Đâu rồi những người con Chúa, con Phật tại Việt Nam?



Thục Quyên

Ngày 2-1-2018 và 3-1-2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xử sơ thẩm vụ án nổ súng làm 16 người thương vong xảy ra vào ngày 23-10-2016 tại tiểu khu 1535 - xã Quảng Trực - huyện Tuy Đức - tỉnh Đắk Nông liên quan Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Long Sơn (1). Một nông dân, ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, bị tuyên án tử hình.

Đức Giáo Hoàng Francisco mạnh mẽ chống án tử hình

"Đài Vatican", tiếng nói của Đức Giáo hoàng và Giáo hội, ngày 12-10-2017 đã đăng tin Đức Thánh Cha Francisco tái khẳng định lập trường chống án tử hình và kêu gọi nhấn mạnh đến vấn đề này hơn trong sách giáo lí Công Giáo (2).
 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến lúc 6 giờ chiều ngày 11-12-2017 dành cho các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa thánh tái truyền giảng Tin Mừng tổ chức tại Hội trường Thượng HĐGM ở Vatican, nhân dịp kỉ niệm 25 năm công bố Sách giáo lí của Hội Thánh Công giáo. Đức Thánh Cha nói:
 "Cần phải mạnh mẽ khẳng định rằng án tử hình là một biện pháp vô nhân đạo hạ nhục phẩm giá con người, bất kì án này được thi hành thế nào. Tự nó, án tử hình là điều trái ngược với Tin Mừng vì người ta chủ ý loại bỏ một mạng sống con người vốn là điều luôn luôn thánh thiêng trước mắt Đấng Tạo Hóa và xét cho cùng, chỉ một mình Thiên Chúa là thẩm phán đích thực và là vị bảo đảm sự sống. Không bao giờ một người, dù là kẻ sát nhân, bị mất phẩm giá của họ" (Thư gửi Chủ tịch Ủy ban quốc tế chống án tử hình, 20-3-2015), vì Thiên Chúa là một người cha luôn chờ đợi người con trở về, người con này khi biết mình lầm lỗi, xin tha thứ và bắt đầu một cuộc sống mới. Không thể tước bỏ sự sống của một ai, và cũng không thể trước bỏ khả thể phục hồi luân lí và cuộc sống có thể mưu lợi cho cộng đoàn".
 Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng trong những thế kỉ trước đây, khi người ta còn nghèo, các phương thế bảo vệ và sự trưởng thành xã hội chưa tiến triển tích cực, việc sử dụng án tử hình được coi như hậu quả hữu lí của việc áp dụng công lí. "Rất tiếc là cả Nước Tòa Thánh cũng đã sử dụng phương thế cùng cực và vô nhân đạo này mà coi nhẹ quyền tối thượng của lòng thương xót trên công lí. Chúng ta nhận các trách nhiệm của quá khứ và chúng ta nhìn nhận rằng những phương thức ấy là do một não trạng vụ luật hơn là hợp với tinh thần Ki-tô. Sự quan tâm bảo tồn quyền bính và sự giàu có vật chất đã đưa tới thái độ quá đề cao giá trị của luật lệ, ngăn cản người ta đi sâu hơn trong sự hiểu biết về Tin Mừng. Tuy nhiên, ngày nay nếu cứ giữ thái độ không thay đổi trước những đòi hỏi mới để tái khẳng định phẩm giá con người, thì chúng ta sẽ có lỗi nhiều hơn".

Đức Đạt Lai Lạt Ma không ngừng lên tiếng chống án tử hình 

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ủng hộ Tổ chức Ân xá quốc tế chống hình phạt tử hình và ngài đã rất nhiều lần lên tiếng chống đối nó. Ngài phản đối án tử hình vì nó trừng phạt con người chứ không trừng phạt hành động. Không sát sinh là giới đầu tiên trong ngũ giới.

Trả lời câu hỏi "Xã hội có cần bản án tử hình ?"
, ngài nói:
" Dù hành động người đó làm có khủng khiếp tới đâu chăng nữa, tôi tin rằng mọi người đều có khả năng cải tiến và sửa chữa chính bản thân mình, vì vậy tôi lạc quan tin rằng vẫn có thể ngăn chặn các hoạt động phạm tội và ngăn chặn các hậu quả tai hại của những hành vi như thế trong xã hội mà không cần phải sử dụng án tử hình.
Tôi có niềm tin vững chắc là những kẻ phạm tội luôn luôn có thể cải thiện. Án tử hình, với  tính quyết định cuối cùng của nó, mâu thuẫn điều này. Vì vậy, tôi ủng hộ các tổ chức và cá nhân đang cố gắng chấm dứt việc sử dụng án tử hình" (3)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tích cực chống án tử hình tại Việt Nam

Tháng 8-2013, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng với tứ chúng và các thân hữu Làng Mai đã gửi thư tới ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, yêu cầu ông Sang với sự đồng thuận của nhà nước CHXHCN Việt Nam bãi bỏ án tử hình tại Việt Nam (4). Thư viết: 
"Hiện giờ trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã bãi bỏ án tử hình. Năm 2010, chỉ còn lại 21 quốc gia thi hành án này… Vào đầu đời Lý, các phương pháp hành quyết như bỏ vào vạc dầu, voi giày, ngựa kéo… đã được bãi bỏ vì lúc ấy đất nước ta đã bắt đầu thấm nhuần sự giáo hoá của đạo Bụt. Vào thời của Bụt, Angulimala đã được vua Ba Tư Nặc ân xá và cuối cùng đã trở nên một trong những người nhân từ nhất trong giáo đoàn của Bụt.
Nếu Nhà nước Việt Nam đồng ý, chúng tôi có thể gửi các vị giáo thọ xuất sĩ hoặc cư sĩ vào trong các nhà tù để hướng dẫn tu tập và giúp cho các tù nhân chuyển hóa và tìm lại được niềm vui sống ngay trong những ngày ở tù, như chúng tôi và các bằng hữu của chúng tôi đã và đang làm trong một số nhà tù ở khắp nơi trên thế giới".
Trong quyển "Câu trả lời từ Trái tim: trả lời thực tiễn cho các câu hỏi nóng bỏng của cuộc sống" (5), Thầy Nhất Hạnh đã chỉ rõ án tử hình không phải lả một cách hữu hiệu để giải quyết vấn đề.  "Giết người đó, chẳng những sẽ không giúp gì cho anh ta mà cũng không giúp ích gì cho chúng ta. Trong xã hội còn có nhiều người như vậy. Hãy nhìn sâu vào người đó để hiểu rằng có những điều băng hoại trong xã hội của chúng ta để có thể tạo ra những người như thế, những hoàn cảnh như thế. Những người này cần nhận cả sự giúp đỡ chứ không phải chỉ là hình phạt… Lẽ dĩ nhiên chúng ta phải nhốt người phạm pháp lại để có an toàn cho người khác, nhưng nhốt lại không phải là điều duy nhất chúng ta có thể làm.Chúng ta có thể làm thêm những cách khác để giúp anh ta và xã hội. Trừng phạt không phải là điều duy nhất, chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều".
Những điều băng hoại nào trong xã hội đã gây ra vụ án Đắk Nông vả đưa đến một nông dân phạm tội giết người để bị kết án tử hình? Một tội nhân khác trong vụ án, ông Ninh Viết Bình, 35 tuổi, người bị tuyên án 20 năm tù, đã nói trong nước mắt lời sau cùng: "Nếu không có Công ty Long Sơn thì hôm nay các bị cáo đã không có mặt tại tòa và đã không gây ra tội lỗi".
Đạo đức xã hội Việt Nam ngày nay ra sao mà thờ ơ để dân lại mất nhà, mất đất, mất mọi điều kiện để tồn tại? Trong khi đó thì xã hội im lìm chứng kiến cường quyền tham nhũng, ngoại bang xâm lược?

Đâu là những người con Chúa, con Phật tại Việt Nam?

Nếu cứ theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (6) thì năm 2008 con số tín đồ quy y Tam bảo đã gần 45 triệu, có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.498 tăng ni; hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường trong cả nước. Ngoài ra, từ 80% đến 90% dân số Việt Nam mang thiên hướng Phật giáo.
Theo thống kê của Văn phỏng Tổng thư kí Hội đồng Giám mục Việt Nam (7) thì tính tới ngày 31-12-2010, GHVN hiện có trên 4.050 linh mục, 3.946 chủng sinh, 2.281 tu sĩ nam, 15.352 tu sĩ nữ, 57.000 giáo lí viên, gần 1 triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo tiến hành, khoảng 6.400.567 tín hữu giáo dân nghĩa là khoảng 7,18% dân số Việt Nam.
Và nếu thêm vào con số những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Hội thánh Tin Lành, thì phải suy ra là hơn nửa dân số Việt Nam lả những người tự nhận mình là con Chúa hay con Phật.
Mong rằng các con của Chúa và Phật không vì bận bịu xây chủa, đắp tượng, đi du lịch hành hương, đọc kinh, cúng kiếng... mà quên sống theo giáo lí của tôn giáo mình. 

T.Q
(Tác giả gửi BVN)
(4) https://plumvillage.org/news/letter-to-the-president-of-vietnam/
(5) http://www.spiritualityandpractice.com/books/reviews/excerpts/view/21711
(6) http://giacngo.vn/thoisu/2008/11/07/534252/
(7) http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=461

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn