Nhìn từ Sơn Trà: Quy trình đua đòi xin lỗi.. vô trách nhiệm

Anh Văn

clip_image002

Loài Voọc Sơn Trà Đà Nẵng. Ảnh: nguoitieudung

Câu chuyện Sơn Trà và loài voọc tiếp tục nóng lên trong tuần này, khi một văn bản do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xử lý Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh với những phát biểu được cho là thiếu chính xác về quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Nhưng chưa đầy 24h, văn bản đã được rút lại. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ngay sau đó đã xin lỗi Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh và dư luận về sự cố mà ông cho là “đáng tiếc”. Tiếp đó, vị thứ trưởng “nhận trách nhiệm trước Phó thủ tướng [Vũ Đức Đam]”.

Nhiều quan điểm chia sẻ với tính “hậu đậu” và có phần cẩu thả của ông, nhất là khi ông ký văn bản “đòi xử lý” chỉ vì Tổng cục Du lịch bảo do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Tạm thời chưa nhắc đến yếu tố “lợi ích nhóm” trong việc này, bài viết muốn đề cập đến vấn đề xin lỗi - trách nhiệm - và kỷ luật - những yếu tố dường như còn sơ khai đối với quan chức Việt Nam.

Cần nhắc lại, trước ông Huỳnh Vĩnh Ái, thì ông Cao Đức Phát (Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) xin lỗi và nhận trách nhiệm về việc “vu họa” cho dân trong thực phẩm bẩn; ông Đinh La Thăng (Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh) xin lỗi đến Đảng, đến nhân dân khi để xảy ra sai phạm thời còn ở tập đoàn dầu khí; ông Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng Việt Nam) cũng từng xin lỗi trước toàn Đảng, Quốc Hội, toàn dân vì những yếu kém của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng xin lỗi nhân dân vì đoàn xe nối đuôi nhau vào phố cổ Hội An,…

Có vẻ giới công chức - lãnh đạo Việt Nam đang học tập một “hình ảnh dân chủ” tại các nước tư bản, đó là khi để xảy ra sai phạm thì xin lỗi. Nhưng xin lỗi xong thì thường để đó, nếu nhích thêm một bậc nữa thì sau xin lỗi sẽ là “chịu trách nhiệm”. Còn có bị kỷ luật hay tự phê bình bản thân bằng cách rời bỏ chức vụ hay không thì thuộc diện từ hiếm cho đến hoàn toàn không có.

Thế nên, cái lời xin lỗi hay tự chịu trách nhiệm của công chức Việt Nam thường là do áp lực phải thế. Tức anh phải nín nhịn, chịu khó “ngọt” với dân đen, để dễ bề “vỗ về tụi nó”, trấn an dư luận, dẹp tan những hiềm khích theo đúng phương châm: Biến to thành nhỏ, biến nhỏ thành hư không.

Và có thể nói, ông Nguyễn Tấn Dũng là “bậc thầy” trong vấn đề này. Khi ông tươi cười và bày tỏ một cách tự hào để đáp trả yêu cầu từ chức của một ĐBQH: Tôi không chạy cũng không xin, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào Đảng và nhà nước đã phó thác. Tôi sẽ tiếp tục công tác như tôi đã làm 51 năm qua.

clip_image004

Ông Huỳnh Vĩnh Ái

Kết quả, xin lỗi đi được nửa quá trình của nó. Đó là giúp cho người dân cảm nhận quan chức Việt Nam “biết nhận sai”, và đồng thời là bảo toàn cái ghế chính trị trong thời kỳ “ghế ít, đít nhiều”.

Hệ quả, những sai phạm có liên quan đến cá nhân lãnh đạo đều được hóa hư không; tự nhận trách nhiệm lúc này không khác gì vô trách nhiệm. Trong khi đó, bên giới tư bản, mà không đâu xa là nhìn sang Nhật Bản - xin lỗi đồng nghĩa với trách nhiệm, trách nhiệm gắn với từ chức. Chính vì lý do này mà nền chính trị Nhật Bản chuyển động khá tốt, tính vì dân cao hơn, và khả năng thanh lọc đội ngũ công quyền hủ hóa, vô đạo đức… tốt.

Trở lại với câu chuyện “lời xin lỗi”, chính vì yếu tố thiếu tính chế tài về mặt xin lỗi và nhận trách nhiệm nên bao năm qua, “cán bộ ta, lãnh đạo ta, công chức ta” ngang nhiên tạo ra sai phạm rồi vứt nó cho người kế nhiệm xử lý. Nếu không xử lý được thì tiếp tục đẩy bóng sang vị khác, cho đến khi không còn ai thì đẩy lại cho dân. Chính vì vậy, ông Bộ trưởng, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng có một câu rất đúng, mà bản thân người viết tin rằng, nó khắc họa rõ nét nhất hiện trạng “xin lỗi” ở công bộc Việt Nam: Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng như vậy, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhắn nhủ du học sinh Việt Nam hãy học tập giới trẻ Nhật Bản, còn giới lãnh đạo học tập hay không thì ông… bỏ ngỏ!

Điều đó nhấn mạnh rằng, quan chức Việt Nam vẫn mải mê học đòi xin lỗi, cao hơn là chịu trách nhiệm, còn trách nhiệm thế nào, hệ quả ra sao thì để dân lo. Câu chuyện của ông Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nằm trong quỹ đạo đó! Một lời xin lỗi tưởng chừng như có trách nhiệm lại là một lời xin lỗi hoàn toàn… vô trách nhiệm! Bởi nó có gắn với chính nhiệm thực tế đâu? Do đó, nó chỉ lợi ông, nhưng hại dân, phá nước!

A.V.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/06/vntb-nhin-tu-son-tra-quy-trinh-ua-oi.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn