Nhà văn hóa Việt Phương với vấn đề triết học

Tô Văn Trường

Triết lý Phật giáo hình thành trong Việt Phương sau những thăng trầm trong cuộc đời của chính ông khi từng hăng hái cổ vũ cho hệ tư tưởng và triết học Mác Lê. Do đó, những trải nghiệm và kết luận của ông khác với Thích Nhất Hạnh hay Lê Mạnh Thát, chưa nói tới Đạt Lai Lạt Ma.

Có thể triết học Phật giáo rất ý nghĩa trong lý giải ý nghĩa của cuộc đời nhưng cuộc đời lại là cuộc vận động mạnh mẽ rất cần cả những triết lý mang tính chiến thuật hơn để tạo nên những bước đi nho nhỏ chứ không thể thiền tĩnh tại giữa nước sôi, lửa bỏng để chỉ hướng tới một cái kết kiểu “vô thuỷ vô chung”…

Tôi mường tưởng lại ngay từ năm 2011 trong những lần đàm đạo riêng với Việt Phương, nghe ông tâm sự từ trải nghiệm riêng của mình thì có ba điều đáng suy ngẫm và thực hành (Việt Phương không dùng cụm từ “ba điều dạy”) có thể tóm tắt như sau:

1/ Không có gì là tất cả, và tất cả là không có gì.

2/ Sự người (từng người, từng cộng đồng người, cả loài người) là thành tố quan trọng nhưng không duy nhất, cũng không chính yếu của sự sống, và phải bình đẳng, tương kính, tương thân, tương ái với các thành tố khác của sự sống.

Chỉ trên hành tinh nhỏ nhoi li ti là trái đất, những thành tố phi người của sự sống đã rất phong phú, đa dạng, đó là cát bụi, đất đá, nước lửa, ngày đêm, không gian trái đất, thời gian trái đất, cỏ cây, hoa lá, rắn rết, chim muông… Nếu tính trong vũ trụ này và trong các vũ trụ khác, thì sự sống quả thật vô thủy, vô chung, không có bắt đầu, không có kết thúc, rộng lớn đến vô cực và bất diệt.

3/ Mỗi cá thể người, thật sự người, là sinh vật nhận thức được và sống được như một cá thể sống không có gì mà là tất cả, và là tất cả mà không có gì. Cá thể người như thế cũng bất diệt như chính sự sống, tức là không có sự chết, mà chỉ có sự chuyển biến từ trạng thái sống này sang trạng thái sống khác.

Quan điểm “không có gì là tất cả, tất cả là không có gì” trong tư duy của Việt Phương chẳng những là thấm nhuần một nhân sinh quan và thế giới quan triết học của đạo Phật, mà còn là một quan điểm của Việt Phương về tu dưỡng bản thân: Vừa mang tính giải phóng con người, vừa quên cái “tôi” đến vô ngã để vì cái “tất cả”.

Người đọc thơ của Việt Phương thấy rất rõ, và chính điều này làm cho Việt Phương trở thành nhà thơ lớn. Có gì đẹp hơn một con người được giải phóng để sống vì tất cả!? Chỗ này Việt Phương đã vượt qua được cái ngưỡng “giải phóng cái tôi” của một thời rất quan trọng (thời đầu) trong trào lưu khai sáng. “Giải phóng cái tôi để vì tất cả” đang là đòi hỏi cao nhất đối với con người trong thế giới ngày càng quyết liệt mọi mặt hôm nay. Nghĩa là Việt Phương sống với thời đại của mình.

Đàm đạo với Việt Phương tôi tâm đắc nhất là học được ở người Anh, người Thầy kiến thức uyên bác về triết học và đạo Phật. Theo Việt Phương thì triết học Ấn Độ có ba bộ phận (1) Triết học thời Veda, cách đây và trước Công lịch của Thiên Chúa giáo vài vạn năm. (2) Triết học thời Bà la môn, trước Công lịch chừng gần 2000 năm. Và (3) Triết học thời Guatama (tên của Phật), trước Công lịch chừng 500 năm. Guatama còn có tên là Shykia Mauni (tiếng Việt là Thích Ca Mâu Ni). Mauni là người hiền triết, Shykia là tên địa phương, nơi xuất xứ của Guatama.

Triết học Phật là triết học. Phật giáo là tôn giáo, với kinh kệ và các nghi thức, các thủ tục tôn giáo. Sự khác nhau giữa triết học Phật và Phật giáo là sự khác nhau giữa triết học và tôn giáo.

Nội dung triết học thời Veda, triết học thời Bà la môn, triết học Phật (có thể gọi là triết học thời Guatama) là vấn đề cực lớn, muốn hiểu rõ phải dầy công nghiên cứu.

Trong kinh Phật có triết học Phật (toàn bộ hay một phần thì tôi không được rõ), triết học Phật được viết và tụng dưới dạng kinh. Nghi thức và thủ tục Phật giáo thì không trực tiếp là triết học.

Theo Việt Phương cảm nhận rằng riêng tiếng mõ, đánh bất cứ theo cách nào, miễn là chậm rãi, thư thả, nhất là vào lúc hoàng hôn, thì sâu xa triết học.

Giờ đây, nhà văn hóa, nhà thơ Việt Phương luôn tâm huyết quan tâm đến vận nước đi xa thật rồi, đã thực sự về nơi ấy… với chín tầng cao đầy trắng tuyết.

Sao vội thế Người ơi

để lại cho Đời

Đau và tiếc

và ngổn ngang thương nhớ

Thôi,

đành gửi

chút tâm tình dang dở

Tiễn Người về

nơi ấy

“chín tầng cao”...

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn