SÂN BAY & SÂN GOLF

Huy Đức

Thanh Niên là tờ báo đầu tiên phản đối việc xây dựng sân golf trong sân bay nhưng Tuổi Trẻ đã chọn đúng điểm rơi để đưa vấn đề trở lại. Đây là nỗ lực tốt để "hệ thống chính trị" phải đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên, theo tôi, sân golf và sân bay không phải lúc nào cũng chỉ là một vấn đề, nếu không tách bạch chưa chắc đã có thể đưa ra được chính sách đúng.

Sân golf là vấn đề tham nhũng và sự tích lũy hoang dã của các nhóm tư bản thân hữu, liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất quân đội. Sân bay là vấn đề dự báo chiến lược liên quan đến tương lai của vùng tam giác phát triển Sài Gòn - Đồng Nai - Vũng Tàu. Tôi không phải là một người nghiên cứu về hàng không để có thể đưa ra một đánh giá đúng về việc xây dựng sân bay Long Thành hay mở rộng Tân Sơn Nhất. Tôi chỉ xin nhắc lại vấn đề đất quân sự, đề tài mà tôi đã viết từ năm 1989 và dành hẳn một tiểu mục trong Bên Thắng Cuộc.

Ngày 20-4-2017, nhân sự kiện Đồng Tâm, nhà báo Dương Đức Quảng đã có một bài rất hay về đề tài ĐẤT QUỐC PHÒNG. Trong thập niên 1990, nhà báo Dương Đức Quảng là Giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí của Văn phòng Chính phủ. Ông chứng kiến những nỗ lực cả về chính sách và chính trị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhằm thuyết phục Quân đội bàn giao phần đất mà họ đang nắm giữ để sử dụng sao cho mang lại lợi ích cho quốc gia lớn nhất.

Hãy đọc ví dụ sau đây của nhà báo Dương Đức Quảng để thấy "đất quốc phòng" từng được quan niệm và đang được sử dụng thế nào: "Trong chiến tranh chống Mỹ, một đơn vị pháo phòng không Hà Nội đã bố trí trận địa ngay trên hồ Trúc Bạch để bảo vệ bầu trời thủ đô. Kết thúc chiến tranh, đơn vị pháo phòng không này đã không còn, các cán bộ, chiến sĩ đã chuyển sang các đơn vị khác, song trận địa cũ của đơn vị này vẫn tồn tại và bây giờ là đất quốc phòng. Hà Nội muốn thu hồi mảnh đất giữa hồ này nhưng không thu hồi được chỉ vì đây là đất quốc phòng. Và bây giờ chỗ trận địa pháo cũ ấy đã trở thành một nơi kinh doanh ăn uống và làm dịch vụ tổ chức sự kiện, cưới xin… do một đơn vị làm kinh tế của quân đội quản lý".

Không chỉ có "những trận địa pháo" ở Trúc Bạch, sau năm 1975, Quân đội tiếp nhận hầu hết các cơ sở quân sự của VNCH. Trước 1975, VNCH là phần lãnh thổ chiến tranh nên nguồn lực chính, trong đó có đất đai, phần lớn được dùng phục vụ cho bộ máy chiến tranh. Lẽ ra sau 1975, đặc biệt là sau 1989, đất nước bắt đầu có hòa bình, Quân đội phải giao những phần đất không còn thực sự dùng cho quốc phòng nữa và yêu cầu Nhà nước làm tốt chính sách cho quân nhân (nếu chuyển đất đó sang thổ cư thì đối tượng ưu tiên phải là những người đã và đang phục vụ trong quân đội). Việc tiếp tục chiếm giữ hoặc lấy đất chia cho các quân nhân không bắt đầu từ một chính sách chung của nhà nước đã tạo ra sự bất bình đẳng ngay chính trong quân đội. Rất nhiều người xứng đáng được cấp đất nhưng hàng vạn người lính đã hy sinh, đã trải qua nhiều năm trong chiến tranh khác đã không hề được hưởng những ân huệ đó.

Thời "Tam Nhân Phân Quyền", ông Võ Văn Kiệt không đủ sức mạnh chính trị để vượt qua đại tướng Lê Đức Anh, thuyết phục Quân đội chuyển giao đất quốc phòng. Thời kinh tế thị trường, các ông lớn "dân sự hóa" đất vàng trong các thành phố lớn âm thầm và nhẹ nhàng như móc cái chìa khóa từ trong túi quần ra - ngay cả những căn cứ quân sự khổng lồ như trận địa pháo của F367 trong Tân Sơn Nhất, như Ba Son, Tân cảng và nhà máy đóng tàu Sông Thu (Đà Nẵng)...

Sân golf xây trong Tân Sơn Nhất cho công luận một cơ hội lớn để lên tiếng. Không chỉ là mở rộng TSN hay không mà vấn đề chính là cần buộc các cơ quan quyền lực phải tuân thủ quyền lực nhà nước. Quân đội cần bao nhiêu đất để phục vụ cho mục đích quốc phòng thì dân sẵn sàng và nhà nước phải đáp ứng liền. Cần có chính sách cho sỹ quan quân đội, tại ngũ thì có khu gia binh; phục vụ bao nhiêu năm thì được cấp đất hay căn hộ và lâu dài là tinh, chuyên nghiệp hóa để lương có thể thuê hay tích lũy để mua nhà, căn hộ... Phần đất nào không còn phục vụ cho mục đích quốc phòng thì phải trả lại.

Nếu muốn sân golf không còn xây trong sân bay, cao ốc không còn mọc ra sau các bức tường quân sự, Chính phủ nên căn cứ Điều 65 của Luật Đất đai & Nghị định số 09/CP (Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 12-2-1996) để tuyên vô hiệu một số hợp đồng chuyển mục đích và chuyển nhượng đất trái thẩm quyền của một số đơn vị quân đội cũng như của các cơ quan quyền lực khác. Và, từ nay phải nghiêm cấm các đơn vị công an, quân đội, các cơ quan công quyền khác chuyển quyền sử dụng đất hay tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất (từ doanh trại, trận địa, trụ sở... sang đất phục vụ cho các nhu cầu dân sự).

Các đại biểu Quốc hội không chỉ lên tiếng mà nên ngồi lại soạn thảo một nghị quyết nhằm ngăn chặn tiến trình "dân sự hóa" một cách khuất tất đất quân đội và các loại đất chuyên dùng khác.

H.Đ.

Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/1315660125135832

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn