Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Khôi (6/10/1887 - 16/01/1959)

TÔI DÕI THEO... VÀ TÔI ĐÃ THẤY

Phan An Sa

Đầu năm nay, tại buổi lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ 10 tổ chức tối 24-3-2017 ở TP HCM, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã có một quyết định đầy ý nghĩa: chính thức tôn vinh PHAN KHÔI là nhà văn hóa Việt Nam hiện đại, tiếp sau các vị Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh đã được vinh danh trong các lần trước. Lời đúc kết ngắn gọn trong diễn từ của nhà văn Nguyên Ngọc, đủ nói lên giá trị của gương mặt văn hóa Phan Khôi:

"Phan Khôi là một cây bút tranh luận nổi tiếng, luận điểm và thái độ tranh luận của ông sắc sảo, chặt chẽ, mạnh mẽ, triệt để mà sáng sủa, công minh. Ông cũng là một tác giả hết sức đa dạng, một nhà phê bình văn học uyên thâm và sắc sảo, một nhà nghiên cứu văn học sâu sắc, một nhà thơ tài hoa, một tác giả văn tự sự hấp dẫn, một tác giả xuất sắc của các thể loại của văn tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm, một dịch giả tài năng, một nhà ngôn ngữ học tinh tế, cuối cùng ông là một nhà báo kiệt xuất. Ông thật sự là một nhà văn hóa lớn của Việt Nam thời hiện đại".

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 130 nhà văn hóa Phan Khôi (6-10-2017), BVN nhận được khá nhiều bài viết tâm huyết của một số cộng tác viên gửi đến, trong đó có hai tên tuổi quen thuộc là Lại Nguyên Ân (1 bài dài), và Phan An Sa (5 bài). Do khuôn khổ một trang mạng, chúng tôi xin dành bài viết công phu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho trang Văn Việt, và xin đăng 1 trong số 5 bài của Phan An Sa – là người con út cụ Phan Khôi, từng theo sau quan tài thân phụ trong đám tang hiu quạnh vào ngày 17-1-1959 lúc ông mới 13 tuổi.

Cũng để giúp bạn đọc hình dung lại một tính cách cương trực, khẳng khái, nổi danh “ngự sử văn đàn” thuở sinh thời, nhất là trong những ngày ông bị thất sủng trước khi mất, chúng tôi xin mượn thêm một bài của họa sĩ Trần Duy, nguyên Thư ký tòa soạn báo Nhân văn, viết gửi đến cuộc tọa đàm 120 năm ngày sinh Phan khôi do Hội khoa học Lịch sử cùng Tạp chí Xưa & Nay tổ chức (5-10-2007) nhưng không đọc trong buổi lễ ấy, mà sau đó được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân gửi đăng trên talawas.

Bauxite Việt Nam

Tôi dõi theo...

clip_image002

Nhà văn Phan Khôi cùng vợ và hai con trai

Một buổi chiều cuối năm 2003, đang làm việc tại cơ quan thì tôi nhận được điện thoại của Lại Nguyên Ân, anh hẹn sẽ sang gặp tôi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi biết nhau, ngồi với nhau trao đổi các việc chung quanh tập sách Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1928 do anh sưu tầm và biên soạn, vừa ấn hành hồi tháng sáu. Tôi bất ngờ và không giấu nổi xúc động, vì từ ngày cha tôi qua đời, gần năm mươi năm qua, tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có ngày các tác phẩm đăng báo từ thời Pháp thuộc của ông lại được tái công bố. Tôi biết đâu là hơn mười năm nay Lại Nguyên Ân đã lặng lẽ làm việc đó và giờ đây tôi được cầm trên tay tập sách đầu tiên của bộ sách anh dự định làm cho đến khi nào hết mới thôi. Kết thúc buổi gặp, anh tặng tôi một bản sách còn thơm mùi mực in và đưa tận tay tôi một cái phong bì mỏng, nói là tiền nhuận bút nhà xuất bản gửi trả cho gia đình. Tôi nhận và nói lời cảm ơn, còn dặn thêm anh, rằng các tác phẩm của cha tôi đã đăng báo từ bảy mươi, tám mươi năm trước, theo luật thì chúng đã thành của chung, nên từ lần sau anh nói nhà xuất bản không phải trả nhuận bút nữa. Bữa đó về nhà tôi kể lại cho mẹ tôi nghe, chuyển tận tay bà cái phong bì đựng tiền nhuận bút của ông, bà đặt lên bàn thờ, thắp nén hương kính cáo với ông. Hôm sau, bà mở phong bì, đếm tiền, tôi nhớ đâu như là một triệu sáu, tôi dặn mẹ tôi giữ lấy khoản tiền ấy vì nó là của ông để lại cho bà.

Từ đó, cái quý danh Lại Nguyên Ân ở lại trong đại gia đình Phan Khôi với tư cách là một ân nhân, vì anh đã thay chúng tôi làm cái công việc mà đúng ra con cháu ông cần phải làm đối với bậc sinh thành. Hai chúng tôi cùng ở Hà Nội, mỗi người một công việc, một cơ quan, nên không gặp nhau thường xuyên, nhưng lúc cần thì vẫn liên lạc với nhau, trao đổi tài liệu, tư liệu hoặc trò chuyện qua e-mail. Và với các công việc học thuật liên quan đến Phan Khôi thì phần lớn tôi có mặt cùng anh. Những năm sau này gia đình anh chuyển sang ở Khu Đô thị mới Việt Hưng bên kia sông Hồng, vợ chồng tôi đã mấy lần sang thăm, ngồi chơi nói chuyện với anh chị như là những người bạn cũ.

Với riêng tôi thì còn có điều này nữa khiến tôi cảm thấy rất ấm áp, rất ân tình với người bạn mới quen, đó là anh cùng tuổi với tôi và quê anh ở xã Phù Vân, nơi gần gũi với tôi cả một thời tuổi trẻ. Ở huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, Phù Vân nằm bên bờ tả ngạn con sông Đáy nhỏ nhắn, uốn lượn, trong xanh và hiền hòa, cả một bãi bồi thoai thoải dài ngút ngát, cứ mỗi độ xuân về là rực lên một màu vàng tươi của hoa cải. Còn lũ chúng tôi thì đang học nội trú tại Trường Học sinh miền Nam số 28 đóng bên bờ hữu ngạn, bên lở, đất làng Thanh Nộn, xã Thanh Sơn, mùa hè vẫn trốn thầy giáo bơi vượt sông sang đó chơi, còn mùa xuân thì cứ đứng ở bờ bên này ngóng sang cái triền sông dát vàng đó mà ngẩn ngơ như lạc vào cõi tiên, trí tưởng tượng của tuổi trẻ cứ bay xa, bay xa...

Kể từ thời điểm chúng tôi gặp nhau, bận việc gì thì bận, nhưng tâm trí tôi vẫn dành một khoảng quan trọng để dõi theo công việc Lại Nguyên Ân đang làm, thầm mong cho anh ít gặp khó khăn trong công việc, chứ không dám nói là thuận lợi. Và, quả đúng như Lại Nguyên Ân nói với tôi trong lần gặp đầu tiên, những năm sau anh lần lượt cho xuất bản các tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo của từng năm. Anh chị em chúng tôi và các cháu, chắt trong đại gia đình Phan Khôi trải khắp từ Bắc chí Nam cứ khấp khởi báo tin cho nhau để kịp đón nhận sớm nhất mỗi tập sách mới ra ấy. Mở mỗi tập sách, đọc Vài lời chung về việc biên soạn Tiểu dẫn về sưu tập các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi do Lại Nguyên Ân viết cho từng năm, đăng ở đầu mỗi tập sách, chúng tôi càng thấm thía công sức và nỗi nhọc nhằn mà anh đã phải chịu đựng vì công việc đang theo đuổi.

Thật ra thì từ sau đổi mới năm 1986, vào những dịp thích hợp, từ những hướng tiếp cận khác nhau, cách làm khác nhau, mức độ khác nhau, nhưng cùng một thái độ ghi nhận và ngưỡng vọng đối với con người và sự nghiệp của Phan Khôi trong quá khứ, nhiều nhà trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa... cho đến các nghiên cứu sinh Thạc sĩ, Tiến sĩ, sinh viên các khoa văn học, ngôn ngữ hay báo chí đang ngồi trên ghế trường đại học, đã bày tỏ sự quan tâm, đã phát biểu ý kiến, đã có tác phẩm viết riêng hoặc viết chung dưới dạng sách, chuyên luận, luận án hay một bài báo về ông. Có thể kể ra đây một danh sách dài, mà xin lỗi, vẫn không thể đầy đủ những tên tuổi như thế: Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Nguyễn Huệ Chi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Vu Gia, Minh Hiệu, Hoàng Trọng Phiến, Hoàng Tuệ, Hoàng Phê, Nguyễn Thụy Kha, Tế Hanh, Lữ Huy Nguyên, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Ngọc Thiện, Phạm Xuân Nguyên, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Phạm Hồng Toàn, Phạm Quốc Sử, Trần Duy, Hoàng Thúy Toàn, Mai Quốc Liên, Nguyễn Văn Lưu, Cao Xuân Mỹ, Nguyễn Đình Hảo, Lê Ngọc Thúy, Nguyễn Đăng Điệp, Tôn Thảo Miên, Đinh Thị Minh Hằng, Hà Công Tài, Cao Kim Lan, Cù Huy Cận, Hà Xuân Trường, Tô Hoài, Hà Minh Đức, Nguyễn Đình Thi, Trần Thanh Đạm, Anh Đức, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Hoàng Như Mai, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Đức Hùng (Đà Linh), Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Bá Dũng, Mai Anh Tuấn, Kiều Mai Sơn, Nguyễn Chín, Đinh Hài, Nguyễn Văn Đăng, Ngô Vương Anh, Nguyễn Xuân Thành, Bùi Quỳnh Vi, Phạm Phú Uyên Châu, Phạm Phú Phong, Trần Thị Quỳnh Thuận, Nguyễn Thị Thùy Nhung, Huỳnh Hùng, Cao Việt Dũng, Thái Nhân Hòa, Nguyễn Hữu Sơn, Đào Ngọc Chương, Lê Quang Thái, Vũ Đức Sao Biển, Thái Kế Toại, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hoàng Thị Huế, Hà Ngọc Hòa, Nguyễn Diên Xướng, Lê Tiến Dũng, La Mai Thi Gia, Hoàng Thị Hồng Hà, Phan Thanh Minh, Ngô Thị Minh, Bùi Quỳnh Vi, Trương Công Huỳnh Kỳ, Dương Thanh Mừng, Lê Quang Thái, Nguyễn Văn Tường, Hoàng Thị Hường, Đinh Xuân Lâm, Chương Thâu, Đào Hùng, Dương Trung Quốc, Ngô Phương Bá, Lê Minh Quốc, Nguyễn Văn Khang, Đỗ Ngọc Thạch, Trương Quang Đệ, Trương Điện Thắng, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Lâm Cẩn, Bùi Công Thuấn, Hà Linh, Trần Hoàng Hoàng, Nguyên Trường, Nguyễn Trung Tín, Hoàng Hương Việt, Phan Mạnh Hùng, Mai Vũ, Huyền Viêm, Lê Văn Tâm, Lan Ngọc, Tường Duy, Vân Tùng, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Bàng, Trương Tâm Thư, Vương Trùng Dương, Lê Thí, Phan Nguyên, Trương Thanh Lê, Nguyễn Thế Vận, Trần Kỳ Trung, Nguyễn Khôi, Lê Quang Thái, Kỳ Hà, Lâm Bích Thủy, Hà Dung, Trần Yên Nguyên, Khiêm Nguyễn, Thái Sơn, Tạ Ngọc Tấn, Phạm Thị Thành, Triệu Thu Hương, Trần Xuân Tình, Huỳnh Ngọc Chênh, Phan Đắc Lữ, Phan Nam, Lương Ngọc Châu, Phan Văn Hường, Phan On, Phan Phúc, Hoàng Minh Nhân, Châu Tấn, Mai Hương, Lê Thiếu Nhơn, Huỳnh Văn Hoa, Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, Huỳnh Christian Timothy... Tạ Trọng Hiệp, Nguyễn Tiến Văn, Phạm Phú Minh, Nguyễn Tà Cúc, Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê, Nguyễn Đình Bùi Thị, Phước Nguyên, Mi An, Linh mục Phan Phước Hườn, Đào Trung Đạo, Xuân Đỗ... Cũng có thể đưa vào danh sách trên đây những cái tên khác nữa, như Phan Thị Mỹ Khanh, Phan Trản, Phan Nam Sinh, Phan Thị Thái, Phan An Sa là những người con của Phan Khôi, với một số cuốn sách và khá nhiều bài báo viết về cha mình. Tất cả đều rất đáng trân trọng, nhưng tất cả cũng chỉ mới dừng ở đó, chưa có một ai đi xa hơn.

Công bằng mà nói thì còn có một người nữa xưng là Công tử Hà Đông, bằng thái độ cực kỳ hằn học với chế độ miền Bắc hồi năm 1956, đã một mình lội ngược dòng với bài Phan Khôi, tên vô lại đăng trên website Hoàng Hải Thủy ngày 30 tháng 7 năm 2010. Trong bài này tác giả tải lại bài báo cuối cùng của Phan Khôi là bài Trả lời một tờ báo ở Sài Gòn đăng trên tờ Nhân văn số 1 ra ngày 20/9/1956 ở Hà Nội, kèm theo mấy lời bình ngắn, rồi lấy làm tiếc khi phải gọi ông là tên vô lại! Tôi đọc, và mơ hồ cảm thấy hình như không phải bản thân tác giả, mà chính là ý thức hệ, đang lên tiếng. Thành thử, có vẻ như cái tên Phan Khôi chỉ là cái tác giả mượn để nhắm đến một thứ gì khác kia!? Bài này thế nào rồi sau đó gỡ xuống mất, không tìm thấy nữa, nhưng tôi đã kịp có nó để bây giờ thuật lại cùng độc giả.

Cùng một đối tượng nghiên cứu là Phan Khôi và sự nghiệp của ông trong quá khứ, so với những tác giả khác, Lại Nguyên Ân không phải là ngoại lệ, nhưng chỉ có một mình anh chọn con đường đi rất khác, rất riêng, không trùng với bất kỳ ai. Sự khác biệt đó bắt đầu từ hướng tiếp cận và nhận định về đối tượng nghiên cứu, đến phương pháp tiến hành mang tính quy mô, căn bản, toàn diện, khoa học, khách quan và dài hơi, chứa đựng trong đó sự nhọc nhằn và tốn kém cả thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Nói cách khác, sau những thành công nhiều mặt trong sự nghiệp lý luận - phê bình văn học, trong đó có những tác phẩm nghiên cứu về các tác giả có số phận chìm nổi một thời như Vũ Trọng Phụng, Hồ DZếnh, Hoàng Cầm, Lê Thanh..., từ tuổi tri thiên mệnh trở đi, Lại Nguyên Ân quyết định dành gần như toàn bộ thời gian, công sức cho Phan Khôi, biến công việc sưu tầm, biên soạn và công bố lại dưới dạng sách các tác phẩm đăng báo của ông trong quá khứ, thành một phần máu thịt làm nên sự nghiệp và tầm cỡ một nhà lý luận - phê bình văn học như anh.

Không kể dịch thuật, thì cả cuộc đời cầm bút, Phan Khôi chỉ công bố hai tác phẩm biên khảo dưới dạng sách là Chương Dân thi thoại năm 1936, Việt ngữ nghiên cứu năm 1955 và một tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra năm 1939; còn lại tất cả đều là những tác phẩm đăng báo suốt từ năm 1918 trên tờ Nam Phong cho đến tác phẩm cuối cùng là truyện ngắn Ông Năm Chuột trên tuần báo Văn năm 1958 ở Hà Nội. Nói một cách chính xác và giàu hình tượng như Thanh Lãng, thì“Sự nghiệp của Phan Khôi hầu hết hãy còn nằm rải rác trên các mặt báo. Mà có lẽ những gì tinh túy nhất của ông, linh lợi nhất nơi ông, hóm hỉnh nhất ở ông, “Phan Khôi nhất” trong ông... hầu như chưa được in thành sách mà hãy còn giấu kín dưới những chồng báo”. Lại Nguyên Ân nhận ra điều đó và anh hành động theo hướng đó. Có thể mạnh dạn nói rằng: Theo sự chỉ dẫn nói trên của Thanh Lãng, không những Lại Nguyên Ân tìm đến các chồng báo phủ dày lớp bụi thời gian để lần tìm các tác phẩm của Phan Khôi, mà anh còn hiện thực hóa mong muốn của Thanh Lãng, là in thành sách những tác phẩm đăng báo đó. Anh mau chóng rút ra kết luận, muốn nghiên cứu một tác gia trong quá khứ như Phan Khôi, thì bắt buộc phải sưu tầm và công bố lại dưới dạng sách những tác phẩm của ông đã từng đăng báo khắp ba miền Trung Nam Bắc trong suốt bốn mươi năm, nếu không được toàn bộ thì cũng phải là phần cơ bản nhất. Cách làm đó đem lại hiệu quả trực tiếp và lâu dài, giúp người đương thời và cả hậu thế, muốn tìm hiểu về Phan Khôi, thì hoàn toàn có cơ hội nghiên cứu trực tiếp những tác phẩm do chính tay Phan Khôi viết ra đã công bố chính thức trên các mặt báo, và nay được công bố lại dưới dạng sách, chứ không phải lệ thuộc vào bất cứ nhận định nào hoặc phải thông qua lăng kính nào khác.

Phan Khôi bước chân vào làng báo từ năm 1918 với những bài báo bằng chữ Hán trên tờ Nam Phong ở Hà Nội, nhưng chưa đầy năm thì ông chủ động rút lui và bắt đầu những năm bươn chải kiếm kế sinh nhai ở Hải Phòng, Hà Nội, kể cả mấy tháng ông phải lánh xuống Cà Mau. Lại Nguyên Ân nghiên cứu kỹ từng giai đoạn viết báo của Phan khôi và anh tìm ra khoảng thời gian từ năm 1928 đến năm 1936 là giai đoạn thành công nhất, rực rỡ nhất của ngòi bút Phan Khôi. Từ cuối năm 1937 ông ngừng viết báo, đi dạy học ở Sài Gòn, rồi về quê, rồi đi kháng chiến chống Pháp trên Việt Bắc cho đến ngày thắng lợi. Cuối năm 1954 ông về lại Hà Nội và qua đời tại đây vào đầu năm 1959. Cả quãng thời gian hơn hai mươi năm cuối đời đó (1937 - 1958), dù không còn viết báo chuyên nghiệp nữa, thì độc giả vẫn thấy ông lúc này lúc khác hiện diện trên mặt báo, nghĩa là ông vẫn chưa chịu buông bút. Đã tìm ra giai đoạn thành công nhất, rực rỡ nhất của ngòi bút Phan Khôi, Lại Nguyên Ân quyết định điểm bắt đầu đoạn đường phải đi chính là cái mốc 1928, chứ không phải năm nào khác.

Khó khăn nhất là làm cách nào sưu tầm cho được các bài báo của Phan Khôi, càng đầy đủ càng tốt, cố gắng cao nhất để không bỏ sót bài nào. Anh bắt đầu từ những tờ báo dễ tìm như Nam Phong, An Nam, Tri tân. Tuy số lượng bài viết của Phan Khôi ở các báo ấy không nhiều, nhưng được cái là chúng cung cấp những manh mối đầu tiên cho việc tìm kiếm những bài báo sau này của Phan Khôi. Công việc sưu tầm càng về sau càng có phần thuận lợi hơn, nhất là khi có sự giúp đỡ của hai nhà nghiên cứu Peter Zinoman (Hoa Kỳ) và Judith Henchy (Vương quốc Anh), Lại Nguyên Ân được tiếp xúc với các tờ Đông Pháp thời báo, Phụ Nữ tân văn, Thần chung, Trung lập. Thư viện Quốc gia ở Hà Nội là nguồn cung cấp tư liệu quan trọng nhất, nhưng cũng phải kể đến khối tư liệu vô giá mà Lại Nguyên Ân khai thác từ bản vi phim (microfilm) tại Thư viện Đại học Berkeley (California) và Thư viện Đại học Cornell (Hoa Kỳ) là bản chụp lưu ở Thư viện Quốc gia Cộng hòa Pháp do Hiệp hội Bảo quản và Tái chế ảnh báo chí (ACRPP) phát hành. Tiếp theo là công việc sắp xếp, chỉnh lý những gì sưu tầm được và việc soạn các chú thích. Đó là cả một núi công việc, mà toàn là những việc xem ra rất tỉ mẩn, vụn vặt, tốn nhiều thì giờ, dễ gây lộn xộn trong tư duy, dễ nhầm lẫn trong tư liệu. Lại Nguyên Ân kỳ khu vượt qua tất cả, càng làm anh càng hăng say, càng khó khăn anh càng hăm hở. Trong một viễn cảnh không xa, tầm vóc đồ sộ của khối di sản Phan Khôi để lại cho đời sau cứ mỗi ngày mỗi hiện ra rõ ràng hơn dưới bàn tay anh.

Việc tìm ra điểm bắt đầu của đoạn đường phải đi là rất có ý nghĩa vì nó sớm cho kết quả và kết quả đó lập tức làm tăng hiệu ứng xã hội của công việc Lại Nguyên Ân đang làm. Với sự cần mẫn của anh, bộ sách Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo - tập hợp theo từng năm các bài báo do Phan Khôi công bố lần đầu, bắt đầu từ năm 1928 - từng bước được thực hiện và lần lượt giới thiệu với độc giả. Từ năm 2003 đến năm 2010 các nhà xuất bản ấn hành được năm tập, gồm các năm 1928, 1929, 1930, 1931 và 1932, với 4.139 trang sách, công bố lại 1565 bài báo của Phan Khôi. Nhiều độc giả bày tỏ sự ngạc nhiên về sức viết và tầm vóc kiến văn của Phan Khôi thể hiện qua hàng ngàn bài báo về rất nhiều lĩnh vực, liền với đó là sự ngạc nhiên về Lại Nguyên Ân với sức làm việc đáng nể, hiệu quả cao, cho ra những sản phẩm sạch và đẹp.

Có dịp gặp Lại Nguyên Ân, tôi nói lời cảm ơn và chúc mừng anh về thành công bước đầu nhưng rất quan trọng ấy. Tôi đặt ra chương trình đọc toàn bộ các bài báo công bố lại trong các tập sách ấy, nhưng chưa thể đọc xong, mặc dù bài nào, không nhiều thì ít, cũng mang lại hứng thú khi đọc. Đặt năm tập sách trước mặt, tập nào cũng dày dặn, có tập trên một ngàn trang, tôi nảy ra cái tham vọng viết một bài về công việc Lại Nguyên Ân đang làm, để nói về anh là một phần, nhưng quan trọng hơn là để tri ân những người đương thời biết trân trọng các giá trị văn hóa của quá khứ. Nhưng loay hoay mãi vẫn không viết được. Thì thật bất ngờ và thật vui, khi tôi được đọc bài Người phu rừng đại ngàn của tác giả Chính Tâm trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 797 ngày 1/10/2012 nói về Lại Nguyên Ân và công việc anh đang làm. Niềm vui của tôi được nhân lên khi nhận ra rằng chẳng phải chỉ một mình mình, mà còn nhiều người nữa, trong đó có tác giả Chính Tâm, ghi nhận và hoan nghênh sự trân trọng quá khứ của Lại Nguyên Ân. Trong bài báo nói trên, Chính Tâm ví một thế kỷ rưỡi lịch sử báo chí Việt Nam như một khu rừng đại ngàn thâm u và Lại Nguyên Ân dấn thân sắm vai người phu rừng trần thân lặn lội tìm kiếm những giá trị đích thực bị chôn vùi trong đó. Sự ví von đó thật đắt, chả thế mà trước đó, vào năm 2011, từ bộ sách Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo nói trên, Lại Nguyên Ân đã được trao Giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh về văn bản học.

Lại Nguyên Ân vượt qua mọi trở ngại, kể cả sức khỏe, để tiếp tục công việc. Kết quả là đến năm 2014, anh cho ra tiếp bốn tập nữa, gồm các tập 1933 - 1934, 1935, 1936, 1937, với 1994 trang sách, công bố lại 761 bài báo của Phan Khôi. Như vậy, tính từ năm 2003 với tập sách 1928, đến năm 2014 với tập sách 1937, Lại Nguyên Ân đã tìm hiểu kỹ lưỡng mười năm viết báo của Phan Khôi, sưu tầm được trên dưới 2350 bài báo của ông, in thành chín tập sách, với khoảng 6100 trang. Tôi vô cùng mừng rỡ khi thấy Lại Nguyên Ân đã hoàn thành chương trình làm việc của anh một cách thật ngoạn mục, nhờ đó, các sản phẩm trí tuệ của Phan Khôi trong giai đoạn viết báo thành công nhất, rực rỡ nhất của ông là 1928 - 1936 đã đến được với độc giả ngày nay.

Hạ tuần tháng 3 năm 2017, Lại Nguyên Ân ra tiếp tập sách 1938 - 1942 và anh đã chuẩn bị xong bản thảo tập 1948 - 1958, tập này tên sách có điều chỉnh chút ít để phù hợp với nội dung, vì nó tập hợp một số lượng không nhiều các bài báo cùng với những thể loại tác phẩm khác mà Phan Khôi đã công bố, với tác phẩm sau cùng kết thúc tập sách là truyện ngắn Ông Năm Chuột đăng trên báo Văn ở Hà Nội năm 1958. Như vậy, Lại Nguyên Ân đã nghiên cứu kỹ lưỡng hành trình ba mươi năm cầm bút của Phan Khôi (1928 - 1958), trong đó có mười năm viết báo chuyên nghiệp (1928 - 1937), công bố lại khoảng 2500 bài báo của ông, in thành mười hai tập sách với khoảng 6500 trang. Lại Nguyên Ân còn cho ra hai tác phẩm có tính chuyên đề Phan Khôi - Viết và dịch Lỗ Tấn (2007), 515 trang gồm 54 tác phẩm; Phan Khôi - Vấn đề phụ nữ ở nước ta (2016), 631 trang gồm 72 tác phẩm. Kể cả tập sách 1948 - 1958 đang nằm ở nhà xuất bản, sẽ ra nay mai, thì khối lượng tác phẩm của Phan Khôi được Lại Nguyên Ân công bố lại chiếm không dưới 8000 trang sách. Thật là tuyệt vời, như vậy là cái phần quan trọng nhất của một bộ Phan Khôi toàn tập đã thật sự hiển hiện trước mắt độc giả. Quả là không còn gì trọn vẹn hơn! Hai, ba ngàn tác phẩm đăng báo của Phan Khôi trong quá khứ được công bố lại, quả là một con số khổng lồ, và xem ra, hình như Phan Khôi là nhà văn, nhà báo của nửa đầu thế kỷ XX có số lượng tác phẩm đăng báo được công bố lại nhiều nhất, với số trang sách nhiều nhất, thì phải? Phải khẳng định rằng: Phan Khôi là cha đẻ của khối lượng tác phẩm đăng báo khổng lồ đó, nhưng ông không phải là người cha duy nhất, vì còn có người cha thứ hai là Lại Nguyên Ân. Nói vậy mà không sợ quá lời bởi vì nếu không có Lại Nguyên Ân thì độc giả ngày nay và các thế hệ mai sau hoàn toàn không biết ở Việt Nam đã từng có một nhà báo có sức viết vô biên như thế và độc giả cũng hoàn toàn không có cơ hội được đọc trực tiếp các bài báo trong quá khứ của Phan Khôi vốn đã bị chôn vùi bởi sự vô tình lẫn hữu ý của thời gian và nhân gian.

Lần lượt đọc các bài báo của Phan Khôi được công bố lại trong các sưu tập nói trên, trong tôi hình thành một mong muốn cứ mỗi ngày một cháy bỏng, đó là làm sao phát huy cho được các giá trị văn hóa của người xưa để đóng góp cho cuộc sống hiện tại ngày một tốt đẹp hơn? Muốn vậy, cần phải có người nghiên cứu các bài báo đó, chắt lọc những giá trị trong đó, rồi viết nên những bài báo, những chuyên luận hoặc những tác phẩm dài hơi để nhiều người có thể đọc được, nhân đó mà cái đẹp cái tốt được lan tỏa. Làm được như vậy thì cái công của người sưu tầm mới không bị bỏ phí, hiệu ứng xã hội của việc công bố lại mới càng được nhân lên. Mong muốn đó ngày một thôi thúc tôi dõi theo từng ngày, mong sẽ xuất hiện cái ngày ấy, con người ấy. Và tôi đã thấy, tuy rải rác thôi, lẻ tẻ thôi, nhưng đã có không ít người làm việc đó, trên các tờ báo ngày, báo tuần, báo chuyên ngành, kể cả báo điện tử và các trang blog cá nhân trên mạng Internet của người trong nước và của bà con người Việt ở nước ngoài. Nhưng đậm đặc nhất là năm mươi bản tham luận in trong tập Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phan Khôi - Những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tại thành phố Tam Kỳ ngày 6 tháng 10 năm 2014, với sự phối hợp của các cơ quan chuyên ngành ở Trung ương, ở Quảng Nam cùng sự có mặt của hơn hai trăm đại biểu, trong đó có nhiều vị trí thức, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, các Giảng viên Đại học, các nhà nghiên cứu trên cả nước. Thật đáng trân trọng cái công nghiên cứu thể hiện trong các tham luận đó với rất nhiều cứ liệu được các tác giả chắt lọc từ các bài báo của Phan Khôi được công bố lại, càng chứng tỏ công việc Lại Nguyên Ân đã và đang làm là rất hữu ích và nhiều ý nghĩa. Nhìn sâu hơn về quá khứ, thì thấy cái đối tượng nghiên cứu mà Lại Nguyên Ân lựa chọn và dành nhiều công sức cho nó, quả là còn nguyên giá trị cho cuộc sống đương đại, mặc dù nó được anh lôi ra từ trong quá khứ xa xăm và những tưởng đã bị chôn vùi vĩnh viễn. Nhiều nhà nghiên cứu phong cho Lại Nguyên Ân cái danh xưng Nhà Phan Khôi học, là đúng, vì anh coi Phan Khôi và sự nghiệp của ông là một đối tượng nghiên cứu và không ai hiểu Phan Khôi và sự nghiệp của ông bằng anh. Tác giả Chính Tâm trong bài báo nói trên thì thấy anh vừa như một người phu rừng đại ngàn vừa giống một nhà khảo cổ học đang khai quật cả một khu di chỉ, mà các di vật trong đó hứa hẹn cho người đương thời biết thêm nhiều điều bổ ích về quá khứ. Người khác thì lại coi anh như một chuyên gia trục vớt con tàu đắm hàng thế kỷ dưới đáy biển sâu, chứa trong lòng nó nhiều cổ vật quý báu. Lại Nguyên Ân, khi nói về công việc mình đang làm, anh cũng coi đó là cuộc hành trình khai quật quá khứ. Tất cả đều đúng, đúng ở cái bản chất của sự việc, là Lại Nguyên Ân đã đem các giá trị văn hóa của quá khứ dâng cho cuộc đời hôm nay và mai sau, như một lời nhắn nhủ với nhiều thế hệ cầm bút: Con người và sự nghiệp của Phan Khôi là một đối tượng nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, những tác phẩm quan trọng nhất của ông đã hiện diện trước các bạn, chỉ còn chờ cái công nghiên cứu của các bạn nữa thôi để những giá trị tốt đẹp đó được lan tỏa, được thẩm thấu vào từng li ti mao quản của cơ thể cuộc sống hôm nay và mai sau.

Tôi không phải là người cầm bút nên lời nhắn nhủ nói trên có muốn tôi cũng không làm được, vì lẽ đó mà tôi chỉ còn cách chờ đợi và dõi theo, dõi theo...

... Và tôi đã thấy

Tôi thấy cái ngày ấy đã hiện ra, là một ngày đẹp trời mùa Thu năm 2017. Tôi thấy con người ấy đã xuất hiện, là tác giả Ngô Quang Huy. Tôi thấy tác phẩm ấy đã nằm trên tay độc giả là Tác phẩm Phan Khôi - Đọc và suy ngẫm với sự dày dặn và quy mô đáng ngạc nhiên.

Sau nhiều năm nghiên cứu, nghiền ngẫm hàng ngàn bài báo của Phan Khôi được công bố lại trong các sưu tập do Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và đọc thêm nhiều tác phẩm của các tác giả khác; bước đầu Ngô Quang Huy viết ra những gì anh lĩnh hội được về Phan Khôi và sự nghiệp của ông. Chỉ riêng nửa đầu của cái tên sách do Ngô Quang Huy đặt cho đứa con tinh thần của mình - Tác phẩm Phan Khôi - cũng đã nói rõ nó bắt nguồn từ công sức sưu tầm hơn hai mươi năm trời của Lại Nguyên Ân; nửa còn lại - Đọc và suy ngẫm - mới là của chính tác giả. Nói cách khác, tôi hiểu Ngô Quang Huy muốn nói với độc giả rằng, nếu không có Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo thì đã không có Tác phẩm Phan Khôi - Đọc và suy ngẫm. Quả là một lời giãi bày giản dị, chân thành và khiêm nhường đến độ, nhưng trên hết là nó đúng. Một minh chứng rõ ràng là, toàn bộ tác phẩm có trên dưới 850 cái chú thích - tất cả đều để chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ của các cứ liệu được sử dụng trong tác phẩm - thì có đến gần 600 chú thích được trích dẫn từ các bài báo của Phan Khôi được công bố lại, chiếm 70%; số còn lại là từ tác phẩm của các tác giả khác có liên quan, phần lớn cũng nằm trong các sưu tập ấy.

Điều kiện duy nhất đủ sức thúc đẩy Ngô Quang Huy đặt vấn đề nghiên cứu về Phan Khôi là anh được đọc nguyên gốc những tác phẩm của ông để tự mình trực tiếp hiểu ông và sự nghiệp của ông. Còn việc đọc của người khác và hiểu thêm qua lăng kính của họ, cũng rất quý, nhưng chỉ là để bổ sung. Có nghĩa là, nếu chỉ được đọc Phan Khôi qua trứ tác của người khác, thì chắc chắn anh đã không động bút để làm nên tác phẩm. Đó là một thái độ làm việc thận trọng và có trách nhiệm. Minh chứng cho điều này, là trong sách, đối với mọi trường hợp, tác giả thẳng thắn đưa ra nhận định của riêng mình, mặc dù có thể không phù hợp với các nhận định khác đã công bố trước đó.

Tác phẩm, ngoài Lời mở sách, thì phần nội dung có chín chương, cuối cùng có thêm Lời cuối sách để khép lại. Mỗi chương là một chuyên luận nghiên cứu sâu, rộng và toàn diện về một lĩnh vực, vì vậy đủ sức đứng riêng với tư cách một tác phẩm độc lập. Nhờ nghiên cứu thấu đáo từng lĩnh vực, nên bên cạnh việc đưa ra những nhận định có sức thuyết phục, tác giả còn mạnh dạn đưa ra các đề nghị, các đề nghị đó tạo nên cái nền, là tiền đề để người khác có thể tiếp tục nghiên cứu.

Sức thuyết phục của tác phẩm là ở chỗ tác giả có hướng tiếp cận đối tượng nghiên cứu một cách đúng đắn; có phương pháp luận khoa học; lối biện luận logic; thái độ nghiên cứu khách quan, tôn trọng sự thật và cầu thị; các đề nghị đưa ra được cân nhắc kỹ lưỡng, có căn cứ.

Từ trước đến nay đã có nhiều tác giả viết sách hoặc viết báo bàn về con người và sự nghiệp của Phan Khôi với một loạt những lĩnh vực mà ông đã từng quan tâm và thể hiện mình một cách nổi bật, như Thơ mới, duy tâm và duy vật, luận lý học (tức logic học), lịch sử, tiếng Việt, Nho giáo, phản biện xã hội, nghị luận, Hán học và Trung Quốc học, dịch thuật, sáng tác văn học, phê bình văn học, văn phong báo chí, v.v... Mỗi tác giả, không nhiều thì ít, đều đưa ra những lời bàn sâu sắc và có giá trị giúp độc giả hiểu hơn về Phan Khôi. Nhưng chỉ có lần này và với tác phẩm này, mới có một tác giả bàn đến một số lĩnh vực trong những lĩnh vực đó một cách có căn cứ nhất, có tính logic nhất, rộng nhất về diện, sâu nhất về tầm mức, cùng với những kết luận đúng mức, không câu nệ hay thiên vị, những lời bình thẳng thắn, những đề nghị dựa trên cơ sở khoa học, khách quan, vì lợi ích chung, tuyệt đối không thấy bóng dáng của sự cảm tính.

Trừ chương I nói về quá trình đọc và suy ngẫm tác phẩm Phan Khôi, còn lại tám chương, dài ngắn có khác nhau nhưng đều bàn đến tám lĩnh vực, sự kiện hoặc vấn đề gắn liền với sự nghiệp của Phan Khôi trong quá khứ. Tác giả Ngô Quang Huy đã trải qua một quá trình đọc và suy ngẫm kỹ lưỡng các tác phẩm của Phan Khôi và bước đầu anh nhận ra chân giá trị của tác gia này cũng như tri thức và tư tưởng của ông thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Điểm sáng dễ được thừa nhận và mặc nhiên đã được thừa nhận ở Phan Khôi là bài thơ Tình già, đã được tác giả phân tích một cách khoa học để thấy rõ đây là một công trình sáng tạo có giá trị và có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến nền thi ca Việt Nam, từ đó anh mạnh dạn đưa ra một đề nghị mà trước đó chưa thấy có ai đề nghị, nhưng xem ra là có căn cứ và cũng đã có tiền lệ.

Lịch sử tư tưởng Việt Nam ghi nhận có một sự kiện là cuộc tranh luận về duy tâm và duy vật giữa Phan Khôi và Hải Triều hồi những năm 30 thế kỷ XX. Nhưng tác giả Ngô Quang Huy chứng minh rằng không có cuộc tranh luận đó, mà chỉ là việc hai học giả có hai cặp bài báo độc lập với nhau nhưng gặp nhau tại cùng một thời điểm với nội dung liên quan đến duy tâm, duy vật và nhiều vấn đề khác của triết học và xã hội. Quan trọng hơn là tác giả phân tích và cho thấy rằng ý nghĩa thời đại của cuộc gặp gỡ giữa hai học giả là ở chỗ nó cung cấp những thông tin mới lạ, hấp dẫn và thổi luồng sinh khí mới vào đời sống văn hóa tư tưởng của xã hội Việt Nam đúng vào lúc xã hội đó đang đón nhận đến với mình từ hai phía: một là nền văn hóa rực rỡ từ nước Pháp, và một là luồng gió mới của cách mạng vô sản từ nước Nga.

Vấn đề Phan Khôi với luận lý học đã có nhiều người đề cập tới, thêm lần này nữa, Ngô Quang Huy bàn đến vấn đề này, nhưng bàn đến một cách căn bản, rộng và sâu ít thấy, giúp độc giả có được những hiểu biết cơ bản nhất về logic học để thấu triệt tư tưởng của Phan Khôi về các nguyên tắc do ông đề xướng đầy tính khoa học, nhân văn và đạo lý, trước hết là trong tranh luận. Các nguyên tắc đó đã trở thành kim chỉ nam trong suốt cuộc hành trình văn chương của ông, được ông trân trọng, giữ gìn và tin tưởng cho đến tận khi cuộc đời buộc ông phải buông bút.

Phan Khôi với các quan điểm ngược chiều về lịch sử, là một vấn đề mới mà lần này Ngô Quang Huy đặt ra để nghiên cứu, trước anh chưa có ai làm, hoặc nếu có làm thì cũng chỉ mới là đề cập qua nhân một việc gì đó, rồi thôi. Ngược chiều, được hiểu là trái với chính thống hoặc không giống với nhận định của số đông. Có thể coi đây là một đóng góp mới của tác giả, vì những gì được coi là ngược chiều, đều là những vấn đề của lịch sử Việt Nam hoặc thế giới, đã trải qua nhiều tranh cãi. Lần này tác giả hệ thống lại những vấn đề ngược chiều đó - tất nhiên là theo quan điểm của tác giả - nhưng quan trọng hơn là tác giả lọc ra cái nào Phan Khôi đúng, cái nào chưa dúng; theo đó thì ba vấn đề Phan Khôi có quan điểm và nhận định đúng, còn lại ba vấn đề, thì một vấn đề còn đang tranh luận, một vấn đề Phan Khôi chưa đúng do thiếu thông tin và một vấn đề còn để ngỏ.

Những đóng góp cho tiếng Việt của Phan Khôi là vấn đề đã được thừa nhận, tác giả Ngô Quang Huy không phải là ngoại lệ, nhưng cái khác ở lần này là anh nghiên cứu rất thấu đáo. Tác giả khẳng định Phan Khôi là nhà Việt ngữ học nghiệp dư đầy tâm huyết với các kết luận mang tính tổng kết, theo đó, các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt của Phan Khôi được đánh giá là có tính khoa học cao, một số vấn đề bước đầu ông tìm hiểu và nghiên cứu có giá trị như một phát kiến khoa học, cần được những người đi sau có tâm huyết với tiếng mẹ đẻ tiếp tục nghiên cứu.

Phan Khôi bàn về Nho giáo là vấn đề quen thuộc, đã được nhiều người bàn đến. Nhưng trung thành với phương pháp luận khoa học đã lựa chọn và nhất quán suốt chiều dài tác phẩm, Ngô Quang Huy bàn đến Nho giáo một cách căn bản, đi từ nguồn gốc đến quá trình phát triển, đến sự biến chất và sự lụi tàn của nó trong suốt hai ngàn năm trăm năm; ảnh hưởng của Nho giáo đến lịch sử tư tưởng Việt Nam; rồi mới phân tích quan điểm và đánh giá của Phan Khôi về Nho giáo và sự đụng độ của ông trên lĩnh vực này với các học giả khác. Một điều mới là, không như nhiều người khác có xu hướng coi Nho giáo là cổ hủ rồi phủ nhận sạch trơn, Ngô Quang Huy có cái nhìn nhận khác về Phan Khôi đối với Nho giáo. Một cách hình ảnh, anh ví học thuyết Nho giáo như một kho những hạt ngọc quý, mọi người đến và chiêm ngắm vẻ đẹp của chúng, Phan Khôi cũng chiêm ngắm nhưng không chỉ để thưởng lãm mà còn để phân loại chúng, xem hạt nào quý thật và hạt nào không quý bằng. Ông sàng lọc các thuyết trong học thuyết Nho giáo, phân tích và kết luận thuyết nào có lợi, thuyết nào có hại cho sự phát triển, và đặc biệt ông nhận diện Tống nho, lên án Tống nho bởi sự phản khoa học, phản tiến bộ của nó. Vào đầu thế kỷ XX, Nho giáo ở Việt Nam, theo quy luật, hầu như sụp đổ; nhưng Phan Khôi, với thái độ kính trọng và ngưỡng mộ Khổng Tử và học thuyết của Ngài, vẫn luôn tin tưởng rằng Nho giáo sẽ phải được khôi phục và phát triển ở nước ta với những thuyết tiến bộ và có ích cho sự phát triển của xã hội Việt Nam. Thái độ đó của Phan Khôi là khoa học, là đúng đắn khi ngày nay chúng ta chứng kiến rất nhiều Học viện Khổng Tử được thành lập trên thế giới, và mới đây là ngay cả ở Việt Nam.

Tính phản biện ở Phan Khôi đã được nhiều người khẳng định, cao hơn là có học giả ở miền Nam trước 1975, cách đây mươi năm đã đưa ra nhận định:“Phan Khôi là một nhà báo, nhưng không phải nhà báo bình thường. Là học giả, nhưng không phải học giả cổ điển chỉ biết nghiên cứu. Phan Khôi là khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX”. Nên lưu ý: duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX, chứ không phải duy nhất của Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX như chúng ta vẫn thường nói một cách dè dặt. Nhận định đó là rất đúng, vì lịch sử đã sang thế kỷ XXI gần hai mươi năm rồi mà chưa thấy có khuôn mặt phản biện thứ hai nào, cỡ như ông, xuất hiện!? Theo lẽ công bằng, đã nói xuôi thì phải nói ngược: Chịu khó quan sát một chút thì thấy rằng, bài báo phản biện hồi năm 1956 của Phan Khôi là cơ hội cuối cùng của phản biện xã hội, kể từ đó, hơn sáu mươi năm liền, hoàn toàn không còn có cơ hội cho phản biện xã hội nữa. Những nhà trí thức vốn sở hữu cái chìa khóa phản biện ấy đã bị rút phép thông công, vì vậy mọi cánh cửa hướng đến sự phát triển và tiến bộ đều đã bị khóa chặt, đó là một thiệt thòi khách quan có tính thời đại chứ không hẳn chỉ là sự yếu đuối của các thế hệ trí thức sau Phan Khôi.

Về phần mình, tác giả Ngô Quang Huy đánh giá, đối với những hiện tượng tiêu cực của xã hội, là người làm báo chuyên nghiệp, Phan Khôi là nhà phản biện xã hội trung thực và dũng cảm. Ngô Quang Huy trưng ra bài báo Một xã hội cũng như một tờ báo phải có thái độ phê bình và tiến bộ của Phan Khôi đăng trên Đông Dương tạp chí hồi năm 1937, theo đó, ông cho rằng chữ phê bình phải được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ viết bài phê bình mà còn phải bình luận nữa, thấy hay thì khen, thấy dở thì chê, mà khen hoặc chê cũng đều phải có lý do. Bảo dở mà chê thì sự cần nhất là phải tìm cách sửa chữa thế nào cho cái dở ấy trở nên hay. Vì vậy ông đưa ra cái triết lý: Phê bình tức là Tiến bộ; tư tưởng Phê bình tức là Tiến bộ trở thành phương châm sống của Phan Khôi. Rồi Ngô Quang Huy liên hệ đến bài báo Phê bình lãnh đạo văn nghệ của ông đăng trên Giai phẩm mùa Thu 1956 (tập I) - cách nhau hai mươi năm - để thấy cả lần này nữa, mà là lần cuối cùng, Phan Khôi vẫn phản biện xã hội theo cách trung thành với triết lý của mình. Sự liên hệ này chứng tỏ Ngô Quang Huy là nhà khoa học thực thụ, anh viết dựa trên những căn cứ không thể biện bác, không thể chối cãi. Nhờ cái ánh sáng Phê bình tức là Tiến bộ của Phan Khôi do Ngô Quang Huy rọi chiếu từ lịch sử tám mươi năm trước, tôi còn thấy Phan Khôi thực hiện cú phản biện cuối cùng của đời mình thật là ngoạn mục, khoa học, minh bạch, như nhất và cao cả. Vì vậy, chỉ một bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của ông - với cách ra đời như thế - cũng đủ đứng cửa trên và đánh đổ cả một pho sách dày hồi năm 1958 của những nhân vật quyền năng lệch đất, tiếng tăm làm váng động cả một thời.

Phan Khôi là cây bút nghị luận nổi tiếng của làng báo Việt Nam. Có vị Giáo sư văn học, trong phạm vi một chuyên luận, đã luận bàn về phong cách nghị luận, bút chiến của ông với nhiều nhận định sắc sảo, như cái cảm hứng “gây sự” luôn thường trực trong ông; khi nghị luận ông chỉ nói lý, không nói tình, duy lý đến mức cực đoan, coi luận lý học cai trị mọi sự ở đời; dù tranh luận dễ dẫn người ta đến nổi nóng, nhưng ở ông dù thế nào cũng giữ hứng thú hài hước, châm biếm; tri thức ông đưa ra tranh luận rất bác học mà bình dân, rất thông thái mà dân dã, nhờ đó đọc văn nghị luận của Phan Khôi không thấy có sự phân biệt giữa bậc học giả, nhà trí thức với bình dân.

Tác giả Ngô Quang Huy coi văn nghị luận của Phan Khôi là một đối tượng nghiên cứu khoa học, vì vậy anh tiếp cận vấn đề ở tầm rộng hơn nhưng lại chi tiết hơn, bao quát toàn bộ những nhóm vấn đề mà Phan Khôi nghị luận: văn minh Tây phương và văn minh Đông phương, văn hóa với khoa học, triết học và nhân sinh quan, bàn về việc học, bàn về tư cách, vấn đề phụ nữ, vấn đề cải cách, vấn đề lập hiến. Trên những nhóm vấn đề đó, tác giả dụng công phân tích sâu hơn, qua đó mới rút ra một kết luận có phần giản dị mà đúng đắn, rằng Phan Khôi là một cây bút nghị luận sắc sảo với các đặc điểm nổi bật là định nghĩa rõ ràng, giải thích đơn giản nhưng súc tích, chứng minh chặt chẽ và thuyết phục, bình luận sắc sảo, thiết lập các quy luật hay quy tắc trong kết luận, trích dẫn tài liệu chính xác và minh bạch, sử dụng lối hành văn trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu.

Theo nhận định của tôi, tác giả Ngô Quang Huy bám rất chắc vào các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi đã được công bố lại, đọc kỹ chúng và giúp độc giả được tiếp cận chúng một cách trực tiếp, vì vậy độc giả như được nghe Phan Khôi nói hoặc trực tiếp trò chuyện cùng ông trong mọi vấn đề. Ngô Quang Huy lấy thực tế cuộc sống đương đại làm chuẩn mực, từ đó kết luận những vấn đề mà Phan Khôi bàn đến, cái nào ông đúng, cái nào ông chưa đúng, cái nào hiện còn đang để ngỏ, cần được tiếp tục nghiên cứu. Đó là cách nghiên cứu không những thấu đáo, mà còn tỏ rõ một thái độ nghiên cứu đúng đắn, khách quan, trung thực của người làm khoa học.

Có một điều tôi còn băn khoăn, là trong các lĩnh vực Ngô Quang Huy đọc và suy ngẫm để viết thành chuyên luận, các chuyên luận đó tập hợp thành các chương của tác phẩm, có vẻ như anh đều đi quá rộng, quá sâu, quá căn cơ. Điều đó có cái lợi là xác lập được căn cứ vững chắc cho sự biện luận và tính khách quan, tính khoa học đều cao, nhưng lại có thể bất lợi cho những độc giả không có chuyên môn, như tôi chẳng hạn. Không ít lần tôi phải dừng đọc vì bị cái cảm giác của người bơi không thấy bờ, mông lung, khó nắm bắt chính xác vấn đề mà tác giả đang bàn đến. Tôi đã tự mình khắc phục cái bất lợi đó bằng cách đọc lại thật chậm, thật kỹ, thì y như rằng, tôi cảm thụ vấn đề một cách rõ ràng hơn, vững chắc hơn. Hóa ra, cái hạn chế đó, nếu có, là từ phía tôi với tư cách độc giả, chứ chưa hẳn đã là hạn chế của tác giả và tác phẩm. Nói cách khác, tác phẩm là đối tượng đọc của những độc giả có vốn tri thức và quan tâm đến học thuật, chứ không phải là của tất cả. Đây là một cuốn sách kén độc giả.

Từ Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo của Lại Nguyên Ân đến Tác phẩm Phan Khôi - Đọc và suy ngẫm của Ngô Quang Huy là một chặng đường dài đo bằng mấy chục năm đầy nhọc nhằn và đầy trách nhiệm của cả hai tác giả. Lại Nguyên Ân ở Hà Nội, Ngô Quang Huy ở Sài Gòn, họ hoàn toàn không biết nhau nhưng lại cùng trân trọng và tâm đắc với những giá trị văn hóa của quá khứ nên cùng gặp nhau tại các tác phẩm đăng báo trong quá khứ của Phan Khôi. Lại Nguyên Ân như một chuyên gia trục vớt con tàu đắm hàng thế kỷ dưới đáy biển sâu, Ngô Quang Huy làm công việc của một nghệ sĩ, bằng nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các cổ vật quý hiếm từ trong con tàu ấy để độc giả cùng thưởng lãm. Thật đáng trân trọng cái công đó của cả hai tác giả.

Ngô Quang Huy là ai mà bây giờ mới xuất hiện trong tư cách tác giả của một tác phẩm nghiên cứu văn học quy mô như vậy, đó là điều sau cùng tôi muốn được thổ lộ cùng quý độc giả. Anh quê làng Bảo An thuộc xứ Quảng, là Giáo sư - Tiến sĩ ngành Vật lý, suốt năm mươi năm qua làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy chuyên ngành Vật lý hạt nhân.

Lần này và bằng tác phẩm này, GS-TS Ngô Quang Huy vẫn tiếp tục làm công việc nghiên cứu bằng cái vốn chuyên môn sẵn có của người cả đời làm khoa học. Nhưng đây là lần đầu tiên anh bước sang lĩnh vực nghiên cứu văn học. Điều đó khiến tôi cứ phân vân, tự hỏi: không biết đó có phải là sự thôi thúc tự thân của một người cháu gọi Phan Khôi bằng ông ngoại, hay nghiên cứu văn học vốn là năng lực tiềm ẩn nơi anh, nay mới có cơ hội bộc lộ? Và vì chưa thể lý giải được, tôi đành tự bằng lòng: có lẽ là cả hai!

Sự cố gắng ngày đêm, quên cả tuổi tác và bệnh tật của tác giả Ngô Quang Huy đã được đền đáp: đúng dịp chào mừng 130 năm ngày sinh Phan Khôi (6/10/1887 - 6/10/2017), bộ sách Tác phẩm Phan Khôi - Đọc và suy ngẫm gồm hai tập (I và II) của anh chính thức có mặt trên toàn hệ thống phát hành của Nhà xuất bản Tri thức. Tác giả coi đó là món quà đặc biệt của cả một đàn cháu nội, cháu ngoại dâng lên hương hồn người ông đáng kính trong dịp kỷ niệm nhiều ý nghĩa này!

Viết đến những dòng cuối cùng, tôi, tự nhiên thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn, phơi phới bởi một niềm vui cứ chực dâng tràn. Thì ra, niềm vui đến từ chỗ: trong cuộc sống còn nhiều điều chưa thể hài lòng này, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng ở ngày mai. Ngày ấy, những giá trị tinh hoa văn hóa của quá khứ sẽ được các thế hệ nối tiếp nhau làm cho hồi sinh và lan tỏa, thấm vào từng đường gân thớ thịt của cuộc sống đương đại. Và như thế, theo chân Phan Khôi, các vị trí thức khả kính và các văn nghệ sĩ tài hoa của một thời chưa xa sẽ lại trở về cùng chúng ta thôi!

Chắc chắn là như thế!

Linh Đàm mùa Xuân - mùa Thu Đinh Dậu 2017

P.A.S.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn