng nô lệ” là một “ông lớn” trong dân báo Việt Nam kể từ khi nó ra đời vào ngày 9/9/2007. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn kể đôi chút về Nguyễn Hữu Vinh và Đinh Ngọc Thu, những người đã tạo nên tên tuổi của trang điện tử bất đồng chính kiến Việt Nam đầu tiên và hàng đầu ấy.

Từ Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh

Ngay sau khi tôi khởi kiện Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 19/5/2005 do đã cấp phép cho dự án xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, một di sản văn hóa của Việt Nam cần tuyệt đối bảo tồn dẫn đến dự án này bị hủy bỏ, Minh, một bạn học phổ thông của tôi đến gặp tôi, nói: “Có thằng bạn cùng học an ninh tên Nguyễn Hữu Vinh, muốn gặp ông vì khoái vụ kiện của ông lắm”. Thế là cuộc gặp đã diễn ra tại một quán cà phê nhỏ bên hông Nhà Thờ Lớn Hà Nội.

Đó là một người xương xương, tuy săm soi nơi ánh mắt nhưng tổng thể toát vẻ khôi hài bởi cái miệng chực cười. Chuyện trò thì mới biết Vinh là “công an nhà nòi” bởi bố là cụ Nguyễn Hữu Khiếu, từng là Giám đốc Công an Liên khu IV thời chống Pháp. Nhân đó, tôi kể với anh rằng chính phụ thân tôi, nhà thơ Huy Cận, vào tháng 6/1946 với tư cách lãnh đạo Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Nghị định thành lập Trường Công an Trung ương, “lò” của các “lò” đào tạo công an và an ninh.

Trở lại chuyện nay, Vinh muốn tôi ký tặng anh bộ hồ sơ vụ kiện “Vọng Cảnh” mà tôi mang theo, dĩ nhiên tôi đáp ứng ngay. Sau đó Vinh kéo tôi về nhà Vinh chơi tại khu Trung Tự, Hà Nội. Bên phải cổng là biển hiệu Công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ – VPI, mà anh là giám đốc. Vinh cười cười: “Dạo này cái chuyện ‘ông ăn chả, bà ăn nem’ rất phổ biến, nửa này rất muốn có thông tin về nửa kia để ‘bắt tận tay, day tận trán’. Tôi lập ra cái công ty thám tử tư này là nhằm đáp ứng cái nhu cầu xã hội ấy”. Chưa kịp bái phục cái sự nhanh nhạy với thời cuộc ấy của anh thì Vinh đề xuất: “Nếu ông đồng ý, tôi sẽ đặt bên trái cổng một biển đề ‘Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ’. Như vậy, khách hàng sẽ đến rầm rầm!” Nhưng rồi tôi bỏ lửng đề xuất ấy không hẳn vì tôi chưa trù liệu được thời gian bởi bản thân còn là viên chức Bộ Ngoại giao mà chính vì phấn chấn bởi thắng lợi của vụ kiện “Vọng Cảnh”, tôi muốn dồn sức vào đấu tranh pháp lý nhằm giành lại cho người dân quyền thực sự làm chủ đất nước cũng như xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Rốt cuộc Vinh lại bén vào cái đam mê của tôi muốn thay đổi hiện tình đất nước. Mà cũng chẳng có gì là lạ bởi từng là Thiếu tá an ninh, chắc chắn anh đã thấy quá rõ sự suy đồi của chính thể cộng sản hiện hành nói chung, của lực lượng công an mệnh danh “còn Đảng còn Mình” nói riêng. Cùng với Minh người bạn của đôi bên, giữa chúng tôi đã liên tục có các cuộc thảo luận nghiêm túc. Chính họ là những người đầu tiên giúp tôi ý kiến để hoàn chỉnh Đơn của tôi ứng cử Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin vào năm 2006. Ngược lại, tôi cũng khuyến khích Vinh viết báo phản biện xã hội. Những bài báo đầu tiên của anh, Vinh đều đưa tôi xem để góp ý trước khi gửi đi đăng.

Nhưng rồi mức độ phản biện của Vinh ngày càng gia tăng, chẳng mấy chốc trở thành “quá khổ” với “giày” của báo chí do Nhà nước độc quyền, các bài viết về thời cuộc của anh vì vậy không còn cơ hội có mặt trên các sạp báo. Đúng lúc đó Internet đã hiện ra như một sự cứu rỗi đối với Vình để rồi Ba Sàm ra đời như một sự tất yếu. Không những là bạn đọc nhiệt thành của Ba Sàm, tôi còn thường xuyên trao đổi với anh về những thông tin và lời bình đã post hoặc cần post. Ngoài các cuộc trao đổi qua điện thoại, cứ mỗi sáng chủ nhật “bộ tam” Vinh, Minh và tôi lại “giao ban” bên ly cà phê tại cửa hàng “Bốn mùa” ở Hàng Trống hoặc bên kia đường, sát Hồ Hoàn Kiếm.

Một lần, Vinh mời tôi dự giỗ cụ Nguyễn Hữu Khiếu tổ chức tại nhà. Ngồi đối diện với tôi là một tay to con có khuôn mặt dày. Vinh giới thiệu: “Đây là Tô Lâm, Đại tá, ‘nguồn’ của Bộ (Công an). Cẩn thận đấy, thằng này có nhiều còng lắm!” Tôi cười khẩy, bảo Tô Lâm đang căng mắt nhìn: “Chưa biết ai còng tay ai!” Tô Lâm giật thót người, nhảy sang ngồi bên cạnh tôi vồn vã hỏi chuyện. Trên thực tế thì Tô Lâm với tư cách là công cụ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kẻ đã bị tôi khởi kiện do rước Trung Quốc vào chiếm lĩnh Tây Nguyên dưới vỏ bọc khai thác bauxite, cũng như [ủy quyền] của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, đã còng tay tôi trước. Chính nhân vật này vào ngày 6/11/2010, khi đó đã là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, chủ trì cuộc họp báo về việc bắt tôi hai ngày trước đó về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật hình sự. Năm năm sau, Tô Lâm còng tiếp “bạn học” Nguyễn Hữu Vinh vẫn với cái “tội” đấu tranh cho Dân chủ. Tóm lại, cảnh báo ngày ấy của Vinh về bản chất đàn áp của “đồng môn” Tô Lâm không thể nào “nghiệm” hơn! Vấn đề là nếu quả “thông minh” như Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nhận xét, Tô Lâm giờ đây cầm đầu Bộ Công an hẳn phải hiểu rằng chỉ có chủ động tháo còng, trả tự do cho Vinh Ba Sàm và những người yêu nước và dân chủ bị cầm tù khác thì mới có thể tránh cho bản thân bị các lực lượng dân chủ tra còng trong một tương lai có thể nhìn thấy trước!

Ông Nguyễn Hữu Vinh (trái) và người bạn Cù Huy Hà Vũ tại 2 phiên tòa khác nhau. Ảnh cắt từ internet

Dẫu thế nào, cả Anh Ba Sàm và tôi đều đã tiên liệu bản thân sẽ bị chính quyền bắt bớ, bỏ tù. Trong phần kết bài “Ba Sàm 5 tuổi – tâm sự và tri ân” đăng năm 2012, Vinh  viết: “Hắn cũng tin là cách làm hiện nay sẽ ‘bất tử’, nên rủi mình có ham chơi mà lơ là bỏ bê công việc, cũng vẫn sẽ có các cộng sự ở khắp nơi cùng độc giả tiếp tục công việc hàng ngày này”. Trước đó 2 năm, trong bài “Việt Nam Bauxite Diễn Ca” đăng trên Bauxite Việt Nam và các trang mạng khác ngày 15/02/2010, tôi đã viết: “Tôi cũng tin rằng Việt Nam ta sẽ không thiếu người tiếp tục Diễn ca này nếu lúc đó tôi – Cù Huy Hà Vũ ‘Thà làm Quỷ Nước Nam’ – có đi vắng!”

Khi tôi bị cầm tù tại trại giam số 5 ở Thanh Hóa, Vinh có nhờ vợ tôi chuyển vào cho tôi sách về luyện khí công cùng những lời khuyên giữ gìn sức khỏe cho cuộc chiến dài hơi. Nay Vinh bị giam đúng nơi tôi đã bị giam 5 năm trước đó. Vậy thì, sẽ chẳng có lời khuyên nào tốt hơn của tôi dành cho Vinh là hãy làm đúng những gì mà Vinh đã khuyên tôi và nhất là hãy giữ vững chí khí chiến đấu!

Đến Chị Ba Sàm – Đinh Ngọc Thu

Vẫn do xuất thân là an ninh, Nguyễn Hữu Vinh hiểu rất rõ nếu cứ tiếp tục chủ trương Ba Sàm thì chỗ nằm sắp tới sẽ là bệ xi măng của trại giam. Do đó từ tháng 6/2011, Vinh đã “trao mái chèo” quản trị trang điện tử này cho cộng sự của anh từ hai năm trước là Đinh Ngọc Thu, đang sống tại California, Mỹ.

Sau khi chính quyền Việt Nam trước sự phản đối mạnh mẽ từ trong nước ra ngoài nước, đặc biệt của Chính phủ Hoa Kỳ, buộc tạm thời trả tự do cho tôi để tôi đến Hoa Kỳ vào ngày 7/4/2014, Đinh Ngọc Thu đã mời tôi và vợ tôi đến nhà chơi. Gặp tôi tại sân bay, Ngọc Thu nói ngay: “Em biết anh lâu rồi. Mỗi khi các anh gặp nhau bàn thảo, anh Vinh đã dùng laptop quay trực tiếp buổi gặp giữa các anh cho em xem”.

Nói về ngoại hình, bảo Vinh và Ngọc Thu là hai anh em thì cũng không ngoa bởi đều cùng vóc người và khuôn mặt xương xương. Thế nhưng về tính cách, thì phải nói là hai cực. Vinh khôn khéo bao nhiêu thì Ngọc Thu thẳng tưng bấy nhiêu! Chữ “Đinh” ứng với đàn ông trong tên chị, quyền tự do ngôn luận tuyệt đối ở xứ Cờ Hoa này cộng với anh Joe hết mực chiều vợ, yếu tố nào đã tạo nên cá tính ấy nơi Ngọc Thu? Có lẽ cả hai! Nhưng phải đến khi Vinh cùng cộng sự là Nguyễn Thị Minh Thúy bị chính quyền Việt Nam bắt bỏ tù về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật hình sự do đã lập ra hai blog là Dân Quyền và Chép Sử Việt – điều mà Vinh, Minh Thúy cũng như các luật sư của họ cực lực bác bỏ, tính cách mạnh mẽ ấy của Ngọc Thu mới có dịp phát lộ. Ngày 9/5/2014, chỉ 4 ngày sau khi Vinh bị bắt, Ngọc Thu ra tuyên bố “Nguyễn Hữu Vinh bị bắt nhưng Ba Sàm thì không”. Chị viết: “… nếu tất cả những gì chính quyền mong muốn là giam giữ Nguyễn Hữu Vinh để vô hiệu hóa Ba Sàm thì họ đã nhầm. Nguyễn Hữu Vinh có thể bị bắt và bị giam cầm, nhưng Ba Sàm thì không, bởi cái anh để lại cho mọi người là tinh thần Ba Sàm, chứ không phải đơn thuần là những bản tin tự tay anh biên tập”.

Và trên thực tế, cái tinh thần “khai dân trí” và “phá vòng nô lệ” của Anh Ba Sàm đã không ngừng được Ngọc Thu bồi đắp, trung bình gần 5 triệu lượt truy cập hàng tháng, rõ ràng là điểm “Ưu” mà độc giả đã chấm cho nỗ lực không mệt mỏi đó. Giữa Ngọc Thu và vợ chồng chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi sôi nổi cốt sao bảo vệ Vinh đang đối mặt với phiên tòa bất công một cách tốt nhất cũng như để trang điện tử này có thể đứng vững trước muôn vàn khó khăn, thử thách đến từ nhiều phía, cả chủ quan lẫn khách quan. Nói tóm lại, cho dù còn những khiếm khuyết vốn thường tình của những con người hành động, Đinh Ngọc Thu đã trở thành người kế tục xứng đáng của “Anh Ba Sàm” Nguyễn Hữu Vinh, đã thực sự là “Chị Ba Sàm” theo đúng nghĩa đen của từ này. Vậy mà…

Ngày 13/4 vừa qua, Ngọc Thu đã đăng “Lời chia tay”. Chị viết: “Tôi chưa bao giờ làm loại việc nào giống như công việc với trang Ba Sàm, từ Biên tập viên đến kỹ thuật. Kể từ tháng 6 năm 2011 đến nay, trung bình mỗi ngày làm hơn 10 tiếng, mỗi tuần đủ bảy ngày, mỗi tháng đủ 30 ngày, không ngưng nghỉ, không thù lao, ròng rã như thế cũng đã gần sáu năm… dù đã có hàng chục lần bảo với lòng, hứa với gia đình, sẽ dứt áo ra đi… Tuy nhiên, sức người có hạn. Ngoài nghĩa vụ với quê hương của mình, tôi còn phải chu toàn nghĩa vụ với nhiều người thân khác”.

Từ xưa đến nay chuyện đàn ông “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, dẹp chuyện gia đình để dấn thân cho công bằng xã hội tuy rất đáng nể nhưng không phải khó tìm. Thế nhưng phụ nữ, nhất là người đã có gia đình riêng, và hơn thế nữa, là người châu Á mà chăm sóc gia đình là nghĩa vụ số 1, làm cái công việc “vác tù và hàng tổng”, thì quả thật rất hiếm. Đinh Ngọc Thu “thân gái dặm trường”, một mình gánh vác một trang tin tổng hợp tầm cỡ như vậy đằng đẵng gần 6 năm trời thì càng vô cùng hiếm. Rõ ràng, một công việc “khủng” như vậy đã lấy đi của chị không chỉ toàn bộ thời gian, sức lực, mà cả hạnh phúc bên chồng, bên con. Rõ ràng không ai có quyền nhân danh bất cứ điều gì dù cao cả đến đâu để đòi hỏi Ngọc Thu tiếp tục hy sinh lớn lao như thế, đòi hỏi chồng và con của Ngọc Thu tiếp tục chịu đựng như thế. Chị và chồng, con chị hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu khi “Lời chia tay” đến với độc giả, nhất là những người ngày đêm tranh đấu cho một tương lai Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam.

Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn

“Lời chia tay” của Đinh Ngọc Thu hẳn đã gây ra tiếc nuối vô bờ cho tất cả những ai “ăn Ba Sàm, ngủ Ba Sàm” nhưng điều này không có nghĩa sứ mệnh của Ba Sàm vĩnh viễn chấm dứt.

Thực ra vấn đề ở đây là tổ chức công việc. Sẽ không có chuyện Ba Sàm “đình bản” nếu như việc quản trị trang điện tử này được nhiều người tâm huyết chung tay. Tôi đã nhiều lần thuyết phục Ngọc Thu nhận tài trợ cho Ba Sàm miễn là minh bạch để từ đó có thể thanh toán các chi phí kỹ thuật, trả thù lao cho bản thân cũng như tuyển dụng người phụ trợ… Rõ ràng việc này là hoàn toàn trong tầm tay của chị. Do đó, lý giải việc Ngọc Thu nói “Lời chia tay” chỉ có thể là do chị phải giữ cam kết với Nguyễn Hữu Vinh về việc không nhận tài trợ hoặc chuyển giao Ba Sàm cho người khác quản trị. Nói cách khác, đứa con tinh thần ấy của Vinh sẽ tiếp tục sống, và hơn thế nữa, ngày một cường tráng nếu “lời nguyền” trên được chính Vinh giải tỏa thông qua người thân hoặc các luật sư của anh.

Trong khi chờ đợi Ba Sàm trở lại với bạn đọc, và hơn thế nữa, hoành tráng hơn, vì cuộc chiến đấu cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam còn tiếp diễn, không phút ngơi nghỉ, chúc Ngọc Thu thật hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu nhất của mình, như một sự nghỉ ngơi xứng đáng và cần thiết giữa hai trận đánh.

C.H.H.V.

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2017/04/20/12-492-ba-sam-nguyen-huu-vinh-va-dinh-ngoc-thu-cuoc-chien-dau-con-tiep-dien/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn