Đôi điều ngẫu hứng về “Ngày người cao tuổi” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 15)

Tương Lai

Năm nay, lần đầu tiên ngẫu hứng định viết đôi điều về ngày “người cao tuổi” vì bỗng chợt giật mình nhớ ra hình như mình cũng đã được liệt vào lớp người có quyền “lão giả an chi” mà nhấm nháp cái danh hiệu vốn vẫn chưa định hình được trong thói quen tư duy đã có.

Ấy vậy mà, chẳng cao thì còn thấp cái nỗi gì? Hơn tám mươi rồi còn đòi trẻ nữa ư? Chẳng cần phải so với ông Bành [tổ] vẫn thiếu niên”. Chỉ cần nhìn vào tấm gương của vị lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh quắc thước, anh minh với tuổi 102 đúng hôm nay với sự may mắn được nhiều lần hầu chuyện Cụ thì vẫn cảm được cái mệnh đề “lão giả an chi” xem ra vẫn có gì đó cần phải hiểu lại! Và nếu lại đào sâu vào cội nguồn của mệnh đề này như đã lần gợi ra, thì đây lại là chí lớn của Khổng Tử, đúng hơn, là hoài bão cao cả của nhà tư tưởng cổ đại thổ lộ với học trò của mình, muốn làm sao người già được sống an nhàn, bạn bè cùng giữ được sự trung tín, trẻ nhỏ được chăm sóc (Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi). Vậy thì đâu phải đã là người tuổi cao thì chỉ việc an hưởng sự nhàn nhã, phó mặc sự nghiệp cho người trẻ. Thật là một ngẫu nhiên thú vị khi ngày 1 tháng 10, ngày “người cao tuổi” cũng lại là ngày sinh của vị lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp vì Tổ quốc, vì nhân dân như cụ là một niềm hạnh phúc khó có gì so sánh được, một tấm gương ngời sáng để tất cả những người cao tuổi noi theo. Trong suy ngẫm tôi cảm thấy may mắn là vẫn cảm nhận thấy cái mệnh đề “lão giả an chi” đang có phần gượng ép và chưa định hình trong cách tư duy của mình.

Đương nhiên, không ai chối bỏ được quy luật. Thời gian không nương nhẹ một ai. Sự phũ phàng của thời gian in đậm dấu ấn của nó trên cơ thể con người, trên hoạt động qua từng đường đi, nước bước. Cá biệt, với tâm hồn nghệ sĩ, có thể nhìn thấy màu thời gian, ngửi thấy hương thời gian để rồi bay bổng thăng hoa trong “màu thời gian không xanh/màu thời gian tím ngát/hương thời gian không nồng/hương thời gian thanh thanh” (Đoàn Phú Tứ).

Nhưng sau phút thăng hoa, người ta buộc phải trở về với cuộc sống thực. Vì thế mới có chuyện Ngày Quốc tế Người cao tuổi IDOS (International Day of Older Persons). Không biết thế giới người ta tổ chức ngày này ra sao, nhưng hôm rồi tình cờ mở tivi thấy VTV1 tường thuật trực tiếp ngày kỷ niệm này tại Hà Nội vừa rất nghiêm túc vừa pha nét hài hước!

Nghiêm túc vì hội trường lộng lẫy cờ hoa, cô MC “kính thưa” liên tục, mà là kính thưa các quan chức chứ không phải kính thưa “các cụ”. Nghiêm túc, còn là lễ kỷ niệm mở đầu bằng giọng ca tuyệt vời của “người cao tuổi” Quang Thọ, nghệ sĩ nhân dân đã 70 xuân mà tiếng hát vẫn ngân vang có sức cuốn hút mạnh mẽ. Còn hài hước là cảnh các cụ lom rom khó nhọc bước lên sân khấu, run rẩy xếp hàng như các cháu chắt của mình thường được các thầy cô, các anh chị phụ trách xua lên sân khấu. Tụi trẻ thì có lẽ sẽ nhanh nhẩu tíu tít vì sắp được đón cái phong bì tài trợ của các nhà hảo tâm, chứ các cụ đi được đến đây đã mệt lắm rồi. Lại được hướng dẫn đứng xếp hàng dài sao cho coi được vì ống kính tivi sẽ phải đưa sao cho hoành tráng để sự quan tâm vô bờ bến của đảng và nhà nước với người cao tuổi tỏa rạng khắp nơi. Để có được sự tỏa rạng đó, mà chắc chắn là phải có, thì của đáng tội, có cụ trông thất thần nhìn xuống hội trường như thể sợ mình nhỡ có sai sót gì thì rầy rà to.

May quá, phút chờ đợi không lâu vì hai vị mệnh phụ đã oai vệ bước lên sân khấu để trao phần thưởng cho các cụ. Hai bà tươi cười, dáng vẻ đường bệ theo sau có các cô bưng bê quà thưởng, hai bà chỉ việc trao vào tay các cụ một cách thật chuyên nghiệp cái tặng phẩm biểu trưng. Hình như món quà kỷ niệm làm bằng thủy tinh này trĩu nặng trên đôi tay già yếu nên các cụ dúi vội vào cái túi quà để dưới chân. Thật tội nghiệp. Giá mà ai đó thông minh thêm một chút xíu, sắp xếp một hàng ghế để mời các cụ ngồi rồi hai vị chức sắc nọ đến trao quà thì sự tỏ vẻ kính trọng người già sẽ đậm đà thêm tí chút thay vì đòi các cụ đứng dàn hàng ngang trên sân khấu trông vừa thiểu não vừa bất nhã thế kia. Mà nào có khó gì, xin xem cách trân trọng người già tại một xã nọ ở Thái Bình trong tấm hình dưới đây:

clip_image002

Nhưng rồi cũng xong màn trình diễn ngoạn mục, còn diễn văn diễn võ thì miễn bàn vì chắc tai ngễnh ngãng các cụ chẳng nghe và e rằng cũng chẳng muốn nghe chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Từ những gì vừa được diện mục sở thị trên màn hình tivi truyền hình tại chỗ mà lẩn thẩn nhớ lại chuyện xưa trong truyền thống “Triều đình trọng tước. Làng nước trọng xỉ”.

Sử chép rằng “Tại kinh thành Thăng Long, có đình Yến Lão được xây dựng gần điện Kính Thiên. Hàng năm, cứ vào trung tuần tháng hai âm lịch, triều đình chọn một ngày ban Yến Lão. Vào ngày đó, các bậc phụ lão ở những phủ huyện cận kề kinh thành được quan sở tại đưa vào điện Kính Thiên làm lễ bái mạng, quan khâm mạng tuyên đọc sắc chỉ của nhà vua mang ý nghĩa tôn trọng người cao tuổi. Sau đó, các cụ được đưa sang đình Yến Lão để dự tiệc. Cứ bốn cụ cùng tuổi ngồi một mâm, cùng nhau uống rượu, trò chuyện. Thường thì các cụ chỉ uống rượu. Thức ăn, hoa quả, bánh trái cùng tiền, lụa vua ban các cụ chia nhau mang về cho con cháu trong gia đình được chung hưởng! Đấy là chuyện ở triều đình, nơi vốn “trọng tước” nhưng theo điển lễ thì vẫn quy định ngày vua ban “yến lão” theo cách trên cho các cụ. Còn ở làng xã thì sao?

Hương ước làng Phụng Thượng, nay thuộc xã Vũ An, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình quy định về lệ kính lão: “Người trong làng tuổi đã đến lão, dân cũng nghị một khoản kính lão để kính tuổi. Ông lão từ 50 tuổi trở lên được trừ tạp dịch, đến 60 tuổi thì có lệ vọng, quan viên hạng nhất mỗi viên 4 đồng; hạng nhì, hạng ba, hạng tư mỗi viên 3 đồng… Làng cắt mỗi giáp một ông quan rước lễ viên đến nhà mừng lão. Lễ mừng lão hạng xã nhiêu trở lên một bánh pháo, 30 quả cau, hạng nhiêu phu trở xuống 1 bánh pháo, 10 quả cau. Đến 70 tuổi đồng dân hội tề, thứ dân đinh rước lễ một đôi câu đối, một phong pháo, 30 quả cau đến nhà mừng thọ. Đến 80 tuổi dẫn hội tế huynh, thứ dân đinh rước lễ một câu đối vóc, 1 phong pháo, 50 quả cau đến nhà mừng thọ. Đến 90 tuổi dân mừng 1 câu đối vóc, 3 đồng, 1 bánh pháo, 100 quả cau hội từ kỳ lý đến nhà mừng thọ.

Vậy đó! Mà xem ra cái tình người chân tình mộc mạc, sự kính trọng thật lòng của của cộng đồng đối với các cụ hình như có sức lay động lòng người hơn! Hay là do cái sự thấp kém của người viết suy bụng ta ra bụng người mà đưa cái cảm xúc hoài cổ “bao giờ cho đền ngày xưa” vào đây? Cũng có thể.

Nói là “suy bụng ta ra bụng người” chính là vì “người cao tuổi” là cái thằng tôi đây, nếu vào thời mồ ma phong kiến hủ bại thì cũng được “thứ dân đinh rước lễ một câu đối vóc, 1 phong pháo, 50 quả cau đến nhà mừng thọ” như vừa dẫn ra ở trên. Thì nay, trong xã hội hiện đại dân chủ vạn lần hơn cũng vinh dự hơn, được triệu đến trụ sở Chi bộ để nhận cái án khai trừ vì ba cái tội đã phạm lâu nay: đi biểu tình chống Trung Quốc, viết bài phản biện đưa lên mạng và trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài. Nhưng có một tội nặng nhất không tuyên minh bạch ra được lại là tội động đến gót chân Achille của nhà cầm quyền Trung Quốc, người đồng chí cùng chung ý thức hệ với ông Nguyễn Phú Trọng “cùng chung vận mệnh” với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nói như vị lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Người ta quyết định “khai trừ anh ấy, một người đã suốt đời dấn thân cho sự nghiệp của nước, của dân, ra khỏi đảng vì họ run sợ trước sức mạnh và tác động của cuộc đấu tranh mà anh ấy chĩa thẳng vào họ, vào lũ quan thầy của họ”!

Và rồi, tôi đã viết trong “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” ngay sau chuyện đáng tủi nhục đó: “Giọt nước tràn ly từ cái quyết định xuẩn ngốc một cách tội nghiệp và rất ấu trĩ nọ chỉ là một ngẫu nhiên ngớ ngẩn mà xem ra lại chính là một nhân tố thúc đẩy đưa tới một tình thế đã chín muồi nhằm biểu đạt tính nhất quán trong nhận thức và hành động của tôi. Lẽ dĩ nhiên, chẳng cái ngẫu nhiên nào lại không hàm chứa trong nó cái tất yếu, và cái đó cũng chính là nỗi đau thế cuộc! Ở đây là nỗi nhục của thân phận chư hầu mà những kẻ quyết bám giữ cái ghế quyền lực đã giành được bằng mọi giá đã buộc phải làm. Trong nỗi đau đó, tôi đón nhận mọi ý kiến khác với quan điểm và nhận thức của tôi như những gì tôi đã dự liệu”.

Nhưng rồi, trong nỗi đau thế cuộc đó, tôi lại nhận được sự khích lệ, động viên của lão tướng 102 tuổi đời mà sức cường tráng trong tư duy đã tiếp thêm sức mạnh cho tuổi ngoài tám mươi của tôi khó có thể diễn đạt bằng lời. Đúng là tôi đã không nhầm khi viết trong Tuyên bố ngày 2.9.2017: “Tôi hiểu rõ tôi không hề đơn độc. Trong Đảng còn nhiều đảng viên giữ được lý tưởng và phẩm cách đảng viên Đảng của Hồ Chí Minh, họ đã và đang thầm lặng nung nấu ý chí chiến đấu và bằng những cách riêng của mỗi người đã, đang và sẽ đấu tranh … Đương nhiên, trong bối cảnh mới, mục tiêu và phương thức đấu tranh phải thích ứng với đòi hỏi mới của cuộc sống đang thay đổi từng giây từng phút để dẫn tới những đột phá”.

Đôi điều ngẫu hứng ngày “Người cao tuổi” năm nay đối với tôi xem ra lại có nét hay hay thú vị do tính riêng tư của nó, chắc thế.

Ngày 1.10.2017

T. L.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn