Một chiếc điều khiển chỉ nặng 1,2kg bắt làm thủ tục 8 lần tại hai bộ

Vũ Minh


Nếu bỏ những thủ tục ấy thì làm gì còn tiền, còn đảng, còn mình…
Bauxite Việt Nam
Một ví dụ điển hình của thực trạng chồng chéo trong quản lí, kiểm tra chuyên ngành vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu ra trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 19.

Một chiếc điều khiển cần trục xe nâng nhỏ như vậy nhưng phải làm thủ tục tới 8 lần tại nhiều cơ quan khác nhau thuộc 2 bộ Công thương và Thông tin truyền thông.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ cho biết thực trạng chồng chéo trong quản lí, kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan, bộ ngành vẫn đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Quản lí, kiểm tra chuyên ngành chồng chéo giữa các bộ (Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế, Bộ đội biên phòng, Hải quan...) trên các lĩnh vực vẫn chưa được cải thiện.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tình trạng một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau cùng thuộc bộ đã và đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ mặt hàng thức ăn chăn nuôi/nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi: Nếu có nguồn gốc thực vật thì vừa phải kiểm dịch thực vật tại cơ quan kiểm dịch thực vật, vừa phải kiểm tra chất lượng tại Cục Chăn nuôi; nếu có nguồn gốc động vật thì vừa phải kiểm tra thú y tại cơ quan thú y, vừa phải kiểm tra chất lượng tại Cục Chăn nuôi. Nếu có nguồn gốc thuỷ sản thì vừa phải kiểm tra thú y tại cơ quan thú y, vừa phải kiểm tra chất lượng tại Tổng cục Thuỷ sản.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) rất khó khăn, phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí. Theo phản ánh của doanh nghiệp thì Cục Chăn nuôi chỉ có một cán bộ phụ trách toàn bộ công việc cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá cho các doanh nghiệp trên cả nước nên thời gian thực hiện nhanh hay chậm, dễ hay khó hoàn toàn phụ thuộc cán bộ này.

Tình trạng này tương tự việc cấp văn bản đồng ý kiểm dịch tại Cục Thú y.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 25-10-2017 có nêu rõ: "Đối với 6 nhóm hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ kiên quyết bố trí hợp lí trong quý IV-2017". Nguyên tắc bố trí hợp lí của bộ này đưa ra là: Đối với hàng hóa mà chỉ tiêu kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm tương tự nhau thì giao cho một đơn vị thực hiện; Trường hợp hàng hóa mà các chỉ tiêu kiểm tra chuyên ngành khác biệt thì giao một đơn vị chủ trì, đơn vị còn lại phối hợp để kiểm tra cùng một thời điểm, một điểm địa, doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ tại đơn vị chủ trì để tiết kiệm thời gian, chi phí. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết đến thời điểm hết quý IV-2017, những trở ngại do quản lí chồng chéo nêu trên của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn chưa được cải cách như cam kết của bộ. Về kiểm định kĩ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động thuộc quản lí của 10 Bộ (theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016). Cụ thể: Bộ Lao động, thương binh và xã hội (nồi hơi), Bộ Công thương (nồi hơi có áp suất trên 16 bar), Bộ Xây dựng (máy khoan), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (máy kéo dùng trong nông lâm nghiệp), Bộ Thông tin truyền thông (đài phát thanh có công suất phát cực đại từ 150W trở lên), Bộ Khoa học và công nghệ (thiết bị bức xạ), Bộ Giao thông vận tải (các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được lắp đặt, sử dụng trên phương tiện giao thông vận tải), Bộ Quốc phòng (máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phục vụ quốc phòng, an ninh), Bộ Công an (máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phục vụ quốc phòng, an ninh), Bộ Y tế (máy, thiết bị, vật tư thuộc ngành y tế). Theo phản ánh của doanh nghiệp, để nhập khẩu một chiếc điều khiển cần trục xe nâng (nặng 1,2 kg) phải làm thủ tục 8 lần tại nhiều bộ phận khác nhau của 2 bộ gồm Bộ Công thương và Bộ Thông tin truyền thông. Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kiểm tra giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền như nhau với cả cơ quan hải quan và bộ đội biên phòng, gây tốn kém về thời gian và bức xúc cho doanh nghiệp. Ngay sau khi Nghị quyết 19-2017 được ban hành, Bộ Quốc phòng đã báo cáo ngay nội dung liên quan quy định bộ đội biên phòng kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền tại Thông tư 09/2016/TT-BQP. Theo đó, Bộ Quốc phòng báo cáo đang tích cực phối hợp các bộ liên quan hoàn chỉnh dự thảo thông tư sửa đổi để bảo đảm phù hợp Luật Hải quan, đồng thời đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Bộ đội biên phòng. Tuy vậy, đã gần 1 năm từ thời điểm Bộ Quốc phòng báo cáo, vẫn chưa có thay đổi, đề xuất nào được đưa ra và thực hiện.

V.M

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn