Báo nhà nước có ‘làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội’ khi bị bịt miệng?

Thiền Lâm

Hai động thái rất phản ngược vừa được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tung ra cùng thời điểm: tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 - 11 năm 2017, ông Tuấn khao khát “Phải lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”; nhưng chỉ ngay trước đó, chính ông Trương Minh Tuấn đã ký quết định đình bản tạm thời trang Nhaquanly vì trang này đăng tải một bài viết về tiêu cực của chính quyền ở tỉnh Bình Phước.

Một lần nữa từ giữa năm 2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lại hiện ra như một “sát thủ báo chí”.

Chiến dịch “trảm báo chí” gần nhất là vào tháng Mười năm 2016. Khi đó, nhiều cái tên đã bị “trảm” như Ngyễn Như Phong của tờ báo chuyên chính Petrotimes, Lê Bình của VTV24, Võ Khối của báo Thanh niên, Nguyễn Thanh Phong của báo Lao động và Xã hội. Cũng trong Tháng Mười, đã có hai tờ báo điện tử là PetrotimesTầm nhìn bị đình bản – quá nhiều so với mật độ xử lý báo chí thưa thớt trước đây.

Cũng khi đó, báo giới nhà nước rúng động ghê gớm. Chỉ dám thầm thì hoặc tảng lờ trong các cuộc họp nội bộ, nhưng bùng phát trong các quán cà phê, nhiều nhà báo cho rằng đây thực sự là một chiến dịch “đánh” báo chí mà ông Trương Minh Tuấn là “tay kiếm” chủ công và có đủ đức tính lạnh lùng, tàn nhẫn.

Tuy nhiên khác với vụ Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt đến 50 tờ báo lớn nhỏ mà đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của dư luận xã hội – về vụ các tờ báo này ăn tiền để đánh nước mắm truyền thống của nông dân vào năm 2016, việc bộ này thẳng tay với những tờ báo ít nhiều dám nêu ra tiêu cực trong hệ thống chính trị như trang nhaquanly đã vấp phải sự phản ứng đáng kể của người dân, báo giới và cả trong khối công chức nhà nước.

Vụ việc tạm thời đình bản trang nhaquanly cũng khá giống với vụ Bộ Thông tin và Truyền thông đình bản đối với tờ báo Người cao tuổi và cách chức Tổng biên tập Kim Quốc Hoa của tờ này vì đã đăng rất nhiều bài chống tham nhũng trong nội bộ chính quyền và nội bộ giới công an. Khi đó, không ít dư luận đã bức bối cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấu kết với một số quan chức công an để bịt miệng báo Người cao tuổi, đe dọa truy tố ông Kim Quốc Hoa để răn đe tổng biên tập của các tờ báo khác chớ có “chống tham nhũng”.

Uy tín của ông Trương Minh Tuấn cũng từ đó lu mờ đi khá nhiều, cho dù ông Tuấn được xem là một thủ hạ đắc lực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và được ông Trọng nâng đỡ.

Vào tháng Bảy năm 2016 và sau khi nổ ra vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang, Tổng bí thư Trọng đã khởi động chiến dịch “nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước” bằng việc cho Bộ trưởng Thông tin Trương Mnh Tuấn kiêm chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Từ lúc đó trở đi, vai trò của Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng là hoàn toàn mờ nhạt. Thay vào đó, người ta nhìn thấy một “Trưởng ban Tuyên giáo” khác đi nhiều nơi, nói nhiều chuyện và không thiếu chỉ đạo nhân danh “Ban Tuyên giáo”.

Cũng bởi quá sốt sắng biểu hiện “tính đảng”, trong bài hai của loạt bài đăng trên báo Nhân dân vào tháng Mười năm 2016 với tựa đề “Nhận diện nguy cơ ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục”, ông Trương Minh Tuấn đã phạm một sai lầm nghiêm trọng và mang tính xúc phạm nhân cách khi quy “các phần tử cơ hội chính trị” vào nhóm lợi ích kim tiền như sau:

“Một số tờ báo, trang tin phụ họa một số phần tử cơ hội chính trị tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực chính trị nước ngoài hòng tạo ra thực lực chính trị nhằm thay đổi chế độ trong tương lai (Liệu có nên coi đây là loại hành vi hỗ trợ các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình?”)

clip_image001

Khi một đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (người đứng) giải trình về vụ MobiFone mua AVG mà đã khiến thất thoát ngân sách đến gần 8 ngàn tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bất ngờ bác yêu cầu này với lý do “vụ MobiFone đang trong quá trình thanh tra…”. Ảnh: Văn Bình

Cái cách mà ông Tuấn quy kết đối với giới bất đồng chính kiến đã khiến cho nhiều người đọc nhìn nhận về giọng điệu của ông không khác gì “cảnh sát tư tưởng”, và ông đang làm thay nhiệm vụ trấn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí của ngành công an.

Động tác tạm thời đình bản trang nhaquanly mới đây của ông Trương Minh Tuấn càng chứng minh rõ hơn một đánh giá đã nổi lên từ lâu của công luận: Tổng bí thư Trọng “chống ham nhũng một bên” và “chỉ đánh phe khác mà không đánh phe mình”.

Vậy làm thế nào để báo nhà nước “làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội” nếu cứ bị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn bịt miệng?

Một chuyện bên lề nhưng không thể bỏ qua và luôn có thể mổ xẻ trong thời gian tới: trong một buổi họp Quốc hội mới đây, khi một đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn giải trình về vụ MobiFone mua AVG mà đã khiến thất thoát ngân sách đến gần 8 ngàn tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bất ngờ bác yêu cầu này với ý do “vụ MobiFone đang trong quá trình thanh tra…”.

Trước đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng ông Trương Minh Tuấn “dính” vụ MobiFone mua AVG…

T.L.

Nguồn: http://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/bao-nha-nuoc-co-lam-hat-nhan-dan-dat-mang-xa-hoi-khi-bi-bit-mieng.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn