Thiên tai hay kết cục được biết trước?!

FB Nguyen Son

Thiệt hại do lũ lụt mấy ngày qua về cả nhân mạng và vật chất là hết sức kinh khủng. Trong những người được cho là mất tích còn có một phóng viên của TTXVN. Tin mới nhận được là thi thể của anh vừa được tìm thấy cách hiện trường hơn 100 km.

Nếu như cách đây 8-10 năm, chắc chắn mình sẽ là một trong những phóng viên "xông pha" vào hiện trường đầu tiên. Nhất là khi mình vừa kết thúc công việc cũng ở Yên Bái, chỉ cách những chỗ kia chưa đầy 100 km. Tấm ảnh dưới mình chụp năm 2008 khi cuốc bộ tầm 15 km giữa mưa với 13 kg máy móc, đồ đạc trên lưng, ở QL279 đi từ đất Quang Bình (Hà Giang) sang Phố Ràng (Lào Kai). Đường 70 lúc ấy tan hoang, để lên được Bát Xát, mình đã phải thuê taxi từ Hà Nội đi vòng 300 km qua Bắc Quang (Hà Giang), đi bộ rồi thuê xe ôm đi từng đoạn suốt 70 km từ Phố Ràng tới thành phố Lào Kai, mượn xe máy chạy thêm 50 km vào Trịnh Tường, Bát Xát. Không hề thấy vất vả hay mệt mỏi gì. Thế mà giờ đây mình không hề có ý định đi, dù thoáng qua.

Nhiệt huyết của mình với nghề giảm? Lòng trắc ẩn của mình với những số phận người dân đang bị lũ lụt vùi dập kia không còn? Không! Tất cả vẫn nguyên đấy. Nhưng thực sự mình thấy bất lực và nản. Vì những "kịch bản" như thế này đều đã được đoán trước. Đoán biết trước mà không thể làm gì...

Báo chí nói "rát họng" nhiều lắm rồi. Dư luận cũng nói nhiều lắm rồi. Quốc hội cũng đưa ra bàn nhiều lắm rồi...

Tấm ảnh trên thì mình chụp trong khuôn khổ dự án "Hành trình Việt Nam xanh", năm 2011 - phá rừng, làm thủy điện tràn lan, xả lũ không theo cam kết... cũng đã được nói hết rồi...

Và những năm gần đây, lũ lụt năm nào cũng để lại những hậu quả ngày càng bi thương. Thiên tai, biến đổi khí hậu ư?! Có chứ, tất nhiên rồi, nhưng mình tin là chỉ một phần không lớn. Đừng đổ mọi "tội lỗi" lên Ông Trời. Diện tích rừng nguyên sinh dần biến mất sạch và thay thế bởi những khu rừng cây công nghiệp ngắn ngày, "rừng dịch vụ" với những cây như keo, tràm, cao su... không thể giữ đất, giữ nước ngăn lũ. Diện tích rừng "tái phủ xanh đất trống đồi trọc" là lớn nhưng chất lượng rừng thì thê thảm. Chỉ có số lượng và chất lượng... gỗ tại nơi ở của những nhà giàu, nhà quan chức từ to đến nhỏ tại các địa phương thì chắc chắn tăng lên.

2 nhiệm kỳ trước của ông X cũng là thời gian mà các dự án thủy điện, hồ, đập được xây dựng bùng nổ. Hiếm có nơi nào mà thủy điện bậc thang được xây nhiều thế, hiếm có nước nào cho làm thủy điện công suất bé nhiều thế (lên Sapa chứ chả đâu xa, các nhà máy 1 MW, 2 MW thậm chí nhỏ hơn 1 MW cũng có. Kinh khủng!).

Bây giờ, và có thể thời gian tới nữa, chỉ cần những đợt mưa dài ngày, không cần to, không cần có bão lớn là nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất đều có thể hiển hiện, nhất là khi tình cờ cùng dịp với các nhà máy thủy điện trên sông Li Xian (Đà), sông Hong He (Hồng) đoạn thượng nguồn bên nước "bạn vàng 4 tốt" xả lũ thì những kết cục tang thương như vừa xảy ra ở miền Bắc rất có thể lặp lại.

Buồn và nản vô cùng...

clip_image002

Đak Glei, Kontum 6.2011

clip_image004

N.S.

Nguồn: https://www.facebook.com/nason.nguyen/posts/10155059162766589

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn