Kì lạ hay không?

Nam Phương

Bài đầu ghi rõ "đường bờ ao của gia đình", bài sau ghi rõ "người dân tự đóng góp kinh phí để làm cầu bê-tông mới", sao vẫn thấy "kì lạ", vẫn thấy "sai"? Nam Phương, Trần Thường nên tới các trạm thu phí BOT mọc chi chít trên các quốc lộ, tỉnh lộ… mà tìm hiểu, viết bài.
Bauxite Việt Nam

Kì lạ "BOT bờ ao" thu phí 5 nghìn đồng một lượt

Muốn vào tham quan đảo hoa anh đào ở Điện Biên, du khách phải bỏ ra 5 nghìn đồng cho ông chủ lập rào chắn "BOT bờ ao". Sự việc được anh Phạm Huy Anh (Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội khi anh đi trên đoạn đường tắt đến điểm tham quan lễ hội hoa anh đào tổ chức ở xã Mường Phăng (Điện Biên) vào ngày đầu năm 2018.

Theo anh Huy Anh, khi đi đến xã Pá Khoang - huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) phải trả 5 nghìn đồng/xe máy cho một người tự xưng là chủ bờ ao thì mới được đi qua. Để thu tiền, người đàn ông đã lập một rào chắn bằng tre ngang đường bờ ao của gia đình. Trên rào chắn ghi dòng chữ: "5000 đồng/1 xe máy đi qua bờ ao".
Theo đoạn clip ghi lại, lí do người đàn ông này lập rào chắn thu tiền là vì đây là bờ ao, không phải là đường nên muốn đi qua phải trả tiền công làm bờ ao. Khi khách du lịch thắc mắc về việc thu phí thì ông chủ "BOT bờ ao" nhấn mạnh: "Thích đi thì đi, không đi thì thôi". Và chỉ thu tiền chiều đi, chiều về thì không phải mất phí.

Chiều 2-1, Chủ tịch UBND xã Pá Khoang Quàng Văn Việt xác nhận sự việc xảy ra tại đường mòn vào đảo hoa anh đào, đoạn qua bờ ao gia đình ông Lò Văn Chanh (ở bản Co Thón). "Khi tiếp nhận sự việc, xã đã cử công an viên xuống hiện trường lập biên bản và đề nghị ông Chanh dừng ngay việc lắp rào thu phí" - ông Việt cho biết. Theo Chủ tịch xã Pá Khoang, công an đang làm việc với ông Chanh để làm rõ có bao nhiêu khách du lịch đi qua đường bị thu phí, số tiền thu được bao nhiêu để có biện pháp xử lí.

Được biết, lễ hội hoa anh đào nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Điện Biên; nét văn hóa tiêu biểu của đất nước, con người Nhật Bản. UBND tỉnh Điện Biên tổ chức sự kiện Hoa Anh Đào với chủ đề du ngoạn Pá Khoang ngắm hoa anh đào tại xã Pá Khoang và Mường Phăng (huyện Điện Biên) cùng trung tâm TP Điện Biên Phủ. Lễ hội dự kiến tổ chức từ ngày 5 tới ngày 8-1-2018.

N.P

Trạm "BOT" làng sừng sững 19 năm ở Thủ đô

Trần Thường

19 năm nay, người dân xã khác muốn đi qua cây cầu thuộc xã Văn Hoàng (Phú Xuyên - Hà Nội) đều phải nộp phí cho trạm thu phí của thôn Nội. Barie là một cây sào chắn ngang đường, có người túc trực để thu phí. Mức phí với người đi bộ là 1.000 đồng, xe đạp điện 3.000, xe máy 4.000, ô tô 5.000, các loại xe bán tải tương đương 1 tấn 10.000.

Ông Nguyễn Xuân Hải, trưởng thôn Nội lí giải: Trước đây, đất thôn Nội liền thổ, năm 1937 người Pháp nắn dòng sông Nhuệ làm cách trở ruộng vườn của bà con, muốn sang bên kia bờ người dân phải đi lại bằng thuyền nên thường xảy ra đuối nước. Năm 1960, người dân thôn Nội đóng góp kinh phí, chặt phi lao, bạch đàn, tre để làm cầu phao. Đến năm 1976, cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, thôn được Tổng cục Đường sắt cấp cho một số thanh tà vẹt để làm lại cầu. Năm 1998, người dân tự đóng góp kinh phí để làm cầu bê-tông mới. Số kinh phí xây cầu lúc đó quá lớn, cán bộ và người dân thôn Nội đã nhất trí thu phí qua lại để duy tu bảo dưỡng và chi trả một phần kinh phí cho thôn vì đã bỏ tiền xây dựng và cử người trông nom quản lí.

Ông Hải cho biết hàng năm hộ dân nào muốn thu phí thì phải đấu thầu. Hộ dân trúng thầu sẽ nộp cho thôn một khoản tiền và có trách nhiệm trông nom, quản lí cầu. Mỗi năm, thôn đều phải dành 30-35 triệu đồng cho việc tu sửa cầu. Số tiền còn lại sẽ được dùng để chi trả cho các công trình phúc lợi của địa phương.

"Trạm BOT" thôn Nội đã tồn tại như vậy suốt gần 20 năm qua. Tháng 7-2017, gia đình bà Thuận đã trúng thầu thu phí. Bà Thuận cho biết từ sáng sớm đến 9h tối gia đình cắt cử người ra thu phí. Nếu ai không muốn trả phí qua cầu có thể đi vòng qua đường khác cách đó 4-5 km.

Ông Đào Khánh (54 tuổi), thường xuyên đi qua đây cho biết: "Luật lệ của làng xã đã có từ lâu, mỗi lần qua đây, phí phải trả là 4.000 đồng. Nếu không qua cầu thì phải đi vòng xa hơn. Dân ở đây đầu tư xây dựng cầu thì họ thu phí, tôi thấy cũng bình thường".

Ông Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ văn phòng, đại diện UBND xã Văn Hoàng thừa nhận việc thu phí của thôn theo quy định pháp luật là sai, việc thu phí qua cầu tại thôn Nội đã có từ rất lâu và xã không phản đối. Do xã không có nguồn kinh phí nên đã ủy quyền cho thôn, để duy tu và bảo dưỡng cầu nên buộc phải thu phí.

Xã cũng đã làm báo cáo gửi lên cấp trên mong tạo điều kiện để cho nhân dân thôn Nội thu phí bảo dưỡng cây cầu hàng năm. Nếu huyện cấp kinh phí cho thôn hoặc cho xã bảo dưỡng cầu thì thôn Nội sẽ không thu phí nữa. Ngày 7-12, UBND huyện Phú Xuyên đã có văn bản yêu cầu xã Văn Hoàng dừng ngay việc thu phí nhưng người dân vẫn muốn thu đến hết năm. Từ năm 2018 sẽ không còn tình trạng thu phí ở điểm này nữa. Huyện sẽ lập chủ trương đầu tư trung hạn 2018-2020, đề xuất với UBND TP sớm có chủ trương hỗ trợ kinh phí..

T.T

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn