Với mạng xã hội, những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, bất chấp bị đàn áp thẳng tay

Julia Wallace – The New York Times, 2/7/2017

La Hồng dịch

clip_image002

Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động nhân quyền, cho biết khi công an thẩm vấn anh vào năm 2011, anh không có ai để trông cậy. Nhưng giờ đây với những người ủng hộ trên Facebook, “Tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa” - anh nói. Hình: Quinn Ryan Mattingly

HÀ NỘI, Việt Nam – Một blogger nổi tiếng và là nhà hoạt động môi trường tại Việt Nam đã bị kết án 10 năm tù tuần trước vì tội đe dọa an ninh quốc gia, trong đó có tội tuyên truyền chống nhà nước trên mạng xã hội.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến với biệt danh trên mạng Mẹ Nấm, đã bị giam giữ không liên lạc được từ lúc bà bị bắt vào tháng Mười, và việc tham dự phiên tòa xét xử bà đã bị kiểm soát chặt chẽ.

Nhưng chỉ một giờ sau khi phán quyết được đưa ra vào thứ Năm, một trong số những luật sư của bà Quỳnh đã tóm lược những tranh luận của mình và đăng lên trang Facebook có 61.000 người theo dõi của ông lời nói sau cùng của bà Quỳnh tại phiên tòa.

Theo luật sư, bà đã nói: “Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn”. Tuyên bố này được đăng lại hàng ngàn lần sau đó.

Trong chế độ toàn trị ở Việt Nam, internet đã trở thành một diễn đàn thực sự cho những tiếng nói bất đồng chính kiến trong nước gia tăng. Đặc biệt, kết nối trên Facebook đã huy động được sự phản đối các chính sách của chính phủ. Nó đóng vai trò quan trọng trong phần lớn các cuộc biểu tình chống lại việc xử lí của nhà nước về một thảm họa môi trường vào năm ngoái. Hiện nay, chính phủ đang siết chặt internet, bắt giữ và đe dọa các blogger và buộc kiểm duyệt những nội dung xuất hiện trên Facebook và YouTube của họ.

“Facebook đang được sử dụng như một công cụ tổ chức, như một công nghệ tự xuất bản, như một thiết bị giám sát cho biết khi nào người dân bị giam giữ và được thả”, Phil Robertson, phó giám đốc của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tại Châu Á, cho biết.

Facebook đang được sử dụng “để kết nối các cộng đồng mà nếu không có nó thì sẽ không được nối kết”.

Nguyễn Anh Tuấn, 27 tuổi, một nhà hoạt động vì dân chủ, nói rằng việc ngày càng có nhiều người bất đồng chính kiến dấn bước kết nối thông qua mạng xã hội đã khuyến khích ông.

Ông cho biết khi công an thẩm vấn ông lần đầu tiên năm 2011, ông cảm thấy hoàn toàn đơn độc. Cha mẹ và bạn bè không tán thành các bài viết chính trị của ông, và ông biết rất ít người ông có thể trông cậy sự giúp đỡ.

Ông Tuấn vẫn đối mặt với sự sách nhiễu của công an và hộ chiếu của ông bị tịch thu. Nhưng trong lần bị gọi đến để thẩm vấn gần đây nhất, ông đã đăng một bản sao giấy triệu tập lên Facebook cùng với một lời ghi chú châm biếm đòi được trả tiền cho khoảng thời gian ông đã mất khi bị canh giữ.

Ghi chú này lan truyền, và những người khác làm theo, đăng giấy triệu tập của chính họ lên Facebook và đòi được bồi thường. “Tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa khi hoạt động xã hội”, ông nói.

Những người dùng Facebook ở Việt Nam – con số hiện nay là 45 triệu người, gần nửa dân số quốc gia – sử dụng trang mạng này để tổ chức các cuộc thăm viếng tại nhà giam và canh thức bên ngoài đồn công an với những người bị bắt giữ, và kêu gọi quyên góp cho các tù nhân chính trị. Và các nhà bất đồng chính kiến đang ngày càng chuyển từ trang blog chính trị và cá nhân, vốn dễ bị chính phủ ngăn chặn, sang Facebook, là trang được sử dụng rộng rãi và việc ngăn chặn là hoàn toàn bất khả thi.

clip_image004

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Việt Nam được biết với tên Mẹ Nấm, tại phiên tòa hôm thứ Năm. Một luật sư đã đăng lời tuyên bố của bà lên Facebook. Hình: Agence France-Presse — Getty Images

Ông Tuấn giúp điều hành một nguồn quỹ hỗ trợ gia đình các tù nhân lương tâm, bao gồm cả mẹ của bà Quỳnh và hai con nhỏ. Ông cho biết hiện nay phần lớn sự hỗ trợ đến từ những người trong nước gửi tiền qua tài khoản ngân hàng cá nhân, mà nhà nước có thể theo dõi. Ông nói, trong quá khứ thì những cộng đồng người Việt ở hải ngoại cầm chịch hầu hết sự bất đồng và cung cấp phần lớn tiền.

“Họ biết rõ rằng họ có thể bị chính phủ kiểm soát, nhưng họ dám làm như vậy”, ông nói về các nhà tài trợ trong nước.

Không phải chính phủ làm lơ chuyện đó, khi họ luôn muốn khẳng định quyền lực của mình theo những cách thức mới. Bà Quỳnh là một trong hơn 100 blogger và nhà hoạt động bị giam giữ tại Việt Nam, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Phạm Minh Hoàng, một blogger nổi tiếng khác, đã bị tước quyền công dân và bị trục xuất sang Pháp, nơi ông cũng giữ quốc tịch, vào tuần trước.

Chính phủ đã đưa ra chiến lược cắt quyền truy cập Facebook vào thời điểm được trông đợi các cuộc biểu tình diễn ra, và vào đầu năm nay, chính phủ đã yêu cầu cả Facebook và YouTube giúp loại bỏ các tài khoản giả mạo và các nội dung “độc hại” khác, như các tài liệu chống chính phủ, họ bảo rằng có hơn 8000 video trên YouTube có nội dung như vậy, theo báo Tuổi Trẻ. Chính phủ cũng cảnh báo các công ty Việt Nam rằng quảng cáo của họ không được xuất hiện cạnh những nội dung loại đó.

Facebook cho biết chính sách của họ là tuân theo luật lệ khu vực, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã xóa nội dung ở Việt Nam cho đến nay.

Nguyễn Quang A, một nhà khoa học máy tính đã nghỉ hưu và là cựu Đảng viên Đảng Cộng Sản, hiện nay là một nhà bất đồng chính kiến, nói rằng ông cảm thấy tình hình nhân quyền đang tệ hơn bao giờ hết.

Tuần trước, ngay trước một buổi phỏng vấn đã lên kế hoạch, ông bị cảnh sát đưa lên xe ngay gần nhà và lái suốt năm tiếng rưỡi đến bờ biển rồi trở lại. Ông cho biết ông đã bị bắt giữ tương tự như vậy 11 lần khác trong một năm rưỡi qua.

Ông cho rằng chính phủ đang gặp áp lực ngày càng tăng từ phía những công dân thất vọng với cách xử lí vấn đề môi trường và đất đai gần đây của chính phủ. Khi vụ đổ hóa chất ở công ty thép Formosa giết hàng tấn cá hồi năm ngoái, sự phẫn nộ đã kết liên lại qua mạng, nơi các cuộc biểu tình được tổ chức, những bức ảnh về thảm họa lan truyền nhanh chóng và hashtag #Ichoosefish (#Tôichọncá) trở thành lời hiệu triệu.

Ông Quang A nói: “Tôi nghĩ rằng họ quá sợ hãi. Họ nhìn thấy tình hình quá nguy hiểm với mình, và họ nhìn những nhà hoạt động vì hòa bình như là kẻ thù rất nguy hiểm”.

Trong một báo cáo hồi tháng trước, tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã mô tả chi tiết cái được gọi là “xu hướng đáng ngại” khi các blogger và nhà hoạt động bị đánh đập trên đường bởi những tên “côn đồ” [tiếng Việt trong nguyên văn – người dịch]. Đã có 36 cuộc tấn công như vậy từ tháng Một năm 2015 đến tháng Tư năm nay, chỉ một vụ trong số đó là được cảnh sát điều tra.

Báo cáo dựa một phần vào chính hình ảnh và video mang thương tích của các nhà hoạt động, thường quay rung lắc bằng điện thoại thông minh và nhanh chóng được chia sẻ trực tuyến.

Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Leiden ở Hà Lan, cho biết mặc cho những đàn áp gần đây, internet đã làm chuyển dạng xã hội một cách “đáng kinh ngạc và đầy hi vọng” trong thời gian ngắn.

“Điều đáng chú ý là trong một quốc gia mà cách đây 15 hoặc 20 năm có tỉ lệ sử dụng điện thoại thấp nhất thế giới đã nhanh chóng đẩy mạnh kỷ nguyên của tin tức 24/24 và những chỉ trích xã hội và chính trị liên tiếp có thể tiếp cận được đến mọi người”, ông nói.

Phạm Anh Cường, 45 tuổi, một kĩ sư điện, không bàn về chính trị cho đến hai năm trước, khi nhà hoạt động mà ông theo dõi trên mạng, Nguyễn Chí Tuyến, 43 tuổi, bị năm người đàn ông đánh nghiêm trọng. Ông Cường đã nhìn thấy những tấm ảnh với gương mặt đầy máu của ông Tuyến và bị đánh động bởi sự tàn bạo của vụ tấn công.

Ngày nay, ông tự xem mình là “người cất lên tiếng nói của mình”, nếu không hoàn toàn là một nhà bất đồng chính kiến. Mục tiêu của ông là chia sẻ thông tin với gia đình và bạn bè, thay vì phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông chính thống mà gần như thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà nước.

clip_image006

Phạm Anh Cường, bên trái hình, đã được đánh động bởi những tấm ảnh trực tuyến cho thấy một nhà hoạt động đã bị đối xử tàn bạo như thế nào; Nguyễn Chí Tuyến, bên phải hình, đã bị năm người đàn ông đánh, khiến ông trở nên cương trực hơn về mặt chính trị. Hình: Quinn Ryan Mattingly

“Lần đầu tiên khi viết trên Facebook, thậm chí không ai “like” nó” – họ sợ phải nhấn vào nút like”, ông nói. “Bây giờ mọi người bắt đầu like và họ cũng bắt đầu chia sẻ”.

Khi ngoại tuyến, hiện tại, ông xem ông Tuyến và những nhà bất đồng khác là bạn, và vài người trong số họ chơi trong cùng một đội bóng, câu lạc bộ bóng đá No-U (No-U FC) (“No-U” là đường có dạng chữ U đánh dấu sự xác nhận lãnh thổ mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông, một sự kiện đã khích động nhiều nhà bất đồng Việt Nam vài năm trước). Một trang Facebook theo dõi tỉ mỉ những trận thắng và thua của đội bóng, cũng như những lần ẩn trốn thường xuyên của các thành viên trước lực lượng an ninh.

Tuần trước, trong một quán cà phê ở Hà Nội, hai người bạn đã cùng trò chuyện, hút thuốc và kiểm Facebook. Họ chú ý đến câu chuyện truyền thông của nhà nước chỉ trích vào Mẹ Nấm vì đã nhận giải thưởng là tiền mặt từ một tổ chức nhân quyền ở Stockholm. Ông Tuyến ngay lập tức đã tag (gắn thẻ trên Facebook) một nhà ngoại giao người Thụy Điển vào để báo động đến bà vụ việc này và yêu cầu tổ chức nhân quyền cho bình luận.

Hai người bắt đầu vuốt màn hình trở lại.

“Đây là tin từ một người bạn của tôi, một bác sĩ ở Sài Gòn, người vừa nghe tin rằng Mẹ Nấm đang mắc nợ”, ông Tuyến nói.

“Vị bác sĩ ở Sài Gòn đã lên tiếng rằng chúng ta nên góp tiền cho gia đình cô ấy”, ông nói.

Ông gõ một lát rồi nhìn trở lên.

“Tôi vừa ghi bình luận, “Tôi sẽ tham gia”.”

J. W.

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn