Nguyên nhân cốt lõi của xung đột đất đai ở Đồng Tâm và ở Việt Nam là gì?

Đặng Văn Lâm

Hơn một tuần nay, Hà Nội và cả nước đang theo dõi sự kiện xảy ra ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) mà nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng mức độ căng thẳng ngột ngạt của nó có thể so sánh với sự kiện Ô Khảm của Trung Quốc.

Nguyên nhân cốt lõi của nó là gì thì có một số quan điểm không giống nhau. Xin nêu ra ở đây để bạn đọc cùng trao đổi nhằm chỉ rõ nguyên nhân và giúp chính quyền Hà Nội có cách giải quyết tốt nhất.

- Ngày 18/4/2017, Bauxite Việt Nam đăng: Vụ Đồng Tâm là trường hợp điển hình của trưng thu đất đai. Các cán bộ xã đã chọn và chiếm làm của riêng những lô đất tốt nhất trên đất nông nghiệp của xã. Những sai phạm này xảy ra từ năm 2014, kéo dài đã 4 năm nhưng đã không được sửa chữa. Bà con khiếu nại thì bị đe dọa đàn áp. Theo Luật sư Trần Vũ Hải thì đến nay bà con không còn tin ai, kể cả chính quyền, vì họ đã bị lừa quá nhiều lần rồi, nên vừa qua đã xảy ra cuộc đối đầu của cư dân Đồng Tâm với công an và chính quyền.

- Trang mạng xã hội Ba Sàm 18/4/2017 nói rõ: Dân ở Đồng Tâm là dân thuần nông. Ở đây không hề có yếu tố tôn giáo, không có thế lực thù địch nào kích động. Cái đã kích động họ là hệ thống quan chức tham nhũng đang bao che cho nhau, dẫn đến “tức nước vỡ bờ“.

- Trên báo điện tử chính thống VNExpress 19/4/2017, phóng viên Bảo Hà, sau khi được vào gặp bà con thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã viết: Họ không chống chính quyền. Họ cũng là những người nông dân giống như bố mẹ mình. Ẩn sau những câu nói tức giận của họ là sự hiền lành, đôn hậu. Họ khát khao được bày tỏ sự thật đã xảy ra về tham nhũng đất đai ở xã Đồng Tâm này.

- Ngày 18/4/2017, với bài “Vấn đề cốt lõi của xung đột đất đai“ đăng trên trang Ba Sàm, ông Trần Minh Khôi công nhận ở Việt Nam xung đột đất đai ở nông thôn phần lớn bắt nguồn từ sự đền bù không công bằng, khi các thế lực kinh tế thân hữu với Nhà nước chiếm hữu đất mà người nông dân đang sử dụng. Do đó theo ông Khôi thì chỉ cần có sự đền bù công bằng là giải quyết được vấn đề này (ông quên một trăn trở có dễ đã từ ngàn năm nay của bà con nông dân – mà con người thường tình ai cũng có – là khi đã mất mảnh đất cha truyền con nối thì họ sẽ sinh sống thế nào). Cuối bài, ông Khôi viết: Vấn đề cốt lõi của xung đột đất đai không phải là ở “Sở hữu toàn dân” mà ở chỗ Việt Nam chưa có 2 thứ là “1 thị trường đất trưởng thành và 1 hệ thống pháp lý độc lập mà nông dân có thể tiếp cận“ (ông không giải thích khi Luật pháp đã xác định đất đai là của toàn dân thì bằng cách nào tạo ra 1 thị trường đất trưởng thành và khi còn tồn tại Điều 4 Hiến pháp thì bằng cách nào để có 1 hệ thống pháp lý độc lập).

- Trở lại năm 2016, BBC ngày 4/11/2016 đã đăng bài “Nghị quyết tự diễn biến của ĐCSVN bế tắc về lý luận”, trong đó Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương và học giả Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam đều đã tham luận về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. TS Doanh nói: Trong thư ngỏ 72 người ký do ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc chuyển giao, chúng tôi có nêu việc xem xét lại vấn đề đất đai là sở hữu toàn dân. Toàn dân không phải là một pháp nhân mà muốn quản lý thì phải có một pháp nhân cụ thể, phải chịu trách nhiệm cụ thể. Nếu chúng ta không giải quyết cái này với tinh thần cầu thị và sáng tạo thì chúng ta phải đối mặt với nhiều vụ khiếu nại và không loại trừ khả năng sẽ có đổ máu trong thời gian tới. Chúng ta phải chấp nhận rằng đất đai có chủ sở hữu và muốn lấy đất của người ta vào mục đích gì đó thì phải tôn trọng chủ nhân đó chứ không thể thu hồi hay cưỡng chế với danh nghĩa đất đai là sở hữu toàn dân. Học giả Tương Lai ủng hộ ý kiến của TS Doanh. Ông cho rằng việc duy trì chế độ sở hữu đất đai toàn dân đang là tâm điểm của mâu thuẫn giữa chính quyền với dân chúng và đó là sự bế tắc không có lối thoát.

- Ngày 18/4/2017, Blog của Kim Dung/ Kỳ Duyên đã đăng bài của PGS TS Phạm Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Luật UEH với tiêu đề “Cuộc cải cách sở hữu ngập ngừng“, trong đó viết: Từ cổ chí kim, hàng ngàn năm nay, của cải để lại của các dân tộc tuyệt đại đa số là nhà đất. Đứng về đạo lý và chính trị thì tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân là đúng nhưng về pháp lý thì lời tuyên bố đó là không dùng được vì không thể có ông chủ toàn dân. Với ông chủ đó thì “muôn sự là của chung, ai khéo vẫy vùng thì được của riêng” . Đó là điều mà chúng ta không ai muốn. Theo TS Nghĩa, đã đến lúc phải cải cách sở hữu, dù khó, không có cách nào khác. Mỗi thửa đất, dù của bạn, của tôi, của thành phố hay của đất nước chúng ta thì sở hữu đều phải rõ ràng, phải có chủ rõ ràng. Vì sao khó cải cách sở hữu. Vì lời tuyên bố như thế đã đưa vào thành luật. Người ta sợ mất sở hữu công thì lấy công cụ nào để kiểm soát nền kinh tế, trong đó có quyền quan trọng nhất là quyền thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng và đền bù theo giá Nhà nước, mà ẩn sau Nhà nước là vô số bàn tay của tổ chức và cá nhân chia chác nhau giữ quyền quản lý.

- Cũng trên trang Bauxite Việt Nam ngày 18/4/2017, tác giả Bùi Quang Vơm khuyên ông Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó giám đốc Sở Công an Hà Nội nên xét đến nguồn gốc xảy ra sự kiện ở Đồng Tâm, tác động vào việc đình chỉ thu hồi đất, kiến nghị chính quyền Hà Nội lập ủy ban điều tra xác minh quyền lợi của người dân có bị vi phạm không, có hiện tượng tham nhũng không, vì xét cho cùng nguyện vọng của bà con nông dân ở Đồng Tâm là nếu xảy ra việc thu hồi đất thì phải được thực hiện đúng quy định của Nhà nước.

Vậy, trong số các nguyên nhân đã được học giả trong ngoài nêu lên, nguyên nhân nào là cốt lõi: vì chưa hình thành một thị trường tự do cho đất đai được “lưu thông” theo cớ chế thuận mua vừa bán, hay vì cái chế độ gọi là “sở hữu toàn dân” đang tồn tại ngang nhiên do ĐCS từ lâu vẫn quy định, hay lại do hệ quả xã hội của lòng tham ngày càng tăng tốc độ đến chóng mặt của tầng lớp quan chức cũng như sự móc ngoặc chia chác của tầng lớp này với giới kinh doanh nhằm cướp trắng quyền lợi cơ bản ngàn đời của nông dân, đẩy họ vào cảnh khốn cùng, nếu có phản ứng thì bị bộ máy nghiền nát? Hay là do cả ba nguyên nhân ấy lâu nay đang cùng lúc tạo nên những áp lực tổng hợp, đè nặng lên đời sống người dân?

19-4-2017

Đ.V.L.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn