Đảng Bảo thủ thảm bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh

Vũ Ngọc Yên

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh ngày 8.6.2017, Đảng Bảo thủ (conservative Party) cầm quyền của Nữ Thủ tướng Theresa May đã bị mất đa số tuyệt đối, trong khi Đảng Lao động (Labour Party) đối lập thắng thêm phiếu.

Hơn 46 triệu công dân Vương quốc Anh được kêu gọi đi bầu, nhưng chỉ có 68,7% cử tri tham dự. Kết quả tổng số 650 ghế trong Quốc hội mới với nhiệm kỳ 5 năm tạm thời được phân chia: Đảng Bảo thủ (CP) 318 (so với 2015 giảm 13), Đảng Lao động (LP) 261 (tăng 30), Dân chủ tự do (Liberal Democrats- LD) 12 (tăng 2), Đảng Quốc gia Tô Cách Lan (Scottish National Party - SNP) 35 (giảm 21), Đảng Bảo thủ Dân chủ Bắc Ái Nhĩ Lan (Democratic Unionist Party-DUP)10 (tăng 2), Đảng Cộng hòa Ái Nhĩ Lan Sinn Fein 7 (tăng 3), Đảng Độc lập Vương quốc (UK Independency Party-UKIP) không ghế (mất 1)...

Đa số người dân không hỗ trợ chủ trương mạnh bạo rời bỏ EU (hard Brexit)

Vương quốc Anh ra khỏi Liên hiệp Âu châu (EU) đã là một tiến trình không thể đảo ngược và nhân dân chờ đợi chính quyền đưa ra một đường lối khả thi. Khi đảm nhận chức vụ thủ tướng thay thế David Cameron, Theresa May tuyên bố sẽ thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và đưa ra khẩu hiệu “lãnh đạo mạnh và ổn định” (strong and stable leadership).

Trong cuộc tranh cử May nhiều lần nhấn mạnh là dân đã muốn Vương quốc rời bỏ EU thì đường lối rút ra mạnh mẽ, dứt khoát (hard brexit) là hợp ý dân, thay vì mềm mỏng, uyển chuyển (soft brexit).

Chủ trương hart brexit có nghĩa cắt đứt rõ ràng các quan hệ với EU. Mối bang giao giữa Vương quốc Anh với EU sẽ diễn tiến tương tự như bang giao giữa EU và Gia Nã Đại. Theo đó các công dân của EU phải làm đơn xin giấy phép lao động để được cư trú và đi làm trong quốc gia sở tại. Hàng hóa và dịch vụ giao lưu chỉ miễn thuế quan khi hai bên thỏa thuận một hiệp định thương mại tự do. Để có Hiệp định này hai bên cần khoảng mười năm thương thảo.

Ngược lại chủ trương soft brexit cho phép Anh tiếp tục duy trì quan hệ với EU như bang giao giữa Na Uy và EU. Dù không là thành viên EU quốc gia vẫn được quyền thông thương hoàn toàn trong thị trường nội địa EU. Tuy nhiên quốc gia phải đóng góp vào ngân sách EU và chấp nhận một số luật của EU cũng như cho phép công dân EU được cư trú và làm việc trong đất nước mình.

Kết quả cuộc bầu cử cho thấy chủ trương hard brexit ra khỏi thị trường nội địa và Liên hiệp Thuế quan EU của Đảng Bảo thủ CP và Đảng dân túy UKIP đã bị đa số cử tri bác bỏ.

May thực thi một chính sách an ninh bất nhất và bất công xã hội

Sau các vụ khủng bố xảy ra tại Luân Đôn và Manchester, May tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh chống khủng bố Hồi giáo và hạn chế nhân quyền để nhanh chóng truy lùng các thành phấn khả nghi. Lãnh tụ đối lập Corbyn cho rằng May đã bất lực trong chính sách an ninh, Corbyn dẫn chứng May nguyên là Bộ trưởng Nội vụ trong nội các của người tiền nhiệm Cameron đã sa thải hàng chục ngàn nhân viên cảnh sát khiến tình trạng an ninh không được đảm bảo.

Lúc nhậm chức, May được ngợi khen sẽ là một Margaret Thatcher mới, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, May đã làm nhiều người thất vọng với những chính sách chia rẽ xã hội, bất nhất, mất lòng dân. Nhiều người dân nhận xét May là người thiếu thiện cảm và lạnh lùng. May chủ trương cắt giảm tài trợ chăm sóc người già. Trong các buổi nói chuyện trước công luận, May thường lập lại những lời hoa mỹ rỗng tuếch một cách máy móc, nên bị giới truyền thông nhạo là “Maybot”, một từ ghép tên May và robot.

Trong cuộc tranh cử, Corbyn lãnh tụ Đảng Lao động xuất hiện đóng vai trò Robin Hood, một anh hùng trợ giúp thành phần thế cô trong xã hội. Corbyn công bố chính sách chống bất công xã hội: miễn phí đại học, cải thiện hệ thống y tế, nâng cấp thuế đối với giới có lợi tức cao hầu giảm cách biệt giàu nghèo. Chương trình tranh cử của Đảng Lao động đã được cử tri, đặc biệt giới trẻ ủng hộ nhiệt liệt.

Viễn tượng nền chính trị Anh quốc

Kết quả kiểm phiếu toàn bộ 650 đơn vị bầu cử cho thấy hai đảng lớn Bảo thủ và Lao động trong hệ thống chính đảng Anh đã không đạt được quá bán ghế (326). Tình trạng này đưa Quốc hội lâm vào trường hợp lơ lửng (Hung Parliament) vì không đảng nào trong Quốc hội được đa số rõ rệt để có thể tự lập chính quyền.

Thủ tướng May đã tiến hành bầu cử trước thời hạn (2020) với hậu ý sẽ đạt thêm nhiều ghế trong Quốc hội hầu có hậu thuẫn cho các cuộc đàm phán rút khỏi Liên hiệp Âu châu (Brexit). Nhưng kết quả đã không mang lại thành công như dự tính. Đảng Bảo thủ không những đã không giữ được đa số quá bán (331) của nhiệm kỳ trước và còn bị mất 13 nghế trong Hạ viện. Ngày 20.05.2017 May viết trên mạng xã hội: “Nếu tôi chỉ mất 6 phiếu thì coi như thất cử và Jeremy Corbyn (Chủ tịch Đảng Lao động đối lập) sẽ thay tôi đàm phán với Âu châu. Jeremy Corbyn đã lên tiếng yêu cầu May từ chức, đồng thời tuyên bố sẵn sàng nhận trách nhiệm lập chính quyền.

Báo chí loan tin May nhận được sự hỗ trợ của Đảng DUP nên đã thỉnh cầu Nữ Hoàng Elisabeth II giao trách nhiệm lập chính quyền mới mặc dù bị thảm bại.

Hiện tại Anh đang ở trong tình trạng bế tắc chính trị. Nhiều câu hỏi đang được dư luận bàn tán. Liệu Đảng Bảo thủ sẽ cầm quyền một mình hay phải lên hiệp với một đảng nhỏ khác để có chính danh? - Theresa May sẽ được tái tín nhiệm hay Đảng Bảo thủ phải tìm người kế nhiệm? - Lộ trình đàm phán với EU có thể tiếp tục như dự trù vào ngày 19.06.2017 hay phải trì hoãn?

Năm 2017 là năm siêu bầu cử ở Âu châu và đến nay dư luận Âu châu rất phấn khởi về thành quả đã ngăn chặn được sự phát triển của bóng ma chủ nghĩa dân túy trong các cuộc bầu Quốc hội Hòa Lan, Tổng thống Pháp và Quốc hội Anh. Kế tiếp Pháp sẽ bầu lại Quốc hội và Cộng hòa liên bang Đức tổng tuyển cử vào tháng 9.2017.

V.N.Y.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn