Người dân ở đâu trong các dự án BOT?

Ngọc Lễ

clip_image002

Trạm thu phí ở thị xã Cai Lậy, Tiền Giang

Các dự án BOT về giao thông đường bộ cần phải lắng nghe ý kiến của người dân với tư cách là đối tượng cuối cùng hưởng lợi cũng như phải bỏ tiền túi ra chi trả cho các dự án này, một kinh tế gia từ trong nước nói với VOA.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nói việc đặt trạm thu phí ở chỗ nào để tuân theo bài toán tài chính của nhà đầu tư là lý lẽ ‘không thuyết phục’ và ‘nhà đầu tư bỏ tiền ra ở chỗ nào thì chỉ được đặt trạm ở chỗ đó thôi’.

“Bộ Giao thông-Vận tải và nhà đầu tư thỏa thuận với nhau bất chấp quyền lợi của người dân. Nói cho cùng thì tất cả các chi phí nhà đầu tư bỏ ra cũng chính là do người dân chi trả thì việc đặt trạm thu phí chỗ nào thì người dân phải chấp nhận mới được”, bà Lan nói.

Vẫn theo kinh tế gia này, do không có sự giám sát của người dân nên phần lớn các dự án BOT đều có nhiều khuất tất.

Trong lúc này, một quan chức cấp cao của Bộ Giao thông-Vận tải đã kêu gọi đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư tại dự án BOT đường tránh thị xã Cai Lậy. Ông cũng khẳng định rằng sẽ “không có chuyện di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy” theo yêu cầu của những người phản đối.

Trong khi đó, sự phản đối của cánh tài xế đối với trạm thu phí Cai Lậy vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Bộ Giao thông-Vận tải hôm 16/8 thông báo sẽ giảm vào khoảng 1/3 mức phí.

Nhiều ý kiến cho rằng vị trí của trạm thu phí, chứ không phải mức phí, mới là vấn đề. Trạm thu phí đường tránh được đặt trên tuyến Quốc lộ 1 nên nhiều người không có mục đích sử dụng đường tránh cũng bị thu phí.

Cuộc họp bàn phương án giải quyết tình hình căng thẳng tại trạm thu phí Cai Lậy hôm tại Hà Nội hôm 16/8 có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư, báo chí trong nước đưa tin. Cuộc họp không có sự tham gia của các hiệp hội vận tải đại diện cho các tài xế phản đối trạm thu phí Cai Lậy trong thời gian qua.

Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải và là người từng chỉ đạo dự án đường tránh Thị xã Cai Lậy, nói tại buổi họp báo vào chiều ngày 17/8 rằng vị trí đặt trạm được chủ đầu tư đề xuất đã được “nghiên cứu kỹ” và đã hỏi ý kiến của chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính. Ông Đông không đề cập đến việc tham khảo ý kiến của các hiệp hội vận tải vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp của trạm thu phí này.

Bà Phạm Chi Lan cho biết:

“Những gì xảy ra ở các trạm thu phí BOT trong những năm qua đã gây bức xúc cho người dân. Bộ Giao thông-Vận tải, chính quyền địa phương và nhà đầu tư tự thỏa thuận với nhau. Họ dễ dàng đồng tình với nhau mà không lắng nghe ý kiến của người dân. Họ đã có thói quen không nghe dân nên sẽ bất chấp người dân có thể phản ứng”.

“Tất cả các dự án hạ tầng có liên quan đến người dân thì cần hỏi ý kiến dân, ít nhất phải có ý kiến của cộng đồng sinh sống ở đó để xem người ta có đồng tình không, trạm thu phí đặt ở chỗ nào, chất lượng ra sao. Đã có nhiều tiêu cực xảy ra trong các dự án BOT chẳng hạn báo chí phát hiện ra con đường được làm không rộng như trong dự án nhưng nhà đầu tư vẫn tính tiền đủ”, bà Lan nói thêm.

“Quốc hội là đại diện cho nhân dân phải có trách nhiệm giám sát các dự án BOT chứ không thể để người dân thấy là các cơ quan nhà nước và các cơ quan đại diện cho dân như Quốc hội, Hội đồng nhân dân chỉ đứng về phía lợi ích nhà đầu tư chứ không đứng về lợi ích của họ”.

Bà Lan cũng cho rằng Nhà nước trong thời gian qua đã “lạm dụng các dự án BOT quá nhiều” dẫn đến việc “các nhà đầu tư được chiều chuộng quá đáng”.

“Người dân là người trả tiền cuối cùng cho dự án chứ không phải nhà đầu tư. Nhà đầu tư thì chắc chắn có lời, thậm chí là lời rất nhiều nên tại sao các nhà đầu tư nhảy vào các dự án BOT nhiều đến thế”, bà Lan nói.

“Họ (nhà đầu tư) lời như vậy nhưng lại không tính toán sòng phẳng với người dân. Hoặc là do quản lý nhà nước kém, hoặc là có sự móc ngoặc giữa nhà đầu tư với chính quyền”, bà Lan đặt vấn đề.

Khi được hỏi dựa vào đâu để nói rằng có sự móc ngoặc, bà Lan nói người dân có bao giờ được biết các dự án BOT sắp xếp ra sao, tính toán như thế nào vì tất cả đều được bàn tính riêng mà không có sự giám sát của bên thứ ba nên nếu có chuyện xảy ra thì họ ‘có quyền nghi ngờ’.

“Chẳng hạn như dự án Cai Lậy báo chí đưa có bảy cây cầu nhưng trên thực tế khi xây dựng lại chỉ có năm cây cầu thôi. Nếu không có sự móc ngoặc thì tại sao lại xảy ra chuyện như vậy được mà họ vẫn công nhận chi phí nhà đầu tư bỏ ra là cả ngàn tỷ để định ra mức thu phí rất cao như vậy trong khi sự gian dối của nhà đầu tư không được bóc tách ra?”

Bà Lan đề xuất các dự án BOT phải có sự minh bạch trong quá trình làm và phải thông qua quá trình đấu thầu để chọn được nhà đầu tư tốt nhất và phải có sự giám sát để đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng và đủ khối lượng cũng như chất lượng đã cam kết.

Tại buổi họp báo ngày 17/8, khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại sao dự án đường tránh Cai Lậy lại là chỉ định thầu chứ không cho đấu thầu, ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban Đối tác Công tư của Bộ Giao thông-Vận tải, nói rằng luật cho phép trong trường hợp cấp bách thì được chỉ định thầu và do cần làm “giảm ùn tắc nghiêm trọng” tại thị xã Cai Lậy vào năm 2013 Bộ đã báo cáo Chính phủ để xin chỉ định thầu và được Chính phủ cho phép, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ và báo mạng VnExpress.

Về giải pháp mà Bộ mới thông báo là giảm phí qua trạm Cai Lậy, bà Lan cho rằng đó là “điều cần thiết” nhưng lẽ ra “nếu ngay từ đầu nếu Bộ đặt ra mức phí hợp lý chứ không nghe theo nhà đầu tư thì đâu có xảy ra việc người dân phản ứng như vậy”.

Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng cần phải di dời trạm thu phí theo ý kiến của người dân vì trạm thu phí hiện nay “thu tiền của những người lẽ ra không phải trả tiền”.

Riêng vụ dự án thiếu hai chiếc cầu mà báo chí phanh phui, bà yêu cầu cần phải thanh tra toàn diện dự án xem chuyện gì đã xảy ra để tìm hiểu xem nhà đầu tư có “cố tình gian lận, làm không đủ mà vẫn tính tiền đủ hay không” để từ đó buộc nhà đầu tư phải giảm giá thành xuống.

Cũng tại buổi họp báo hôm 17/8, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói rằng “không có lý do gì” để di dời trạm thu phí vì vị trí đặt trạm “nằm trên dự án”.

“Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn”, ông Đông được VnExpress dẫn lời nói và cho biết Nhà nước hiện “không có tiền nên không thể bỏ tiền ra mua lại dự án đường tránh Cai Lậy từ nhà đầu tư”.

Trong khi đó, tờ Người Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT Tiền Giang (chủ đầu tư dự án) nói rằng nếu Nhà nước quyết định di dời trạm thu phí vào đường tránh thì họ “sẽ trả lại dự án cho Nhà nước” vì họ sẽ không thể đảm bảo thu hồi vốn trong khi phải “trả lãi ngân hàng mỗi tháng 10 tỷ đồng”.

N.L.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-o-dau-trong-cac-du-an-bot/3990257.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn