Nguồn cơn nào khiến VN phải ‘đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi’?

Thiền Lâm

Việt Nam – Cali Today News – Năm 2017 đang chứng quả cái hậu của nạn tham nhũng không đáy, phong trào xây dựng vô số trụ sở hành chính và tượng đài ngàn tỷ của những năm trước. Trong tình cảnh căn bệnh bội chi ngân sách vẫn không hề thuyên giảm, năm nay rất có thể còn phải chứng kiến một chấn động về hụt thu ngân sách so với dự toán: 11%.

Nhưng cứ vào mỗi lúc ngân sách trở nên khốn quẫn, “trong cái khó lại ló cái khôn”. Mới đây, Bộ Tài chính một lần nữa đề xuất Luật thuế tài sản, trong đó nhắm tới những loại tài sản lớn như nhà, đất. Theo đó, nhiều khả năng từ năm 2018 chắc chắn sẽ đánh thuế những cá nhân sở hữu căn nhà thứ hai trở đi.

Bộ này lấy lý do là hiện có nhiều khoản thu liên quan đến bất động sản thông qua các chính sách thuế, phí và lệ phí nhưng chưa có thuế tài sản hoặc thuế bất động sản như thông lệ quốc tế; chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước vì số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,03% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, ở nhiều nước thu từ thuế tài sản, đặc biệt thu từ thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tại Canada tỷ lệ này là 4% và tại Mỹ là 1-3%. Còn tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi…

Trong các lý do trên, lý do đầu tiên và chắc hẳn quan trọng nhất là “Chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước”.

clip_image002

Ngân sách “thủng túi”. Ảnh: Tinmoi

Vậy làm thế nào để tạo ra được “nguồn thu ổn định”?

Bộ Tài chính cũng là cơ quan đắc lực trong việc “sáng tạo” các loại phí, lệ phí và thuế má.

Thuế, phí ở Việt Nam lại thuộc hàng cao nhất trong khu vực, đang bào mòn khủng khiếp sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải dành khoảng 39,4% lợi nhuận để nộp thuế. Đây là một tỉ lệ rất cao so với mức 18,4% của Singapore, 27,5% của Thái Lan, 29,7% của Indonesia…

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đưa ra con số cho thấy người Việt đang gánh tỉ lệ thuế, phí trên GDP cao gấp 1,4 – 3 lần so với khu vực. Cụ thể, trung bình giai đoạn 2007-2012, tỉ lệ thuế, phí/GDP của Việt Nam là 21,6% trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Myanmar 15,5%, Indonesia 12,1%…

Vào đầu năm 2017, một lần nữa trong hai năm liên tiếp, Bộ Tài chính lại tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng mà bị dư luận phản ứng dữ dội.

Trong liên tiếp hai năm 2015 và 2016, ngân sách trung ương đã hụt thu đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng do giá dầu thế giới giảm khoảng 40% so với thời điểm năm 2014. Trong năm 2017 này, số hụt thu như thế rất nhiều khả năng vẫn không được cải thiện, đang khiến giới lãnh đạo chóp bu đứng ngồi không yên vì không biết sắp tới sẽ lấy tiền đâu để trả lương cho đội ngũ công chức gần 3 triệu người, với ít nhất 30% trong số đó bị dư luận đánh giá là “không làm gì cả mà vẫn đều đều lãnh lương”.

Trong khi đó, những con số được công bố bởi Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 584,6 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 48,2% dự toán năm.

Có thể cho rằng đây là kết quả thu thấp hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây. Bởi vào những năm trước, kết quả thu thường đạt đến 49% hoặc thậm chí vượt hơn 50% sau 6 tháng đầu năm.

Một trong những “hố đen” khác trong thu ngân sách chính là phát “trái phiếu chính phủ”. Nếu những năm trước cơ chế tài chính này vẫn thường “vắt” được của giới ngân hàng thương mại đến 280 ngàn tỷ đồng, thì năm 2017 đã phải giảm chi tiêu này xuống còn 180 ngàn tỷ đồng, tức sụt đến hơn 30%.

Hơn 30% cũng là tỷ lệ sụt giảm của lượng kiều hối của “kiều bào ta” gửi về quê nhà trong năm 2016 so với năm 2015 – từ 13,5 tỷ USD đã rớt xuống còn 9 tỷ USD.

Trong khi đó, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ tháng Bảy năm 2017.

Có thể hiểu, chủ trương “đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi” nằm trong số ít cố gắng cuối cùng của thể chế chính trị nhằm duy trì tuổi thọ được chăng hay chớ của nó.

Nguồn: http://www.baocalitoday.com/viet-nam/nguon-con-nao-khien-vn-phai-danh-thue-can-nha-thu-hai-tro-di.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn