Thủ tướng nên đứng ra phân xử vụ tranh chấp đất ở Đồng Tâm

Phạm Viết Đào

Từ nay đến khi Thủ tướng quay về với việc dân việc nước tôi sẽ chia sẻ lại bài này liên tục. Các bạn cũng nên chia sẻ rộng rãi bài viết của Phạm Viết Đào, một người có tầm nhìn sâu rộng, có kinh nghiệm và tri thức về thanh tra đã từng đưa sáu quan chức vào tù ở thập kỷ 90 khi anh làm thanh tra Bộ Văn hoá. Đây không phải đơn tố giác, khiếu nại hay cầu cứu, mà là một bài viết thẩm định kết quả thanh tra của Hà Nội với đất Đồng Tâm của một cán bộ thanh tra có thâm viên, sắc sảo, dày kinh nghiệm, nắm vững luật pháp, hiểu sâu từng con số, với số liệu và lý lẽ chính xác, thuyết phục. Thủ tướng cần đọc, cho dù sau khi đọc ông lờ đi thì lẽ phải của dân Đồng Tâm mà bài viết vạch ra rõ như ban ngày cũng đã nằm gọn trong lương tâm ông, có thể bị chôn vùi ở đó và cũng có thể một ngày nào đó sẽ cựa quậy và sống dậy. So với những lý lẽ rối rắm, loanh quanh, mập mờ, ấp úng và quy chụp của Nguyễn Đức Chung thì lý lẽ của bài này như mặt trời so với đèn pin, như Tiến sỹ so với học sinh trung học. Các vị ở các cơ quan công quyển và trong các nhóm lợi ích dán tem nhãn QP có thể trì hoãn, lờ đi, chứ không thể nào bác bỏ.

Đỗ Minh Tuấn

https://www.facebook.com/daodiendominhtuan/posts/1969938079907493?pnref=story

Vụ thanh tra đất ở Đồng Tâm đã công bố dự thảo kết luận thanh tra. Theo luật Thanh tra thì kết luận chính thức sẽ được công bố ngay sau đó vài tuần…

Theo người viết bài này, với chiều hướng kết luận của thanh tra đất như bản dự thảo vừa qua thì khó lòng đạt được sự đồng thuận giữa dân Đồng Tâm với chính quyền Hà Nội và Bộ Quốc phòng…

Mục tiêu của bất kỳ cuộc thanh tra nào cũng đều tìm các giải pháp thực tế, khách quan, công tâm, thấu lý đạt tình, “rút củi đáy nồi” để đạt được sự đồng thuận, để an dân… Mục tiêu của thanh tra không phải đẩy dân vào chân tường, biến dân thành đối thủ, đối địch; nhất là do xuất phát từ sự tranh chấp đất đai.

clip_image002

Cha ông từng đúc kết: “Hôn nhân, điền thổ vạn cổ chi thù”… Những tranh chấp đất đai nếu không được giải quyết khôn ngoan, thấu đáo, công tâm, tỉnh táo sẽ là mầm họa gây nên sự bất bình giữa dân chúng, chính quyền. Vì lý do đó, blogger Phạm Viết Đào đề nghị đích thân Thủ tướng nên vào cuộc vì mấy cơ sở pháp lý sau đây:

1/ Đất Đồng Tâm là đất do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thu hồi bằng Quyết định 113/TTg ngày 14/4/1980 để phục vụ mục đích xây dựng 1 sân bay quốc phòng; số đất quyết định thu hồi của dân Đồng Tâm và một số xã ở Chương Mỹ là 206 ha.
Sau khi làm xong thủ tục thu hồi đất, Bộ Quốc phòng chắc vì lý do khách quan nào đó nên đã không xây dựng sân bay, sau đó đã cắm mốc giới để đó coi là đất quốc phòng, coi như dự án thu đất xây sân bay quân sự phá sản.

Số đất này được quy tụ gần bốn chục năm trời, trong khi đó sau năm 1980, chính phủ đã ban hành liên tiếp 2 nghị định đó là Nghị định số 09/CP ngày 12 tháng 02 năm 1996 về chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; Nghị định số 69/2000/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2000 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/CP ngày 12 tháng 02 năm 1996 về chế độ quản lý sử dụng đất quốc phòng, an ninh…

Cả 2 Nghị định này đều quy định Thủ tướng là người có quyền hạn thu hồi đất và cấp đất cho các dự án an ninh quốc phòng; Bộ Quốc phòng khi tiếp nhận đất quốc phòng phải sử dụng đúng mục đích, nếu không sử dụng hết thì phải báo cáo trả lại cho Thủ tướng.
Không rõ từ năm 1980 đến năm 2003 là giai đoạn đất quốc phòng được điều chỉnh bởi các quy định của 2 nghị định trên đã được Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng như thế nào và UBND thành phố Hà Nội quản lý ra sao? Có dấu hiệu đất bỏ hoang hóa, giao cho Lữ đoàn 28 quản lý sử dụng sai mục đích? Theo dự thảo kết luận là từ năm 1981-1989.

2/ Điều 50 của Luật Đất đai 2013 quy định: Báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:

1. Trách nhiệm báo cáo hàng năm về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm…”.

Như vậy, Luật Đất đai 2013 vẫn tiếp tục quy định Chính phủ và Quốc hội mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc quy hoach, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng.
Điều 59 của Luật Đất đai 2013 không giao quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyền hạn quy hoạch và sử dụng đất quốc phòng…

Mọi diễn biến thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, thay đổi các chủ thể sử dụng đất quốc phòng phải được báo cáo cho Chính phủ và Quốc hội phê duyệt…

Sở dĩ xảy ra những lộn xộn vừa qua ở Đồng Tâm là do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Bộ Quốc phòng dự định cắt một phần đất của dự án sân bay Miếu Môn để giao cho Viettel, một doanh nghiệp kinh doanh truyền thông của Bộ Quốc phòng.

Nếu đúng như thông tin này thì đây là quyết định sử dụng đất sai mục đích của Bộ Quốc phòng, quyết định giao đất của CT UBNDTP Hà Nội vượt trái thẩm quyền vì: nếu Bộ Quốc phòng và UBND TP Hà Nội muốn chuyển đổi mục đích sử dụng, thay chủ thể nắm quyền sử dụng đất ở Miếu Môn thì phải báo cáo Thủ tướng, phê duyệt lại quy hoạch của khu đất của dự án xây sân bay Miếu Môn.

3/ Tại Đồng Tâm xảy ra việc tranh chấp đất đai: Quân đội và chính quyền thành phố cho rằng dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng; còn dân Đồng Tâm lại cho rằng: dân Đồng Tâm chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định Quyết định 113/TTg ngày 14/4/1980; chính quân đội lấn chiếm đất của dân.

Ông Bùi Văn Kỉnh, 62 tuổi phát biểu tại buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra 7/7 vừa qua: “Người dân chúng tôi bảo lưu quan điểm rằng: kết luận thanh tra nói không có đất đồng Sênh là không đúng, đây là đất cha ông chúng tôi để lại. Nhân dân chúng tôi đã gọi là đất cẩu Đồn, từ thời thực dân Pháp đóng quân. Trong quá trình đo đạc mới nhất là không chính xác. Dự thảo thanh tra có nói đơn người dân Đồng Tâm không chính xác về diện tích đất, nhưng chúng tôi khẳng định chân lý, duy nhất chỉ có quyết định 113/TTg thu hồi 47,36 ha đất Đồng Tâm, chúng tôi luôn tuân thủ không xâm chiếm. Đề nghị Quốc phòng phải tuân thủ, phải có cuộc đo đạc lại nghiêm túc khu đất cẩu Đồn và đất Đồng Sênh”. Ông Kỉnh đề nghị các cấp có thẩm quyền đo đạc tỉ mỉ cùng với sự chứng kiến của người dân cả khu đất cẩu Đồn và đất Đồng Sênh, trừ đi 47,36 ha đất sẽ ra bao nhiêu diện tích đất của người dân đang sử dụng. Nếu nói đất của nông trường chè Lương Mỹ nằm trên đất Đồng Tâm phải cung cấp được văn bản, số liệu chứng minh…” (Thanh Niên)

Đứng về lôgich hình thức, mặc dù người viết chưa từng đến Đồng Tâm, qua số liệu do đoàn thanh tra công bố thì rõ ràng quân đội đã lấn chiếm đất của dân chứ kết luận lấn chiếm đất quốc phòng là sai.

Quyết định 113 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ giao 206 ha, thế nhưng ông Nguyễn An Huy, Phó chánh thanh tra Hà Nội công bố sáng 7 tháng 7 cho biết: “Theo quyết định 113 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ, và tỉnh Hà Sơn Bình năm 1981, Hà Nội năm 2014, kết quả đo đạc kiểm tra mốc giới sân bay Miếu Môn ngày 21.6 thì từ năm 1981 đến nay, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn được giới hạn bởi các mốc giới bê tông cốt thép được cắm trên thực địa còn nguyên, là đất quốc phòng, do các đơn vị quốc phòng quản lý và sử dụng, có diện tích 236,9 ha, tăng 28,9 ha so với diện tích trong quyết định 113…”.

Sự việc rõ như ban ngày như vậy: Chính phủ chỉ ra quyết định thu hồi 206 ha, khu đất bây giờ do cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đo đạc lên tới 236,9 ha ? Đất đâu có khả năng đẻ ra đất?

Vậy thì quân đội không lấn của dân Đồng Tâm thì lấn của ai mà diện tích lên tới 236,9 ha? Nếu nói là lấn của Trung Quốc thì phải lên Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, ra Biển Đông… Ở Đồng Tâm số đất dôi ra chỉ có thể do đơn vị này đã lấn đất của dân…

Ông Bùi Văn Kỉnh đại diện cho dân cũng đã phát biểu một cách đúng mực, hiền hòa, nào có đòi hỏi kích động gì? Số liệu do Bộ Quốc phòng và Đoàn thanh tra nêu trong kết luận thanh tra chức có phải do dân Đồng Tâm tự đo đạc rồi hô lên rằng: Quân đội đã lấn của dân Đồng Tâm 28,9 ha đâu?

Ngay việc cầm nhầm, lấn quá 28,9 ha này đoàn thanh tra cũng đã kết luận là sai và yêu cầu Bộ Quốc phòng cho kiểm điểm do không báo cáo Thủ tướng điều chỉnh lại quyết định giao đất… mặc dù đã “cầm quá” 28,9 ha… gần 40 năm? Đây là một dạng “phạt cho tồn tại” của ngành thanh tra xây dựng…

Một trong 10 lời thề của quân nhân đó là “không lấy của dân”? Thế mà?
Nếu lấy mà để phục vụ cho xây dựng sân bay Miếu Môn, phục vụ mục đích quốc phòng thì dân Đồng Tâm cũng yên lòng; đằng này thu hồi đất xong, cắm mốc quay lại bỏ hoang đó, có thời còn phát canh thu tô, cho dân thuê canh tác nộp tô 100.000 đ/sào (theo thông tin báo chí đưa). Mãi tới 2012 mới thôi không phát canh thu tô nữa. Nghe mà ngậm ngùi cám cảnh cho dân Đồng Tâm.

Kết luận của đoàn thanh tra nêu: số đất dôi ra 28,9 ha không không phải của dân Đồng Tâm mà của nông trường Lương Mỹ. Nếu như vậy thì vẫn là của dân ta chứ không phải của Trung Quốc, không phải của Mỹ???

Ông Bùi Văn Kình cho rằng “Đây là đất cha ông chúng tôi để lại. Nhân dân chúng tôi đã gọi là đất cẩu Đồn, từ thời thực dân Pháp đóng quân”; ”Nếu nói đất của nông trường chè Lương Mỹ nằm trên đất Đồng Tâm phải cung cấp được văn bản, số liệu chứng minh…”.

Theo người viết bài này, chính lãnh đạo Lữ đoàn 28 là những người biết phải trái, liêm sỉ nên khi kê khai để xin cấp sổ đó, họ chỉ dám kê khai đề nghị 208 ha đất. Họ không xưng xưng nhận vơ, nhận xằng cái phần lấn sang đất của dân và yêu cầu nhà nước công nhận. Thế mà Thanh tra Hà Nội nhân danh cơ quan chuyên môn chỉ tuân thủ pháp luật, lại không nhận ra đâu là phải trái, liêm sỉ, đúng sai quay sang quy chụp cho dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng? Lại cho hành động biết phải trái liêm sĩ của một số cán bộ ở Lữ đoàn 28 là sai?

4/ Phát biểu tại buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra khi trả lời câu hỏi đất quốc phòng là đất gì, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết ở cương vị và cấp của ông cũng chỉ biết đất quốc phòng là đất quốc phòng.

Ông Nguyễn Đức Chung có thể trả lời như vậy nhưng Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội không thể không biết mục đích sử dụng lâu dài của 238,9 ha đất thuộc diện bờ xôi ruộng mật ở Mỹ Đức, Chương Mỹ?

Với trách nhiệm là cấp ra quyết định cấp đất cho dự án quốc phòng, Thủ tướng cần vào cuộc với các hình thức sau:

- Yêu cầu Bộ Quốc phòng báo cáo quy hoạch sử dụng lô đất này vào mục đích phòng thủ, quốc phòng là mục đích gì?

Trước đây đã dự kiến định xây sân bay quân sự nhưng không khả thi nên thôi; Vậy thì bây giờ muốn quy hoạch lại Thủ tướng phải được biết và phải chịu trách nhiệm về quy hoạch và sử dụng đất ở Miếu Môn sao cho hợp lý, kinh tế và khoa học.

Nếu Bộ Quốc phòng không thuyết phục được chính phủ, không có dự án thật sự vì mục đích quốc phòng mà chỉ vì mục đích kinh doanh thì cái “nhãn mác” đất quốc phòng đã bị nhóm lợi ích nào đó lợi dụng… Do đó Thủ tướng nên thu hồi lại 236,9 ha này trả lại cho dân để hạn chế bớt các nhóm lợi ích ở Bộ Quốc phòng cứ thấy đất là mờ mắt, vác súng ống, ôm tiền lao vào thì chí nguy…

Với những bàn tay sắt như Giang Trạch Dân, Vương Kỳ Sơn, Tập Cận Bình mà còn gờm mấy ông tướng làm kinh tế của Trung Quốc nên đã phải hủy để ngăn chặn bớt nạn kiêu binh coi trời bằng vung, bất cố liêm sỉ…

Năm 2011, chính Bộ Quốc phòng đã từng có công văn đề nghị Chính phủ xây dựng sân golf tại khu đất định xây sân bay Miếu Môn:

“Bộ Xây dựng vừa gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ đề nghị làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng 176 ha đất quốc phòng thuộc Trường bắn Miếu Môn (Hà Nội) để xây dựng sân golf.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành về việc Bộ Quốc phòng kiến nghị xây sân golf tại Trường bắn Miếu Môn.

Theo Bộ Xây dựng, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 cũng như quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó không có quy hoạch xây mới sân golf tại khu vực Miếu Môn…”

(Đất trường bắn được đề xuất chuyển thành sân golf http://vnexpress.net/…/dat-truong-ban-duoc-de-xuat-chuyen-t… -Thứ sáu, 11/11/2011 | 15:31 GMT+7)

Hy vọng Thủ tướng và Chính phủ tỉnh táo trong vụ đất Đồng Tâm, Chính phủ cần yêu cầu chính quyền Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ có báo cáo, làm sáng tỏ các vấn đề liên quan tới đất đai ở Đồng Tâm trước khi Thanh tra Hà nội công bố kết luận chính thức…

Vụ Đồng Tâm tầm có mức nghiêm trọng và các hệ lụy xã hội lớn hơn nhiều vụ “Quán Xin chào” và nhiều vụ đích thân Thủ tướng đã vào cuộc… Nếu Thủ tướng không vào cuộc để “rút củi đáy nồi”, phân xử cái vụ tranh chấp ở Đồng Tâm do chính các đơn vị nhân danh lợi ích quốc phòng gây ra, biến thương trường thành chiến trường.
Vụ này nếu không giải quyết ổn thỏa, đúng pháp luật sẽ làm chính phủ mang tiếng không liêm chính, không kiến tạo, bị các nhóm lợi ích lôi kéo, phù phép…

P.V.Đ.
Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=452449575126742&set=a.119555455082824.1073741828.100010851102141&type=3&theater

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn