Đảng Cộng sản Trung Quốc: Tình thế trước Đại hội XIX

Khắc Trung

clip_image002

Có thể nói, Đại hội 19 Đảng CSTQ là một đại hội khác thường, khác thường ở chỗ, tình thế bước vào Đại hội không phải với không khí bừng bừng khí thế hồ hởi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội chờ đón chào mừng thành công của Đại hội như trước đây, mà là tràn ngập tình thế, không khí căng thẳng, nặng nề, ngột ngạt, bất an từ tầng cao đến tầng thấp trong Đảng, Chính, Quân và lan ra mọi tầng lớp ngoài xã hội. Sự khác thường này lại bắt nguồn từ tính chất Đại hội lần này, thực chất là tới hồi kết một giai đoạn của cuộc chiến quyền lực sống mái bằng mọi thủ đoạn giữa các phe phái trong Đảng CSTQ. Như Tập Cận Bình, tại Hội nghị bí mật cán bộ chủ chốt địa phương, bộ ngành, người phụ trách các đảng phái dân chủ, các tướng lĩnh quân đội, các ủy viên TW, Cục chính trị, Thường vụ Cục chính trị ngày 26/7/2017 đã đưa ra “4 sẵn sàng trả giá” (sẵn sàng trả giá để bảo vệ lãnh đạo tầng cao gặp sóng to bão xoáy;…) để vừa thể hiện quyết tâm quyết chiến, vừa để răn đe thách thức các đối thủ.

Sự khác thường này, là hết sức nóng bỏng, nhạy cảm, để tránh tình huống bất trắc có thể xảy ra, Tập đã ra lệnh chỉ thị phải giữ ổn định quân đội, giữ ổn định “dư luận”, giữ ổn định “ngoại giao”, giữ ổn định “quan trường” và ngăn chặn chính biến bất ngờ có thể xảy ra. Bản thân Tập đành ở lại Bắc Kinh thủ thành, vắng mặt cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72 hết sức quan trọng này, nhất là đây là cơ hội rất tốt cho Tập vốn là người rất thích phô diễn vai trò trước thiên hạ, mà chỉ cử Ngoại trưởng Vương Nghị đi dự. (Các nhà phân tích chính trị thế giới nêu 3 lý do mà Tập không thể đến dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc 1) Tình thế trước Đại hội 19 hết sức cam go, Tập không thể rời bước một ngày; 2) Tránh đối mặt với vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước đông đảo các nguyên thủ thế giới; 2) Tránh bị thế lực bất đồng người Hoa ở Mỹ và ở các nước ngoài khác chặn đón phản đối như các lần đi Mỹ trước đây).

Tập đưa ra 4 mặt cần giữ ổn định trên đều là những mặt then chốt của cục diện cuộc chiến quyền lực chính trị Trung Cộng hiện nay đang quyết liệt thế nào. Cả 4 mặt đều có tác động qua lại với nhau, đều phải tiến hành, nhưng đối với ổn định quân đội có tính quyết định hơn cả, vì từ những bài học lịch sử của thể chế Trung Cộng thực chất quyền lực chính trị là quân quyền, ai nắm được quân quyền người đó làm chủ chính trường, nên ngay từ khi Tập mới lên nắm quyền đã bắt tay ngay vào chỉnh đốn quân đội một cách quyết liệt không ngừng nghỉ.

Hai tháng nay, sau khi Thượng tướng Phòng Phong Huy Ủy viên Quân ủy TW và Thượng tướng Trương Dương cũng là Ủy viên Quân ủy TW bị bắt đưa đi điều tra, phỏng theo cách “vung lưỡi kiếm tuần tra chống tham nhũng” của Vương Kỳ Sơn, Quân ủy TW đã cử 4 tổ tuần tra lớn tiến hành tuần tra trên 10 đơn vị lớn, đối với cơ quan Quân ủy TW, trọng điểm có Bộ tham mưu liên hợp Quân uỷ, Bộ Công tác chính trị Quân ủy, Bộ Bảo đảm hậu cần Quân ủy và Bộ Phát triển trang bị Quân ủy; đối với các viện trường quân sự có Viện Khoa học quân sự và Đại học Quốc phòng. Lần tuần tra này kéo dài một tháng kể từ ngày 15/9 đến 15/10, trước ngày khai mạc Đại hội 3 ngày kết thúc với yêu cầu mọi người trong hệ thống quân đội đều biết, nhấn mạnh phải làm triệt để, thấy rõ hiệu quả (đối với dư độc của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu. Thế lực Quách Bá Hùng tập trung ở Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tổng Trang bị, Quân khu Lan Châu, Quân khu Bắc Kinh, quân khu Quảng Châu. Thế lực Từ Tài Hậu tập trung ở Bộ Tổng Chính trị, Bộ Tổng Hậu cần, Quân khu Thẩm Dương, Quân khu Thành Đô và Quân khu Tế Nam. Trong 7 quân khu, chỉ có duy nhất Quân khu Nam Kinh chịu ảnh hưởng Quách Từ tương đối nhẹ hơn, 5 tỉnh thuộc phạm vi Quân khu Nam Kinh là Giang Tô, Triết Giang, Thượng Hải, Giang Tây, Phúc Kiến. Trong đó 3 tỉnh Triết Giang, Thượng Hải, Phúc Kiến, là địa phương Tập đã từng là cán bộ lãnh đạo nơi đây), trọng điểm nhắm vào các tướng lĩnh cao cấp từ lãnh đạo Đảng ủy cấp Quân và chức Phó Quân trở lên, mục tiêu, đối với các mối manh cũ trước đây, nay tiếp tục đi sâu rà soát lại làm rõ thêm các vấn đề; đối với các mối manh mới kịp thời điều tra nắm rõ; đối với các mối manh quan trọng nhanh chóng điều tra xử lý. Trừ ác phải tận gốc, tuyệt đối không để cán bộ lãnh đạo có vấn đề “mang của nợ” tham dự Đại hội 19.

Có bình luận rằng Tập đang dùng nắm tay sắt trị quân, lần tuần tra này khởi đầu một cao trào mới chống tham nhũng trong quân đội, thực chất là để nắm chặt hơn quân quyền, thuần hóa thêm một bước “quân nhà Tập”, cũng là bước trước tiên trong các bước loại trừ toàn diện ẩn họa, binh biến, trước trong sau Đại hội 19 như Tập đã nói “trước Quân sau Đảng”.

Bố trí lại Quân ủy TW

Thời Mao Trạch Đông, Phó Chủ tịch Quân ủy TW có những trên 10 người, nhưng nắm thực quyền chỉ có vị Phó Chủ tịch quản lý điều hành công việc thường ngày. Đến thời Đặng Tiểu Bình giảm mạnh số Phó Chủ tịch Quân ủy. Thời Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào chỉ có hai người, một nắm chính trị, một nắm quân sự với ý định để hai bên ràng buộc nhau, nhưng không ngờ hai bên lại thỏa thuận với nhau, phạm vi người nào người đó quản không can thiệp nhau, đồng thời thống nhất cao trong việc vô hiệu hóa quyền lực của Chủ tịch Quân ủy TW Hồ Cẩm Đào. Không chỉ có vậy, quyền lực quá tập trung vào hai Phó Chủ tịch, tạo điều kiện hình thành hai thế lực tập đoàn lớn mua quan bán chức sâu rộng trong quân đội, tham nhũng hóa, hủ bại hóa quân đội hết sức nặng nề, như Quách Bá Hùng sau khi bị hạ bệ, Bá Hùng nói: “Tập gạt chúng tao ra, bên dưới còn vô số người của chúng tao”. Lần này để tránh vết xe đổ dễ dẫn đến binh biến này, nên Tập có thể sẽ bố trí 1 Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch, không có Ủy viên, thực hiện cơ chế “Chủ tịch phụ trách, giảm và phân tán chức năng, quyền hạn các Phó Chủ tịch” để tạo dựng quyền uy tuyệt đối của Tập là “Thống soái tối cao quân đội”.

Về nhân sự cụ thể, sẽ thay đổi về chất, thực sự là người của Tập, ưu tiên người đã qua thực chiến, tuổi còn trẻ. Trên cơ sở này, sẽ loại bỏ những người của phái Giang, Tăng, dư độc của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, người quá độ tuổi qui định. Hai Phó Chủ tịch hiện nay, Phạm Trường Long, năm nay đã 70 tuổi, có dấu hiệu không đồng thuận chủ trương của Tập về vấn đề Triều Tiên, Đại hội 19 sẽ nghỉ hưu. Hứa Kỳ Lượng, năm nay 67 tuổi, đang là “Tổ phó thường vụ” Tiểu tổ lãnh đạo cải cách quân đội, sẽ giữ lại. Theo tin “Nhật báo Tinh đảo” ngày 01/9, Tập sẽ đưa Trương Hữu Hiệp, Bộ trưởng Bộ Phát triển trang bị, năm nay tuy đã 67 tuổi, nhưng đã tham gia chiến đấu trong cuộc chiến với Việt Nam năm 1979, là thái tử Đảng (con trai Thượng tướng Trương Tông Tốn khai quốc Trung cộng), Ngụy Phong Hòa, 63 tuổi, Tư lệnh Quân Tên lửa (có thể là thay Thường Vạn Toàn làm Bộ trưởng Quốc phòng), Lý Tác Thành, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp, năm nay 64 tuổi, là tướng lĩnh “3 không là” (không là Ủy viên TW khóa 18, không là Ủy viên TW dự khuyết khóa 18, không là Ủy viên Ủy ban kỷ luật TW) nhưng đã tham gia chiến đấu trong cuộc chiến với Việt Nam năm 1979, được phong là “anh hùng bộ đội trinh sát”, lập thành tích lớn về cứu nạn cứu nguy trong trận lũ lụt lớn năm 1988, không tham gia diễn tập quân sự do Bạc Hy Lai tổ chức ở Trùng Khánh tháng 11/2011 (trong lúc Hồ Cẩm Đào đi Mỹ dự họp APEC) lên Phó Chủ tịch. Trong đó, Hứa Kỳ Lượng và Trương Hữu Hiệp có thể sẽ vào Cục Chính trị.

Cũng có tin của tờ “Minh báo” Hồng Kông, ngày 24/9 nói là vẫn hai Phó Chủ tịch là Hứa Kỳ Lượng và Trương Hữu Hiệp, nhưng các Ủy viên từ 8 người giảm xuống 4 người là Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Lý Tác Thành, Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Miêu Hoa và Bí thư Ủy ban Kỷ luật Quân ủy TW (có thể là Trương Thăng Dân, 59 tuổi, cùng quê Thiểm Tây với Tập, hiện là Trung tướng Bí thư Ủy ban Kỷ luật Quân ủy Trung Cộng, nếu như vậy, sau Đại hội 19 sẽ được thăng quân hàm lên thượng tướng đúng với yêu cầu tiêu chuẩn Ủy viên Quân ủy TW), Tư lệnh các quân binh chủng không còn vào Quân ủy TW.

Trong số các Ủy viên còn lại, Thường Vạn Toàn 68 tuổi, Mã Hiểu Thiên 68 tuổi, Triệu Khắc Thạch 70 tuổi, Ngô Thắng Lợi 72 tuổi (cũng đang bị điều tra) đều đã đến tuổi nghỉ hưu.

Còn Phòng Phong Huy, Trương Dương đều mới 66 tuổi, nhưng có sai phạm, đã bị bắt vừa rồi. Trong đó, bất ngờ nhất, là Phòng Phong Huy là Thượng tướng Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy TW, ngày 15/8 vừa rồi bừng bừng khí thế cùng Thượng tướng Joseph Dunford Chủ tịch Hội nghị liên tịch Tham mưu trưởng quân đội Mỹ kiểm duyệt đội nghi thức ba quân. Chiều ngày 17/8 còn tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt Thượng tướng Dunford. Tháng 4/2017, Phòng Phong Huy tháp tùng Tập Cận Bình đi thăm Mỹ, là thành viên trong đoàn gặp Trump ở Hồ công viên của Trump. Trong thời gian này, Phòng Phong Huy hai lần đến thăm làm việc với Bộ Quốc phòng Mỹ, tham gia các công việc soạn thảo, sửa chữa, ký kết văn kiện về cơ chế tránh phán đoán sai lầm trong hợp tác chiến lược hai quân đội Trung Mỹ.

Phòng Phong Huy tuy là người Thiểm Tây, nhưng bắt đầu hoạt động ở Quân khu Tân Cương, khi Hồ Cẩm Đào được nguyên lão Tống Bình đề bạt, Phòng Phong Huy luôn đứng về phía Hồ Cẩm Đào. Trong thời gian này, Thượng tướng Quách Bá Hùng – con sói Tây Bắc, Phó Chủ tịch Quân ủy TW – cũng không ngừng đề bạt Phòng Phong Huy, từ Thiếu tướng năm 1998 bắt đầu tiến nhanh trên con đường quan lộ. Năm 2007 Hồ Cẩm Đào bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh. Tháng 3/2012 là Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh phối hợp với Hồ Cẩm Đào điều động Quân đoàn 38 vào Bắc Kinh dẹp vụ chính biến do Chu Vĩnh Khang, người phái Giang phát động. Vì vậy trong dư luận lâu nay cho rằng Phòng Phong Huy là người thân tín của Hồ Cẩm Đào và được Tập Cận Bình trọng dụng. Gần đây đang nóng lên Phòng Phong Huy sẽ là người thay thế Phạm Trường Long nghỉ hưu, thì đột nhiên ngày 26/8/2017 bị bắt để điều tra theo lệnh Tập Cận Bình ký “giải trừ chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp”, đồng thời Tập ký lệnh bổ nhiệm Thượng tướng Lý Tác Thành tiếp nhận chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp, dư luận chung là rất bất ngờ.

Theo một số nhân sĩ tiết lộ lý do Phòng Phong Huy bị mất chức chủ yếu là do 4, 5 năm qua không hoàn thành thiết kế phương án giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đúng thời hạn của Tập Cận Bình giao, lần lữa kéo dài thời hạn làm chậm trễ tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Hơn nữa sau cuộc gặp Tập-Trump, Phòng Phong Huy đã phối hợp tướng lĩnh quan trọng khác của quân đội, trong thời cơ không thích hợp gây ra sự kiện biên giới Trung Ấn, dẫn đến quân đội Ấn Độ trực tiếp tiến vào biên giới Trung Quốc. Điều này đã đụng đến phương hướng gậy chỉ huy chiến tranh của Tập Cận Bình.

Nhưng theo báo chí Hồng Kông ngày 27/9 đưa tin, Tạp chí “Tiền tiêu” số 10, Hồng Kông có bài viết nêu, Phòng Phong Huy và Trương Dương ngầm chống lại kế hoạch “tẩy sạch di độc Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu” của Tập, bằng mọi cách bảo vệ chiến hữu, bạn học, đồng hương cũ của Quách, Từ, đã gây bất bình của Tập lâu nay. Tập định sau Đại hội 19 để hai người nghỉ hưu. Còn Phòng và Trương trong lòng cũng ôm nặng bất mãn với Tập. Trong cải cách quân đội, Tập nhấn mạnh tách riêng quyền quân chính với quyền quân lệnh, như vậy Tổng Tham mưu trưởng của Phòng Phong Huy biến thành Chánh Văn phòng Quân ủy, thay Tập xử lý công việc hàng ngày. Còn Bộ tổng Chính trị của Trương Dương cũng chỉ còn lại quyền cung cấp thông tin, khiến hai người cảm thấy mình trở thành “lính truyền lệnh cao cấp”. Ngoài ra, hai người những tưởng là Đại hội 19 sẽ được lên Phó Chủ tịch Quân ủy TW, không ngờ lại phải nghỉ hưu, hai người không thể cam chịu, đã bí mật lập mưu chính biến trước Đại hội 19, không ngờ mưu phản bị lộ, Tập đã quyết đoán kịp thời ra tay đập nát âm mưu binh biến này. Nhưng bài viết không đưa rõ chi tiết kế hoạch binh biến của Phòng, Trương như thế nào.

(Năm 2010, Phòng Phong Huy dẫn đầu trong quân đội trong Đảng cản trở Tập Cận Bình sẽ là Phó Chủ tịch Quân ủy tại Hội nghị TW4/17, vì vậy một năm sau, Tập mới có được chức Phó Chủ tịch Quân ủy, dẫn đến trước ĐH 18 suýt nữa Tập bị mấy người Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng hoàn thành cách nghĩ của Hồ Cẩm Đào tiếp tục nắm giữ con dấu lớn Chủ tịch Quân ủy TW, tức là không trao lại chức Chủ tịch Quân ủy TW cho Tập sau Đại hội 18, (tựa như Giang không trao cho Hồ Cẩm Đào trước đây). Nhưng Hồ Cẩm Đào để bảo vệ an toàn cho bản thân, vợ con dính đến tham nhũng và các vấn đề khác không bị thanh toán, nên cần ngoắc chặt vào cổ Tập, đó là Phòng Phong Huy lưu nhiệm - Giám quân - Tổng trưởng Bộ tổng Tham mưu, khổng chế nhất cử nhất động của Tập. Sau khi nắm quyền Chủ tịch Quân ủy TW, Tập không hề đề bạt Phạm Trường Long, Phòng Phong Huy).

(Thực sự Phòng Phong Huy không phải là người của Hồ Cẩm Đào, do Hồ Cẩm Đào mấy lần đề bạt điều động, đó là bề ngoài, thực chất bên trong là do Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu thao túng. Phòng Phong Huy người Hàm Dương, Thiểm Tây, cùng quê với Quách Bá Hùng, một thời kỳ dài ở Quân khu Tân Cương, về sau chuyển lên chức Phó Quân rồi Quân trưởng Tập đoàn quân 21 đóng ở Thiểm Tây thuộc Quân khu Lan Châu do Quách Bá Hùng làm Tư lệnh. Được Quách Bá Hùng nâng đỡ, năm 2003 thăng lên Tham mưu trưởng Quân khu Quảng Châu, năm 2007, Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh và là Tổng chỉ huy cuộc duyệt binh lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước. Trước thềm Đại hội 18 thăng lên Tổng Tham mưu trưởng. Lần cải cách quân đội này, lần đầu nhận chức Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy).

Cũng trong đợt thanh trừ này, Tập còn trực tiếp ký lệnh miễn chức để điều tra Thượng tướng Trương Dương, Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy TW. Thượng tướng Đỗ Hằng Nham, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy TW đã nghỉ hưu cũng bị bắt để điều tra trong đợt này. Như vậy, đây là lần đầu tiên ba thượng tướng, trong đó có hai thượng tướng Ủy viên Quân ủy TW đương nhiệm bị hạ bệ. Trương Dương, năm nay 66 tuổi, người Hà Bắc là thuộc hạ của Từ Tài Hậu, thời gian dài nhận chức ở Quân khu Quảng Châu, từng là Chủ nhiệm Bộ Chính trị, Chính ủy Tập đoàn quân 42, Chủ nhiệm Bộ Chính trị Quân khu Quảng Châu. Năm 2007 là Ủy viên Chính trị Quân khu Quảng Châu. Trước thềm Đại hội 18 là Chủ nhiệm Bộ Tổng Chính trị, sau cải cách quân đội là Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy TW.

- Thay đổi nhân sự các cơ quan của Quân ủy TW:

+ Miêu Hoa, Chính ủy Hải quân sẽ tiếp nhận Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy thay Trương Dương. Miêu Hoa nay 61 tuổi, sinh ở Phúc Châu, thời gian dài là cán bộ của Tập đoàn quân 31 ở Hạ Môn, có quan hệ qua lại với Tập Cận Bình thời còn là Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến. Nếu Miêu Hoa nắm công tác chính trị Quân ủy, coi như thay Tập Cận Bình nắm quản nhân sự toàn quân.

+ Tống Phổ Tuyển, Tư lệnh Chiến khu Bắc bộ, tiếp nhận Bộ trưởng Bảo đảm Hậu cần Quân ủy thay thế Triệu Khắc Thạch.

+ Lý Thượng Phúc, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Chi viện Chiến lược, tiếp nhận Bộ trưởng Phát triển Trang bị Quân ủy thay Trương Hữu Hiệp chuyển lên Quân ủy TW. Lý Thượng Phúc thuộc “thái tử Đảng”, là con trai Lý Thiệu Châu, nguyên Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy Tây Nam Bộ đội đường sắt Trung Cộng trước đây.

+ Chung Thiệu Quân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy, tiếp nhận Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy thay Tần Sinh Tường. Chung Thiệu Quân coi như “Đại Bí thư” dính chặt với Tập Cận Bình từ Triết Giang, Thượng Hải, lên Bắc Kinh, Tập lại bố trí vào Văn phòng Quân ủy TW, được coi là có vai trò “Giám quân”.

Thay đổi nhân sự các quân binh chủng: (theo tin báo chí Hồng Kông)

+ Hàn Vệ Quốc Thượng tướng, Tư lệnh Chiến khu Trung bộ tiếp nhận Tổng Tư lệnh Lục quân thay thế Lý Tác Thành chuyển lên Quân ủy TW.

+ Lưu Lôi, Chính ủy Lục quân.

+ Đinh Lai Hàng, Trung tướng, Tư lệnh Không quân Chiến khu Bắc bộ tiếp nhận Tư lệnh Không quân thay Thượng tướng Mã Hiểu Thiên. Đinh Lai Hàng nguyên là Quân trưởng Quân 8 Không quân trước đây đóng quân ở Phúc Kiến, có quan hệ mật thiết với Tập Cận Bình nguyên Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến năm 2000-2002.

+ Thẩm Kim Long, Tổng Tư lệnh Hải quân.

+ Tần Sinh Tường, Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy, tiếp nhận Chính ủy Hải quân thay Miêu Hoa.

+ Vương Gia Thắng, Chính ủy Quân Tên lửa.

+ Tần Thiên, 60 tuổi, tháng 12/2015, Phó Viện trưởng Học viện Khoa học Quân sự điều về nhận chức Tham mưu trưởng Bộ đội Vũ cảnh, nay bổ nhiệm Phó Tư lệnh Bộ đội Vũ cảnh. Tần Thiên là con trai thứ Tần Cơ Vĩ, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng thời Đặng Tiểu Bình.

+ Trịnh Gia Khái, 55 tuổi, lãnh đạo Lục quân Chiến khu Bắc, nhận chức Tham mưu trưởng Bộ đội Vũ cảnh thay Tần thiên.

Luân chuyển nhân sự các Chiến khu và Tập đoàn quân:

Sau khi thu gọn 18 Tập đoàn quân còn 13 Tập đoàn quân, lần này Tập vừa thay lãnh đạo, vừa điều động bố trí xáo trộn lãnh đạo (Quân trưởng, Chính ủy) các tập đoàn quân với nhau để cán bộ lãnh đạo luôn là người mới với nhau, cán bộ lãnh đạo với cấp dưới, với chiến sĩ cũng luôn là người mới, chưa thể hình thành mối quan hệ quá thân thiết, với mục đích xóa tan các “mỏm núi” các “thế lực” vốn được hình thành của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu còn lưu lại trong quân đội, ngăn ngừa khả năng dễ dẫn đến những hành vi vượt ngoài quân kỷ, Đảng kỷ, luật pháp nhà nước, bảo đảm ổn định trước trong sau Đại hội 19; đồng thời giúp cho các tướng lĩnh am hiểu càng nhiều tình huống, càng có lợi cho thời chiến. (Các quân trưởng, chính ủy, khi nhận được quyết định thuyên chuyển đến đơn vị mới, trong 24 tiếng đồng hồ là phải có mặt và chính thức bắt tay vào việc ở đơn vị mới, không có một lý do ngoại lệ nào khác).

Tháng 4/2017, Quân ủy TW quyết định phiên hiệu 13 Tập đoàn quân lấy thứ tự từ số 71 đến 83: Cụ thể:

Đơn vị

Quântrưởng/đ.vị cũ

Chínhủy/đơn vị cũ

Địa chỉ

Chiến khu Đông:

1) TĐQ 71

2) TĐQ 72

3) TĐQ 73

-Vương Ấn Phương/Quân 38

- Chu Hiểu Huy/Quân 42

- Hồ Trung Cường/Quân 14

- Từ Đức Thanh/Quân 47

- Vương Văn Toàn/Quân 27

- Dương Thành/Phó Chính ủy Quân 21

Từ Châu/Giang Tô

0

Hạ Môn/Phúc Kiến

Chiến khu Nam:

4) TĐQ 74

5) TĐQ 75

-Từ Hưóng Hoa/Quân 65

-Công Mậu Đống/Quân 27

- Lưu Hồng Quân/Quân 21

- Tần Thụ Đồng/Quân 1

Huệ Châu/Quảng Đông

0

Chiến khu Tây:

6) TĐQ 76

7) TĐQ 77

- Phạm Thừa Tài/Phó Tư lệnh Lục quân Chiến khu Tây

- Lâm Hỏa Mậu/Quân 26

- Trương Hồng Binh/Chủ nhiệm Bộ Chính trị Quân 20

- Lý Trạch Hoa/Phó Chính ủy Quân 31

0

Thành Đô/Tứ Xuyên

Chiến khu Bắc:

8) TĐQ 78

9) TĐQ 79

10) TĐQ 80

- Ngô Á Nam/ Phó Quân 16

- Từ Khởi Linh/ Phó Tư lệnh Lục quân Chiến khu Trung bộ.

- Vương Tú Bân/Quân 1

- Quách Hiểu Đông/Quân26

- Dư Vĩnh Hồng/Quân 14

- Chu Ngọc Vũ/Quân 39

HarBin/Hắc Long Giang

Quân ủy TW 0

Quân ủy TW 0

Chiến khu Trung:

11) TĐQ 81

12) TĐQ 82

13) TĐQ 83

- Hoàng Minh/Quân 41

- Lâm Hướng Dương/Quân 47

- Tạ Tăng Cương/Quân 21

- PhươngVĩnhTường/Phó Chủ nhiệm Bộ Công tác chính trị Lục quân Chiến khu Trung

- Trương Mạnh Tân/Quân 42

- Lô Thiểu Bình/Quân 16

Quân ủy TW 0

Bảo Định/Hà Bắc

Tân Hương/Hà Nam

+ Tần Vĩ Giang, Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, tiếp nhận Tư lệnh Chiến khu Đông. Năm 2000 Thiếu tướng, 12 năm sau (tháng 11/2012) mới được phong Trung tướng. Tần Vĩ Giang là con trưởng Tần Cơ Vĩ, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng thời Đặng Tiểu Bình. (Tần Cơ Vĩ định liên kết với Triệu Tử Dương cùng chống lại Lệnh giới nghiêm, nhưng Triệu Tử Dương đã bị miễn chức, Tần Cơ Vĩ không chấp hành khi nhận được lệnh giới nghiêm về vụ đàn áp học sinh, sinh viên ngày 04/6/1989 có bàn tay của Giang Trạch Dân về vụ đàn áp này. Tần Cơ Vĩ coi khinh Giang. Giang rất hận, sau khi là Tổng Bí thư, bằng mọi thủ đoạn trả thù 3 cha con Tần Cơ Vĩ, vì vậy 2 anh em Tần Vĩ Giang và Tần Thiên mãi đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền mới được trọng dụng).

+ Ất Hiểu Quang, tiếp nhận Tư lệnh Chiến khu Trung bộ thay Hàn Vệ Quốc.

Còn có một số tướng lĩnh và các đơn vị khác nữa, không ghi hết lên đây. Với những thông tin trên cũng thấy được qui mô, phạm vi, mức độ, tính chất cuộc chiến thay máu trong toàn quân thời gian gần đây trước Đại hội 19 của Tập Cận Bình.

Động tác mạnh của Tập lần này, từ Quân ủy TW đến các Quân binh chủng, các Chiến khu, Tập đoàn quân, nhất là đối với các nhân vật khá nặng ký trong Quân ủy TW, có bình luận cho đây là mục đích của Tập muốn đẩy tới cao trào “thanh toán toàn diện triệt để dư độc của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu” trong toàn quân, mà trọng điểm trước hết là ở tầng cao quân đội. Đồng thời thể hiện Tập đã nắm chặt quân quyền, nhất là quyền bố trí nhân sự (thực chất là quyền loại trừ triệt để phái Giang, Tăng, xây dựng hình thành ngày càng vững chắc “quân nhà Tập”) trong quân đội, cũng thể hiện trong thực tế phương châm “trước Quân sau Đảng” của Tập.

Cũng có phân tích, cho đây là thể hiện sự tiếp nối về “3 mũi tên cùng phóng” mà Tập đã rất công phu đối với quân đội trong 5 năm lên nắm quyền.

Mũi tên thứ nhất “chống tham nhũng trong quân đội”, đã đánh gục hai Phó Chủ tịch Quân ủy TW Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu và một loạt tướng lĩnh khác.

Mũi tên thứ hai “cải cách quân đội”, từ 7 Quân khu biến thành 5 Chiến khu, thành lập mới Quân chủng Tên lửa và Bộ đội chi viện chiến lược, từ Ba quân Lục Hải Không thành Năm đại quân chủng, từ 18 Tập đoàn quân biến thành 13 Tập đoàn quân; đưa 4 Tổng bộ biến thành 15 cơ quan của Quân ủy TW. Tất cả đó không chỉ nhằm hiện đại hóa quân đội mà còn là nhằm xóa tan bố cục thế lực Giang, Tăng, Quách, Từ trong quân đội.

Mũi tên thứ ba “luôn biến động nhân sự”. Theo lý thuyết chung mà nói, quân đội là dùng để tác chiến với bên ngoài, nhưng đối với Tập chỉnh đốn quân đội chủ yếu là để đối nội nhằm củng cố và tăng cường quyền lực của mình. Về nhân sự, Tập không thể so nổi với Mao, Đặng có nền tảng nhân sự sâu rộng, bền chặt trong quân đội.

Thế nên, một mặt Tập ra sức tự mình thăng chức đề bạt thân tín của mình hoặc những người mới tỏ rõ trung thành với mình vào các vị trí trọng yếu không theo qui định qui chế nào cả, (5 năm qua, Tập chỉ riêng phong quân hàm thượng tướng đã phong cho gần 30 vị tướng, (còn Giang Trạch Dân trong thời gian nắm quyền đã đề bạt hơn 100 tướng lĩnh, mà nhiều nhất là thượng tướng). có một số vị vừa năm trước, thậm chí tháng trước, tuần trước vừa phong trung tướng, thì nay Tập phong tiếp thượng tướng, như một nhân vật quan trọng của “quân nhà Tập” Trương Thăng Dân chỉ trong một năm 3 lần tấn phong. Nguồn nhân sự chủ yếu bó hẹp vào những người có quan hệ cũ ở Quân khu Nam Kinh, các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Thượng Hải, chủ yếu là Quân đoàn số 31, được gọi là phái “quân Đông Nam” như Hàn Vệ Quốc, Miêu Hoa, Tống Phổ Tuyển, Vương Ninh, Chu Sinh Lĩnh, Khương Dũng, Trịnh Hòa, Lê Hỏa Huy… Còn có phái “Hồng nhị đại” như Lưu Nguyên, Lưu Á Châu trước đây, hiện nay như Trương Hữu Hiệp, Ngụy Phong Hòa, Mã Hiểu Thiên, Tần Thiên, Tần Vĩ Giang… Còn có phái “thực chiến” không nhiều, nhưng quan trọng như Lý Tác Thành, Trương Hữu Hiệp, Lưu Chấn Lập…). Những người mới này có thể để được đề bạt mà họ tự nguyện trung thành, cho nên gần đây trên báo chí nhà nước lại rộ lên vấn đề trung thành thật, trung thành giả.

Mặt khác, kết hợp mũi tên thứ nhất, thứ hai lại với nhau, Tập đã tiến hành nối tiếp các đợt sóng từ “thanh trừ triệt để” đến “thanh trừ càng triệt để” tiếp đến “đi sâu thanh trừ triệt để” và phát triển đến nay “thanh trừ triệt để toàn diện”, đã loại bỏ được khá nhiều tướng lĩnh, sĩ quan liên quan trực tiếp, gián tiếp trong hai hệ thống quyền lực quân đội lớn nhất một thời của “sói Tây Bắc” Quách Bá Hùng và “hổ Đông Bắc” Từ Tài Hậu, đứng đằng sau là “đại lão hổ” Giang Trạch Dân. Nhà bình luận quân đội, Đại tá Tân Tử Lăng đã nghỉ hưu cho rằng “trong lịch sử quân đội Trung Cộng, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình chưa từng động đến quân đội với mức độ lớn như vậy, để thấy hồn phách Tập Cận Bình lớn như thế nào, đã khổng chế được cục diện như thế nào…”.

Cũng có phân tích cho rằng, những kết quả trên của Tập chỉ là phần nổi của tảng băng lớn thế lực Giang, Quách, Từ mà thôi, còn phần chìm mới là đáng ngại. Bởi vì Tập thanh trừ càng nhiều càng tạo dựng ra càng nhiều đối địch. Đối địch càng nhiều, Tập càng dùng vũ lực thanh trừ càng mạnh hơn, càng nhiều hơn, lại tạo dựng đối địch càng tinh vi hơn, đa dạng hơn, khó thấy hơn, càng khó trị hơn. Cứ thế mà quần với nhau hết thế hệ này đến thế hệ khác không thể dứt. Đó là qui luật tạo dựng quyền lực, vận hành quyền lực của kẻ độc tài chuyên trị mà ai cũng biết cũng thấy.

Như cả trăm tướng lĩnh, nhất là thượng tướng phần lớn là do mua bán chức tước, cống nạp “tiền” “sắc” đủ loại mà có, số phận của họ gắn chặt với Giang, Quách, Từ. Hiện nay có thể đang có không ít tương lĩnh loại này đang vây quanh người Tập, tướng lĩnh cao cấp nắm giữ chức vị trọng yếu, cho dù ngoài miệng ngày ngày họ hô to “ủng hộ Hạt nhân Tập” nhưng liệu có thể còn có Phòng Phong Huy, Trương Dương thứ hai, thứ ba, thứ n nữa không? Đây cũng là điều khiến Tập khó yên tâm.

Những đối tượng mà Tập đã, đang và sẽ hạ bệ, không phải hàng chục, hàng trăm mà lớn hơn nhiều, cộng thêm gia đình, người thân, đồng bọn của họ sẽ trở thành một thế lực tiềm năng chống Tập không nhỏ. Như thực tế vừa qua đã có những cuộc mít tinh đi khiếu kiện của cả ngàn cựu binh, cựu sĩ quan từng tham gia đánh Việt Nam vây trụ sở Quân ủy TW đòi giải quyết chính sách quân đội.

Quân đội Trung Cộng khác với quân đội các nước thế giới là quân đội ngoài phải trung thành với một cá nhân “hạt nhân” (không phải với đất nước, nhân dân) còn được làm kinh doanh. (Tại hai hội nghị tháng 11/1993, tháng 6/1994, Trương Chấn Phó Chủ tịch Quân ủy TW Trung Cộng thời đó đã có ý kiến phản đối và cảnh báo chủ trương để quân đội làm kinh doanh là sẽ làm cho quân đội suy bại, không còn sức chiến đấu thực sự cần có của một quân đội, nhưng không được chấp nhận, vẫn để quân đội làm kinh doanh cho đến nay). Đã làm kinh doanh là gắn kết với Quan, đã hình thành mối quan hệ “Quân + Thương + Quan” bền chặt với nhau trong thời gian dài, nay đánh vào Quân là động đến Thương, Quan trong mối quan hệ 3 bên này. Thương, Quan trong mối quan hệ này đã trở thành thế lực các nhóm lợi ích chống Tập.

Với chủ trương xáo trộn, thay đổi đơn vị đối với các tướng lĩnh, sẽ dẫn đến tâm trạng nghi ngờ, đề phòng nhau, không tin nhau giữa các tướng lĩnh, giữa cán bộ lãnh đạo mới cũ với nhau, giữa quan binh với nhau, không xây dựng được lòng tin với nhau mà còn càng phát triển tâm trạng nghi ngờ, dè chừng, trở thành người đa diện, nhiều mặt, cơ hội, không những sẽ phá tan sức mạnh sống chết có nhau với đồng đội, quan binh một lòng của một quân đội chân chính, mà sẽ trở thành một thế lực ngầm chống Tập.

Đây là chưa kể những nhân tố, những điểm nóng bên ngoài biên giới, nhất là điểm nóng Triều Tiên, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, Biên giới Trung Ấn, vấn đề Biển Đông, biển Đông Bắc, v.v. đều có thể gây những tình huống khó lường, mà quyền chủ động không phải ở phía Tập.

Những thế lực này, dù sao cũng có thể tính đến được, thấy rõ được, đều là “thế lực ngoài Hội trường Đại hội” và cũng không phải dễ gây bất ngờ cho Tập, mà còn có một thế lực không nhìn thấy, khó nhận biết, nhưng lại gây chấn động lớn bất ngờ không kịp trở tay. Đó là những cái đầu của những người đang ngồi trong Hội trường Đại hội, họ đang nghĩ gì, đang tính toán gì, sẽ làm gì tại Đại hội, là “thế lực trong Hội trường Đại hội”, mặc dầu đã sàng lọc hết sức kỹ càng, nhưng không thể sàng lọc được những gì trong từng cái đầu của họ, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến sống mái này, mức độ ngụy trang, che chắn những gì trong mỗi cái đầu lại càng tinh vi kín kẽ. Có lẽ đây là đối địch đáng ngại nhất, bài tính khó nhất của Tập trong những ngày này.

Trước tình thế coi như mất ổn định toàn diện, Tập càng thấy bất an.

Theo báo chí Hồng Kông đưa tin, để đối phó với tình hình bất ổn định nghiêm trọng căng như giây đàn này trước thềm Đại hội 19, ngày 12/8 vừa rồi, TW Đảng, Quốc vụ viện, Quân ủy TW đã truyền đạt và ban bố hai quyết định đối với Cấp ủy Tỉnh Đảng bộ cấp I và Cấp ủy Quân sự cấp I, có hiệu lực từ ngày 18/9/2017 đến ngày 20/3/2018 với nội dung: 1) các địa phương trong toàn quốc thực hiện bảo vệ an toàn cấp III; 2) các quân binh chủng toàn quốc bước vào tình thế chuẩn bị chiến đấu cấp III, tùy sự diễn biến tình hình quốc tế sẽ điều chỉnh nâng cấp bảo vệ an toàn. Các quyết định này là nhằm bảo vệ an toàn chủ quyền, phòng bị nguy cơ chiến tranh và duy trì ổn định xã hội trong thời gian Đại hội 19 và Hội nghị TW2/19 Trung Cộng, Đại hội Nhân đại, Đại hội Chính hiệp khóa XIII tiến hành thuận lợi.

Bắt đầu từ không (0) giờ ngày 18/9/2017, các địa phương toàn quốc thực thi bảo vệ an toàn cấp III, Vũ cảnh, Công an, Quân đội thực hiện mang súng đạn thật bên người tuần tra 24/24 suốt ngày đêm.

Đương cục còn quyết định, từ giữa tháng 9 đến bế mạc Đại hội 19, Ủy viên Cục Chính trị, ủy viên Quốc vụ, Phó Chủ tịch Nhân đại (là đảng viên), Phó Chủ tịch Chính hiệp (là đảng viên), Ủy viên Quân ủy TW, Ủy viên Ủy ban Kỷ luật TW không được xuất cảnh, không đi thăm nước ngoài, nếu đi dự hội nghị do Cục Chính trị TW quyết định sắp xếp.

Văn phòng TW Đảng, Ban Tổ chức TW, Văn phòng Quốc vụ viện truyền đạt quyết định, từ giữa tháng 9/2017 đến cuối tháng 3/2018, lãnh đạo các tỉnh, Ủy viên TW, Ủy viên dự khuyết TW tạm dừng tổ chức các đoàn đi nước ngoài. Những hội nghị quốc tế, hoạt động quốc tế đã định trước, sẽ xét duyệt đặc biệt.

Còn có tin, để ngăn ngừa thế lực phản đối trong Đảng, Chính phủ Trung Cộng có Thông tri gửi xuống các Ủy ban khu dân cư yêu cầu thực hiện “5 ngăn ngừa nghiêm ngặt” gồm không để xảy ra sự kiện quan trọng ảnh hưởng ổn định chính trị, xảy ra đột kích bạo lực nghiêm trọng, xảy ra các vụ đông đảo nhân dân và tập thể đến Bắc Kinh khiếu kiện, xảy ra các vụ án hình sự và sự kiện bạo lực cực đoan cá nhân gây ảnh hưởng xấu và các vụ tai nạn giao thông và các sự cố khác gây chết người, thương tích.

Ngoài ra còn có các quyết định gắt gao về an toàn mạng, qui định tất cả cán bộ, đảng viên không được lên mạng viết bài, đọc những tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt.

Cũng có ý kiến nghi ngờ giá trị hiệu lực của các biện pháp bảo vệ an toàn này, bởi vì chỉ dựa vào lực lượng vũ trang, không dựa vào dân, đảng viên, thậm chí còn đẩy họ về phía đối tượng cần theo dõi, đề phòng. Nhưng cách làm này mới đúng với lý thuyết “súng đẻ ra chính quyền”, mà chính quyền nói ở đây là “Đảng quyền”, không phải “dân quyền”, nên để giữ ổn định tình hình của Đảng là phải dựa vào súng.

Tập thanh trừ càng nhiều, càng tạo ra càng nhiều đối địch. Đối địch càng nhiều, Tập càng thấy bất an, càng mạnh tay dùng vũ lực thanh trừ nhiều hơn, đúng với qui luật tạo dựng quyền uy, vận hành quyền lực của kẻ độc tài, chuyên trị. Như Mao Trạch Đông trước đây, hễ mỗi khi gặp một thách thức nào đó, Mao cao giọng “lên lại Tỉnh Cương Sơn”, để uy hiếp đối thủ Mao nói “Tôi không tin quân Giải phóng đi theo các anh”. Tháng 8/1966, Hội nghị toàn thể TW 11/VIII ở Bắc Kinh để thông qua 16 điều về triển khai Đại Cách mạng Văn hóa, phần lớn các ủy viên TW dự Hội nghị vốn không tán thành, nhưng từng người từng người đều giơ tay đồng ý. Đó là do, trước đó Mao đã điều binh khiển tướng, bố trí nghiêm mật, ngoại trừ Trung đoàn Cảnh vệ và khu bảo vệ Bắc Kinh đều là người ngựa của Mao ra, Mao còn điều động mấy chục vạn thuộc hệ quân dã chiến vào đóng quanh Bắc Kinh. Có thể nói các Ủy viên TW bỏ phiếu dưới mũi lê lưỡi kiếm. Đặng Tiểu Bình cũng luôn nắm rất chặt quân quyền. Vụ thảm sát 4.6 Thiên An Môn là một lần chính biến của Đặng lợi dụng quân quyền của mình gây ra. Cuộc thị sát phía Nam năm 1992, Đặng đã buông chức Chủ tịch Quân ủy TW từ sớm rồi, nhưng Đặng vẫn dựa vào quyền uy và thực lực của mình trong quân đội, triệu tập một hội nghị ở Chu Hải, Hội nghị do Kiều Thạch chủ trì, dự Hội nghị gồm Dương Thượng Côn Chủ tịch nước kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy TW và một Phó Chủ tịch Lưu Hoa Thanh, còn có em Dương Thượng Côn là Dương Bạch Băng Chủ nhiệm Bộ Tổng Chính trị kiêm Chánh Văn phòng Quân ủy, ngang nhiên gạt Giang Trạch Dân đương nhiệm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy TW ra ngoài. Chính vì vậy mà tại sao trong dịp này Đặng tuyên bố “Ai không cải cách kẻ đó xuống”, Giang Trạch Dân sợ quá vội về thành.

Nay Tập đang làm mọi chuyện phải chăng cũng chỉ là đang bắt chước Mao Đặng mà thôi. Từ Mao đến Đặng, đến Giang và nay đến Tập đều đi cùng một con đường là dựa vào súng (quân đội) để trị Đảng trị quốc, trị dân. Chỉ khác nhau ở chỗ cách nắm được súng (quân đội), dựa được súng (quân đội).

Mao và Đặng gần giống nhau, đều từ quân đội mà ra, đều cùng với ngàn vạn quan binh vào sinh ra tử khắp các chiến trường và chính trường mà trưởng thành, mà tạo dựng tài năng, quyền uy, quyền lực. Tài năng, quyền uy quyền lực này được hình thành trên cơ sở thực tiễn hoạt động quân sự và thực tiễn hàng triệu quan binh ủng hộ tôn sùng, nên rất am hiểu sâu rộng mọi vấn đề về quân sự và xã hội quân đội. Chính Mao Đặng là dựa vào nguồn lực quyền uy và tài năng thực sự to lớn, đầy sức nặng này để nắm và dựa quân đội, (chứ không phải bằng những thủ thuật “mị quân” rẻ tiền) để trị quốc trị Đảng.

Còn Giang chưa hề là người lính, chưa hề thực tiễn quân sự, để nắm quân đội, nắm quân sự mà lại không có chút vốn liếng quân sự, quân đội nào, không thể có quyền uy đối với lĩnh vực quân sự và đối với quân đội, nên không có quyền uy và tài năng quân sự để nắm, để dựa quân đội. Nhưng không thể không nắm quân đội, vì với thể chế Cộng sản không dựa quân đội thì không thể trị Đảng, trị quốc, trị dân, nên Giang đã “lấy tham nhũng đề nắm, dựa” quân đội, và kết cục thế nào đã rõ.

Nay Tập, có phần giống Giang là chưa hề là người lính, chưa hề trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực quân sự, trong xã hội quân đội. Để nắm và dựa quân đội, Tập không thể có quyền uy, mặc dầu đang cố tạo dựng bằng những bài báo tuyên truyền, những thủ thuật “lăng-xê” rùm beng, chắc cũng khó có được quyền uy thực sự, nếu có được, thì nhiều lắm cũng chỉ nặng như lông hồng mà thôi. Tập cũng không thể lặp lại cách của Giang. Cuối cùng chỉ còn cách “lấy trung thành với hạt nhân Tập” để xây dựng hình thành “quân nhà Tập”. Từ cách này, Tập ra sức loại bỏ những ai không trung thành, và tim tòi mọi ngóc ngách (người cùng quê, đồng học, đã cùng làm việc, có quan hệ quen biết nơi làm việc cũ…) để góp nhặt những người Tập cho là trung thành đưa vào “quân nhà Tập”.

Với cung cách này, thử nghĩ xem, triển vọng thế nào, phải chăng đang đi vào ngõ cụt? mà tội lỗi, nguyên nhân chắc không phải ở tầm cá nhân con người Giang hay Tập, cũng không phải ở tầm cao xa, mà là ở tầm bình thường là có đi theo xu thế thời đại, qui luật thời đại hay không?

(Nguồn: Tổng hợp từ thông tin trên mạng chính thống và phi chính thống ở Trung Quốc)

K. T.

Nguồn: http://huynhngocchenh.blogspot.com/2017/10/ang-cong-san-trung-quoc-tinh-truoc-ai.html#more

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn