Chính phủ vô nhân đạo mới trục xuất người yêu nước

Paulus Lê Sơn

Giáo sư, cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng đã viết Tâm thư sau khi biết tin xấu về việc nhà nước Việt Nam ngày 17/5 ký quyết định hủy bỏ quốc tịch Việt Nam của mình, dẫn đến việc trục xuất ông về Pháp (ông Hoàng có song tịch Pháp Việt). Tin này được Tổng Lãnh sự (TLS) Pháp tại Sài Gòn thông báo cho ông Hoàng vào ngày 01.6.2017.

Từ một con người yêu nước…

Đọc những dòng tâm thư của ông Hoàng mới thấy được cái tinh thần yêu nước nồng nàn cháy bỏng trong con người ông. Trong tâm thư ông Viết: “Khi máy bay đang lượn trên bầu trời Sàigòn, tôi nhìn qua cửa sổ và tự nhủ sẽ trở về để xây dựng quê hương đang điêu tàn vì chiến tranh” - Tháng 11/1973.

Trải qua bao biến cố của lịch sử đất nước, ông Hoàng vẫn giữ trong lòng niềm “canh cánh hướng về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình”.

Và ông đã trở lại Việt Nam từ năm 2000 với ý nguyện đem hết sinh lực và tâm trí nhằm truyền đạt kiến thức cùng tinh thần sáng tạo cho lớp trẻ.

Trở thành nạn nhân của sự vô nhân đạo

Tuy nhiên, những việc làm của ông Phạm Minh Hoàng không được Hà Nội vinh danh. Trái lại, ông bị bắt vào năm 2010 vì đã lên tiếng về tình hình đất nước. Lúc đó ông Hoàng đang dạy cùng lúc 5 môn toán khác nhau tại Đại học Bách khoa Sài Gòn.

Trước sức ép của dư luận và nhờ sự can thiệp của Chính phủ Pháp, cùng sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền cũng như sự đấu tranh của nhiều người trong, ngoài nước, nhà cầm quyền chỉ dám kết án ông 17 tháng tù giam và 3 năm quản chế.

Nhưng không dừng lại đó, Hà Nội đã tìm một phương pháp triệt hạ thâm hiểm hơn, đó là ly tán gia đình ông Hoàng, “đánh cắp quê hương” của ông. Uất hận thay khi đọc những dòng thư đau đớn của ông nói về điều này: “Ngày xưa, khi bị tù, tôi nghĩ đó sẽ là những chuỗi ngày đau khổ nhất của một con người, nhưng bây giờ tôi thấy còn một thứ kinh khủng hơn, đó là không được sống trên quê hương của mình”. Đó là xét từ tình cảm thiêng liêng của cá nhân ông Hoàng đối với quê hương đất nước.

Còn quan hệ thân thuộc thì sao? Nhà cầm quyền Hà Nội trục xuất ông Hoàng qua Pháp như là một nhát dao đâm thấu tim gan những thành viên trong gia đình ông Hoàng. Tình cảm vợ chồng bị gián đoạn, con thơ thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của cha hiền, người anh trai thương phế binh tật nguyền không nơi nương tựa.

Ôi chao! Một quyết định có tính chất nhà nước đối với một trí thức hết lòng với nước sao mà nó bi tráng, đau thương và vô nhân đạo đến thế!  “Hoàn cảnh gia đình không cho phép vợ tôi đi cùng, vì còn phải chăm sóc mẹ già cũng như lo cho ông anh tật nguyền, điều này có nghĩa gia đình chúng tôi sẽ phải ly tán” – Đó là những lời đau nhói tận tâm can của người trong cuộc mà đọc đến, chúng ta không ai không đau cùng với họ.

Chủ thuyết cộng sản là tam vô, vô gia đình, vô tôn giáo, vô Tổ quốc. Thì này đây, Giáo sư Phạm Minh Hoàng cùng gia đình của ông là nạn nhân rõ ràng cho cái chủ thuyết ấy. Biến một con người đang từ có gia đình, có Tổ quốc bỗng thành hư không. Thật bất hạnh khi phải sống trong một đất nước bị cai trị bởi một chế độ cộng sản.

Không một ai, tổ chức, đảng phái hay chính quyền nào có quyền cho cá nhân nào đó được sống hay chết khi người đó không hề phạm tội phản quốc. Cũng vậy, không một nhà nước nhân danh đảng phái nào được cho mình cái quyền bắt một người yêu nước phải lìa bỏ quê hương thân thiết của mình. Sự minh định về nguồn gốc và tính chất của một nhà nước phải xuất phát từ quyền con người của từng cá nhân tạo nên nhà nước đó.

Dù Chính phủ Việt Nam có dùng thủ đoạn nào để tước quyền được sống trên quê hương của người yêu nước thì họ vẫn luôn là: "Người ta có thể đưa tôi ra khỏi Việt Nam, nhưng không ai có thể đưa Việt Nam ra khỏi tôi”.

Mọi việc làm bất minh chỉ càng chứng tỏ cho cả thiên hạ biết rõ bản chất của một Chính phủ vô nhân tính, bất hiếu với dân.

03.06.2017

L.S.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn