Nghĩ gì về việc ông Nguyễn Đức Chung không xuống Đồng Tâm mà chỉ xuống huyện Mỹ Đức truyền lệnh gián tiếp về thôn Hoành

Chung con có làm việc được với bà con Đồng Tâm không nhỉ?? Tớ vừa đi thể dục về nghe đâu vẫn chưa gặp được dân thì phải. Thôi thì tôi kể chuyện này để thấy cái tầm của lãnh đạo cộng sản và của các trường đại học của nước ngoài nhé.

Tôi có người quen chuẩn bị đi Canada công tác. Chuyến đi là 6 ngày. Hôm qua thấy kể là họ đã setup kín lịch làm việc. Từ chuyện đi lại, đưa đón cho đến khách sạn, bảo hiểm.... thậm chí họ còn gửi cả thực đơn bữa ăn để mình chọn trước. Nó cho thấy tính chuyên nghiệp, chu đáo của họ như thế nào.

Còn anh Nguyễn Đức Chung nhà ta đi làm việc đã có sắp lịch cũng không biết sẽ phải làm việc với dân ở đâu. Chung thì yêu cầu dân lên huyện, dân thì bảo Chung về làng. Ơ hơ, vậy là vẫn chưa thống nhất nơi đối thoại.

Anh bảo Chung này, nông dân họ quý người lắm. Về mà không vào nhà họ chơi họ chửi chết đó. Họ có làm cơm thết đãi có không muốn ăn thì cũng nên ngồi với họ một chút. Đó mới là người hiểu biết. Lãnh đạo mà không biết những điều sơ đẳng đó thì không khác ông vua Phổ Nghi của Trung Quốc lên làm vua lúc 8 tuổi đâu.

Vãi với lãnh đạo cộng sản.

Nguyen Kim

Chung nói: thành phố sẽ thanh tra đất xã Đồng Tâm trong 45 ngày.

Nghĩa là mọi yêu cầu về đất của dân sẽ không có đối thoại. Chỉ đối thoại thả con tin. Giờ dân Đồng Tâm thả con tin thì lấy gì để đối thoại. Chung con yêu cầu dân có giấy tờ gì về đất thì trưng ra. Giờ dân cũng yêu cầu Chung con trưng các giấy tờ về đất ra thì Chung nghĩ sao. Chế độ này lấy đâu ra đất, mua của ai??

Hay cứ tự vẽ tự cấp giấy chứng nhận cho mình là của mình.

Nguyen Kim

Trước đây có thích ông Chung, giờ chán rồi. Vụ này ông Chung mất điểm với tui quá! Chỉ mỗi việc gặp dân, nghe dân nói không thôi sao khó khăn thế nhỉ?

Đã biết ông nào cũng giống ông nào mà vẫn còn hy vọng, khốn thế!

Nguyễn Quang Lập

Thất vọng với phương cách hành xử của anh CT Nguyễn Đức Chung khi về Mỹ Đức để lắng nghe và đối thoại với dân. Không biết anh Chung sợ bị dân bắt thật hay anh muốn giữ khoảng cách để xoa dịu Viettel? Dù là lý do nào thì cũng là thất sách, lẽ ra nếu xuống tận Đồng Tâm gặp dân anh được 10 điểm, thì giảm sốc và giữ thế bằng cách mời dân lên huyện, anh chỉ còn tối đa 5 điểm. Xin tặng anh một kịch bản phim hài ca ngợi mưu giải cứu con tin của nhân vật Chủ tịch - mối quan tâm duy nhất và lớn nhất của lãnh đạo TP.

Nghe kể anh đã từng đàm phán giải cứu con tin, tôi cứ nghĩ theo kiểu anh hùng trên phim, tưởng tượng anh sẽ xông thằng xuống Đồng Tâm, cho lính đứng ngoài cổng làng, mình anh đi vào làng, đến trước mặt bà con, anh rút súng lục ra bắn chỉ thiên một phát làm các cụ yếu tim suýt ngất xỉu, sau đó, anh đưa khẩu súng cho cụ Kình (lúc ấy đã từ bệnh viện tất tưởi ngồi xe ôm lao về) và nói: "Đây, trong này còn 5 viên. Cụ nào nghĩ tôi ăn cánh với Viettel thì bắn tôi đi!"
Các cụ sợ quá đái cả ra quần, quỳ xuống lạy như tế sao, khóc rưng rức nói trong nước mắt thều thảo: "Không dám! Không dám! Chúng tôi tin Chủ tịch". Lúc đó Chủ tịch Chung đỡ cụ Kình và hai cụ cạnh cụ Kình dậy rồi nói: "Nếu các cụ tin tôi thì cho thả ngay mấy chục cảnh sát còn giam giữ để tôi có thể ra lệnh cho thanh tra làm rõ việc Viettel đã xây dựng trên đất quốc phòng hay không? Sau 45 ngày, tôi hứa với các cụ sẽ có câu trả lời tại đây, tại chỗ này! (Rút súng ra bắn xuống chân). Cụ Kình lảo đảo suýt ngất xỉu, nhưng vẫn thều thào ra lệnh: "Thanh niên đâu! Thả hết CS bị giam về đi. Chủ tịch đã hứa rồi! Đội ơn Chủ tịch". Các cụ đều quỳ xuống vái lạy, khóc rưng rức vì xúc động.

Nhạc sênh tiền nổi lên, các cụ tế một vòng xung quanh Chủ tịch. Đúng lúc đó, trợ lý chạy vào gọi "Thưa anh! (ghé tai nói) Thả hết rồi, em cho anh em lên xe hết rồi!" Chủ tịch vội vàng nói với các cụ:"Tôi phải về báo cáo ngay với Ban bí thư về kết quả buổỉ đối thoại hôm nay. Cụ Kình cầm tay Chủ tịch thều thào: "Nhờ Chủ tịch báo cáo lại với Đảng và Nhà nước rằng dân Đồng Tâm không bao giờ làm sai Hiến pháp, bà con đều nhất nhất sống chết theo Luật pháp và luôn tin tưởng ở ĐCS Việt Nam quang vinh!" Các cụ thều hào hô: "Quang vinh! Quang vinh! Quang vinh!" Chủ tịch chắp tay đáp lễ các cụ rồi đi nhanh ra cổng làng, lên xe. Chủ tịch đi rồi mấy cụ vẫn cứ quay vòng, lẩm bẩm "Quang vinh! Quang vinh!". Bà con vẫy tay theo mãi cho đến khi chiếc xe chỉ còn một chấm đen bằng một con ruồi trên đường quốc lộ. Trên xe, trợ lý hể hả nói: "Sếp giỏi thật! Không có sếp thì mấy chục anh em CS không biết sẽ phải ăn cơm nhà quê đến bao giờ! Thế mới biết chủ trương coi việc giải cứu anh em CS là mối quan tâm lớn nhất của thành phố thật vô cùng đúng đắn!"

Đỗ Minh Tuấn

Có thể hiểu được suy nghĩ của phía công an và dư luận viên sau vụ đối thoại (không dân) cuối giờ chiều nay của Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung.

Có lẽ những kẻ khát máu nhất sẽ nghiến răng ken két vì tức (nói theo ngôn ngữ của nhà sản là “bức xúc”): “Không hiểu sao chính quyền lại nhún nhường thế?”, “Việc gì ông Chung phải đối thoại với cái bọn ấy”; “Bắt giữ công an, tội tày trời thế mà còn dám ngang ngược đòi đối thoại, gây sức ép”, v.v.

Chúng không muốn chính quyền xuống nước, thất thế trước dân. Và nhất là, chúng sợ tạo thành tiền lệ: Sau này, dân cứ không vừa ý là lại phản kháng, bắt giữ công an/quân đội rồi đòi đàm phán thì loạn à?

Thật ra để không tạo thành tiền lệ như vậy thì đâu có khó: Lần sau thì đừng ăn cướp của dân nữa nhé. Đừng làm tay sai cho chính quyền và doanh nghiệp để hà hiếp dân nữa nhé. Đừng cưỡng chế bạo lực, đừng bắt người trái pháp luật, đánh người gây thương tích nữa nhé. Đừng mượn đài truyền hình quốc gia làm cái loa ngậm máu phun người, đừng huy động côn đồ vào gây rối, vu vạ cho dân nữa nhé.

Hống hách, lạm quyền, bạo lực, bẩn tính đã thành truyền thống, không lo mà chừa đi, lại lo dân tạo tiền lệ chống đối chính quyền.

Phạm Đoan Trang

Khổ nhất trong vụ Đồng Tâm bây giờ có lẽ là ông Chung Con. Tôi biết ông thừa bản lĩnh để vào đối thoại với dân, nhưng lại chịu sự kiềm toả và chi phối rất mạnh từ cấp trung ương. Đàn áp bằng mọi cách không được, vào thương thuyết cũng không xong, chưa biết lấy gì đặt lên bàn đàm phán với dân. Đánh dân không được mà làm hoà với dân cũng khó, chả lẽ lại xuống nước trước sự thách thức quyền lực chế độ quyết liệt nhất từ trước đến giờ của đám bần nông? Chả lẽ lại thừa nhận điều sai lầm cốt tử của Hiến pháp về quyền sở hữu đất đai? Làm gì cũng khó vì quan trên trông xuống người ta trông vào... có lẽ ông Chung giờ ước nhất được bình yên như hồi một mình một cõi thủa còn ngồi ghế Giám đốc Công an Hà Nội... he he... Chuyển vai từ làm tướng sang làm quan chưa bao giờ là việc dễ, có lẽ ông Chung chưa bao giờ hình dung được thử thách mà mình phải đối mặt như bây giờ. Và có lẽ nó còn kinh khủng hơn cả bệnh ung thư ấy chứ ông nhỉ... Ung thư cả hệ thống chứ đâu ung thư có mỗi mình ông... he he he

Nguyễn Lân Thắng

TÔI THẬT SỰ KHÔNG HIỂU…

Tôi thật sự không hiểu vì sao các bác lãnh đạo (trung ương và Hà Nội) lại khó khăn, chậm trễ trong việc đối thoại với người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đến như vậy? Tình hình cực kỳ căng thẳng suốt mấy ngày đêm, mấy chục CSCĐ bị người dân bắt giữ làm con tin, nếu kẻ xấu gây chuyện, bạo lực xảy ra, với tâm lý đám đông, manh động có thể gây nên thảm kịch. Người dân nhờ LS xin gặp ông Chung để giải quyết và tha thiết mong chờ… Vậy mà các bác cứ bặt vô âm tín?

Thực sự chỉ liên quan có mấy chục ha đất, một là trả lại cho dân; hai là mua với giá thỏa thuận; rồi khiển trách mấy cán bộ huyện, xã là yên dân. Các bác thua dân hay hòa dân một “keo” nhỏ, có đáng gì! Ông Cự còn ký cho Formosa thuê mấy ngàn ha đất 70 năm; các tỉnh ký cho nước ngoài thuê mấy trăm ngàn ha rừng 50 năm dễ như bỡn; bác Trọng đi Trung Quốc có mấy ngày hội đàm, ký mười mấy cái Hiệp định ngơn ơ… Sao “hội đàm” với dân, ký một “hiệp định” bé tí tẹo, lại khó khăn đến thế? Là một công dân, tôi thực sự không sao hiểu!

Mạc Văn Trang

NÊN ĐÌNH CHỈ DỰ ÁN & THANH TRA ĐẤT ĐAI Ở ĐỒNG TÂM

Tướng Chung đã không tới Đồng Tâm. Chính phủ nên trực tiếp xử lý cuộc khủng hoảng. Cách tốt nhất là ra quyết định tạm đình chỉ Dự án của Viettel; cho tiến hành thanh tra ngay quá trình thực hiện Quyết định 113/TTg và lịch sử sử dụng 236,7 hecta đất từ 1980 tới nay ở Đồng Tâm và các bên liên quan đến dự án này. Trước khi có kết luận thanh tra về đất đai không được triển khai bất cứ hoạt động tố tụng nào liên quan đến "an ninh trật tự". Nếu thế, tôi tin, bà con sẽ thả số cảnh sát cơ động tạm giữ ra ngay.

Huy Đức

ĐỒNG TÂM VÀ CƠ HỘI CHO THỦ TƯỚNG

Vụ Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), sau những phát biểu dạng “tâng bóng” của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh và cựu Chủ tịch MTTQ Phạm Thế Duyệt, thành một cơ hội chính trị đẹp, hiếm hoi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ.

Nhưng ông Dũng đã không biết tận dụng cơ hội “trời cho” ấy, không chịu sút dù nhận trong chân những đường chuyền không gì đẹp hơn. Hay nói đúng hơn: ông không biết sút.

Ông Dũng có nhiều cơ hội chính trị đẹp, thậm chí có những cơ hội có thể bẻ ghi vận cuộc. Nhưng, tầm ông chắc vẫn không vượt quá tư duy của một “thằng” y tá (có dịp hứng, sẽ trở lại câu chuyện này, về những “cơ hội chính trị” thời ông Dũng).

Vụ Đồng Tâm đang diễn ra, cũng đang là một “cơ hội đẹp” cho Thủ tướng đương quyền, ông Nguyễn Xuân Phúc (không phải ông Nguyễn Đức Chung như nhiều người nghĩ, bởi Đồng Tâm dính đến quốc phòng, phải tầm Thủ tướng đụng tay, chứ không phải Chủ tịch Hà Nội).

Không biết tận dụng, hoặc tận dụng không được, không biết chộp lấy cơ hội Đồng Tâm để ăn điểm, vẫn chỉ dừng lại ở những quán phở “Xin chào” với những chuyện... Cờ Lờ Mờ Vờ, thì có hô hào “liêm chính kiến tạo” gì cũng chưa qua khỏi cái bóng X tiền nhiệm khốn kiếp.

Vừa biết cách cứu được dân, vừa lấy điểm cho mình. Ấy mới là một chính khách khôn ngoan.
Trương Duy Nhất

Nói cho hết lẽ, màn kịch mà ông Chủ tịch Hà Nội diễn trong đêm 20-4 tại huyện Mỹ Đức là một màn kịch tồi, kết quả của những cái đầu vẫn không chịu thay đổi chút gì nhưng trong tình thế không xuống nước không được vì không còn chỗ dựa ở dân chúng. Bàn hết nước hết cái rồi mới cho “sứ giả” về gặp dân. Gặp dân nhưng muốn biểu hiện chút quyền uy chưa thể nào mất hết, nên lại bài binh bố trận ở Mỹ Đức và dụ dân lên tiếp xúc với mình. Nào ngờ dụ mấy dân vẫn không mắc mưu, cuối cùng đành ra về công cốc sau những lời huấn thị ngọt nhạt để lại, để người đứng đầu xã Đồng Tâm nhắn về cho dân thôn Hoành.

Vậy thì, điểm nhấn trong cuộc họp ở Mỹ Đức tối 20-4 không phải là ở chỗ ông Chung đã nói gì – những lời của ông không còn là của riêng ông, không chứng tỏ được bản lĩnh của cá nhân ông, và nội dung thì ai cũng dự đoán được cả – mà là ở hình thức cuộc họp gọi bằng đối thoại với dân, một kiểu họp nửa dơi nửa chuột, chẳng ra đối thoại – để tìm sự thật, cũng chẳng ra truyền đạt lệnh của người đứng đầu thành phố, tuy thế vẫn cố tạo cho được một khoảng cách – xa 20 km, một tầm đứng – trên dưới, giữa dân và người cầm quyền.

Cái khoảng cách tâm lý này, tiếc thay lại chính là lời thú nhận, rằng mình đã núng, đã không thể nào đối diện thẳng thắn với dân, hơn thế nữa không còn dám lấy dân làm nước cho con cá chính quyền vùng vẫy, như cái thuở nảo nào. Cái khoảng cách tâm lý này vừa là trò nước đôi hài hước vừa ẩn chứa trong nó những âm mưu “lật kèo”.

Hôm qua BVN đã khẳng định trong một lời dẫn ngắn, rằng một bước ngoặt lịch sử đang bắt đầu từ đây, không còn cách gì cưỡng lại. Bước ngoặt ấy sẽ đưa lịch sử đi tới, hướng tới mục tiêu một xã hội dân chủ, có tam quyền phân lập, và quan trọng là đi tới với tốc độ phi mã, dù rằng cái nhà nước duy ngã độc tôn này đã, vẫn, và sẽ cố gắng bằng mọi cách để chống lại.

Bauxite Việt Nam

Phụ lục: Tường thuật của hai trang VNEspressTuổi trẻ - BVN có sắp xếp lại cho đúng với trật tự thời gian

1. Chủ tịch Hà Nội: 'Đề nghị bà con thả người và tháo chướng ngại vật'

Gần 19h ngày 20/4, cuộc làm việc giữa lãnh đạo Hà Nội với lãnh đạo chủ chốt xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) bắt đầu mà không có đại diện thôn Hoành tham dự.

Đoàn làm việc khoảng 30 người, gồm Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ông Đỗ Văn Đương (Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội), ông Đào Đức Toàn (Phó bí thư Thành ủy Hà Nội), lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự cùng lãnh đạo huyện Mỹ Đức... chiều nay về làm việc tại xã Đồng Tâm nhằm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, khiến hàng chục công an, cán bộ bị người dân thôn Hoành bắt giữ những ngày qua.

Đây là chuyến đi đầu tiên về Mỹ Đức của Chủ tịch Chung, hai ngày sau khi 18 cảnh sát cơ động trong tổng số 38 người bị một số người dân Mỹ Đức giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành được tự do.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ông Đỗ Văn Đương, đại diện công an và huyện Mỹ Đức chủ trì cuộc họp.

16h25, ông Chung làm việc tại phòng của lãnh đạo Huyện ủy, theo kế hoạch ông sẽ gặp một số người dân Đồng Tâm. Ông Chung đang chờ những người này. Xung quanh trụ sở huyện có nhiều cảnh sát làm nhiệm vụ.

Tiếng loa phát thanh trong thôn thông báo về văn bản có chữ ký của Chủ tịch huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt mời đại diện người dân ra huyện làm việc với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Tuy vậy, một số người dân chia sẻ với VnExpress: "Chúng tôi mong ông Chung về làng đối thoại thì sẽ cử người đón tiếp".

Nhiều băng rôn được treo ở Đồng Tâm. Người dân cho hay họ không chống chính quyền. Ảnh: Huyền My.

Ông Nguyễn Đức Chung được Thành ủy Hà Nội giao chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng huyện Mỹ Đức sớm ổn định tình hình tại địa phương này. Những ngày qua, việc đối thoại với người dân mới chỉ thực hiện được "qua các kênh thông tin bằng điện thoại".

Một nguồn tin nói việc đối thoại gặp cản trở do "người dân còn nhiều ý kiến, chưa cử được người đại diện".

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định các kiến nghị của người dân về đất đai sẽ được "xem xét một cách thỏa đáng". Ưu tiên số một của Hà Nội là đảm bảo an toàn cho 20 người đang bị giữ và an toàn cho người dân.

Trước đó ngày 15/4, khi 4 người trong xã bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng bắt nguồn từ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phục vụ mục đích quốc phòng, nhiều người dân xã Đồng Tâm đã phản ứng. 38 người thi hành công vụ, trong đó có nhiều cảnh sát cơ động Hà Nội bị giữ lại thôn.

Giải thích lý do, một người nhận là đại diện ở thôn Hoành nói, họ muốn chính quyền thả người, đối thoại giải quyết các mâu thuẫn đất đai... "Nguyện vọng của dân muốn việc thu hồi, giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định". Người dân khẳng định những người bị giữ được đối xử lịch sự, cung cấp đồ ăn và những điều kiện sinh hoạt tối thiểu.

Tối 17/4, 15 cảnh sát cơ động được thả, 3 người khác tự giải thoát. Công an Hà Nội cũng thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do đã "thừa nhận sai phạm và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả".

Phó giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Bạch Thành Định nói với VnExpress: "Việc tạm thả những người này không phải là sự thỏa hiệp của chính quyền với những đòi hỏi của nhóm người kích động tại địa phương".

17h, cuộc làm việc chưa diễn ra. Chính quyền đang thuyết phục đại diện người dân tới cuộc đối thoại.

Cuộc họp chưa bắt đầu vì đại diện người dân chưa đến. Ảnh: Huyền My.

Cùng thời điểm tại thôn Hoành, cách nơi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung làm việc khoảng 20km, những tiếng kẻng vang lên, loa phát thanh báo tin có lãnh đạo Hà Nội về làm việc. Hàng chục người đổ ra các con ngõ đầu làng, tụ tập ở những chốt canh. Gương mặt họ toát lên vẻ lo lắng xen lẫn hồi hộp. Một số người chia sẻ họ mong sự việc được giải quyết nhanh để sớm ổn định cuộc sống. Dù vậy, các chướng ngại vật tiếp tục được dựng lên, chỉ chừa khoảng trống đủ cho người đi bộ lách qua.

18h30, ông Bùi Viết Hiểu chia sẻ, những người dân ở thôn đã nhận thức được việc bắt giữ người thi hành công vụ là sai trái nên mong "Chủ tịch thành phố xem xét nương nhẹ, bởi nguyên nhân cũng xuất phát từ những bức xúc kéo dài không được giải quyết".

Về mảnh đất 59 ha tại xã Đồng Tâm, nếu cơ quan chức năng có văn bản, tài liệu chứng minh đó là đất quốc phòng, người dân sẽ đồng thuận.

Người dân muốn mời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về hội trường UBND xã Đồng Tâm để tháo gỡ sự việc. Hội trường này có sức chứa 300 người, nằm trong thôn Hoành. "Chúng tôi đã cử 7-8 cụ đại diện cùng 40 hộ dân sẵn sàng đến hội trường UBND xã tiếp đón", ông Hiểu cho hay.

Tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, đoàn làm việc của Chủ tịch Hà Nội cùng hàng chục phóng viên báo đài vẫn chờ đợi cuộc đối thoại tháo gỡ những vướng mắc kéo dài ở thôn Hoành thời gian qua.

18h, những người dân được mời tham gia đối thoại với Chủ tịch thành phố vẫn chưa đến.

Trong phòng dự kiến diễn ra đối thoại ở trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, bàn chủ tọa đặt biển Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và ông Đỗ Văn Đương. Bàn dành cho đại diện nhân dân xã Đồng Tâm nằm ngay hàng ghế đầu.

Ông Bùi Viết Hiểu (75 tuổi, một người trong nhóm cao niên đại diện dân thôn Hoành), cho biết hơn 14h ông nhận được điện thoại từ Chủ tịch Chung mời các cụ và 100 người lên huyện để đối thoại, ba chiếc xe được đưa đến đón người dân, tuy nhiên ông từ chối vì "các con không cho đi".

Ông tha thiết mời Chủ tịch Chung về gặp trực tiếp người dân. Tổ đối thoại thôn Hoành được người dân cử ra gồm một số cụ cao niên, lão thành cách mạng và bà Nguyễn Thị Lan Bí thư xã Đồng Tâm. Ông Hiểu đặc biệt nhấn mạnh người dân sẽ đảm bảo an toàn cho đoàn đối thoại, "mọi chuyện sẽ diễn ra ôn hòa".

"Người dân nếu có điều gì đó sai trái thì mong Chủ tịch nương nhẹ hoặc xem xét giảm tội, ai sai đến đâu, xử đến đấy", ông nói thêm.

Liên quan việc tranh chấp đất đai tại khu vực Đồng Tâm, ông Hiểu cho hay, 59ha mà cơ quan chức năng cho rằng thuộc Quốc phòng quản lý, người dân mong muốn Chủ tịch sớm giải quyết. "Nếu là đất quốc phòng, phải có quyết định thu hồi cụ thể rõ ràng, phải có đại diện cơ quan chức năng thông báo để người dân yên tâm, tránh tình trạng mập mờ".

18h40 tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, hàng chục người chờ đợi cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội và người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Huyền My.

18h45, hội trường chính của Huyện ủy Mỹ Đức sáng đèn, bật điều hòa. Các hàng ghế cho khoảng hơn 200 người vẫn trống, cổng trụ sở mở rộng, ông Nguyễn Đức Chung bước vào hội trường. Đại diện huyện Mỹ Đức thông báo lý do buổi làm việc.

Gần 19h, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết đã mời lãnh đạo chủ chốt xã và đại diện bà con nhân dân xã Đồng Tâm, tuy nhiên lúc này chỉ có đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tâm mà không có đại diện người dân.

Ông Chung đề nghị lãnh đạo xã Đồng Tâm truyền đạt việc lãnh đạo thành phố mà trực tiếp là ông sẵn sàng đối thoại với người dân trong ngày mai, hoặc ngày kia. "Hôm nay tôi đã mời nhưng mọi người không ra, chúng tôi sẽ tiếp tục mời người dân vào thời gian sớm nhất, ngắn nhất", ông nói.

Ông Chung cho hay, thành phố ra quyết định thanh tra toàn diện quá trình xử lý đất đai liên quan đến khu vực xã Đồng Tâm, đề nghị bà con gặp đoàn thanh tra cung cấp tài liệu để cơ quan chức năng có quyết định đúng đắn. Sau 45 ngày, kết quả thanh tra sẽ được công bố.

Ghi nhận việc những người bị giữ ở thôn được ăn uống, vệ sinh đầy đủ, ông Chung kêu gọi "bà con sớm giải tỏa chướng ngại vật và thả người".

"Tôi cam kết là công an ngăn chặn đối tượng hình sự từ nơi khác đến quấy nhiễu", ông Chung khẳng định.

Đại diện Thanh tra Hà Nội công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng diện tích đất sân bay Miếu Môn.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu Tập đoàn Viettel dừng thi công và bà con giữ nguyên trạng khu đất để phục vụ thanh tra.

"Bốn năm qua bà con có kiến nghị, cấp cơ sở có những xử lý chưa đúng, tôi cam kết lần này sẽ làm nghiêm túc", ông Chung nói và mong muốn những người dân đã đối thoại với ông thì tiếp tục cộng tác.

Trước băn khoăn của người dân về việc ban đêm công an có thể tấn công vào thôn, ông Chung khẳng định không có chuyện đó.

Khi được VnExpress thông tin về nội dung cuộc làm việc vừa kết thúc tại UBND huyện, ông Bùi Viết Hiểu cho biết, người dân thôn rất chào đón Chủ tịch thành phố. Đồng tình với quyết định thanh tra toàn diện việc sử dụng đất tại Miếu Môn, ông Hiểu cho hay người dân sẵn sàng hợp tác, cung cấp hồ sơ khi đoàn đến làm việc và hy vọng lần này thành phố sẽ làm nghiêm túc để có kết quả thỏa đáng hơn những lần trước.

Ông Nguyễn Đình Tuyển (47 tuổi) chia sẻ, người dân đã nắm sơ bộ nội dung cuộc họp qua các báo điện tử nhờ kết nối lại được 3G vào tối nay sau nhiều ngày mất sóng.

Cam kết "sẽ không có điều gì xảy ra trong thôn khi lãnh đạo thành phố về làm việc" tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng "chúng tôi chưa có câu trả lời về việc thả người và gỡ chướng ngại vật" như yêu cầu của lãnh đạo Hà Nội.

*Tiếp tục cập nhật

Nhóm phóng viên

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/chu-tich-ha-noi-de-nghi-ba-con-tha-nguoi-va-thao-chuong-ngai-vat-3573302.html

2. Thanh tra toàn diện đất Đồng Tâm trong 45 ngày

TTO -  Chủ tịch UBND TP Hà Nội công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất sân bay Miếu Môn và đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm tại cuộc họp với lãnh đạo xã, tối 20-4.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu trong cuộc gặp lãnh đạo xã Đồng Tâm - Ảnh: Tuấn Phùng

Chiều 20-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng đoàn công tác đã đến hội trường huyện Mỹ Đức để tổ chức cuộc đối thoại với cán bộ và người dân xã Đồng Tâm. Ông Chung chủ trì cuộc đối thoại. Đây là nơi diễn ra việc 4 người dân của thôn bị giữ và dân cũng giữ 38 cán bộ - trong đó có nhiều chiến sĩ cảnh sát - trong các ngày qua.

Tuy nhiên, chỉ có lãnh đạo xã Đồng Tâm dự cuộc đối thoại, không có người dân nào ra dự. Đoàn công tác vẫn quyết định tổ chức cuộc họp với lãnh đạo xã.

Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Phạm Hồng Sỹ thông tin tình hình ở xã tại cuộc gặp với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Ảnh: Tuấn Thành

Ông Phạm Hồng Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết, tình hình trên địa bàn diễn ra nghiêm trọng, trong nhà văn hoá còn 20 công an bị giữ.

Ông Sỹ nói thực trạng các con đường bị cản trở. “Những người công tác như chúng tôi mong muốn các cấp thuyết phục người dân sớm thả những người bị giam giữ, đó là mong muốn lớn nhất của cán bộ, người dân trong xã”.

“Tôi đã vào khu vực giam giữ, đã thuyết phục và vận động việc giam giữ như trên là không đúng, vận động sớm trả tự do nhưng mới có 18 cán bộ chiến sĩ được thả ra. Việc điều hành ở xã là khó, không điều hành được, rất mong cán bộ của trung ương về thì người dân mới tin” - ông Sỹ nói

“Sự việc dẫn tới xuất phát vừa rồi là người dân có đơn đề nghị rằng khu đất được giao vừa qua là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, mặc dù đã có kết luận, xã cũng căn cứ vào đó thuyết phục nhưng người dân chưa tin đó là đất quốc phòng. Đa số người dân nói đó là đất nông nghiệp, vì thế họ nói những việc chúng ta làm vừa rồi là sai. Vì thế, đề nghị trung ương vào làm rõ là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp” - ông Sỹ nói tiếp.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố nói rằng, ngày 15-4, người dân có giữ 38 người, đã được tuyên truyền, thuyết phục… đến trưa ngày 17 đã cho 18 người về. Hiện nay còn giữ 20 người. "Tôi đề nghị các đồng chí về tuyên truyền với người dân rằng lãnh đạo thành phố, trực tiếp là tôi sẽ đối thoại với người dân. Sẽ mời người dân đối thoại trong thời gian sớm nhất trong ngày mai hoặc ngày kia”.

“Sau 45 ngày thành phố sẽ kết luận, thành phố sẽ tiếp thu kiến nghị của bà con để có kết luận đúng nhất, giải quyết thoả đáng nguyện vọng của bà con” - ông Chung nói.

“Xung quanh các kiến nghị của bà con, tôi đề nghị các đồng chí về tuyên truyền sớm giải toả các chướng ngại vật, vì nó ảnh hưởng đến bà con, ảnh hưởng tới các cháu. Tôi đề nghị bà con nên tin, sớm cho những người bị giữ về sớm. Cán bộ đi chỉ có bảo vệ dân, không có đàn áp dân… họ như con em mình nên sớm thả”- ông Chung nói.

“Chúng tôi ghi nhận bà con đã chăm sóc những người bị giữ, cho ăn, chăm sóc. Bà con có cắm biển sống làm việc theo pháp luật, vì vậy đề nghị bà con gương mẫu chấp hành pháp luật” - ông Chung nói.

Về việc bà con phản ánh có xã hội đen quấy nhiễu, ông Chung cho biết tới đây chúng tôi cam kết không có đối tượng nào có thể đến quấy nhiễu bà con. “Tôi đề nghị các đồng chí của xã về vận động bà con, mong muốn sớm thả những người bị giữ sớm về với gia đình”- ông Chung nói.

Lãnh đạo Thanh tra TP Hà Nội công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất sân bay Miếu Môn và đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm - Ảnh: Duy Hoàng

Quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất sân bay Miếu Môn và đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm của Thanh tra TP Hà Nội - Ảnh: Duy Hoàng

Tiếp sau đó, ông Chung giới thiệu lãnh đạo Thanh tra thành phố công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất sân bay Miếu Môn và đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm.

“Tiến hành thanh tra đảm bảo đúng yêu cầu, đúng pháp luật. Thời gian thanh tra trong vòng 45 ngày” - lãnh đạo Thanh tra thành phố cho biết.

Ông Nguyễn Đức Chung nói tiếp: để thực thi quyết định thanh tra, thành phố yêu cầu các tập thể, cá nhân đang thi công tại khu vực xã Đồng Tâm, kể cả tập đoàn Viettel dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng để phục vụ đoàn thanh tra.

Ông Chung nói, bốn năm qua bà con có nhiều kiến nghị, các kiến nghị đã được giải quyết, nhưng việc xử lý chưa kịp thời. Lần này sẽ kiểm tra, xử lý dứt điểm, làm một cách nghiêm túc. Cá nhân tập thể nào vi phạm sẽ được xử lý một cách nghiêm túc. Đề nghị xã về tuyên truyền với bà con, mời bà con cung cấp tài liệu. Có bà con đã đối thoại với tôi, và sẽ tiếp tục đối thoại với tôi.

Ông Chung nêu, “vừa rồi bà con cứ băn khoăn ban đêm có tấn công giải cứu con tin hay không, tôi xin nói hoàn toàn từ trước đến nay chúng ta luôn luôn tôn trọng người dân. Cá nhân tôi và thành phố đã cam kết từ hôm đó đến nay không có chuyện đó xảy ra.

Tuy nhiên, mỗi một việc làm đều có giới hạn nhất định. Cho nên tôi rất mong muốn các đồng chí về tuyên truyền với bà con, trong thời gian tới, rất ngắn thôi chỉ ngày mai ngày kia chúng tôi sẵn sàng đối thoại với bà con. Các đồng chí về trao đổi lại với tất cả bà con về thành phần thế nào, cơ cấu và đại diện người dân đối thoại, sau đó thống nhất, trên cơ sở đó chúng tôi sẵn sàng đối thoại trong thời gian sớm nhất”.

Trước khi kết thúc hội nghị tiếp xúc, ông Chung yêu cầu lãnh đạo xã về vận động bà con sớm thả những người còn lại như đã cam kết thả 18 người hôm 17-4.

“Các đồng chí về nói với bà con việc thanh tra tới đây sẽ được các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát chặt chẽ để đảm bảo khách quan” - ông Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung gặp lãnh đạo xã Đồng Tâm

Ông Nguyễn Hồng Sỹ Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm trao đổi ngắn với báo chí sau khi kết thúc buổi làm việc

Trao đổi nhanh với báo chí sau cuộc làm việc, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, ông Phạm Hồng Sỹ cho biết: Các cán bộ, chiến sĩ đang ở nhà văn hóa vẫn được ăn uống chăm sóc và không có ai bị đánh đập gì. Mong mỏi của người dân rất nhiều nhưng ai cũng muốn địa phương sớm ổn định trở lại để các hoạt động cuộc sống bình thường được diễn ra.

Ngoài ra ai cũng mong muốn làm sáng rõ nguồn gốc đất. Hôm nay người dân chưa ra huyện có thể họ chưa tin tưởng, lo lắng khi ra ngoài địa phương. Chủ tịch UBND thành phố đã trả lời rất rõ và tôi về sẽ truyền đạt lại. Tuy nhiên người dân có nhận thức được hết hay không, rất mong các cấp các ngành sẽ cùng xã tuyên truyền tới nhân dân.

DIỄN BIẾN CỦA TÌNH HÌNH

Người dân cởi mở hơn

Sáng 20-4, người dân thôn Hoành đã cởi mở hơn rất nhiều trong giao tiếp với những người lạ. Vẫn còn những thủ tục về kiểm tra giấy tờ với những người muốn vào thôn nhưng gần như các nguyện vọng của phóng viên muốn vào thôn đều được đáp ứng, chỉ có khu vực nhà văn hóa thôn Hoành, nơi đang giữ 20 công an là chưa được tiếp cận.

“Chúng tôi chỉ mong lãnh đạo thành phố, cơ quan chức năng về đây tổ chức đối thoại, nghe trình bày nguồn gốc đất đai, những căn cứ mà chúng tôi đằng đẵng khiếu nại nhiều năm nay. Không người dân nào mong muốn sự bất ổn này xảy ra cả”, một phụ nữ ngoài 50 tuổi nói.

Về nguyện vọng của người dân, cụ Bùi Văn Nhạc, thôn Hoành cho biết người dân cũng chỉ muốn lãnh đạo cấp cao về phân định rõ giúp người dân về mốc giới: đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp của người dân.

Một phụ nữ tự nhận phụ giúp hậu cần cho những công an còn bị giữ, cho biết, “người dân cũng không muốn giữ công an. Chúng tôi cũng muốn lãnh đạo thành phố xuống đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân rồi đón mọi người về”.

Ông Bùi Viết Hiểu, 75 tuổi, nói vấn đề người dân muốn cơ quan chức năng trả lời rõ chính là diện tích 59ha đất ở khu đồng Sênh, xã Đồng Tâm là đất nông nghiệp hay đất quốc phòng.

Ông Hiểu cho biết năm 2012, trong thôn lập ra tổ đồng thuận chống tham nhũng, đã tố cáo để các cơ quan chức năng kết luận nhiều sai phạm, kỷ luật cảnh cáo, cách chức 8 cán bộ, lãnh đạo xã.

Theo ông Hiểu, từ những năm 1980, phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng khi đó đã ký quyết định thu hồi 47,36ha đất nông nghiệp trong diện tích 106ha tại khu đồng Sênh của xã Đồng Tâm để làm sân bay Miếu Môn.

Cũng theo ông Hiểu, số diện tích còn lại 59ha vẫn được người dân canh tác từ những năm 1956 đến năm 2012, sau đó để hoang hóa khi xã nói đó là đất quốc phòng.

Những công an bị giữ vẫn khỏe

Khi nhắc tới chuyện giữ công an, một phụ nữ trong thôn phủ nhận toàn bộ những thông tin công an bị đối xử không tử tế. Tất cả mọi người bị giữ đều khỏe mạnh.

Trước đó, ngày 19-4, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV ứng cử tại huyện Mỹ Đức cùng với một số Luật sư khác vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyên Mỹ Đức gặp gỡ, tiếp xúc những người dân ở đây.

Ông Chiến cho biết đã gặp nhiều người lớn tuổi trong làng. “Nguyện vọng lớn nhất của người dân vẫn là muốn giải quyết dứt điểm câu chuyện đất đai và được đối thoại với lãnh đạo thành phố để sớm giải quyết vụ việc”, ông Chiến nói.

- Lúc 17h: ông Lê Văn Đông - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Mỹ Đức cho biết lãnh đạo huyện và thành phố đang có mặt tại Huyện ủy để chờ người dân xã Đồng Tâm.

Ông Nguyễn Văn Hoạt - Chủ tịch UBND huyện đã kí mời 100 người dân Đồng Tâm. Rất nhiều lãnh đạo các cơ quan của thành phố Hà Nội đã có mặt tại Huyện uỷ Mỹ Đức.

Ông Đông cho biết huyện cũng đã bố trí 3 xe ôtô đón người dân nhưng đến nay vẫn chưa thấy xe chở dân ra. Trong 100 người được mời ngoài người dân có cả lãnh đạo xã để về đối thoại.

 

- Lúc 17h05: Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Bùi Văn Nhạc (80 tuổi) cho biết người dân nhận được thông tin từ TP Hà Nội mời ra trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức để làm việc. Tuy nhiên, người dân trong thôn Hoành không đồng ý đi ra huyện để làm việc.

Theo ý nguyện của người dân trong thôn, họ muốn lãnh đạo TP về thôn để đối thoại với dân. Ông Nhạc cho biết vị trí người dân dự kiến diễn ra đối thoại là trụ sở UBND xã Đồng Tâm. Đến lúc này vẫn chưa có người dân của thôn Hoành đi ra huyện theo lời mời của TP.

Một số người dân cho biết, huyện đã gửi giấy mời đến người dân lên trụ sở Huyện ủy làm việc nhưng nội dung làm việc là giải quyết vấn đề an ninh trật tự chứ không phải về vấn đề ruộng đất cho dân. Nguyện vọng của dân là được đối thoại để giải quyết vấn đề ruộng đất.

Hiện tại, khắp các ngõ vào thôn Hoành bị chặn kín. Thông tin của CTV Dương Liễu trực tại cổng làng cho biết.

Các ngõ vào thôn Hoành bị chặn kín - Ảnh: Dương Liễu

 

Các ngõ vào thôn Hoành bị chặn kín - Ảnh: Dương Liễu

- 17h25: Bà Bạch Liên Hương Bí thư huyện cho biết đến 17g25 lãnh đạo thành phố và huyện Mỹ Đức vẫn đang ngồi chờ người dân thôn Hoành.

Tại khu vực đầu xã Đồng Tâm có 3 xe ôtô được đưa đến để chờ chở người dân lên huyện. Tuy nhiên, hiện tại người dân vẫn chưa đồng ý lên huyện làm việc. Hiện chính quyền TP vẫn đang thuyết phục người dân qua điện thoại.

- 17h35: Ông Bùi Văn Nhạc cho biết một đại biểu Quốc hội vừa gọi điện thuyết phục người dân lên UBND huyện, nhưng người dân vẫn không chấp nhận. Người dân cho biết trụ sở UBND xã Đồng Tâm nằm ngay trong thôn Hoành. Trụ sở này có sức chứa 200 người.

- Lúc 17h50: Ba ôtô đưa đến chờ chở người dân đã rời khỏi chỗ đậu.

- 18g: Trao đổi với Tuổi trẻ qua điện thoại từ nhà riêng, bà Nguyễn Thị Lan - Bí thư xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức cho biết nhiều người dân thông tin mặc dù có giấy mời nhưng người dân không muốn lên huyện mà chỉ mong lãnh đạo thành phố về tận Đồng Tâm.

Bà Lan cho biết bà cũng đã nhận được giấy mời chiều nay nhưng người dân không có ý lên huyện nên lãnh đạo xã cũng ở lại địa phương.

"Tôi là con em của địa phương. Tôi rất hiểu dân. Lúc này dân vẫn mong muốn được gặp lãnh đạo tại Đồng Tâm". Bà Lan cho biết bản thân bà cũng rất muốn lãnh đạo về Đồng Tâm để lắng nghe ý kiến nhân dân. Trong trường hợp đối thoại tại huyện chỉ có cán bộ xã mà không có dân đi cùng lên thì sẽ không có hiệu quả.

- Đến 18h15, lãnh đạo UBND TP Hà Nội vẫn còn ở trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức.

- 18g40: ông Trịnh Xuân Viết - Chánh văn phòng UBND huyện Mỹ Đức xác nhận 3 xe ôtô đưa đón người dân đã dời khỏi xã Đồng Tâm.

- Lúc 18h45, lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các ngành thành phố, Ban Dân nguyện của Quốc hội vẫn ở trụ sở Huyện uỷ khi trụ sở huyện đã sáng đèn.

Ông Nhạc cho biết người dân trong thôn Hoành bắt đầu ăn cơm tối, sinh hoạt bình thường trở lại. Theo ông Nhạc, người dân trong thôn đã họp và thống nhất sẽ có các biện pháp đảm bảo an toàn khi ông Chung về xã đối thoại với dân. Vấn đề mà người dân mong muốn được lãnh đạo TP làm rõ là 59ha đất ở khu vực đồng Sênh có phải là đất quốc phòng hay không.

Theo người dân, họ có đủ căn cứ khẳng định đó là đất nông nghiệp. Người dân cũng yêu cầu lãnh đạo TP làm rõ quá trình thu hồi đất cũng như quản lý đất khu vực này.

>> Tiếp tục cập nhật

QUANG THẾ - TUẤN PHÙNG - DƯƠNG LIỄU - XUÂN LONG - THÂN HOÀNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170420/chu-tich-ha-noi-doi-thoai-voi-nguoi-dan-xa-dong-tam/1301310.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn