Thành phố thông minh

Ngày 5-12-2017, Vietnamnet.vn, "báo điện tử chính thống hàng đầu Việt Nam" đăng bài "Việt Nam sẽ có ít nhất 3 thành phố thông minh vào năm 2020" ( http://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/tin-cong-nghe/viet-nam-co-it-nhat-3-thanh-pho-thong-minh-vao-nam-2020-414862.html ), trong đó dự đoán "với việc hàng loạt các tỉnh, thành phố đang lập đề án xây dựng thành phố thông minh, Việt Nam thậm chí sẽ có hàng chục đô thị thông minh trong thời gian tới". Mời quý vị đọc 3 bài dưới đây để cùng nhất trí rằng Việt Nam đã có 2 thành phố thông minh và đã là một nước thông minh từ lâu rồi.

Bauxite Việt Nam

Hà Nội thông qua đề án tăng phí thuê lòng đường lên gấp 3 lần

Thế Anh

Chiều nay (5-12-2017), HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng mức phí thuê lòng đường, vỉa hè cao lên gấp 3 lần so với hiện tại, giá trông giữ phương tiện trên các tuyến phố cũng được tăng cao. Theo đó, mức phí sử dụng lòng đường hè phố sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Khu vực này sẽ tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng sử dụng lòng đường trông giữ ô-tô; từ 45.000 lên 135.000 đồng/m2/tháng đối với trông giữ xe máy.

Tại các khu vực tính từ trung tâm thành phố đến vành đai 3 cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng đối với các tuyến phố từ vành đai 1 đến đô thị lõi (250%); từ vành đai 2 đến vành đai 1 và từ vành đai 3 đến vành đai 2 tăng 130%; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành. Riêng đối với các điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh (iParking) được đề xuất thu phí theo tỉ lệ 30% doanh thu.

UBND TP Hà Nội đã phê duyệt mức giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố mới, sẽ được áp dụng chính thức từ ngày 1-1-2018. Cụ thể, xe máy tăng từ 3.000-5.000 đồng/xe/lượt, ô-tô tăng từ 30.000-50.000 đồng/xe/lượt. Có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1.700.000 đồng lên 2.600.000 đồng/ô-tô/tháng.

Đại diện Ban Kinh tế - ngân sách đề nghị UBND thành phố tăng cường quản lí, kiểm tra, kịp thời xử lí vi phạm sử dụng lòng đường, hè phố không phép, sai phép trông giữ phương tiện, làm ảnh hưởng đến trật tự đô thị, ùn tắc giao thông, thu giá trông giữ xe sai quy định và kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các trường hợp tái phạm. Cần tập trung quyết liệt hơn trong thực hiện đầu tư hệ thống giao thông tĩnh theo quy hoạch trên địa bàn để giảm dần việc sử dụng diện tích lòng đường, hè phố trông giữ phương tiện.

Trước những vấn đề đang diễn ra khi nâng cấp vỉa hè, nhiều đại biểu kiến nghị: Dư luận rất bức xúc về việc nâng cấp vỉa hè, câu chuyện ở đây là thành phố đã nâng cấp thế nào, đá ra làm sao, điều quan trọng nhất là thành phố đã chi ngân sách để nâng cấp vỉa hè. Vậy việc thu phí để tái đầu tư là cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm sao minh bạch.

Đáp lại những ý kiến của các đại biểu, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết tăng giá trông giữ xe trong khu vực lòng đường, vỉa hè còn trong các trung tâm thương mại, tòa nhà vẫn giữ nguyên. Việc tăng giá này được thực hiện theo giờ và theo từng khu vực trên địa bàn thành phố.

Tăng giá để người dân cân nhắc khi sử dụng phương tiện, từ đó đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân. Ngoài ra, việc này còn khuyến khích nhà đầu tư vào bãi đỗ xe tĩnh, để giảm đỗ xe dưới lòng đường.

T.A

Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-thong-qua-de-an-tang-phi-thue-long-duong-len-gap-3-lan-a350141.html

TP HCM sẽ tăng và thêm thuế, phí từ năm 2018

Văn Nam

Phát biểu tại kì họp lần thứ 6 HĐND TPHCM khai mạc sáng 4-12, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết  Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Nghị quyết của Quốc hội đề cập các lĩnh vực cho thành phố gồm: quản lí đất đai, quản lí đầu tư, quản lí ngân sách, quản lí tài chính ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền.

Phân tích về những thuận lợi mà cơ chế đặc thù mang lại, ông Nhân nêu ví dụ, mỗi một ngày thành phố đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng cho hạ tầng xã hội, trong đó có các dự án nhóm A do ngân sách thành phố chi cũng phải trình Chính phủ quyết định nên kéo dài, Quốc hội giao quyền quyết định đầu tư dự án nhóm A cho thành phố thì sẽ giúp rút ngắn thời gian ra quyết định. Hoặc như diện tích đất nông nghiệp cho trồng lúa đã được xác định nhưng quá trình phát triển có sự thay đổi thì cần điều chỉnh nhưng phải xin phép Thủ tướng. Do đó, Quốc hội cho phép HĐND thành phố quyết định điều này thì sẽ giúp triển khai công việc nhanh chóng hơn.

Đối với cơ chế tài chính, ông Nhân phân tích trong nhiệm kì tới thành phố được phân chia tỉ lệ ngân sách để lại là 18% (giảm so với 23% trong nhiệm kì trước), tỉ lệ này không thay đổi và không làm ảnh hưởng ngân sách trung ương nên Quốc hội thấy rằng cần phải tạo điều kiện để thành phố có nguồn thu lớn hơn, chống thất thu bằng nội lực của mình song song với việc trung ương để lại một số khoản thu mà lâu nay được điều tiết về trung ương.

"Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực từ 15-1-2018 và thời điểm này trở đi HĐND thành phố sẽ làm nhiều việc để thực hiện cơ chế thí điểm này. Chẳng hạn thành phố có thể xem xét bổ sung một số loại phí hoặc mức phí trên địa bàn thành phố vừa để điều tiết hành vi người tiêu dùng vừa góp phần tăng nguồn thu. Ngoài ra, có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá hoặc thuế môi trường" - ông Nhân nói.

Ông Nhân đề nghị UBND thành phố có thể trước tháng 6-2018 trình một số đề xuất liên quan phí, thuế nói trên để HĐND thành phố thông qua gắn với lấy ý kiến của người dân, chuyên gia để có thể áp dụng từ giữa năm 2018.

Theo báo cáo của UBND thành phố, trong năm 2017 thành phố thu ngân sách đạt 347.982 tỉ đồng, tăng gần 13% so với năm 2016. Trong năm 2018, kế hoạch thành phố sẽ thu đạt 376.780 tỉ đồng, tăng 8,28% so với thực hiện năm 2017.

V.N

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/265860/TPHCM-se-tang-va-them-thue-phi-tu-nam-2018.html

TP HCM thu phí ô tô vào trung tâm: Chống ùn tắc hay lạm thu?

Quốc Anh

Ngày 12-12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án "Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông".

Tại đây, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng cần có đánh giá lại đối với loại phí này để tránh tình trạng phí chồng phí. Người dân vừa đóng phí sử dụng đường bộ lại vừa đóng phí chống ùn tắc giao thông. Theo luật sư Hòa, đề án sẽ không mang lại hiệu quả chống ùn tắc giao thông cũng như hiệu quả kinh tế và không nêu lên giải pháp đồng bộ là chống ùn tắc giao thông đi liền với tăng lượng người sử dụng giao thông công cộng. Luật sư đề nghị cần làm rõ tính hiệu quả, tác động vào nhân dân, xã hội như thế nào. "Tôi thấy cứ thu bao nhiêu được thì thu chứ không thấy nhân dân được gì" - bà Hòa nói.

Trong khi đó, ông Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn phản biện - Ủy ban MTTQVN TP HCM đề nghị cần cân nhắc kĩ đề án. Mục đích cao nhất là giải quyết ùn tắc giao thông chứ không phải là thu phí. "Nguyên nhân lớn nhất của ùn tắc giao thông là ý thức người tham gia giao thông. Nếu nói xe vào trung tâm nhiều kẹt thì phải có con số cụ thể, lượng xe vào trung tâm là bao nhiêu, loại xe gì? Phải phân tích thời gian cao điểm, thấp điểm... Khảo sát mà nói chung chung thì đánh giá không được và không mang lại hiệu quả" - ông Khiêm nói. Băn khoăn về tính khả thi của đề án, ông Khiêm cho rằng việc thu phí ô tô vào trung tâm chỉ thực hiện được khi có sự đồng thuận của người dân và quyết tâm của lãnh đạo thành phố. "Quận 1, quận 3 là đầu não kinh tế. Nếu thu phí sẽ tăng phí giao thông, khi đó giá cả cũng tăng, gây ra bất bình đẳng, ngươi dân phản ứng thì xử trí ra sao? Trong điều kiện hiện nay sử dụng xe buýt không hiệu quả, người ta chủ yếu sử dụng xe máy, giảm ô tô lại bùng xe máy" - ông Khiêm nói.

Ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM - cho biết để bảo đảm tính khả thi cho đề án thì cần làm rõ tính đồng bộ với các giải pháp khác để giảm ùn tắc giao thông. Theo ông, ô-tô là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe chính. Ông đề nghị làm rõ phân tích hiệu quả xã hội, hiệu quả đầu tư của dự án. "Nếu không có quyết tâm của lãnh đạo thành phố thì rất khó làm" - ông Trường nói.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nhận địn, đề án mông lung, không thuyết phục, không có cơ sở nào để tiên liệu giảm 40 % ô tô vào trung tâm thành phố. Đề án thiếu điều tra xã hội học, thiếu thực tiễn, cơ sở khoa học và quan tâm đến người dân thành phố. "Tôi mua được ô-tô vài trăm triệu, phí vào trung tâm 40.000-50.000 đồng chỉ bằng tô phở thì hà cớ gì mà tôi không vào trung tâm. Vậy làm sao để giảm ùn tắc giao thông? Ngay cả mục đích thu phí để giảm kẹt xe cũng không trọn vẹn" - ông Ninh đặt vấn đề.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở GTVT TP - cho biết đề án chỉ được thực hiện khi có sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố và đồng thuận của người dân. Sở sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố về việc này để có quyết sách chính xác. Ông cho biết sẽ phát phiêu thăm dò và điều tra xã hội hóa để hoàn thiện đề án.

Theo Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (đơn vị tư đề xuất dự án thu phí), vành đai khép kín sẽ có 34 cổng thu phí, nhằm giảm lượng ô-tô cá nhân vào khu vực nội thành giờ cao điểm. Hệ thống này không làm ảnh hưởng đến giao thông và gây ùn tắc tại vị trí dự kiến triển khai cổng thu phí. Phí xây dựng khoảng 1.500 tỉ đồng do nhà đầu tư bỏ ra, thực hiện theo hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời hạn 15 năm (2020-2035). Về mức phí, ô-tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ô-tô khách là 50.000 đồng. Xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy…). Xe buýt không bị thu phí; giảm 25 % đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng kí trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%. Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6-9h và 16-19h) để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp. Theo tính toán của đề án, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ô-tô vào khu trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49 %, nhường đường cho xe buýt tăng 8 %, vận tốc lưu thông tăng 10,3 %. Nhờ tiết kiệm thời gian di chuyển ở khu vực trung tâm, mỗi năm toàn bộ người dân thành phố tiết kiệm được 12.000-15.000 tỉ đồng chi phí giao thông và trong 15 năm tiết kiệm được 245.000 tỷ đồng. So với tổn thất giao thông toàn thành phố hiện nay lên đến 1,5-2 tỉ USD một năm thì khi triển khai dự án sẽ giảm tổn thất 10%.

Q.A

Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-thu-phi-o-to-vao-trung-tam-chong-un-tac-hay-lam-thu-201712121630448.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn