Báo cáo Quý 1 năm 2017 về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam (từ 1/1 - 30/3 năm 2017)

Phần 1: Tổng quan về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam

Trong quý 1 năm 2017 ngoài những diễn biến tích cực của các cơ quan chính phủ Việt Nam thì vẫn còn rất nhiều các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo diễn ra trên khắp cả nước. Cụ thể sự việc khu đất của Dòng Phaolo Hà Nội ở số 5A-5B Quang Trung tiếp tục bị thi công trái phép ngay cả khi có giấy tạm dừng thi công do chính quận ký. Các cơ sở tôn giáo khác như Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng có lệnh cưỡng bất chấp sự phản đối của nhà Dòng và các giáo dân, thậm chí đại sứ quán Canada cũng đã phải lên tiếng và đặt câu hỏi “Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada?”

Ngày 8/3/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Bộ Nội vụ sẽ chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tôn giáo ra đời trong sự phản đối của nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo vì có những điều lệ nhằm kìm hãm sự phát triển của tự do tôn giáo chứ không nhằm mục đích phát triển tự do tôn giáo.

Trong quý 1 này vẫn còn tình trạng ngăn cản các chức sắc tôn giáo gặp gỡ thăm viếng nhau. Các nhóm tôn giáo nhỏ lẻ “chưa được công nhận” tiếp tục gặp khó khăn trong đời sống sinh hoạt tâm linh. Nghiêm trọng hơn, các linh mục dẫn dắt bà con ngư dân trong công cuộc kiện nhà máy Formosa gây thiệt hại về tài nguyên biển Miền Trung bị đánh đập và vu khống trên các phương tiện truyền thông của nhà nước.

Một diễn biễn khác Hội Đồng Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, gọi tắt là USCIRF, hôm 9 tháng 2 công bố bản báo cáo mang tựa đề “Tự do tôn giáo ở Việt Nam: đánh giá quốc gia thuộc loại quan tâm đặc biệt sau 10 năm lấy tên khỏi danh sách”. Việt Nam đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt, thường gọi là danh sách CPC, từ năm 2004 đến 2006, vì nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam đã vi phạm tự do tôn giáo một cách “có hệ thống, liên tục và kinh hoàng”. Qua áp lực ngoại giao của Hoa Kỳ và quốc tế, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cam kết sẽ cải tiến tự do tôn giáo. Để đổi lại, Việt Nam được lấy tên ra khỏi danh sách CPC.

Chủ tịch USCIRF Thomas J. Reese nói rằng: “…Mười năm sau khi Bộ Ngoại giao lấy tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, tình hình tự do tôn giáo ở nước này đang ở một thời điểm bước ngoặt. Trong khi tình hình đã cải tiến trong một số trường hợp, những vi phạm tôn giáo trầm trọng vẫn tiếp diễn và không phù hợp với chuẩn mực quốc tế…”.

Bản báo cáo của USCIRF cũng đề cập đến đạo luật về tín ngưỡng và tôn giáo vừa được Việt Nam thông qua. Ông Reese nhận định rằng đạo luật này bất toàn và tước bỏ quyền lợi của nhiều cộng đồng tôn giáo. Ông cho biết, nếu Việt Nam không thực thi những cải cách về tự do tôn giáo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thì USCIRF sẽ tiếp tục kêu gọi đưa tên nước này vào danh sách CPC.

Phần 2: Các trường hợp vi phạm quyền tự do tôn giáo

2.1. Tháng 1 có một số trường hợp vi phạm tự do tôn giáo sau:

Trường hợp 1: Khu đất số 5A-5B Quang Trung - Hà Nội của Dòng Phaolo tiếp tục bị thi công trái phép.

Ngay trong đêm ngày 10/1 các quý sơ và bà con giáo dân đã phải ra khu đất của nhà Dòng phản đối chủ đầu tư thi công trái phép trên mảnh đất của nhà Dòng. Khu đất này đã có lệnh tạm dừng thi công từ tháng 7 năm 2016 sau những lần đại diện nhà Dòng gặp gỡ các cơ quan chức năng của quận cũng như của thành phố. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng này cũng không hợp tác kết quả đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công trái phép trên khu đất đang được coi là “có tranh chấp”. Tuy nhiên, phía nhà Dòng có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình tại đây.

Chủ đầu tư đã bất chấp công văn dừng thi công của UBND Quận Hoàn Kiếm ký tiếp tục cho máy xúc vào khu đất, tuy nhiên chính quyền lại làm ngơ trước việc này.

Trường hợp khu đất của Dòng Phaolo đã được lên tiếng rất nhiều lần, nhưng các cơ quan trực thuộc chính phủ vẫn âm thầm tiếp tay cho nhà đầu tư thi công trái phép.

Trường hợp vi phạm thứ 2: Khu đất của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm liên tục bị đe dọa cưỡng chế trong những ngày tháng qua. Đã có nhiều cuộc tiếp xúc gặp gỡ tuy nhiên phía chính quyền vẫn có ý chiếm cho bằng được khu đất này. Sự việc tiếp tục bị chú ý đến khi trang fanpages của đại sứ quán Canada mới đây đã đặt dấu hỏi đối với một nơi được coi là di sản lâu đời như Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm mà chính quyền Thành phố HCM lại đang tâm phá dỡ di dời để xây cao ốc, khu đô thị việc làm đó có hợp lý hay không?

“Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada?”

Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền TP Hồ Chí Minh có dự định phá dỡ Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới.

Theo thông tin lịch sử: Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay).

2.2 Các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo trong tháng 2

Trường hợp vi phạm thứ nhất: Linh mục Phan Văn Lợi bị tấn công không cho đi dâng lễ đầu năm mới.

Theo thông tin từ linh mục ngày 02-02-2017 (mồng 6 Tết Dinh Dậu), lúc 8g30, linh mục Trần Văn Quý đến để đưa linh mục Lợi đi tham dự một thánh lễ tại giáo xứ Tây Linh.

Khi hai linh mục vừa ra khỏi cổng, có hai thanh niên nhào tới chặn lại và xô linh mục Lợi vào nhà.

Linh mục cho rằng: những người này là công an hình sự canh giữ nhà tôi lâu nay, và đây là những hành động thường xuyên xảy ra đối với linh mục Phan Văn Lợi.

Trường hợp thứ 2: gia đình mục sư Nguyễn Công Chính tiếp tục phải kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về tình trạng sức khỏe của ông trong tù.

Ban Thường Vụ Giáo Hội Liên Hữu LUTHERAN VIỆT NAM-HOA KỲ trân trọng thông báo: Mới đây chúng tôi nhận được tin từ cô Trần Thị Hồng phu nhân của Mục sư Nguyễn Công Chính đi thăm nuôi ông về báo lại như sau:

Tình trạng sức khỏe của Mục sư Chính ngày càng xuống cấp trầm trọng do bị hành hạ, khủng bố thường xuyên trong trại giam, có nguy cơ sẽ không giữ được mạng sống nếu tình trạng này còn tiếp tục. Thực tế tình trạng này kéo dài từ năm 2012 đến nay. Ngày 10/2/2017 cô Trần Thị Hồng (vợ Mục sư Chính)vào trại giam thăm nuôi, sau khi về có gọi điện và gởi thư đến Thường trực Giáo Hội báo động tình trạng sức khoẻ của ông hết sức nguy kịch. Trong thư Cô cho biết: Do biệt giam trong phòng kín nhiều ngày người ông bị bệnh phù nề, mặt mũi sưng, huyết áp tăng 190-200. Bệnh tật biến chứng nhiều nhưng không được cho điều trị, không cho gia đình đem thuốc vào. Về tinh thần cũng bị khủng bố, trung tá quản giáo trại giam tên Nguyễn Hữu Tỉnh đã dùng dùi cui dí vào đầu ông chửi bới với thái độ côn đồ.

Qua thông báo này Giáo Hội Lutheran mong được sự hiệp thông, chia sẻ và lên tiếng cứu lấy mạng sống của một tu sĩ.

Trường hợp vi phạm thứ 3: Các chức sắc tôn giáo bị uy hiếp khi thăm gặp nhau ở Vĩnh Long.

Một nhóm các chức sắc tôn giáo đi thăm các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở Vĩnh Long ngày 13.02.2017 đã bị công an sách nhiễu và đe dọa.

- Vào lúc 09g, trên đường đến nhà ông Bùi Văn Luốc, Hội trưởng PGHH Thuần túy tỉnh Vĩnh Long, khi 2 xe 7 chỗ của đoàn đến ngã ba Đông Thành, Bình Minh, thì cảnh sát công an đủ loại (sắc phục lẫn thường phục) chạy theo rồi bắt cả đoàn dừng lại. Họ bịa chuyện 2 xe chạy lấn tuyến để buộc đoàn về Ủy ban xã “làm việc”. Phản kháng yêu sách phi lý vô luật, đoàn xuống xe đi bộ khoảng 3km đến nơi đã định trước.

- Trên đường đi bộ, hai chức sắc Cao Đài là Chánh trị sự Nguyễn Văn Tạc Răng và Thông sự Châu Văn Gòn bị công an bày đặt chuyện “nghi phạm pháp” để ép vào UBND xã. Từ chối “làm việc” rồi bỏ đi ra, hai vị đã bị côn đồ (công an giả dạng hoặc thuê mướn) đánh gãy răng, tét da tay, trấn lột điện thoại, tiền bạc và giấy tờ trọn vẹn, y như lời đe dọa trước đó ít phút của công an trong đồn.

- Tại nhà ông Bùi Văn Luốc, đang khi cả đoàn dùng cơm trưa thì khoảng 50 công an khu phố, công an giao thông, công an mật vụ, công an xã ập đến bao vây, số lớn xông vào, đòi kiểm tra hành chánh, xét giấy tờ tùy thân. Sau đó, vào lúc 12g45, họ dùng bạo lực lôi 4 vị chức sắc là Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh trị sự Hứa Phi, Hòa thượng Thích Không Tánh, và Linh mục Lê Ngọc Thanh về ủy ban xã.

- Tại đồn công an xã, trước hết Chánh trị sự Hứa Phi bị hành hung một cách phi lý và man rợ. Sau đó, một kẻ tự xưng là cán bộ an ninh phản gián của tỉnh, không mặc sắc phục, chẳng đeo bảng tên, hách dịch “lên lớp” dạy dỗ từng vị chức sắc: nào là không chịu lo tu hành mà làm chính trị, nào là tôn giáo này cấu kết với tôn giáo kia chống lại nhà cầm quyền, nào là lập Hội đồng Liên tôn cách bất hợp pháp…

- Bị câu lưu đến hơn 16g, cuối cùng 4 vị chức sắc nói trên bị công an áp giải ra bến xe đò và buộc phải rời khỏi Vĩnh Long ngay lập tức. Đang khi đó thì ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Giáo hội PGHH Thuần túy, cư trú tại tỉnh Đồng Tháp, cũng bị chặn ngay từ sáng sớm tại tư gia nên không thể đến nhà ông Luốc tham dự cuộc viếng thăm chúc Tết của Hội đồng Liên tôn.

Những hành động xem thường luật pháp trên đây của công an Vĩnh Long nói riêng và nhà cầm quyền cộng sản nói chung vừa là sự vi phạm nghiêm trọng đến quyền Tự do Tôn giáo, Tự do đi lại của công dân.

Trường hợp vi phạm thứ 4: UBND tỉnh Đắc Lắc không cho Hội Thánh Tin Lành Phước An tổ chức Ca Nhạc Thánh trong Nhà Thờ.

Ngày 6/2 vừa qua Uỷ ban Nhân dân tỉnh Dak Lak - Ở Văn hóa Thể thao và Du lịch Daklak trả lời về việc không cho phép Hội Thánh Tin Lành Phước An Dak Lak tổ chức Ca Nhạc Thánh trong Nhà Thờ. Với lý do Hội Thánh Tin Lành chi hội Phước An “không thuộc đối tượng được phép tổ chức nghệ thuật”

Như vậy UBND tỉnh Đắc Lắc đang đi ngược lại những điều trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã quy định:

Theo Luật Tự do tín ngưỡng của Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Điều 24, Chương II quy định:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, Hội Thánh Tin Lành Phước An Dak Lak vẫn tổ chức Ca Nhạc Thánh ngày 16/2.

Trường hợp vi phạm thứ 5: Hai thầy quản nhiệm và một tín đồ tin lành bị bắt cóc.

Sáng ngày 15-02-2017 vào khoảng 8h00, thầy quản nhiệm Y Dưa Niê (SN 1986, cư trú tại Buôn Drai xã Ea Ana huyện Krông Ana tỉnh Dak Lak) bị bắt cóc tại Buôn Tơlơ, xã Ea Bông khi đang chạy xe máy đi mua đồ ăn cho các tín đồ đang học Kinh Thánh tại Hội thánh Buôn Ea Kruê xã Ea Bông cùng với một tín đồ không rõ tên. Công an mặc thường phục hơn 30 người chặn xe và dùng hơi cay và vây bắt họ.

Thầy quản nhiệm Hội Thánh Buôn Tơlơ: Y-Then Niê (SN 1976, cư trú tại Buôn Tơlơ, xã Ea Bông, huyện Krông Ân), bị bắt công an thường phục bắt cóc sau thầy Y-Dưa khoảng 1 tiếng. Lực lượng công an mặc thường phục cũng khoảng hơn 30 người ập xuống tư gia bắt thầy. Hiện tại 2 thầy quản nhiệm này đã được thả, tuy nhiên hành động này cho thấy sự vi phạm tôn giáo trắng trợn của chính quyền tỉnh Đắc Lắc.

Trường hợp vi phạm thứ 6: Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đại diện không thường trú ở Việt Nam bị ngăn cản tới tham dự lễ Tạ ơn.

Được biết Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli được mời tham dự Thánh Lễ Chân Phước Gioan Baotixita Malo - Tử Đạo tại xứ Vĩnh Hội Giáo phận Vinh ngày 16/2 nhưng Ngài đã bị ngăn cản dù đã tới Vinh. Trong thư chia sẻ gửi đến các giáo dân Ngài cho biết: “Hôm nay thật là dịp rất đặc biệt, rất quan trọng và tôi rất muốn hiện diện nơi đây để cầu nguyện cùng anh chị em. Tiếc rằng, tôi bị ngăn cấm tới Vĩnh Hội, mặc dù hiện tại tôi đang ở Vinh... Tôi cũng nhận thức được những thách đố mà anh chị em đang gặp phải. Sự trung tín của anh chị em đối với các nguyên l‎ý Ki-tô giáo bị thử thách trên nhiều phương diện, trong đó có tiến trình tục hóa và sự giới hạn tự do khi anh chị em thực hành đức tin của mình.

Xét cho cùng, tình yêu luôn đem đến vinh thắng, tình yêu không bao giờ bị đánh bại: Hãy yêu Thiên Chúa, yêu Châu Á, yêu tổ quốc của anh chị em”.

(Trích từ Huấn thư của Tổng Giám mục Leopoldo Girelli)

Hành động này cho thấy chính quyền tỉnh Nghệ An đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo với chính vị đại diện của Đức Thánh Cha ở Việt Nam.

2.3 Các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo trong tháng 3

Trường hợp vi phạm thứ 1: Chính quyền Chợ Mới - An Giang không cho Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Đức Huỳnh Giáo chủ “vắng mặt”.

Theo thư mời của ủy ban xã Nhơn Mỹ, vào lúc 8h20 sáng ngày (08.03.2017) ông Hà Văn Duy Hồ, Hội Trưởng Giáo Hội PGHH Thuần Túy tỉnh An Giang có đén ấp Nhơn Lộc, xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới, An Giang để gặp nhà cầm quyền địa phương.

Phía nhà cầm quyền gồm có:

-Đặng Thành Lý, Chủ tịch xã.

-Nguyễn Thanh Bằng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.

-Thiếu Tá Nguyễn Thành Hoàng, Trưởng công an xã.

-Nguyễn Hữu Chí, Phó công an xã.

-Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng ấp

-ông Quang (không biết đầy đủ họ tên) công an tỉnh An Giang.

Ông Đặng Thành Lý nhân danh nhà cầm quyền địa phương cho ông Hà Văn Duy Hồ biết rằng: Vào ngày 25/2 âm lịch tới đây kỷ niệm 70 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt và lệnh của cấp trên yêu cầu không cho Giáo Hội PGHH Thuần Túy tổ chức lễ này và cấm không cho ông Hà Văn Duy Hồ rời khỏi địa phương cho đến hết ngày 25/2 âm lịch.

Ông Chủ tịch xã cho biết PGHH chỉ có 2 ngày lễ là ngày khai đạo và ngày đản sanh, còn riêng ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt nhà nước không cho phép và ban trị sự PGHH (quốc doanh) cũng không cho phép.

Ông Đặng Thành Lý, Chủ tịch xã còn nhấn mạnh rằng, nếu ông Hồ bất tuân sẽ có biện pháp xử lý ông Hà Văn Duy Hồ.

Đây là việc xâm phậm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng của chính quyền tỉnh An Giang đối với nhóm PGHH Thuần Túy. Được biết mỗi năm vào dịp này chính quyền đều kiếm cớ sách nhiễu các tín đồ của nhóm đạo này không cho tổ chức, có những lần đã xảy ra những xô xát nghiêm trọng đến đổ máu.

Trường hợp vi phạm thứ 2: Các đan sĩ đan viện Thiên An tiếp tục bị sách nhiễu, lăng mạ.

Ngày 13.03.2017 Một nhóm côn đồ hơn 10 người xông vào nội vi Đan viện Thiên An có những lời tục tĩu, thô thiển xúc phạm các Đan sĩ, Thánh tượng và niềm tin Tôn giáo.

Sự việc xảy ra vào tối ngày 13.03.2017, một số Đan sĩ trông coi vườn cam như thường lệ bị nhóm thanh niên này xông vào chửi bới, đe dọa. Bên ngoài nhiều tiếng gầm rú pô của xe máy quấy rối sự thinh lặng, yên tĩnh vốn dĩ của đời sống Đan tu.

Sau đó, tại các khu vực đồi Đức Mẹ, Tượng Chúa Giêsu chịu nạn bị giới chức cộng sản đập nát, sân bóng,… - thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện - luôn có nhiều người canh gác, theo dõi các hoạt động của các Đan sĩ trên 24/24 giờ.

Đặc biệt, suốt cả tuần qua, ngày nào cũng có khoảng vài chục người túc trực, dòm ngó, la lối và không ngần ngại mắng chửi các Đan sĩ trong khi các thầy lao động, canh tác.

Như chúng tôi đã đưa trong các số báo cáo trước đây hơn 107 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An từ những năm 1940, thuộc thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, sau năm 1975, chính quyền luôn tìm mọi cách chiếm đoạt bằng nhiều cách thức.

Trường hợp vi phạm thứ 3: UBND huyện Quỳnh Lưu ra công văn yêu cầu các linh mục và các giáo dân không được dâng lễ ngoài khu vực phạm vi của giáo xứ.

Văn bản này được phát đi ngày 17/3 với nội dung yêu cầu đến các linh mục, Hội đồng mục vụ giáo xứ không được “tổ chức giảng đạo, hành lễ, giảng đạo ngoài khu vực giáo xứ, giáo họ khi chưa được sự chấp thuận của UBND huyện”.

Văn bản trên đây của UBND huyện Quỳnh Lưu đã vi phạm nghiêm trọng điều 24 trong Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam quy định về quyền tự do tôn giáo của công dân.

Phần 3: Đánh giá chung về tình hình tôn giáo Quý 1

3.1. Ưu điểm

Trong quý 1 năm 2017 tình hình tự do tôn giáo có những diễn biến tích cực từ phía chính quyền. Một số buổi gặp gỡ đối thoại của các cơ quan nhà nước đối với một số tôn giáo diễn ra cởi mở và có những tín hiệu tích cực ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Một số địa phương khác hoạt động tự do tôn giáo được diễn ra bình thường và cũng có sự hợp tác từ phía lực lượng chức năng trong mỗi dịp lễ lớn trong các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.

Đánh giá của linh mục Vĩnh Sang thuộc Dòng Chúa Cứu Thế về một số bài viết mới đây của tạp chí Người đô thị cho thấy sự tích cực từ phía các chuyên gia thuộc các cơ quan trực thuộc chính phủ.

Liên quan đến khu đất của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm mới đây tạp chí “Người Đô Thị”, hai bài lần lượt mang tên “Giải tỏa các công trình tôn giáo lâu đời là không thỏa đáng” của Ts. Nguyễn Thị Hậu (trang 19) và “Đề nghị giữ lại các công trình tôn giáo lâu đời ở Thủ Thiêm” của Ts. Nguyễn Quốc Tuấn (trang 21), bên cạnh đó còn trích dẫn “TP. HCM. Nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân và chuyên gia” của Gs. Ts. Nguyễn Minh Thuyết và “Đánh giá thận trọng một lần nữa theo luật di sản văn hóa” của Ls. Nguyễn Kiếu Hưng.

Ngoài ra, còn nhiều bài nói về công trình văn hóa tôn giáo trong đô thị. Đặc biệt bài đầu tiên (trang 5) “Quyền khởi kiện dân sự cần được tôn trọng” của Duy Thông bàn thẳng vào sự kiện các Linh Mục và Giáo Dân Giáo phận Vinh khởi kiện Formosa, Công ty gây ô nhiễm nặng nề biển Miền Trung, với lời kết: “Một khi nguyện vọng của người dân về một phiên xét xử công bằng được đáp ứng, thì quyền khởi kiện dân sự được ghi nhận đầy đủ và công lý được thực thi. Lúc đó, tuyên bố mới nhất của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường ‘Biển đã an toàn’ mới thực sự là an toàn”.

Là một tạp chí khoa học do một cơ quan nhà Nước, trực thuộc một tổng hội của nhà nước cầm quyền, nhưng các nhà khoa học đã mạnh dạn lên tiếng về một di sản văn hóa tôn giáo, một sự thật.

3.2. Hạn chế

Bên cạnh những điểm tích cực thì những vấn đề cố hữu vẫn còn tồn tại như vấn đề đất đai của tôn giáo chưa được giải quyết thỏa đáng, điển hình khu đất Dòng Thánh Phaolo tại số 5A-5B Quang Trung - Hoàn Kiếm - Hà Nội, một khu đất khác của Dòng Phaolo thuộc giáo xứ Hàng Bột cũng đã bị chiếm dụng bất hợp pháp...

Các tôn giáo nhỏ lẻ như Đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy chưa được công nhận nên vẫn thường xuyên bi sách nhiễu mỗi khi có dịp lễ lớn.

Các chức sắc tôn giáo vẫn bị quản lý và bị ngăn cản quyền đi lại, hạn chế hành đạo và dâng lễ.

Trong một sự việc khác liên quan đến các linh mục Giáo phận Vinh đồng hành cùng bà con giáo dân kiện công ty Formosa vì xả thải gây ô niễm môi trường biển toàn Miền Trung. Các linh mục vì đồng hành với bà con giáo dân đã bị đánh đập, xách nhiễu khi ra khỏi khu vực giáo xứ, nghiêm trọng hơn đã bị kênh truyền thông của nhà nước vu khống và đơm đặt sai sự thật về các linh mục.

3.3. Khuyến nghị

- Nhà nước cần tôn trọng quyền tự do tôn giáo của công dân, cần nghiêm khắc hơn nữa trước những hành vi xâm phạm đến quyền tự do tôn giáo của các cơ quan trực thuộc chính phủ vi phạm quyền tự do tôn giáo.

- Đất đai của tôn giáo cần được bảo hộ nguyên vẹn như Hiến pháp quy định, giải quyết nhanh chóng những vụ việc xâm chiếm đất đai tôn giáo.

- Cần nhìn nhận các tôn giáo như Đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo thuần túy là một tôn giáo không được có hành vi ngăn cản hoạt động tôn giáo của các nhóm tôn giáo này.

- Tiếp tục thúc đẩy tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo ở các khu vực vùng sâu vùng xa, quan tâm hơn nữa đến đời sống tâm linh ở những địa phương tập trung các dân tộc thiểu số...

Nguồn: Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn