Lương tâm giáo dục

FB Le Dung

Trần Mạnh Hưởng và Lê Hữu Tỉnh theo sách giới thiệu là "hai nhà giáo". Tôi không biết họ. Họ cùng nhau tuyển chọn và giới thiệu nên cuốn "Truyện đọc lớp 2", được gọi là "Truyện đọc bổ trợ phân môn kể chuyện ở tiểu học", được Nhà xuất bản Giáo dục in 30 ngàn cuốn, in xong và nộp lưu chiểu tháng 5-2016. Sách được tái bản 13 lần, giá bìa 21 ngàn đồng, nếu với 30 ngàn cuốn cho một lần xuất bản thì Nhà xuất bản Giáo dục thu vào khoảng trên dưới 8 tỉ.

Tôi hay đọc sách cùng bọn trẻ buổi tối. Thường thì dàn hàng ngang, sách thằng nào thằng ấy đọc. Thi thoảng bọn trẻ nó hứng thì nó bảo tôi đọc. Chủ yếu là chuyện, hoặc địa lí, lịch sử gì đó nhưng chưa bao giờ là sách giáo khoa. Bọn trẻ phải tự thu xếp lấy việc đó.

Nhưng cuốn sách tôi nêu trên kia nằm trong bộ sách tham khảo cho lớp 2 của Nhà xuất bản Giáo dục, đọc ở nhà, một tuần một chuyện. Nó có mấy câu hỏi gợi ý nên con rủ tôi cùng xem, hỏi để nó trả lời cho vui, thi thoảng giải thích mấy từ nó chưa rõ.

Chúng tôi mới đọc đến câu chuyện thứ 8, "Những con ốc đổi màu", nguồn ghi là tạp chí Hàng không quốc gia Việt Nam 2002. Chuyện kể về một người thày dạy giỏi và phúc hậu cùng 3 cậu học trò. Hai anh con nhà nghèo, một anh con nhà giàu. Thày giao cho mỗi người một con ốc. Học giỏi thì ốc sáng màu, học kém thì ốc tối màu đi. Một năm sau, hai con ốc của hai anh nghèo càng ngày càng sáng còn con ốc của anh con nhà giàu thì càng ngày càng tối đen. Vì ghen tức với bạn và căm giận thày giáo của mình, anh về bịa với bố rằng thày bảo con học kém vì bố ngu dốt. Ông nhà giàu giận, liền cho người đến đốt nhà thày. Không học nữa, anh nhà giàu giật con ốc đen ngòm ra ném đi. "Không nghờ ở chỗ con ốc vẫn hay nằm trước kia bỗng nhói đau và anh ta ngã lăn ra chết ngay lập tức".

Con tôi hỏi: Ba, sao học không giỏi mà phải chết? Bạn ấy làm sai chỉ một lần là nói dối và ghen tức thôi mà. Chuyện bảo thày giáo giỏi sao không dạy cho bạn ấy giỏi? Chuyện bảo thày giáo phúc hậu sao lại ban cho bạn ấy con ốc giết người?

Cả ba câu hỏi trên của con, tôi không trả lời được. Tôi không biết "hai nhà giáo" biên soạn bằng cách "tuyển chọn và giới thiệu" từ đa phần tạp nham thành sách kia là ai, nhưng tôi biết Nhà xuất bản Giáo dục và tôi biết Bộ trưởng Bộ Giáo dục là anh Phùng Xuân Nhạ.

Những điều tôi viết có thể coi là đơn kêu cứu của phụ huynh cũng được, đơn xin cứu xét trẻ con cũng xong, gửi Bộ Công an lên án và tố cáo hành vi vì lợi nhuận mà cố tình làm tổn thương trẻ ở tuổi lên 7 của Nhà xuất bản Giáo dục cũng đúng, hoặc đơn giản là chửi đổng "hai nhà giáo" thất đức. Tùy cảm nhận.

Xét trên lương tâm của giáo dục, của nhà xuất bản mang tên giáo dục, của một nhà giáo hay của bậc cha mẹ, quý vị xem những điều tôi liệt kê sau đây có được coi là có lương tâm không:

1. Anh dùng sự ám chỉ giàu - nghèo như thời cải cách ruộng đất. Thằng giàu luôn xấu và thằng nghèo luôn tốt. Điều này sai căn bản về cốt lõi của giáo dục, đặc biệt cho trẻ đầu lớp 2, mới 7 tuổi. Hồ Chủ tịch dạy trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. Đây các anh lại đi dạy chúng phân biệt con người theo một hình thái định dạng miệt thị giàu-xấu-dốt, nghèo-tốt-giỏi. Các anh có lương tri không?

2. Thay vì dùng những từ khơi gợi lòng tôn sư trọng đạo cho trẻ, như người thày, thày giáo, hay chỉ đơn giản là thày thì các anh lại cóp nguyên bản cách dùng từ của một thằng lá cải chuyên quảng cáo cái từ rất xách mé, coi thường, gọi thày giáo là ông thày. Các anh có hiểu khái niệm ông thày, bà cô là gì không? Các anh có hiểu tiếng Việt không?

3. Nhà là bố nó đốt. Còn đứa trẻ, nó chỉ vì học không giỏi và nói dối đúng 1 lần, à, còn ghen tức với bạn và căm giận thày mình. Chỉ như thế mà đã phải chết? Ai giết đứa trẻ đó? Chính là người thày? Vậy người thày đó là kẻ giết người chứ không phải là phúc hậu. Thày giỏi, thày phúc hậu sao lại có thể chỉ trong vòng 1 năm dạy đứa trẻ đã đẩy nó đến trạng thái ghen ghét, căm giận và nói dối?

4. "Hai nhà giáo", các vị có lương tâm không? Các vị có tri thức không? Các vị có con cái không? Mang danh nhà giáo, các vị có học trò không?

5. Nhà xuất bản Giáo dục, các vị in cuốn sách này là vì tiền hay vì giáo dục?

6. Thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tôi không biết anh đi tìm triết lí giáo dục của anh ở đâu, triết lí cái gì và bao giờ thì anh tìm được nhưng trước mắt, trên cương vị là một bộ trưởng, thay mặt Chính phủ thực hiện chức năng quản lí nhà nước về giáo dục, anh hãy quản lí giáo dục một cách có lương tâm đã. Có lương tâm, anh khắc tìm ra triết lí. Không có lương tâm, triết lí cũng bằng thừa, thưa anh.

https://www.facebook.com/le.dung.98499/posts/10155583303057221

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn