Đại điều chỉnh Kế hoạch nhà nước

Trần Phương

Đó là tiêu đề một tiểu mục trong cuốn hồi kí thuộc tủ sách gia đình của GS Trần Phương, cựu Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản, cựu Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, viết về thời gian ông làm Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch nhà nước (1978-1981). Giữa lúc cả nước "lên đồng", tan nát vì hàng loạt tập đoàn Vina, hàng loạt siêu dự án, BVN chọn đăng tiểu mục này để "ôn cố tri tân", giúp bạn đọc thấy rõ hơn sự tiếp nối bản chất của các thế hệ đảng viên cộng sản ở Việt Nam.

Bauxite Việt Nam

Chỉ hơn một năm sau khi bước vào nghề kế hoạch, tôi trình Bộ Chính trị một dự án đại điều chỉnh đối với Kế hoạch nhà nước.

Khi xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ II (1976-1980), tất cả các ngành, các cấp đều đánh giá quá cao tiềm lực và thuận lợi, từ đó, đề ra chủ trương tiến lên quá nhanh, xây dựng quá nhiều. Ngành nào, địa phương nào cũng muốn vượt lên, tranh thủ kĩ thuật - công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Trong khi đó thì vì thiếu kinh nghiệm, không biết rằng có được thiết bị toàn bộ từ nước ngoài chưa có nghĩa là đã xây dựng được nhà máy. Còn phải có nguồn vốn tích lũy trong nước bằng 1 hoặc 2 lần giá trị của thiết bị toàn bộ. Số vốn tích lũy trong nước thậm chí còn lớn hơn, nếu những công trình phụ trợ như điện, nước, đường sắt, đường bộ, bến cảng không có sẵn. Có được nhà máy rồi, còn phải có nguyên liệu, phụ liệu để nuôi nhà máy. Những thứ này trong nhiều trường hợp phải nhập khẩu phần lớn.

Vì thiếu kinh nghiệm như đã nói trên, trong mấy năm đầu của kế hoạch, đã kí kết nhập khẩu (bằng tiền vay nợ) 350 công trình, trị giá 1,5 tỉ rúp và 1 tỉ đô-la. Qua 4 năm, mới khởi công được 180 công trình, hầu hết đang xây dựng dở dang. Số còn lại thì đều thấy rõ là không có khả năng xây dựng vì thiếu vốn trong nước, thiếu vật liệu xây dựng, thiếu ngoại tệ để nhập khẩu bổ sung. Trong số các công trình này có những công trình khổng lồ như nhà máy phân đạm Núi Đính 60 vạn tấn sản phẩm/năm (thực ra đây là một khu liên hợp về công nghiệp hóa chất mà nhà máy phân đạm chỉ là một bộ phận), nhà máy chế tạo máy kéo Long Bình 2 vạn máy kéo/năm, mỗi công trình đều trị giá 500-700 triệu rúp (chỉ tính riêng thiết bị toàn bộ). Nếu triển khai xây dựng các công trình này thì phải dẹp bỏ hàng nghìn công trình "dưới hạn ngạch" đang xây dựng dở dang. Đó là những công trình thủy lợi, những xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, những cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu - nguồn sống trước mắt của nhân dân và nguồn tăng trưởng trước mắt của thu nhập quốc dân.

Sau khi phân tích tình trạng mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế, tôi kiến nghị điều chỉnh toàn diện cả tích lũy và tiêu dùng, đình chỉ hẳn hoặc tạm hoãn nhiều công trình xây dựng. Trước khi trình bản báo cáo, một số cán bộ của Ủy ban Kế hoạch nhà nước nói với tôi: "Chúng tôi lo anh mất chức vì bản báo cáo này". Tôi trả lời: "Mất chức là chuyện nhỏ. Để cho đất nước sa lầy trong tình trạng này mới là tội lớn". Sự phản ứng quyết liệt của các bộ/ngành là điều có thể biết trước. Và không chỉ các bộ/ngành. Mỗi ủy viên Bộ Chính trị đều gửi gắm hi vọng vào một số công trình.

Anh Lê Duẩn là người "nổ phát súng" đầu tiên:

- Nước ta là nước nông nghiệp. Mới chỉ có một nhà máy phân đạm mà anh đã đề nghị cắt bỏ là nghĩa thế nào?

Tôi giải trình:

- Có 5 lí do khiến ta không thể xây dựng được nhà máy. Thứ nhất, trái tim của nhà máy là lò khí hóa than. Liên Xô không có công nghệ này. Bạn gợi ý ta mua của Tây Đức. Đức chào giá 100 triệu đô-la. Ta chưa lo được số tiền này. Thứ hai, nếu xây được nhà máy thì cũng không đủ nguyên liệu cho nó. Mỗi năm nhà máy cần 30 vạn tấn than củ. Cả khu mỏ Quảng Ninh chỉ cung cấp được 10 vạn tấn. Thứ ba, khối lượng vận chuyển vào ra nhà máy rất lớn, mỗi năm khoảng 3 triệu tấn, một phần qua đường sông Hoàng Long, một phần qua đường sắt. Muốn dùng đường sông thì phải nạo vét trên 1 triệu mét khối, mà năng lực nạo vét thì ngay các công trình thủy lợi đang xây dựng sở dang cũng còn lo chưa xong. Đường sắt thì chỉ riêng số toa xe nối vào đường sắt Bắc - Nam đã đủ làm tắc nghẽn tuyến đường huyết mạch này rồi. Thứ tư, dù xây được nhà máy thì nhà máy cũng không hoạt động được, vì chưa xây được đường ống dẫn nước thải ra biển, chiều dài 40 cây số. Ta chưa có nhà máy đúc ống cống có đường kính đủ lớn cho công trình này. Thứ năm, dù giải quyết được tất cả các vấn đề trên, sản xuất ra được phân đạm thì cũng không bán được vì giá thành sản phẩm cao gấp đôi giá bán trên thị trường quốc tế. Các nước đều sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên cho nên giá thành thấp hơn nhiều.

Thực ra vấn đề còn phức tạp hơn nhiều, tôi chỉ tóm gọn vào 5 điểm ấy đã đủ để thuyết phục anh Ba.

Đến lượt anh Trường Chinh chất vấn:

- Dường như Ủy ban Kế hoạch nhà nước không quan tâm mấy đến công trình văn hóa. Cả nước chỉ có mấy công trình văn hóa mà các anh lại đề nghị cắt bỏ Cung thiếu nhi. Cung thiếu nhi và Cung lao động đều là quà tặng của Liên Xô. Tại sao các anh cắt bỏ Cung thiếu nhi, còn Cung lao động thì giữ?

Tôi giải trình:

- Cung thiếu nhi được đặt tại Sân quần ngựa. Tại đó, từ nhiều năm nay đã tồn tại một xí nghiệp và trên 300 hộ dân. Muốn di dời họ đi thì phải cấp nhà cho họ. Quỹ nhà ở của Hà Nội mỗi năm chỉ xây thêm được 10 vạn mét vuông. Nếu dùng quỹ nhà ở này để giải phóng Sân quần ngựa thì nhiều nhu cầu cấp thiết khác chưa biết tính sao! Còn Cung lao động đã có quyết định bố trí tại Khu đấu xảo cũ. Nhà cửa tại Khu đấu xảo đã được phá dỡ tan hoang. Chẳng lẽ lại bỏ trống một khu đất hoang giữa trung tâm thành phố? Vì vậy, chúng tôi buộc phải cho tiếp tục xây dựng. Nhưng vì thiếu vốn và vật liệu xây dựng, vẫn phải dãn tiến độ xây dựng ra nhiều năm.

Trong Bộ Chính trị có 3 vị đại tướng (Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân), cả ba đều thiết tha bảo vệ công trình Xưởng phim quân đội vì đó là tặng phẩm của Quân đội Liên Xô. Tôi giải trình:

- Với số phim mà ta nhập được hiện nay thì nuôi mấy xưởng phim hiện có đã không đủ rồi. Nước duy nhất có khả năng cung cấp phim cho ta là Cộng hòa dân chủ Đức. Bạn yêu cầu muốn có thêm phim thì phải giao bạc cho bạn để tráng phim. Mà bạc thì ta kiếm đâu ra?

Anh Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, là chủ đầu tư của Nhà in báo Nhân Dân - một tặng phẩm của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi nghe tin Ủy ban Kế hoạch nhà nước dự định điều chỉnh kế hoạch xây dựng, anh tính làm một việc đã rồi: cho xe chở đất đến công trường san lấp mặt bằng rồi in ảnh, đăng báo rùm beng. Tại hội nghị, tôi giải trình:

- Hiện tại, kế hoạch nhà nước mới chỉ cung cấp được đủ giấy in cho các nhà máy in hiện có. Nếu xây dựng Nhà in báo Nhân Dân thì công suất in cả nước tăng lên gấp đôi. Như vậy sẽ thừa một nửa công suất in.

Tất cả các bộ trưởng đều đồng loạt "nổi dậy". Tôi thông cảm với họ vì cuộc "đại phẫu" quá đau đớn.

Trong khi Phó chủ nhiệm thường trực "tả xung hữu đột" trước các đòn tấn công dồn dập của các bộ/ngành thì Chủ nhiệm - anh Lê Thanh Nghị - ngồi im, không bênh vực lấy một lời. Có lẽ bởi chính anh là người đã bật đèn xanh cho các bộ/ngành kí kết các hợp đồng nhập khẩu thiết bị toàn bộ. Đối với anh, công trình nào cũng rất cần thiết cho đất nước. Anh lại có một triết lí hành động: "Cứ làm đi, rồi sẽ cân đối từng bước". Triết lí của anh là triết lí của một nhà cách mạng dám làm, dám chấp nhận thách thức để rồi khắc phục dần. Triết lí ấy có phần giống triết lí hành động của nhà quân sự thiên tài Napoléon: "On s’engage, et puis on voit" (hãy xông vào, rồi sẽ rõ). Nó khác hẳn cách tư duy của tôi: phải xem xét toàn diện, cân đối toàn diện trước khi quyết định. Cuối cùng cách làm của tôi, qua những điều tôi giải trình, đã thuyết phục được anh. Sự im lặng của anh trong suốt quá trình tranh luận và sự đồng tình của anh sau cuộc tranh luận thể hiện sự phục thiện - một đức tính rất đáng quý ở anh.

Qua cuộc tranh luận kéo dài một tháng rưỡi, bản đề án đại điều chỉnh của tôi được chấp nhận. Nó không cứu vãn được tình trạng xây dựng tràn lan đang diễn ra, vì hàng ngàn công trình đang được xây dựng dở dang, phải nhiều năm sau mới lần lượt hoàn thành. Nhưng nó chặn đứng được đợt song xây dựng đang ập tới, tạo lập được cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch năm 1980 và kế hoạch 5 năm tiếp theo (1981-1985).

T.P

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn