Quy trình bổ nhiệm đúng mà sao cán bộ sai?

Lê Như Tiến (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

FB Son Dang bình: "Đặt ra quy trình là mày, cán bộ cũng của mày... thì thành ra nó sai là phải rồi! Thắc mắc gì!". Mày là đứa nào, thưa FB Son Dang?

Bauxite Việt Nam

Muốn làm được cây giò, phải trải qua nhiều bước: nào cho thịt vào giã, gói, rồi luộc lên. Nhưng không phải cứ thực hiện đầy đủ, tốn công theo quy trình là ra được giò ngon. Nếu thịt đưa vào bị ôi thiu thì rốt cuộc cũng chỉ có thể cho ra một cây giò thiu.

Cũng như vậy, nhiều người băn khoăn quy trình bổ nhiệm cán bộ đúng mà sao cán bộ sai? Đó là mới nói về đầu ra, còn cái cần quan tâm phải là đầu vào của quy trình cán bộ. Không thể có một đầu ra tốt khi đầu vào chỉ là nguyên liệu ôi thiu, kém chất lượng.

Quy trình chỉ là quy trình, vấn đề là lựa chọn người đầu vào để trải qua quy trình ấy ra sao. Nếu không lựa chọn kĩ lưỡng, quy trình lại dễ dàng được sử dụng để hợp thức hóa cho người không bảo đảm tiêu chuẩn. Như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, dù đã làm thất thoát bao nhiêu tỉ đồng khi còn ở Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí nhưng tại sao vẫn đưa vào quy trình bổ nhiệm thần tốc, nào Phó chánh văn phòng bộ, Vụ trưởng tại Bộ Công thương rồi còn lên nấc Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang? Cái sai ở đây đã thấy rõ khi chúng ta không bảo đảm được chất lượng đầu vào cán bộ.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 8-12-2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: "Tại sao người ta nói quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ? Thân quen "cánh hẩu", thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ... đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả".

Đúng là việc sử dụng cán bộ theo công thức 5 "ệ" (quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ, trí tuệ), 5 "c" (con cháu các cụ cả) đang rất phổ biến. 5 "ệ", 5 "c" đè lên các nguyên tắc khác, dẫn đến hậu quả 5 "đ" (đố đưa đi đâu được). Có kêu gọi bao nhiêu cho việc tinh giản biên chế, chọn lựa đưa người có tài, có đức vào cơ quan nhà nước mà vẫn vướng víu cái giằng rịt của 5 "ệ", 5 "c" thì cũng không làm gì được.

Sự việc nóng hổi liên quan ông Đinh La Thăng là câu chuyện đáng buồn của công tác cán bộ. Một lãnh đạo cấp cao từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM và sau này vẫn là Ủy viên Trung ương đảng không những bị kỉ luật mà còn bị khởi tố, bắt tạm giam thể hiện tinh thần xử lí "không có vùng cấm". Nếu chỉ tắm từ vai xuống thì không bao giờ sạch toàn diện. Gội từ trên xuống dưới cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Phải thu hồi tài sản tham nhũng

Việc xử lí cán bộ sai phạm có ý nghĩa cảnh báo với những người có ý đồ tham nhũng. Song quan trọng hơn là phải thu hồi được tài sản hình thành từ tham nhũng, trả lại cho nhân dân, cho đất nước. Không thể để "đời bố củng cố đời con", cán bộ tham nhũng bị xử vài năm nhưng tài sản do tham nhũng thì còn nguyên cho con cháu "ấm no nhiều đời".

Vì vậy, trong Luật Hình sự sửa đổi sắp tới cần đưa ra xem xét tài sản liên quan của người cận huyết thống với người tham nhũng.

Ngọc Hà ghi

Nguồn: https://tuoitre.vn/quy-trinh-bo-nhiem-dung-ma-sao-can-bo-sai-20171210084130911.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn