Mong manh quyền xuất nhập cảnh

Luật sư Đặng Đình Mạnh

clip_image002

Thẩm quyền của công an càng rộng thì quyền xuất nhập cảnh của công dân càng mong manh. Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: AP.

Xuất nhập cảnh là một quyền được Hiến pháp tu chính năm 2013 minh thị công nhận tại điều 23.

Tuy là một quyền hiến định, nhưng khi nữ nhà báo Dương Thị Hằng Nga của tạp chí Giao thông – Vận tải thực hiện quyền này thì mới biết cơ quan công an đã vô hiệu hóa quyền của mình tự bao giờ.

Sự kiện này xảy ra trong thời gian gần đây đã gây xôn xao công luận. Trước đó, công chúng cũng đã từng biết hai trường hợp khác khá nổi tiếng là trường hợp xuất cảnh của ông Lê Thanh Liêm, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An và trường hợp nhập cảnh của ông Phan Châu Thành, một doanh nhân có quốc tịch Việt Nam và Ba Lan.

Thật ra, việc xảy ra với nhà báo Hằng Nga, ông Thanh Liêm hay ông Phan Châu Thành không phải là hiếm hoi. Tôi biết riêng trong phạm vi Sài Gòn đã có đến hàng chục công dân cũng đang bị cấm xuất nhập cảnh như thế khi họ đều là thân chủ đến văn phòng của tôi để nhờ tư vấn. Trong số đó, đã có một thân chủ “may mắn” là bà Đỗ T.X.T. được giải tỏa lệnh cấm xuất nhập cảnh để đi đoàn tụ với chồng và con gái nhỏ ở Áo sau rất nhiều nỗ lực can thiệp từ nhiều phía.

Vô hiệu hoá Hiến pháp dựa trên một đơn tố giác tội phạm

Tất cả các thân chủ của tôi đều có điểm chung là bị ngăn chặn xuất nhập cảnh bởi văn bản của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh thuộc Bộ Công an. Đồng thời, họ đều không hề được cơ quan chức năng thông báo về việc này cho đến khi họ xách va-li đến sân bay hay cửa khẩu biên giới làm thủ tục. Đương nhiên, trước mắt họ phải chịu các khoản thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần như: mất khoản tiền mua vé cho hai chiều đi và về, lỡ làng các kế hoạch đã hoạch định cho chuyến đi, mất uy tín với đối tác kinh doanh (nếu có), tâm lý bất an, v.v.

Kể ra, cấm xuất nhập cảnh đối với một công dân không phải là khái niệm lạ lẫm gì đối với những người làm việc trong lĩnh vực tư pháp khi đó là một biện pháp để bảo đảm thủ tục tố tụng, bảo đảm thi hành nghĩa vụ dân sự cũng như trách nhiệm hình sự.

Là một thủ tục hạn chế quyền công dân, lẽ ra nó phải do Quốc hội quy định và giao cho các cơ quan tố tụng và thi hành án tiến hành. Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến và công nhận các quyền công dân nên cũng phải là nơi có quyền quy định trường hợp nào thì quyền công dân bị hạn chế hay tước bỏ vì mục đích bảo vệ xã hội, trật tự chung.

Nhưng trường hợp của cô Hằng Nga, ông Thanh Liêm, ông Phan Châu Thành và nhiều thân chủ của tôi thì đều rất khác. Họ bị cấm xuất nhập cảnh dựa trên một văn bản do cơ quan hành pháp ban hành: Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ.

Như vậy, xem ra có một nghịch lý ở đây là một nghị định của nhánh hành pháp lại mặc nhiên có thẩm quyền tương đương với một đạo luật do nhánh lập pháp ban hành.

Chưa kể rằng, việc hạn chế quyền xuất nhập cảnh có thể không được thông báo cho công dân biết với lý do giữ bí mật điều tra hoặc vì lý do an ninh. Thậm chí, kể cả khi đã biết bị ngăn chặn xuất nhập cảnh tại sân bay hoặc cửa khẩu biên giới, thì sau đó không phải “nạn nhân” nào cũng có thể được biết cơ quan nào đã đề nghị ngăn chặn, lý do và thời hạn bị ngăn chặn. Trong khi đó, Thông tư 21/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định thời hạn cấm xuất nhập cảnh có thể kéo dài đến tận ba năm.

Thêm nữa, Nghị định 136 còn trao cho Bộ Công an một thẩm quyền đặc biệt: cấm xuất nhập cảnh đối với một người “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Với một phạm vi thẩm quyền rộng và không rõ ràng như vậy, đôi khi “công tác điều tra tội phạm” chỉ khởi đầu bằng một tin tố giác tội phạm, mà trường hợp của nữ nhà báo Hằng Nga là điển hình.

Khi ấy, thậm chí người ta chẳng cần đến các cơ quan tư pháp hay một vụ án dân sự đã được thụ lý hoặc một vụ án hình sự đã được khởi tố mà chỉ cần một tin tố giác tội phạm là đủ để công an vô hiệu hoá một quyền hiến định của người dân. Điều đó rõ ràng là cánh cửa rộng mở cho sự lạm quyền. Thẩm quyền của công an càng rộng thì quyền xuất nhập cảnh của công dân càng mong manh.

Quyền công dân thì trả về cho công dân

Hiện nay, tình trạng công dân bị cấm xuất nhập cảnh vì lý do an ninh là không hề ít, ít nhất đối với các trường hợp mà chính bản thân tôi biết rõ. Thế nên, vào một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta hứng thú xách va-li ra phi trường rồi tiu nghỉu đứng nhìn chiếc máy bay mình đã mua vé cất cánh nhưng không có mình thì cũng đừng quá thắc mắc, vì luật pháp của chúng ta đã “lỡ” vận hành theo cung cách như vậy.

Về phương diện lập pháp, việc ban hành Nghị định 136 là hành vi tự trao quyền của cơ quan hành pháp. Nghĩa là Hiến pháp và luật của Quốc hội không trao quyền nhưng họ tự ý quy định và thực thi. Đồng thời, văn bản này cũng có nội dung hạn chế quyền công dân chỉ bằng một lý do hết sức trừu tượng là “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” mà không cần thông qua quy trình xét xử của hệ thống tài phán tư pháp. Điều này hiển nhiên là vi hiến, cả về thẩm quyền lẫn nội dung. Thế nên, lẽ ra không nên ban hành Nghị định số 136 với nội dung như đang có.

Thay vào đó, các cơ quan tư pháp và thi hành án sẽ được Quốc hội, thông qua việc ban hành một đạo luật, trao cho quyền cấm xuất nhập cảnh đối với một người nào đó.

Thẩm quyền cấm xuất nhập cảnh có thể được mở rộng cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh với điều kiện thời hạn cấm xuất cảnh tương tự với thời hạn tạm giữ một người theo quy định tố tụng hình sự là không quá ba ngày. Quá hạn định này, nếu không có một vụ án hình sự được khởi tố cùng lệnh cấm xuất nhập cảnh để bảo đảm công tác điều tra, thì lệnh cấm xuất nhập cảnh mặc nhiên hết hiệu lực và công dân có quyền tự do thực hiện quyền của mình.

Và dù bất cứ trường hợp nào kể cả vì lý do an ninh, lệnh cấm xuất nhập cảnh chính thức đều phải được thông báo công khai cho đương sự biết để họ có thể hợp tác trong công tác điều tra hay vận dụng quyền khiếu nại hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền của mình. Đó mới là biểu hiện của một nhà nước pháp quyền mà thể chế hiện nay kêu gọi xây dựng.

Hiện nay, đã có ít nhất một công dân khởi kiện sự việc ra trước tòa án và nơi này vẫn đang xem xét hồ sơ khởi kiện. Tôi nghĩ rằng, bản thân việc khởi kiện để buộc cơ quan cấm xuất nhập cảnh ra trước tòa án để đối thoại đã là một giải pháp đáng khuyến khích.

Nếu không xây dựng được cơ chế vận hành theo hướng nêu trên thì quyền xuất nhập cảnh của công dân do hiến pháp công nhận chỉ còn là cái bánh vẽ đẹp đẽ, công chúng chỉ có thể thưởng thức nếu như không có tin tố giác tội phạm đề tên họ.

Đ.Đ.M.

Nguồn: http://www.luatkhoa.org/2017/11/mong-manh-quyen-xuat-nhap-canh/

****

‘Đụng’ đại gia Đà Nẵng, một nhà báo bị cấm xuất cảnh

Khánh An-VOA

clip_image003

Bản phối cảnh của Khu đô thị Đa Phước ở Đà Nẵng, dự án mà nhà báo Dương Hằng Nga cho rằng đã khiến bà bị "gây khó dễ".

Hội Nhà báo Việt Nam vừa lên tiếng trên báo chí cho biết hội này đang làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ vụ Công an Đà Nẵng cấm nhà báo Dương Hằng Nga xuất cảnh vì đơn tố cáo của “đại gia” Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là “Vũ nhôm”, người mà gần đây cử tri Đà Nẵng đặt câu hỏi vì sao lại có biệt danh “mafia của Đà Nẵng”.

Trao đổi với báo chí hôm 31/10, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam, ông Phan Hữu Minh, cho biết Công an Đà Nẵng đã có công văn xác nhận việc cấm xuất cảnh 3 tháng đối với nhà báo Dương Hằng Nga (tên thật là Dương Thị Hằng Nga), Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Tạp chí Giao thông Vận tải.

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho biết Hội nhận được đơn khiếu nại của bà Nga vào ngày 13/9, theo Tuổi Trẻ.

Trong đơn, bà Nga cho biết khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất để đi Myanmar, bà bị công an cửa khẩu lập biên bản không cho xuất cảnh với lý do bà thuộc diện “chưa được xuất cảnh” theo đề nghị của Công an thành phố Đà Nẵng.

"Gây khó dễ"

Bà Nga còn cho biết bà thường xuyên bị cơ quan công an triệu tập, thậm chí đưa người vào giường bệnh xét hỏi trong thời gian bà đang chăm sóc bố chồng đi mổ ở bệnh viện hồi tháng 6.

Nữ nhà báo cho rằng bà bị cơ quan công an điều tra “gây khó dễ” là do yêu cầu của ông Phan Văn Anh Vũ, biệt hiệu “Vũ nhôm”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xây dựng 79, vì 8 bài báo bà viết trước đó với nội dung chống tiêu cực tại dự án Khu đô thị Đa Phước, Đà Nẵng, mà tập đoàn của ông Vũ đầu tư.

Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 26/10 ở UBND thành phố Đà Nẵng, một đại diện của Công an Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, cho biết công an Đà Nẵng nhận được đơn tố giác tội phạm đối với công dân Dương Thị Hằng Nga từ đầu năm 2017 nên cơ quan này đã thực hiện các bước theo đúng quy trình.

“Việc cấm xuất cảnh là đúng, không có gì sai phạm”, Vietnamnet trích lời Đại tá Dũng.

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho hay trong văn bản trả lời cho Hội, Công an Đà Nẵng viện dẫn vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra đối với đơn tố giác của ông Vũ (cho rằng bà Nga đã viết một số bài báo có nội dung xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty, xúc phạm danh dự cá nhân ông), nên cơ quan an ninh điều tra không thông báo cho đương sự biết về đề nghị cấm xuất cảnh.

Vẫn theo văn bản trên, Công an Đà Nẵng khẳng định “điều tra viên không tự tiện vào bệnh viện mà được bà Nga gọi điện mời. Điều tra viên cũng chỉ thăm hỏi động viên người ốm chứ không phải xét hỏi như phản ánh của bà Nga”, theo trích dẫn của báo Tuổi Trẻ.

Trong đơn khiếu nại gửi Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chức năng, bà Nga nói Công an Đà Nẵng đã “hình sự hóa” vụ việc dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền công dân và tác nghiệp báo chí của bà.

Một đại diện của tạp chí Giao Thông Vận Tải, Thư ký Đỗ Hoàng Thạch, từ chối đưa ra nhận định với VOA về việc Trưởng đại diện của báo này bị cấm xuất cảnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Lưỡng, nói với VOA rằng tổ chức này sẽ chờ kết luận của cơ quan điều tra trước khi đưa ra quan điểm bênh vực cho nhà báo Dương Hằng Nga.

Ông Lưỡng nói: “Quan điểm của Hội Nhà báo Đà Nẵng chúng tôi là mọi việc xảy ra, khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thì đối với nhà báo, chúng tôi sẽ bảo vệ nhưng, trên cơ sở quan điểm của Hội Nhà báo Đà Nẵng, là bảo vệ phải theo pháp luật”.

Vũ "nhôm" là ai?

Dù là Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn nắm trong tay hàng chục dự án lớn ở các khu “đất vàng” Đà Nẵng, nhưng ông Phan Văn Anh Vũ khá kín tiếng trước truyền thông. Cái tên “Vũ nhôm” chỉ mới được nhắc đến gần đây trên báo chí sau vụ “doanh nghiệp tặng xe bất thường” cho thành phố Đà Nẵng bị phanh phui, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải “vào cuộc”.

Sau vụ này, “Vũ nhôm” lại liên tiếp bị nhắc đến trong hàng loạt vụ lùm xùm khác ở Đà Nẵng như Biệt thự ở bán đảo Sơn Trà, doanh nghiệp xé rừng…, nhưng nổi bật nhất là vụ hai lãnh đạo Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ, bị kỷ luật.

Tháng trước, trong lúc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tiếp xúc với cử tri quận Cẩm Lệ để chuẩn bị cho Kỳ họp 4 Quốc hội Khóa XIV, một số cử tri địa phương đã đặt câu hỏi “Vũ nhôm là ai mà người ta đặt cho biệt danh mafia của Đà Nẵng?”, theo Dân Trí.

Trả lời câu hỏi của VOA rằng “Liệu có hay không ‘vùng cấm’ đối với nhà báo khi đề cập đến Vũ nhôm?”, đại diện Hội Nhà báo Đà Nẵng nói:

“Nhà báo chúng tôi hoạt động theo nhiệm vụ và theo luật pháp. Nếu trường hợp ông Vũ sai thì đã có luật pháp, người ta sẽ điều tra và có ý kiến. Nếu ông Vũ sai, ông Vũ phải chịu hình phạt của pháp luật Việt Nam”.

Khu đô thị Đa Phước là một dự án lấn biển ở Đà Nẵng, do công ty TNHH Daewon của Hàn Quốc làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến 250 triệu đôla.

Dự án được khởi công ty năm 2008, với nhiều công trình lớn, bao gồm resort, sân golf 18 lỗ theo chuẩn quốc tế, chung cư cao tầng với 8.500 căn hộ, trường học quốc tế, bến du thuyền… Tuy nhiên, sau khi hoàn thành lấn biển giai đoạn 1, công ty Daewon đã “không thể tiếp tục dự án” vì “gặp nhiều trở ngại”, theo Người Lao Động.

Dự án đã được chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty TNHH Sunrise Bay, mà ông Phan Văn Anh Vũ là người đại diện pháp luật.

K.A.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/dung-dai-gia-da-nang-mot-nha-bao-bi-cam-xuat-canh/4093838.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn