Do ai khiến dân bất an?

Paulus Lê Sơn

Sáng 09.6.2017, trong thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đã nêu ra 6 nội dung cần quan tâm trong đó có những việc mà ông gọi là “nỗi bất an của người Việt Nam”(*). Một tiếng nói lẻ loi tại nghị trường nói đúng thực trạng xã hội Việt Nam ngày nay. Điều đó rất đáng hoan nghênh trong tư duy của những người suy nghĩ về đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề lớn ở đây là giải pháp làm sao thì chưa làm được và nguyên nhân do ai gây ra thì thật sự vẫn chưa thẳng thắn chỉ tên. Theo dòng lịch sử của Quốc hội đã không ít nghị viên trước đây cũng có nhiều người nói. Nhưng nói xong, chẳng thấy thay đổi bất cứ điều gì. Từ suy nghĩ trăn trở cho hiện tình đất nước biến thành tinh thần hành động dứt khoát thì còn là một hố sâu ngăn cách.

Trong bài phát biểu ông Phong đã đưa ra 6 điểm hết sức tổng quát và vĩ mô, nhưng cũng rất cụ thể, chi tiết. 6 điểm là 6 nỗi đau của dân tộc đang phải gánh chịu từ cơ chế của cả hệ thống chính trị đến những tệ nạn tham nhũng, văn hóa, chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, môi trường sống đều bị bủa vây của cơ chế công quyền trong nhiều trường hợp cùng tính chính danh của nó.

“Đừng vì những lợi ích tức thời mà buông bỏ tương lai dân tộc. Tiền có thể nhiều đến đâu cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất. Mỗi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức mang tính phổ biến”. Đó là thông điệp rất đáng trân trọng của ông Phong gởi đến Quốc hội sau khi kết thúc bài phát biểu.

Vì sao tiếng nói tâm huyết của nhiều đại biểu Quốc hội khó trở thành hành động thực tiễn để đưa đất nước tươi đẹp? Nền tảng chính trị của Việt Nam đều bị đóng khung bởi sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản. Đảng nói đúng hay sai thì cả hệ thống chính trị buộc lòng phải thực hiện như vậy. Chính phủ bị dây thòng lọng của Đảng o bế, Chính phủ có làm khác được chỉ thị đường lối của Đảng hay không? Khi nào mà chưa có tính độc lập giữa Quốc hội và Đảng Cộng sản thì tới khi đó Quốc hội vẫn chỉ là đám đông nghị trường vâng theo ý Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đưa ra, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Đảng và Trung ương có những chỉ đạo về xử lý tiêu cực, tham nhũng, gồm cả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu thì lại chưa được như mong muốn?!

Ai có thể tham nhũng ngoài đảng viên của Đảng Cộng sản. Ai điều hành chính sách vĩ mô về kinh tế, ai tận thu tài nguyên khoáng sản, ai phá nát hệ thống môi trường sinh thái, ai kêu gọi đầu tư nhưng thiếu trách nhiệm trong thẩm định, đánh giá dự án khiến từng bước biến Việt Nam thành điểm đến của công nghiệp rác, công nghệ lạc hậu? Để trả lời người ta thấy rõ Đảng Cộng sản chính là cội nguồn của sự hủy diệt.

Dân bất an trong môi trường sống bị sự độc tôn cộng sản lãnh đạo cũng chẳng lấy gì làm lạ. Đứa trẻ muốn được sinh ra an toàn cũng phải mua mạng sống bằng tiền nơi nhà thương, vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị nợ công hàng ngàn đô la phủ lên mặt trẻ thơ. Già trẻ, nam nữ lắng lo sợ hãi trong vòng xoáy của thuế khóa, luật pháp mơ hồ.

Dân sống trong một bãi rác hôi thối, đầy dịch bệnh thì hỏi sức khỏe dân tộc có bền vững, sự an nguy của xã tắc có đáng lo ngại? Muốn dân sống khỏe, bình an thì trước hết cần phải dọn rác thối.

Ông Đặng Thuần Phong đã thấy được cái thối rữa, sâu mọt, héo úa của thân, cành, lá. Gốc rễ mộc ruỗng là nguyên nhân sinh ra bệnh, cần phải bứng rễ nó đi mà thay vào một loại cây khác. Liệu ông Phong và các dân biểu tại Nghị trường Quốc hội có can đảm để làm điều đó để trả lại môi trường tươi đẹp cho dân tộc Việt Nam?

Muôn đời dân luôn là mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ, trù mật, là người nông phu hãy biết gieo vào trong lòng dân những hạt giống tốt, cây sẽ đâm chồi nảy lộc và sinh và kết trái.

09.06.2017

L.S.

Tác giả gửi BVN.

__________

Phụ chú

Dân bất an khi tham nhũng nhiều, rừng sắp hết, biển gần chết...

TTO - Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước Quốc hội sáng nay về 6 điều bất an mà nhân dân luôn bức xúc như tham nhũng, lãng phí, thương mại hóa quan hệ xã hội, tài nguyên cạn kiệt...

Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, dành 7 phút phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay 9-6 để liệt kê những điều đang làm người dân lo lắng thời gian gần đây.

Bất an thứ nhất, theo ông, là “tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị”.

“Chức năng của Chính phủ là kiến tạo, nhưng còn hành động và liêm chính tại sao không mở rộng?”, đại biểu Bến Tre đặt câu hỏi.

Bất an thứ hai là nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa bị chặn đứng, là vấn nạn đưa quốc gia tới bờ vực sa sút niềm tin.

“Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt, nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động”, ông Đặng Thuần Phong nói.

Bất an thứ ba là sự xuất hiện của dấu hiệu mất cân đối ngân sách, sự ổn định của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, đặc biệt là hiệu quả đầu tư thấp, nợ công tăng cao, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, hiệu quả chú trọng đầu tư thấp.

“Chỉ số bây giờ mỗi người dân VN có thể đang gánh 1.000 USD nợ lãi và xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư cho phát triển chưa ngang bằng, chi thường xuyên gần 70%, mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng”, ông Phong nói.

“Như vậy chúng ta làm 1 đồng nhưng xài 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn”.

Bất an thứ tư là thương mại hóa các quan hệ xã hội: “Đồng tiền đã chi phối mỗi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền”.

“Đáng ngại hơn là đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Minh chứng cho vấn đề này là tình trạng ‘chạy’ ở Việt Nam”, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội chỉ ra.

“Thực tế rất đau lòng, trong bụng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ. Học phổ thông các cấp, vào đại học cũng phải chạy trường chạy lớp. Rồi chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết về dẫn độ tội phạm để an thân”.

Bất an thứ năm khiến dân không an tâm, theo ông Đặng Thuần Phong, là rừng sắp hết, biển gần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau cạn kiệt dần...

“Đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số không có trong khi nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, chính sách rải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư thiếu trách nhiệm, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ lạc hậu”, ông Phong bày tỏ bức xúc.

“Đừng vì tâm tưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc, tiền có nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua được môi trường tươi đẹp đã mất và đang mất”.

Bất an thứ sáu, không kém phần nghiêm trọng, là vấn đề an toàn sống: “Bữa cơm trong nhà cũng cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Ra đường thì sợ an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp vì sợ vạ lây”.

“Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức ứng xử đạo giữa người với người”, đại biểu Bến Tre kết bài phát biểu của mình.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170609/dai-bieu-quoc-hoi-neu-6-bat-an-cua-nhan-dan/1328793.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn