Dưới chân ống khói nhiệt điện

Trung Bảo

Cả một vùng đất khô cằn bên bờ biển giờ đây sáng bừng mỗi đêm với ánh điện của nhà máy nhiệt điện khổng lồ. Cũng không còn nhiều cảnh đứa trẻ đuổi bầy dê đi giữa sa mạc khô nóng với hàng cây lúp xúp mà thay vào đó là ống khói khổng lồ thải khói dày đặc lên trời cao với bãi xỉ than mênh mông. Một vùng đất đang thay đổi và sự thay đổi ấy tác động trực tiếp đến những con người sống bao đời nơi đây.

clip_image001

Ông Châu Minh Vũ chỉ vào hồ nước lọc của cơ sở nuôi tôm giống của mình than phiền: “Nước đến hồ này là đã được lọc đến lần thứ 5 rồi mà chất bẩn vẫn còn đóng cặn bên dưới. Trước đây nước đến hồ này là đã trong vắt và có thể đưa vào sử dụng cho việc nuôi tôm giống”. Cái “trước đây” mà ông Vũ nhắc tới đó là trước khi có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ở vùng Tuy Phong (Bình Thuận).

Ở vùng quê nghèo này, người đàn ông mỗi sáng có tài xế lái BMW đời mới đưa đi ăn sáng bằng bún bò là một hình mẫu thành đạt đối với người dân sống quanh đây. Cuộc sống kinh tế của một ông chủ trại tôm giống có thể cao hơn đa số những người sống quanh ông nhưng nỗi khổ tâm vì môi trường sống thì không khác, thậm chí còn hơn vì những thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp tôm giống Đại Nam của ông Vũ được coi là một trong các cơ sở lớn của vùng đất vốn là trung tâm của nghề sản xuất tôm giống của cả nước.

“Tôi đầu tư mỗi hồ nuôi tôm khoảng 20 triệu nhưng đợt bụi vừa qua làm tôi thiệt hại khoảng 50 hồ tôm giống”, ông Vũ than vãn: “Lượng tôm giống sản xuất cũng sụt giảm 30 – 40% so với trước khi có nhà máy nhiệt điện”.

Không chỉ ảnh hưởng bởi lượng bụi than thải ra khi sản xuất điện, những cơ sở nuôi tôm giống còn khổ sở vì chất lượng nước biển bị ảnh hưởng do lượng nước thải xả ra sau khi sử dụng để làm mát hệ thống của nhà máy nhiệt điện. Ông Trần Hậu Điển, chủ doanh nghiệp cùng tên, từ lâu đã đóng tàu để hằng ngày chạy ra khơi… múc nước biển đem về nuôi tôm.

Theo quy hoạch, sau nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thì sẽ còn 3 nhà máy nhiệt điện với công suất tương đương sẽ được mọc lên trên vùng đất này. Hiện nay, mỗi ngày nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải ra 4.400 tấn bụi và xỉ than. Bãi thải xỉ than rộng gần 33 hecta hằng ngày phải tưới nước rồi phủ bạt sau sự kiện người dân sống trong khu vực này phản ứng gay gắt hồi tháng 4 nhưng vẫn không ngăn được lớp bụi phủ lên mọi vật trong khu vực.

Hà, 14 tuổi, nhỏ thó như một đứa bé 10 tuổi dẫn chúng tôi đi vào khu vực thải xỉ than của nhà máy, kể: “Nhà con làm nghề biển mà gần năm nay ba con ở nhà vì đi lưới không có cá. Con nghỉ học năm ngoái giờ đi làm phụ bán quán cho người ta mỗi tháng được 2 triệu”. Kiếm được số tiền 2 triệu mỗi tháng như Hà ở lứa tuổi đó và tại vùng đất này, còn được xem là giỏi giang. Bởi, nhiều người xưa nay vốn sống nhờ vùng biển ven bờ giờ đây đành xếp lưới lên bờ ngồi vì không còn cá.

Ông Thọ, 60 tuổi, là một trường hợp như vậy. Đi biển từ khi ngoài 20 tuổi nhưng gần một năm nay ông xếp đống lưới của mình vào một góc sân để “chờ có ai mua thì bán mà chờ hoài đâu có ai mua”. Ngày trước, những tháng đầu năm thường là thời gian những ngư dân ở xóm biển nghèo này kiếm đủ tiền để trang trải cho cả năm, những tháng còn lại tuy không bằng nhưng cũng đắp đổi được.

“Ngày xưa đi ra chừng 2 lý (2 hải lý tương đương 3,6 km – PV) là có cá rồi. Bây giờ tàu chạy 4-5 hải lý mới có mà cá không bằng như hồi trước, tiền dầu thì lỗ hơn. Lúc đó mấy tháng đầu năm cũng kiếm được 60-70 triệu để dành cho cả năm” ông ngư phủ già này nói “Bây giờ tui đi vô làm ở bãi xỉ than của nhà máy, làm từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm mỗi tháng lương 6 triệu”.

Ngồi nhà nhỏ của ông Thọ ở sát khu vực nhà máy nhiệt điện, tường bị nứt nhiều chỗ vì “thời gần đây người ta nổ mìn để làm nhà máy mới”. Bà mẹ ông Thọ, mất hồi đầu năm sau những tháng nằm liệt giường, đã từng hoảng hốt la hoảng dù đang bệnh nặng “Con ơi bồng mẹ xuống hầm” khi nghe tiếng nổ mình. Bà cụ tội nghiệp tưởng rằng đó là tiếng bom thời chiến tranh.

Một nhóm ngư phủ trẻ khác đang ngồi nhậu bên hiên nhà vẫy chúng tôi đến ngồi “làm bậy mấy ly” và kể “Tụi tui đánh không có cá mà lặn xuống thì nước bên dưới khoảng 2-3 mét nóng ran, đỏ quạch. Hồi đó vùng này là mỏ tôm hùm giống còn bây giờ dưới rạng san hô chết gần hết rồi huống gì đến tôm hùm”. Đang mùa đánh bắt nhưng những ngư dân này bày ra cái đĩa với mấy khúc cá khô tanh ngòm để uống với mấy chai bia rẻ tiền. “Nhậu cho vui chớ cá tôm đâu nữa mà đi chi cho lỗ tiền dầu”, một người vừa ngà ngà men bia vừa nói.

Không một người dân nào khi trò chuyện với chúng tôi nói rằng họ được hỏi ý kiến trước khi xây dựng nhà máy nhiệt điện. Ai cũng lo lắng khi nhiều nhà máy nhiệt điện nữa sẽ được mọc lên trong tương lai. Thông tin di dời dân nhiều người cũng nghe nhưng vẫn chưa biết cụ thể mình sẽ đi đâu và mức đền bù thế nào. Sau cơn bão bụi, nghe chừng cơn bão mang tên “giải tỏa đền bù” sắp ập xuống cái làng chài nghèo này. Và cơn bão lần này không chỉ phá đi môi trường sống mà còn có thể phá luôn những giềng mối xã hội như nó từng làm ở nhiều vùng quê trên khắp đất nước này.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phải đầu tư dây chuyền xử lý xỉ than và đưa vào vận hành trước năm 2020. Đây sẽ là câu chuyện nan giải bởi vì xỉ than này là thứ hợp chất rất khó xử lý. Tuy vậy, ông Hồ Trung Phước – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Thuận, đưa cho chúng tôi xem một số mẫu gạch được làm ra từ xỉ than.

“Một doanh nghiệp ở TP. HCM đã nghiên cứu xong cách tái chế xỉ than để làm gạch. Theo yêu cầu của Thủ tướng thì Ban lãnh đạo nhà máy Vĩnh Tân phải chi trả tiền vận chuyển xỉ than đến nơi sản xuất. Nếu vậy thì giá thành một viên gạch thế này còn khoảng 300-400 đồng trong khi gạch thường hiện nay khoảng 1.800 đồng/viên, có thể cạnh tranh được”, ông Phước nói, “Chúng tôi rất khuyến khích và sẵn sàng hỗ trợ đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng những nhà máy tái chế xỉ than thành vật liệu xây dựng hoặc làm đường”.

Chuyện tương lai là vậy và cũng trong tương lai sẽ còn thêm 3 nhà máy nhiệt điện nữa mọc lên. Làng quê nghèo này sẽ thay đổi mãi mãi. Chưa thể nói sự thay đổi đó mang lại điều gì tốt đẹp cho cộng đồng dân cư nơi đây nhưng điều dễ nhận thấy nhất là môi trường sống bao đời của làng chài này giờ đây đã không còn.

T.B.

Nguồn: https://www.facebook.com/trung.bao/posts/10209658911085226

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn